Tiêu chuẩn nào để nông sản tham gia thị trường bền vững?
Tiêu chuẩn đặt ra cho nông sản không phải để làm khó nông dân mà đáp ứng tiêu chuẩn là yêu cầu cơ bản để nông sản tham gia thị trường bền vững.
Diễn đàn ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Tiêu chuẩn đặt ra cho nông sản không phải để làm khó nông dân mà đáp ứng tiêu chuẩn là yêu cầu cơ bản để nông sản tham gia thị trường bền vững. Đây là nội dung được quan tâm tại Diễn đàn ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22/11.
Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, biện pháp kiểm dịch động thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm được các quốc gia thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe, cuộc sống của con người, động vật, thực vật tránh ảnh hưởng và lây lan qua thương mại quốc tế.
Trong số các thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam, hiện Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm, tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản ph ẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.
Đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này rất cao. Hàn Quốc cũng là một thị trường “khó tính” với quy định cụ thể về dư lượng, loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
Trong khi đó, để xuất khẩu thuỷ sản vào EU, doanh nghiệp đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền (NAFIQAD) để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu; đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của khu vực này.
Chia sẻ về yêu cầu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được nhiều quốc gia áp dụng trong nhập khẩu nông sản thời gian gần đây, bà Phan Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, hiện nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và cấp mã số định kỳ.
Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin các thay đổi về tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu nông sản tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Các vùng trồng và cơ sở đóng gói cần đảm bảo việc tuân thủ yêu cầu của từng quốc gia, từng thị trường. Vùng trồng và cơ sở đóng gói đăng ký trên tinh thần tự nguyện, sau đó sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ và phải được công nhận bởi các nước nhập khẩu, giám sát bởi cơ quan quản lý.
Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số sẽ bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.
Video đang HOT
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, hiện nay việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê… Đặc biệt, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thành công trong việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, bà Hồ Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát chia sẻ, đối tác phía Trung Quốc khi nhập khẩu sầu riêng rất thẳng thắn. Nếu sầu riêng không đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, doanh nghiệp sẽ từ chối mua và không bao giờ quay trở lại.
Theo bà Hồ Đức Minh, nông dân hoàn toàn biết tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, tuy nhiên, việc tuân thủ hay không lại là câu chuyện khác. Với các sản phẩm nông sản đã chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép doanh nghiệp khi tiếp nhận không có cách nào xử lý được và lô hàng đó không thể nào xuất khẩu được.
“Tiêu chuẩn đặt ra không phải để làm khó nông dân, việc các quốc gia đưa ra các tiêu chuẩn, hàng rào về kỹ thuật ngày một nhiều vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa để thúc đẩy chất lượng nông sản ngày càng hoàn thiện hơn. Muốn tham gia thị trường bền vững, việc đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường là điều kiện cơ bản mà người sản xuất, kinh doanh phải tuân theo” – bà Hồ Đức Minh nhấn mạnh.
Ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực. Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là vấn đề chi phí; trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý.
Tiếp đến là thời gian; trong đó bao gồm thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, lập và lưu trữ hồ sơ, đánh giá lại hoạt động đã thực hiện và thời gian cập nhật, trao đổi thông tin. Một trở ngại khác là văn hóa trong sản xuất khi nhiều mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình, chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của đội ngũ nhân sự; chưa hình thành thói quen lưu giữ bằng chứng tuân thủ quy định.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Để giải quyết những khó khăn này, ông Bùi Phước Hoà cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhất quán về chính sách, tạo ra những quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tạo về tiêu chuẩn. Về phía người nông dân, cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Thanh Hoà khuyến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tư duy từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp – người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhận định Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng và vô cùng tiềm năng đối với phần lớn nông sản Việt Nam, bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cần chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thảo luận biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình, cũng như khi phát hiện những vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có sự phối hợp, xử lý. Đồng thời, cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương để cấp mới, liên kết các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.
Để nâng cao và duy trì chất lượng nông sản ổn định, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa nâng cao năng suất lao động, thực hiện phân công lại lực lượng lao động trong nông nghiệp.
Từ đó, xây dựng được các chuỗi cung ứng từ đầu vào – cung cấp dịch vụ (vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tài chính, bảo hiểm) đến thu mua, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu tạo ra một nền nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững./.
"Cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới ST25 gửi đơn kêu cứu, ngành chức năng khuyến cáo "nóng" điều gì?
Ngay sau khi "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới ST25 gửi đơn kêu cứu đề nghị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam, ngành chức năng đã có ngay khuyến cáo.
Tại sao "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới ST25 gửi đơn kêu cứu?
Gia đình ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới ST25 gửi đơn kêu cứu đến Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới ST25 gửi đơn kêu cứu là do tại thị trường Việt Nam, sau khi giành ngôi vị lớn tại cuộc thi toàn cầu lúa gạo, sản phẩm gạo ST25 của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến giả mạo nhãn hiệu tại thị trường nội địa.
Có thể thấy, trên thị trường hiện đang tràn lan sản phẩm gạo ST 25, trên bao bì đều in "ngon nhất thế giới".
Theo gia đình ông Hồ Quang Cua, trên bao bì của một số sản phẩm trên thị trường có sử dụng dòng chữ mang ý nghĩa "The World's Best Rice" (Gạo ngon nhất thế giới) mà tổ chức thương nhân lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông. Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam cụm từ này không thể được bảo hộ độc quyền trong nước dẫn đến khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường trong việc xử lý các đối tượng mà gia đình ông Cua cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông.
Một trong những lý do là vì giống lúa ST25 đã được Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn cấp Bằng bảo hộ cho tác giả: Hồ Quang Cua và đồng tác giả: Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.
Gia đình ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới ST25 gửi đơn kêu cứu đến Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị lực lượng hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam. Ảnh: CTV.
"Cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới ST25 gửi đơn kêu cứu, ngành chức năng khuyến cáo gì?
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), bất kỳ sản phẩm nào nếu không có chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu, trong quá trình lưu thông không nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu kịp thời thì có thể dẫn tới hệ quả là rất dễ bị đối tác, thị trường đang hợp tác có thể tranh chấp về tên gọi, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, như câu chuyện thực tế mà gạo ST25 đã và đang trải qua.
"Gạo ST25 là nhãn hiệu sản phẩm của một doanh nghiệp, một sản phẩm có uy tín, được thị trường ưa chuộng hoàn toàn có thể xảy ra tranh chấp nhãn hiệu nếu doanh nghiệp không có biện pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu kịp thời" - ông Toản nói.
Được biết, ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của gia đình ông Hồ Quang Cua về việc hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25, Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc chủ động rà soát, thẩm tra, xác minh các nội dung doanh nghiệp phản ánh tại hồ sơ đối với các cơ sở bị cho là vi phạm trên địa bàn quản lý của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
Tổng cục đặc biệt lưu ý, đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, bao bì, tem, nhãn hàng hóa, đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Năm 2019, tại Hội nghị Gạo Thế giới TRT thường niên lần thứ 11 diễn ra tại Manila, Philippines từ ngày 11-13/11, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" cho loại gạo ST25.
Trong thông cáo báo chí phát hành ngay lúc đó, The Rice Trader cũng tuyên bố cảnh cáo chính thức tới các công ty Việt Nam khác về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" trong các bao bì gạo đang được kinh doanh tại thị trường Việt Nam lúc ấy.
Tuy nhiên, vào tháng 04/2021, dư luận xôn xao bởi thông tin có 4 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ.
Ngay sau đó, Công ty TNHH Hồ Quang Trí (Sóc Trăng, Việt Nam) đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu "Gạo ông Cua" tại thị trường Mỹ. Đơn đăng ký nhận hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận.
Ngoài ra, một doanh nghiệp của Úc cũng đã nộp đơn đăng ký thương hiệu sở hữu với ST25 tại Úc. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều động thái can thiệp kịp thời sau khi có thông tin này.
Đào tạo nghề tại nông thôn và xu thế phát triển nông nghiệp mới Nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giúp nước ta giữ vững vị thế, đủ sức cạnh tranh với thế giới. Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Hội Khuyến học Việt Nam trong bài viết Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chủ trương xây dựng xã hội học tập,...