Tiết lộ bất ngờ về những “trinh sát” nghiệp dư bắt bác sĩ rởm
Để bắt giữ những kẻ chuyên giả danh bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện lừa đảo bệnh nhân và người nhà, lực lượng bảo vệ của bệnh viện Bạch Mai đã phải lập một “chuyên án”, thậm chí đóng giả con mồi để lật mặt kẻ gian.
Sau 3 tháng theo dõi, kẻ giả danh thạc sĩ, bác sĩ của bệnh viện bị tóm gọn ngay trong bệnh viện.
Đối tượng giả danh thạc sĩ, bác sĩ và chuẩn bị đưa cho bệnh nhân.
“Chuyên án” của những trinh sát nghiệp dư
Tự khoác cho mình cái mác thạc sĩ, bác sĩ da liễu đang công tác tại một bệnh viện lớn, có nhiều mối quan hệ trong nghề y, Vũ Quốc Bảo (Yên Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh) thông qua trang web “bác sĩ gia đình” “điều” người bệnh đến bệnh viện Bạch Mai để lừa đảo.
Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng có chữ của bệnh viện Bạch Mai, khéo léo hẹn bệnh nhân để “khám” trong viện nhưng hành vi đó của Bảo đã không qua mặt được lực lượng bảo vệ ở đây. Vào chiều 22/5/2013, khi đang hành nghề ở khoa Chẩn đoán hình ảnh, Vũ Quốc Bảo đã bị nhân viên phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, bệnh viện Bạch Mai bắt giữ.
Anh Nguyễn Văn Tuất (tổ hành chính – phòng Bảo vệ chính trị nội bộ) một trong những người tham gia bắt giữ đối tượng Bảo kể lại. Thời gian qua, lực lượng bảo vệ chính trị nội bộ của bệnh viện đã nhiều lần bắt giữ những đối tượng cò mồi, lừa đảo, trộm cắp trong bệnh viện. Đặc biệt là giai đoạn cuối năm.
“Khoảng tháng 11/2013, chúng tôi nhận được tin báo có một nam thanh niên mặc áo blouse trắng của bệnh viện giả danh bác sĩ để lừa đảo bệnh nhân gây hoang mang cho người bệnh. Chuyện lừa đảo trong bệnh viện không phải là chuyện hiếm, nhưng đây là kẻ giả danh người của viện để làm bậy nên lãnh đạo phòng quyết định tăng cường cảnh giác, bằng mọi giá phải lật tẩy được kẻ giả danh bác sĩ” – anh Tuất nhớ lại.
Ngày 18/11/2013, chị Trần Thúy Ph. (28 tuổi, ở phố Nguyễn Chính, quận Hoàng Mai) đã có đơn trình báo với bệnh viện Bạch Mai về việc qua trang mạng “Bác sĩ gia đình”, chị có liên hệ với thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Ngọc Huy lúc 4h30 chiều và được đưa vào khoa Chẩn đoán hình ảnh, khu vực bệnh nhân chụp mạch vành để khám và làm xét nghiệm tế bào ở khoa Da liễu.
Video đang HOT
Sau đó, chị Ph. lại được hẹn ở căng tin tầng 1 nhà P (khu vực thường phục vụ cho nhân viên y tế bệnh viện Bạch Mai – PV ) để tư vấn về thuốc. Người này đi lên tầng 2 lấy thuốc rồi thu 1,7 triệu đồng và 100 nghìn tiền công khám của chị Ph., hẹn 10 ngày sau khám lại. Theo hẹn chị Ph. lên khám lại nhưng “bác sĩ” Huy lại không có mặt nên đã tới khoa Da liễu để khám lại. Khoa Da liễu xác nhận không có bác sĩ tên là Vũ Ngọc Huy. Đến lúc này, chị Ph. mới biết đã bị bác sĩ dỏm lừa nên hai vợ chồng chị đã viết đơn trình báo với lực lượng bảo vệ bệnh viện về sự việc.
Được sự chỉ đạo của lãnh đạo phòng Bảo vệ chính trị nội bộ cũng như lãnh đạo bệnh viện, những “trinh sát” nghiệp dư như anh Tuất đã lập một “chuyên án” để vạch mặt “bác sĩ” dỏm. Ở bệnh viện Bạch Mai, hàng ngày có hàng nghìn người vào khám bệnh, chưa kể người nhà của họ, bản thân cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện rất đông nên việc theo dõi, bắt giữ những kẻ lừa đảo là chuyện không hề dễ dàng, nhất là thông tin về đối tượng chỉ dựa vào lời kể của một số nạn nhân chứ chưa ai biết mặt.
Cất vó
Sau 3 tháng theo dõi và nhiều lần “vồ hụt” kẻ giả danh bác sĩ bởi sự ranh mãnh của đối tượng, đến chiều ngày 22/2, những “trinh sát” nghiệp dư phối hợp với một số nhân viên y tế của bệnh viện đã bắt giữ “bác sĩ dỏm” khi hắn đang hành nghề ở khoa Chẩn đoán hình ảnh.
Anh H., kỹ thuật viên khoa Chẩn đoán hình ảnh kể lại, trong khi trực, anh gặp một thanh niên mặc áo blouse trắng, đội mũ xanh, đeo tai nghe tại hành lang của khoa. Khi đi ngang qua, người này cười chào anh rất tươi, rồi sau đó đi vào trong buồng bệnh dành cho bệnh nhân chụp mạch vành – nơi người bệnh chờ để làm các thủ thuật chụp, chiếu.
Ngày thứ bảy khoa vắng bệnh nhân nên việc một nhân viên y tế đi vào khoa rồi cầm túi nilon thuốc, giải thích cho người bệnh khiến anh H. chú ý hơn. “Bác sĩ” này vừa lạ mặt nhưng lại đeo thẻ ngược so với các bác sĩ khác càng khiến anh H. tò mò. Nhớ lại thông báo của lực lượng bảo vệ bệnh viện về những kẻ xấu giả danh bác sĩ lừa đảo trong bệnh viện càng khiến anh H. nghi ngờ đối tượng này.
Anh Nguyễn Văn Tuất cho biết, ngày hôm đó lực lượng bảo vệ đã theo dõi đối tượng này và chờ đến lúc “bác sĩ” lừa lấy tiền của bệnh nhân thì ập vào bắt quả tang. Nhưng vì gã “bác sĩ” bị lộ tẩy khi gặp anh H. nên buộc các anh phải bắt giữ để làm rõ thực hư.
Tại phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, bệnh viện Bạch Mai, thanh niên này thú nhận đã đóng giả bác sĩ vào bệnh viện. “Bác sĩ” khai nhận là Vũ Quốc Bảo – 31 tuổi, quê ở Yên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Bảo cũng nói rằng ống nghe là mua từ 3 năm trước, còn áo blouse là nhặt được ở hành lang bệnh viện cũng 3 tháng trước.
Không chỉ dừng lại ở hành vi “cò mồi” thông thường, kẻ giả danh này còn tự nhận mình là thạc sĩ, lập trang web giới thiệu về bác sĩ gia đình, hẹn bệnh nhân ngay tại phòng bệnh… như thật. Không chỉ có trường hợp bệnh nhân gặp chiều 22/2 bị lừa, Bảo cũng thừa nhận về việc đã lừa chị Ph. trước đó.
Sau khi đấu tranh khai thác thông tin và lập biên bản sự việc, lực lượng bảo vệ bệnh viện Bạch Mai đã bàn giao đối tượng Vũ Quốc Bảo cho công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội để tiếp tục điều tra làm rõ.
Viên “bác sĩ dỏm” cáo già
Anh Tuất kể, lực lượng của tổ hành chính khá mỏng lại phải kiêm nhiều việc, từ giữ gìn an ninh trật tự, bắt giữ những kẻ trộm cắp, móc túi lại phải thay phiên nhau theo dõi, thực hiện “chuyên án” nên khá vất vả.
Nhiều lần các “trinh sát” phải “giả danh” người bệnh, vào trang web “Bác sĩ gia đình” của đối tượng để lấy số điện thoại sau đó gọi điện cho “bác sĩ Huy”. Nhiều lần gọi qua, nhắn lại nhưng gã “bác sĩ dỏm” rất cáo già, không dễ gì bị sập bẫy.
Một cán bộ của phòng Bảo vệ chính trị nội bộ cho biết thêm, có những hôm anh em đóng giả bệnh nhân gọi vào máy của Bảo và “điều” được Bảo vào tận bệnh viện Bạch Mai nhưng hắn liên tục thay đổi địa điểm và thời gian hẹn gặp người bệnh. Lúc thì hẹn ở khoa này, lúc lại ở căng tin nọ và khi “đánh hơi” thấy bóng dáng của lực lượng bảo vệ, Bảo nhanh chân lẩn vào đám đông người nhà bệnh nhân để trốn thoát.
Theo Đời sống Pháp luật
Bất an ở bệnh viện
Sáng qua 24.2, Công an TP.Hà Nội và Sở Y tế đã bàn ký quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế trên địa bàn.
Bảo giả danh bác sĩ để lừa đảo người bệnh - Ảnh: Nam Anh
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, thừa nhận: Trên địa bàn có tới hơn 100 bệnh viện (BV), viện nghiên cứu từ cấp T.Ư tới địa phương. Tuy nhiên do nhu cầu khám chữa bệnh quá cao nên các BV luôn trong tình trạng quá tải từ 150 - 180%, có thời điểm vượt tới 200%. Lợi dụng tình trạng này nhiều kẻ xấu đã trà trộn hoạt động kiếm ăn bằng các thủ đoạn như cò mồi dịch vụ khám nhanh, cải trang làm y tá, bác sĩ để lừa đảo cấp phát thuốc, rồi trộm cắp tài sản của người nhà bệnh nhân, của cán bộ, y bác sĩ , bắt cóc, buôn bán trẻ em...
Giả bác sĩ lừa người bệnh
Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai, mới đây ngày 23.2, BV này đã bắt quả tang Vũ Quốc Bảo (31 tuổi, quê quán xã Yên Lộc, H.Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) lừa đảo bệnh nhân ngay trong khu vực phòng khám BV. Bảo đã mua ống nghe, rồi lấy trộm quần áo của y bác sĩ trong hành lang BV. Hằng ngày, Bảo lang thang khắp các phòng khám của BV Bạch Mai và tự nhận mình là bác sĩ để cò mồi, đưa bệnh nhân đi khám ngay tại phòng bệnh, rồi thu tiền. Bảo còn khai nhận đã lập trang web giới thiệu là bác sĩ gia đình, hẹn bệnh nhân ngay tại phòng bệnh.
Trước đó, tháng 11.2013, lực lượng chức năng của BV cũng bắt quả tang Nguyễn Thị Thìn (48 tuổi, quê quán xã Quảng Phong, H.Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) giả danh là bác sĩ BV Bạch Mai để lừa bệnh nhân. Thìn khai nhận chỉ từ tháng 9 tới tháng 10.2013, Thìn đã gây ra 6 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền hơn 16 triệu đồng.
Hành hung bác sĩ, bắt cóc trẻ sơ sinh
Mới đây cũng xảy ra một vụ việc chưa từng có tiền lệ tại BV đa khoa Xanh Pôn, em trai dùng dao gọt hoa quả cắt đứt chân chị gái. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong suốt quá trình người em trai thực hiện hành vi man rợ này, không hề thấy lực lượng bảo vệ xuất hiện. Chỉ tới khi người em trai buông dao, nằm vật xuống sàn nhà, lực lượng bảo vệ mới có mặt.
Trước đó băng nhóm xã hội đã cầm theo hung khí kéo vào tận phòng cấp cứu để thanh toán lẫn nhau, khiến cả BV này một phen thất kinh.
Đầu tháng 11.2011, Nguyễn Thị Lệ (32 tuổi, quê quán Bắc Giang) đã trộm áo của y, bác sĩ rồi lẻn vào BV Phụ sản T.Ư bắt cóc bé trai 2 ngày tuổi. Sau khi Tổng cục Cảnh sát yêu cầu công an các tỉnh thành vào cuộc phối hợp với Công an TP.Hà Nội điều tra, cháu bé sơ sinh mới được tìm thấy.
"Chỉ tính riêng việc nhóm côn đồ hung hãn xông vào BV để thanh toán lẫn nhau, chưa nói hành hung nhân viên y tế, đã cho thấy lực lượng bảo vệ hiện tại của các BV chưa thể giám sát, quản lý chặt chẽ được hết tình hình an ninh trật tự trong khuôn viên mình. Do vậy việc phối hợp giữa Công an TP.Hà Nội và các BV là hết sức cấp thiết", PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại cuộc họp hôm qua.
Mỗi bệnh viện 1 tổ công tác Trong khi đó, theo thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP.Hà Nội: Việc đảm bảo an ninh, trật tự tại các BV sẽ được giao cho Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) đảm nhiệm chính. Ngoài ra, tại mỗi BV đều được bố trí 1 tổ công tác. Tổ công tác này sẽ ứng trực 24/24 giờ và phối hợp cùng lực lượng bảo vệ của BV đảm bảo an ninh trật tự, bắt đầu nhận nhiệm vụ từ ngày 1.3. Có mặt tại lễ ký kết phối hợp, trung tướng Tô Lâm - Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá cao cách làm của Công an TP.Hà Nội và đề nghị trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng nên họp rút kinh nghiệm, để về sau sẽ nhân rộng ra các tỉnh thành khác trong cả nước.
Theo TNO
Nam điều dưỡng bơm thuốc mê hiếp dâm nữ sinh thực tập Cảm thấy mệt, nữ sinh viên đang thực tập tại bệnh viện đã tự truyền dịch nhằm hồi phục sức khỏe. Lợi dụng hoàn cảnh, một nam điều dưỡng của bệnh viện đã bơm thuốc mê vào chai dịch sau đó thực hiện hành vi hiếp dâm. Ngày 24/2, Công an thị xã Gia Nghĩa cho biết, đã triệu tập Lê Duy Cường...