Tiêu 19 nghìn tỷ đồng mỗi năm để đào than
Ngày 31/8, Bộ Công Thương vừa công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020
Khai thác vài trăm năm nữa…
Theo bản quy hoạch, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than trong các giai đoạn của quy hoạch khoảng 41-44 triệu tấn vào năm 2016; 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, liên quan đến trữ lượng khai thác than, ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – Vinacomin (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) khẳng định, than vẫn có sản lượng khai thác được lâu nhất trong số các nguồn năng lượng sơ cấp.
Năm 2021 sẽ đưa vào khai thác thử nghiệm bể than ĐBSH ?
“Với tổng tài nguyên trữ lượng cụ thể của than sông Hồng, nếu bể này thành công, thì tài nguyên than rất lớn có thể khai thác vài trăm năm, và lên tới hàng chục tỷ tấn. Riêng dải Khoái Châu – Tiền Hải dự tính khai thác được khoảng 42 tỷ tấn.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là dự tính và vẫn chỉ là tiềm năng. Tiềm năng khai thác than của Việt Nam vẫn rất lớn nhưng phụ thuộc vào khả năng phát triển công nghiệp khai thác của ngành than.” ông Duẩn nói.
Bản quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành thăm dò bể than Đông Bắc sau 4 năm nữa. Đến hết năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ than để huy động vào thiết kế trong giai đoạn 2021-2030 và sau 2030.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của báo chí, liệu Việt Nam còn có thể khai thác than trong bao lâu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, với nguồn tài nguyên khai thác hiện tại dự kiến thời gian khai thác than còn kéo dài “vài trăm năm nữa”.
Đồng quan điểm, ông Duẩn tính toán, hiện tại Việt Nam vẫn tập trung khai thác bể than Đông Bắc với tổng trữ lượng còn lại khoảng 6,2 tỷ tấn. Nếu tính bình quân mỗi năm khai thác 50 triệu tấn, thì riêng trữ lượng than tại bể Đông Bắc còn khai thác được 40-50 năm nữa. Nếu quá trình thử nghiệm bể than sông Hồng thành công (trữ lượng khoảng 42 tỷ tấn than), thì tài nguyên than còn có thể khai thác vài trăm năm nữa.
Để đảm bảo khai thác than theo quy hoạch điều chỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 17.930 tỷ đồng một năm.
Trong đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng hơn 95.000 tỷ đồng (bình quân hơn 19.000 tỷ đồng một năm); Giai đoạn 2021-2030 nhu cầu vốn đầu tư hơn 172.000 tỷ đồng (bình quân 17.000 tỷ đồng một năm).
Một điểm cũng đáng lưu ý, tại quy hoạch điều chỉnh, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 dự kiến khoảng 269.003 tỷ đồng thấp hơn so với quy hoạch cũ lên tới 421.970 tỷ đồng.
Nhiều bất cập
Trả lời câu hỏi về việc đầu tư trên 19 nghìn tỷ đồng mỗi năm sẽ mang lại hiệu quả cho kinh tế – xã hội như thế nào, đại diện Bộ Công Thương, khẳng định việc khai thác than sẽ đảm bảo an ninh năng lượng đầu tiên, tiếp đó là an sinh xã hội.
Để đảm bảo đủ nguồn vốn, ông Thọ cho biết thêm, trong quy hoạch điều chỉnh đã tính tới nhiều phương án, trong đó sẽ hướng tới việc đa dạng hình thức huy động vốn, gồm các hình thức BOT, PPP…
Trong khi đó, các chuyên gia đã từng cảnh báo rằng, nguồn than của Việt Nam đang suy giảm một cách nhanh chóng, chỉ đáp ứng được 30% và đến năm 2025 sẽ hết than nếu khai thác như mức hiện nay.
Về vấn đề khai thác than ở ĐBSH, từng trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được phê duyệt vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, đầu tiên là phương pháp khai thác, nếu như hiện nay áp dụng phương pháp khai thác hầm lò thì chắc chắn sẽ không thể thực hiện được, vì không có tính khả thi. Hơn nữa, về mặt kỹ thuật chúng ta không thể khai thác được bằng phương pháp này, vì địa chất ĐBSH rất phức tạp, nhất là vấn đề đất và nước.
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, nước ở sông Hồng có nhiều nhưng không ở trong tầng chứa than. Ngoài ra, đất đá ở sông Hồng rất mềm, xốp khiến công tác đào bới dễ dàng nhưng khả năng chống giữ lò than rất khó.
Do đó, yêu cầu ở đây là phải thử nghiệm công nghệ, cách khai thác để không ảnh hưởng đến nguồn nước và từ đó không ảnh hưởng đến mặt đất, không ảnh hưởng đến dân cư, nông nghiệp. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một kết quả thử nghiệm nào tại khu vực ĐBSH.
Hơn nữa, ở ĐBSH không thể đền bù, giải phóng mặt bằng như ở Quảng Ninh, không thể đổi than lấy lúa, khi mật độ dân cư quá dày, mấy chục triệu dân. Cho nên, mục tiêu năm 2021 đưa vào khai thác thử nghiệm bể than ĐBSH là quá vội vàng, chỉ với 5 năm thì chắc chắn không thể làm kịp.
Lê Vũ (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Quy hoạch các dự án công nghiệp - thương mại dọc đường Hồ Chí Minh
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 40 chương trình, dự án được đầu tư xây dựng.
Theo Quyết định số 2931/QĐ-BCT của Bộ Công Thương mới được ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/7/2016, mục tiêu sẽ phấn đấu đưa công nghiệp, thương mại dọc trên tuyến đường phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, góp phần nâng cao tỷ trọng của ngành công nghiệp - thương mại trong cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cao mức thu nhập bình quân của người dân khu vực tuyến đường đi qua.
Bộ Công Thương mới quyết định quy hoạch đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Zing)
Về công nghiệp, theo Quyết định này, quy hoạch phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, luyện kim; công nghiệp may, da giày; công nghiệp hóa chất và sản xuất, phân phối điện.
Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản sẽ tập trung khai thác các mỏ, các điểm mỏ đang khai thác hoặc có biểu hiện khoáng sản đã được đánh giá cấp trữ lượng. Khai thác và chế biến sâu một số loại khoảng sản như sắt, đá vôi xi măng, cát thủy tinh...
Đối với công nghiệp chế biển nông, lâm sản, quy hoạch ưu tiên đầu tư phát triển các dự án chế biến sâu sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao như chè, cao su, cà phê, gạo, điều và các sản phẩm nông sản đặc trưng; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ của từng địa phương dọc tuyến đường.
Tập trung sản xuất vật liệu xây dựng thông thường, tăng cường phát triển vật liệu không nung và các vật liệu mới đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trong khu vực. Đầu tư một số dự án gang thép, luyện kim tại một số khu vực có nguồn nguyên liệu cũng như phát triển các cơ sở cơ khí, sửa chữa.
Đến năm 2025, phát triển đồng bộ các hệ thống nguồn và lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực của các địa phương nhằm cung cấp điện đảm bảo chất lượng, liên tục, an toàn và hiệu quả; nghiên cứu đầu tư thăm dò phát triển điện gió, điện mặt trời.
Về phát triển thương mại, trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ xây mới và nâng cấp chợ đầu mối, chợ biên giới và chợ hạng I, II và III phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, trao đổi mua bán nông sản thực phẩm. Phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt chú trọng phát triển các dự án trong các khu kinh tế cửa khẩu, trung tâm thành phố, thị xã; xây dựng các trung tâm trung chuyển và kho vận, từng bước triển khai các dịch vụ theo mô hình của trung tâm logistic phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa...
Để làm được điều này, Bộ Công Thương yêu cầu tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng thương mại. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn nhằm đảm bảo cung cầu một cách hợp lý. Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tổ chức phân phối hàng hóa một cách hợp lý và có cơ chế ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.../.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Đánh giá đúng để có hướng đi phù hợp Dự thảo về Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được tập thể UBND TP Hà Nội thảo luận. Việc xây dựng quy hoạch được đánh giá là rất cần thiết, nhưng các ý kiến cho rằng cần phải giải đáp nhiều vấn đề, quan trọng...