Tiêu hủy hàng trăm “siêu xe” chở gỗ của lâm tặc
Ngày 10/5, Vườn quốc gia Yok Đôn đã tiêu hủy hàng loạt xe đạp, xe máy “độ chế” của lâm tặc được lực lượng kiểm lâm bắt giữ khi lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ trái phép trong lâm phần của vườn.
Hàng loạt xe đạp “chế” của lâm tặc bị kiểm lâm VQG Yok Đôn bắt giữ khi chưa tiêu hủy.
Ông Trần Văn Thành – Quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn – cho biết, số xe máy, xe đạp “độ chế” của lâm tặc mà vườn này đã tiêu hủy là 750 chiếc, ngoài ra còn có một số phương tiện khác. Sau khi tiêu hủy, Vườn quốc gia Yok Đôn đã thu được 26 tấn thép, bán hóa giá được 190 triệu đồng nộp ngân sách.
Theo quyền Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn Trần Văn Thành, toàn bố số xe “độ chế” nói trên được tịch thu, tạm giữ trong năm 2012.
Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2013, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn đã tịch thu thêm 264 xe “độ chế”, trong đó xe máy là 65 chiếc, xe máy đạp thồ là 199 chiếc nhưng chưa tiêu hủy.
Mỗi xe đạp “chế” được gia cố có sức chịu lực, dễ dàng băng rừng lội suối…
Video đang HOT
Qua tìm hiểu, ở Vườn quốc gia Yok Đôn, sau khi triệt hạ gỗ trái phép để vận chuyển ra ngoài, lâm tặc ít khi sử dụng xe lớn vì loại xe này dễ bị phát hiện, khi bị bắt thì thiệt hại tài sản lớn.
Để luồn lách dễ hơn, hiệu quả hơn, lâm tặc đã “chế” ra nhiều phương tiện vừa rẻ tiền, vừa cơ động. Trong đó nổi bật nhất là xe máy, xe đạp “độ chế”. Đây là 2 loại phương tiện được lâm tặc coi là thiết thân, “cơ động” mạnh nhất và rất hiệu quả để khai thác gỗ trong Vườn quốc gia Yok Đôn.
Đặc điểm của 2 loại xe này là có tải trọng lớn, di chuyển được trên mọi loại địa hình, sức chở có thể lên đến hơn 1 tấn. Loại xe này khi di chuyển trong rừng không tạo ra tiếng ồn, dễ dàng băng rừng, lội suối… bằng sức đẩy thông thường của con người.
Khi vận chuyển gỗ, nếu bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, lâm tặc dễ dàng vứt xe tháo chạy.
Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tiêu hủy số xe, bán hóa giá nộp ngân sách.
Để làm ra loại xe này, người thợ đã tháo bỏ các chi tiết không cần thiết, chỉ giữ lại bộ khung sắt, sau đó gia cố thêm các thanh sắt cứng ở giữa thân xe.
Đặc biệt, đối với xe đạp thì vành xe được thay bằng vành xe máy, cỡ tăm cứng hơn, gia cố các vòng thép có sức chịu lực dẻo dai. Sau khi hoàn thiện, giá trị mỗi chiếc xe đạp “độ” ước tính từ 7 đến 8 triệu đồng.
Theo Dantri
Nhọc nhằn "giải cứu" chú voi hoang dã 6 tuổi bị dính bẫy thú
Đến chiều 8/5, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa thể "giải cứu" thành công một chú voi hoang dã được xác định khoảng 6 đến 7 tuổi, bị thương khá nặng do dính bẫy thú ở chiếc vòi trong lúc đi ăn theo đàn.
Khu vực nơi chú voi hoang dã di chuyển sau khi bị dính bẫy.
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, chú voi nói trên nặng khoảng 7 tạ, chiều cao 1,2 mét, dài khoảng 3 mét được phát hiện dính bẫy thú ở chiếc vòi vào chiều 7/5, tại tiểu khu 453, Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn.
Nhận được tin báo, ngay trong chiều ngày 7/5, VQG Yok Đôn đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk huy động 2 voi nhà, 4 nài voi, 1 xe ô tô chở thức ăn (mía, chuối) và hơn 10 cán bộ, bác sỹ thú y... lập tức vào khu vực phát hiện voi dính bẫy thú để tiến hành công tác cứu hộ, tiêm thuốc chữa trị.
Chú voi rừng bị dính bẫy.
Sau hơn 12 giờ cho voi nhà di chuyển xuyên đêm, vượt hơn 35 km đường rừng, đến 10h sáng ngày 8/5 đoàn cứu hộ mới tiếp cận được khu vực chú voi dính bẫy để tiến hành "giải cứu".
Ông Trần Văn Thành - Quyền giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, việc tiếp cận và cứu hộ chú voi dính bẫy gặp nhiều khó khăn vì điều kiện rừng núi phức tạp, nhiều sông suối, bên cạnh đó chú voi rừng rất hung dữ, khi 2 voi nhà tiếp cận ứng cứu thì bị tấn công. "Chú voi đang bị thương ở vòi khá nặng, đã rất yếu rồi. Hiện nay, 2 con voi nhà cùng lực lượng cứu hộ chưa bắt được chú voi rừng nên chưa thể tháo được chiếc bẫy ra ngoài. Chúng tôi cũng chưa thể tiến hành việc tiêm thuốc để chữa trị cho voi", ông Trần Văn Thành nói.
Theo ông Thành, trong trường hợp nếu lực lượng cứu hộ dùng voi nhà không thể bắt được chú voi rừng và tháo chiếc bẫy, nhiều khả năng sẽ tính đến việc mời chuyên gia về thú y, hoặc chuyên gia về động vật hoang dã để bắn gây mê. "Nếu không cứu hộ kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con voi này", ông Thành nhận định.
Chú voi hoang dã bị dính bẫy thường xuyên di chuyển nên gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ.
Trong khi đó, theo một kiểm lâm của VQG Yok Đôn, chú voi hoang dã này đã bị dính bẫy cách đây ít hôm nên đã xuất hiện mùi hôi thối. "Do dính bẫy ở vòi nên voi rất hung dữ, ăn uống rất khó khăn vì vết thương ở vòi", vị cán bộ này nói.
Hiện nay, chú voi hoang dã bị dính bẫy đang bị lạc đàn, thường xuyên di chuyển nên gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ. Các cán bộ VQG Yok Đôn và Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk vẫn đang tích cực bám theo dấu chân di chuyển của voi rừng nhưng do "giải cứu" bằng các biện pháp thủ công nên chưa thể thành công.
Theo Dantri
Huy động thêm 2 voi nhà cứu hộ con voi rừng bị thương do sập bẫy Sáng 10-5, thông tin từ Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được con voi rừng mắc bẫy đang bị thương. Sau khi bị mắc bẫy, con voi này có biểu hiện hoảng loạn, hung dữ và di chuyển khá nhanh trong rừng. Nếu không kịp thời bắt giữ để tháo chiếc bẫy, điều trị...