Tiết lộ khó tin về chuyện bổng lộc của những bà Hoàng triều Nguyễn
Việc cấp bổng lộc theo cấp bậc được phân cho những bà Hoàng sẽ là điều ít người biết đến trong chốn hậu cung triều Nguyễn.
Sử cũ chép lại, những bà Hoàng triều Nguyễn được tuyển chọn bằng hai cách: Các quan lại triều đình hay các tư gia giàu có vì muốn có danh vọng và ân huệ cho gia đình mà hiến dâng con gái đẹp nhất của mình cho vua, hoặc là các cô gái của bách tính được hoàng thái hậu mua về làm diễn viên, do có sắc đẹp nên được vua ưu ái.
Bổng lộc phát theo cấp bậc
Bổng lộc của các bà Hoàng triều Nguyễn được cấp phát khá đầy đủ ngay từ thời Vua Gia Long. Từ đầu năm Gia Long, Khâm định Hội điển ghi chú lệ cấp bổng cung giai, vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn quy định lương bổng cho các cung phi.
Một vị phi tần trong cung (ảnh từ sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ).
Lúc này hậu cung còn đơn giản, bậc 1 hằng năm lãnh 300 quan tiền, 180 phương gạo (trong đó có 12 phương gạo trắng). Thời ấy, một phương gạo tương đương 30 đấu, mỗi đấu khoảng 1 lít. Các bậc sau, đến bậc 7 giảm đã chỉ còn phân nửa so với bậc đầu.
Đến đời Vua Tự Đức – ông Vua có đến 104 bà vợ được xếp vào chín bậc, mỗi bậc có một tên gọi khác nhau, được triều đình trả lương tiền và quần áo theo 9 bậc phi tần gồm Nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tiệp dư, lục giai tiệp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân, cửu giai tài nhân.
Hoàng quý phi ở trên bậc nhất chín bậc phi tần, là ngôi chủ quỹ trong cung, cai quản Lục viện, giúp việc nội trị, giữ nghiêm nội chính, mỗi năm được một nghìn quan tiền (khoảng tám trăm franc), 250 phương gạo đen, 50 phương gạo trắng, 60 tấm lụa để may quần áo.
Các bà phi ở bậc thứ nhì thì chỉ được 500 quan tiền,ít hơn một nửa so với cấp bậc cao nhất, 205 phương gạo đen, 45 phương gạo trắng và 48 tấm lụa.
Còn lương tiền của các bà ở bậc thứ 9 thì cực kỳ ít ỏi : 33 quan tiền, 180 phương gạo đen, 36 phương gạo trắng và 12 tấm lụa. Theo cấp bậc của mình, mỗi bà vợ vua có thể có một số nàng theo hầu hạ và phải tự trả công. Hoàng quý phi được 12 nàng hầu, còn bà ở bậc thứ chín thì được thuê ba người hầu. Luật của vương quốc không hạn chế số phi tần và dù là bao nhiêu cũng được đài thọ đầy đủ.
Toàn bộ số nữ nhân này do một số nhất định những bà cao tuổi gồm sáu cấp giám sát. Số nữ giám thị này dưới triều Tự Đức là 60 người, được triều đình đài thọ, còn y phục thì như phu nhân của các quan cao cấp. Họ cũng chỉ định các hầu gái trong hậu cung phục vụ vua và hoàng thái hậu mỗi ngày và cai quản cả số nữ công làm nhiệm vụ chèo thuyền ngự và canh gác các lâu đài trong hậu cung.
Tổng số nữ công là 300 người, xếp thành sáu cấp bậc, ở trong một ngôi nhà bên cạnh hậu cung, đồng phục gồm một quần, một áo dài và một khăn xanh. Toàn bộ số nữ nhân ở hậu cung là 579 người, thêm vào đó còn có 435 nô tì gộp thành một tổng số đáng kể là 1014 phụ nữ ăn ở trong cung và do triều đình đài thọ.
Mỗi ngày nhà vua được một số phụ nữ gồm 15 phi tần và 30 hầu gái phục vụ. Hầu gái mang gươm lớn canh gác lối ra vào các nhà, còn những người kia thì đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày của vua, trong đó năm người phải thường trực cạnh vua, mỗi ngày thay đổi một lần.
Hậu cung – nơi giam lỏng những phụ nữ của vua
Theo các tài liệu xưa ghi lại, một khi vào cung làm vợ vua cho dù được tuyển chọn bằng cách nào đi chăng nữa thì mặc định suốt đời theo vua. Hậu cung được xem là nơi giam lỏng những người phụ nữ, theo hầu hạ nhà vua, bị cách ly với thế giới bên ngoài và xem như không tồn tại trên đời này nữa, cả đời có thể sẽ không được về nhà cha mẹ hoặc gặp mặt cha mẹ.
Video đang HOT
Nếu một bà vợ vua mắc bệnh thì bà ta sẽ bị cách ly trong bệnh xá của hậu cung để các ngự y chữa chạy dưới sự giám sát của các thái giám. Nếu là bệnh nan y, khó lòng cứu chữa thì sẽ được trả về với gia đình để săn sóc.
Trường hợp bị chết đột ngột thì thi thể người đàn bà ấy sẽ sử dụng dây tời nâng qua tường thành để đưa ra ngoài. Vì không bao giờ được phép đưa một xác chết qua cửa cung ngay cả nhà vua khi băng hà cũng vậy.
Vua Tự Đức – Vị vua có nhiều phi tần nhất trong số các các vị vua nhà Nguyễn. (Ảnh: Tư liệu).
Vua băng hà thì các bà vợ có hai nơi khác nhau để ra đi. Những bà cấp cao nhất thì đến các lâu đài trong lăng vua và đèn hương thờ phụng người chồng quá cố suốt quãng đời còn lại của mình dưới sự giám sát của các thái giám.
Những người cấp dưới thì được trở về với gia đình, và không được kết hôn với các quan triều đình ở bất cứ cấp bậc nào, họ chỉ có thể tái hôn với những người thuộc lớp bình dân, không có chức vụ gì của triều đình.
Sự cấm kị ấy là để tỏ lòng tôn kính hương hồn của nhà vua đã khuất hoặc cũng có thể theo quan niệm “tam tòng tứ đức” của người phụ nữ phong kiến xưa (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử).
"Con rồng đất" thượng hạng nổi trong rừng ngập mặn, dân Trà Vinh vớt lên làm nước mắm, vua Gia Long ăn hoài khen ngon
Ngày xưa khi vua Gia Long trên đường lánh nạn đến vùng Duyên Hải (Trà Vinh) đã dùng mắm rươi được làm từ con rươi.
Ngon quá nên khi đăng ngôi thiên tử đóng đô tại Huế, năm nào vua Gia Long cũng cử ghe bầu về nơi này mua nước mắm.
Nằm trên vùng đất "chín rồng", Trà Vinh còn nhiều khó khăn so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên Trà Vinh lại được thiên nhiên ban tặng rất nhiều sản vật của biển, của rừng.
Trong đó, có một đặc sản mà hầu như với bất cứ người con nào của quê hương cũng không thể quên được, đó là nước mắm rươi. Đây là đặc sản theo truyền thuyết vua Gia Long đã từng dùng ngày trước nên có thêm tên gọi là nước mắm "Ngự".
Con rươi dùng để chế biến mắm rươi. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Huyện ven biển Duyên Hải của Trà Vinh bạt ngàn những cánh rừng ngập mặn. Nơi đây được xem là "thủ phủ" của con rươi bởi so với các huyện ven biển khác của tỉnh như Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải có lượng rươi xuất hiện nhiều vào tháng Chạp, tháng Giêng hàng năm.
Truyền thuyết kể ngày xưa khi vua Gia Long trên đường lánh nạn đến vùng Duyên Hải đã dùng nước mắm rươi. Ngon quá nên khi đăng ngôi thiên tử đóng đô tại Huế, năm nào vua Gia Long cũng cử ghe bầu về nơi này mua nước mắm.
Tuy ở trong lòng đất, hình hài giống như con sên nước không ưa nhìn nhưng con rươi lại là sinh vật sạch, giàu chất đạm.
Bởi vậy rươi còn được gọi là "rồng đất".
Mỗi năm, loài sinh vật này chỉ ban tặng cho con người hai lần là những ngày cận Tết Nguyên đán và những ngày khởi đầu năm mới.
Tháng Chạp, tiết trời xuân se lạnh, gió chướng thổi thông ngọn mạnh mẽ của con nước thủy triều dâng ngày 30 Âm lịch là thời điểm rươi xuất hiện.
Đây cũng là thời gian những người ở các xã ven biển như: Long Toàn, Long Khánh, Long Vĩnh, Trường Long Hòa, Dân Thành, Đông Hải của Duyên Hải bước vào mùa "hội vớt rươi".
Gà bắt đầu gáy sáng, nước từ các con sông dâng cao tràn ngập những bãi sình láng ở các cánh rừng ngập mặn là lúc con rươi bắt đầu từ dưới lòng đất chui lên. Khi đến lúc mặt trời nhô cao khỏi ngọn cây, nắng làm ấm lưng người và nước thủy triều bắt đầu ròng chảy về biển cả là lúc con rươi như đua nhau tràn lên mặt nước.
Đặc sản mắm rươi Long Vinh, Trà Vinh. Ảnh: TTXVN.
Con rươi có màu đỏ như máu, chiều dài từ 0,5 - 0,7 cm, khi lên mặt nước chúng kết dính vào nhau, tạo cho cả bãi sình láng một màu đỏ thắm. Nói là đi vớt rươi, thật ra chẳng ai đi mà cứ ngồi một chỗ hứng rươi lọt vào vợt.
Trên bãi đất sình láng có những con lạch nhỏ, bề ngang không quá 2 m, độ sâu khoảng 1m. Dọc theo mép lạch, mỗi người đều móc đất sình đắp cho mình một bờ "cơm nếp" dài 3-4 m nối tiếp nhau, rồi chừa một miệng bờ vừa bằng miệng vợt.
Công việc còn lại là chỉ ngồi chờ nước thủy triều rút, con rươi từ bãi theo dòng nước đổ vào miệng vợt. Cứ đầy vợt thì đổ vào thùng gánh nước, khi đầy cả đôi thùng thì gánh đem đổ xuống khoang xuồng.
Gần 2 giờ đồng hồ, mỗi người vớt được ít nhất từ 3-5 đôi thùng rươi đặc sánh.
Nước mắm rươi mà dùng để kho thịt, kho các loài cá biển thì hương vị không hề kém hơn các loại nước mắm danh tiếng được làm từ cá.
Đó là chưa nói ưu điểm của nước mắm rươi khi kho thịt lợn màu sắc của thịt đẹp hơn và có mùi thơm nhẹ thật hấp dẫn. Còn món cá kèo kho gợt bằng nước mắm rươi thì không còn chê vào đâu được. Đây là món "độc" của cánh ngư phủ của vùng Duyên Hải mà tôi đã từng được góp phần thưởng thức.
Rươi dùng làm nước mắm để dành cho gia đình ăn trọn cả năm đến kỳ mùa vớt rươi mới. Rươi khi vớt về được cho vào kiệu, pha với muối hột theo "công thức" 6 lít muối với một đôi rươi (khoảng 40-50 kg), rồi để kiệu rươi ra ngoài trời nắng phơi.
Công thức làm nước mắm rươi không theo một cơ sở lý luận khoa học nào nhưng nước mắm rươi khi thành phẩm không chê vào đâu được với mùi thơm và độ mặn rất vừa ăn.
Bây giờ, Trà Vinh đang sánh vai cùng các tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long để phát triển cùng với xu thế chung của cả nước.
Vùng đất Duyên Hải của quê tôi theo đó cũng nổi tiếng với nghề nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn. Nhiều cánh rừng, vùng đất bãi sình láng đã nhường chỗ cho những cánh đồng tôm sú, tôm thẻ chân trắng,...
Mất đi nhiều môi trường sống, vào mùa rươi của quê tôi không còn được cái không khí sôi động, rộn rả như ngày xưa vì sản lượng rươi không được nhiều như trước.
Tuy có niềm luyến tiếc, nhưng điều bù đắp lại làm tôi cảm thấy vui và tự hào hơn là bây giờ nước mắm rươi Trà Vinh được nổi tiếng khắp cả nước.
Theo xu hướng của xã hội phát triển, nước mắm rươi của quê tôi giờ đã được những người "nhạy bén' với thời cuộc nâng tầm nó lên thành một đặc sản chất lượng cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp để phục vụ người tiêu dùng.
Anh Ngô Văn Phương ở thị trấn Duyên Hải, thị xã Duyên Hải là người đã đi tiên phong đưa nước mắm rươi lên đúng "ngôi vị nước mắm vua" của nó.
Anh Phương thành lập doanh nghiệp Phong Vinh chuyên sản nước mắm rươi mang thương hiệu "Nước mắm Rươi Long Vinh". Anh mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất nước mắm theo công nghệ tiên tiến.
Nước mắm rươi Long Vinh chế biến cũng theo công thức truyền thống, nhưng nó được đun sôi, để nguội, lược sạch đóng chai trong phòng kín vô trùng trước khi cho xử lí bằng tia cực tím. Cách sản xuất này làm cho nước mắm trong, màu đẹp, sử dụng được lâu và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Là người bản xứ, anh Phương biết rõ nước mắm rươi của quê mình không thua kém bất kỳ nước mắm danh tiếng nào cả nước.
Ưu thế của nước mắm rươi là rất giàu độ đạm, được làm theo phương cách truyền thống có mùi thơm nhẹ, độ mặn vừa phải, chỉ cần thêm phần xử lý để đảm bảo tuyệt đối về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp là sẽ lấy được lòng thực khách.
Dám nghĩ dám làm, sau khi đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thành lập doanh nghiệp, anh Phương tổ chức mạng lưới thu mua khi vào mùa rươi xuất hiện.
Anh Phương cho biết, vào mùa rươi anh thu mua của người dân 100.000 đồng/đôi rươi (1 đôi thùng 40 lít) và mỗi năm nguồn nguyên liệu anh thu mua được từ 5 - 7 tấn đủ làm ra từ 10.000 - 12.000 lít nước mắm.
Ngay sau khi thương hiệu nước mắm rươi Long Vinh có mặt giới thiệu với người tiêu dùng đã nhanh chóng được ưa chuộng, có mặt trong nhiều siêu thị trong nước.
Nước mắm rươi Long Vinh được Sở Công thương tỉnh Trà Vinh hỗ trợ tham gia các phiên hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh và trở thành thành viên câu lạc bộ đặc sản của tỉnh, được bình chọn là 1 trong số 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh.
Theo anh Phương, với số lượng sản xuất mỗi năm từ 10.000 - 12.000 lít nước mắm rươi không đủ để cung ứng cho người tiêu dùng. Không thể mở rộng sản xuất vì nguồn liệu phụ thuộc vào thiên nhiên ban cho.
Điều anh mong nhất hiện nay là người dân ở quê mình cần nâng cao ý thức bảo vệ tốt hệ sinh thái rừng ngập mặn, tích cực trồng và bảo vệ rừng, phát triển nghề nuôi tôm nhưng phải bảo vệ môi trường.
Có vậy, môi trường sinh trưởng của rươi được mới đảm bảo, nguồn nguyên liệu đặc sản mới dồi dào, người dân có thêm nguồn thu nhập từ thiên nhiên ban tặng, đặc sản nước mắm rươi Trà Vinh luôn bền vững theo thời gian.
Kỷ niệm 260 năm ngày sinh vua Gia Long Chiều 15-2, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã tổ chức lễ dâng hương, kỷ niệm 260 năm ngày sinh của vua Gia Long - vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức kỷ niệm 260 năm ngày sinh vua Gia...