Tiết lộ bất ngờ về bộ tộc bí ẩn “thấy người lạ là giết”
Một nhà nhân chủng học người Ấn Độ, từng là một trong những người đầu tiên đến thăm người Sentinel và có mối quan hệ thân thiện với họ chia sẻ những điều bất ngờ về bộ tộc bí ẩn này.
Cuối tháng 11/2018, du khách người Mỹ John Allen Chau cố tình tiếp cận một bộ tộc trên đảo hoang ở Ấn Độ Dương, nổi tiếng cự tuyệt giao lưu với thế giới bên ngoài, kết quả thanh niên này đã bị giết chết bằng nhiều mũi tên bắn và thi hài cho tới nay vẫn chưa thể lấy lại bất chấp những nỗ lực của giới chức trách Ấn Độ.
Sau cái chết của John Allen Chau, nhiều điều đã được viết và nói về Đảo Bắc Sentinel trong quần đảo Andaman là nơi cư ngụ của người Sentinel, những tình tiết xung quanh cái chết và sự hung hăng thù địch của những tộc nhân này. Trong quá trình nghiên cứu về bộ tộc bí ẩn này, tiến sĩ Madhumala Chattopadhyay, nhà nhân chủng học Ấn Độ được nhắc đến nhiều nhất.
Tiến sĩ Madhumala Chattopadhyay. (Ảnh: India Times)
Bà Madhumala Chattopadhyay hiện làm việc tại Bộ Tư pháp xã hội và trao quyền Ấn Độ. Bà đã dành 6 năm ở quần đảo Andaman (1989-1996) và gặp cả 6 bộ tộc bao gồm Jarawa, Onge, Sentinel, Nicobar, Great Andaman và Shompen.
Nhà nhân chủng học đã tiết lộ nhiều điểm bất ngờ từ những nghiên cứu về người Sentinel, những người được cho là sống biệt lập với thế giới bên ngoài, hung hăng và sẽ giết bất cứ người lạ nào đến gần hòn đảo của họ.
Bà Madhumala tặng dừa cho dân đảo. (Ảnh: Madhumala)
Những tiết lộ bất ngờ
Theo bà Madhumala, phụ nữ là người kiểm soát bạo lực trong những bộ tộc như người Sentinel. Tiến sĩ Madhumala đã phải đối mặt với rất nhiều rào cản từ cơ quan chức năng để đến được hòn đảo Bắc Sentinel, do hòn đảo này bị cấm tiếp cận để bảo vệ cả dân đảo và những người bên ngoài.
Video đang HOT
Lần đầu bà tới hòn đảo vào buổi sáng 4/1/1991 cùng với các thành viên đoàn khác và tổ chức một bài tập thả quà. Họ sẽ đẩy những quả dừa cho người dân bộ tộc qua nước. Hoạt động này kéo dài suốt 4 giờ cho đến khi một cậu bé bắt đầu nhắm vào một thành viên đoàn. Một người phụ nữ Sentinel đứng cạnh cậu bé này.
Nhìn thấy người phụ nữ, bà Madhumala gọi: “Kayeerie Esera, Naryali Jaba Jaba”. Câu này có nghĩa là: “Mẹ ơi hãy đến đây. Lấy thêm nhiều dừa nữa đi.”
Tiến sĩ đã gặp những người phụ nữ Onge và Car Nicobar trước đó và bà có suy nghĩ rằng những người phụ nữ là người kiểm soát bạo lực trong các bộ tộc. Khi nhà nhân chủng học lần đầu nói chuyện với người phụ nữ Sentinel bằng ngôn ngữ của họ, bà đã ngăn được mũi tên tấn công.
“Họ chỉ giống như chúng ta thôi. Tất cả đều phụ thuộc vào cách tiếp cận” – bà nói. Tiến sĩ Madhumala cho biết trong quá trình nghiên cứu của mình, không có người đàn ông bộ tộc nào từng đối xử không tốt với bà. Bà không chỉ được chào đón ấm áp mà những người phụ nữ Jarawa còn tặng bà những món đồ như dây buộc tóc, bùa đeo tay làm từ vỏ cây và lá. Bà cũng tham gia vào lần thám hiểm liên lạc thứ hai, diễn ra ngày 21/2/1991.
Theo Tiến sĩ Madhumala, có nhiều quan điểm khác nhau về dân số của các bộ tộc này sau trận sóng thần năm 2004. Bà nói số người không giảm đi trong thảm họa vì họ biết cách sống sót trong những thiên tai như vậy. Theo bà, các tộc nhân là người theo thuyết vật linh, họ sùng bái thiên nhiên, cầu nguyện với trời, mặt trời, biển. “Như những người Onge tôi từng gặp, họ hát cả đêm khi trăng tròn. Khi thủy triều lên hoặc trời mưa, họ nói đừng ra ngoài. Họ biết cách vượt qua tất cả những thứ đó để sống sót”. Đối với họ thiên nhiên chính là tôn giáo.
“Là một nhà nhân chủng học, tôi tin rằng nên để họ một mình”
Tiến sĩ Madhumala kể, có lần bà đến thăm bộ tộc Onge để lấy mẫu máu và gen của họ để nghiên cứu. Khi nhìn thấy những thành viên khác đi cùng bà, người Onge trốn sau cây và đi sâu vào rừng.
“Bạn không thể ép họ. Đầu tiên bạn phải xây dựng mối quan hệ với họ. Là một nhà nhân chủng học, tôi có thể nói khi nào họ không đồng ý bằng cử chỉ, khi nào họ muốn nói là đừng đến, khi đó chúng ta nên làm theo như vậy.” – bà nói.
Chính phủ Ấn Độ đã quyết định từ bỏ thám hiểm sâu hơn đối với đảo Sentinel, tin rằng tiếp xúc quá thường xuyên có thể làm hại đến cộng đồng nguyên thuỷ nhỏ này.
Nói về John Allen Chau, bà cho rằng du khách người Mỹ nên tiếp cận dân đảo từ từ và lắng nghe họ nếu họ không đồng ý. “Họ hành động khó đoán như những đứa trẻ.” Bà cho rằng sẽ không thể đưa thi hài du khách Mỹ trở về vì người Sentinel sẽ không cho phép.
“Họ rất thông minh. Chúng ta nghĩ mình đang nghiên cứu họ nhưng thực tế họ đang nghiên cứu chúng ta.”
Phương Anh
Theo VTC News
Chuyện ít biết về nền văn minh huyền thoại Maya
Xin giới thiệu vài nét về nền văn minh Maya, nền văn minh huyền thoại đã xây dựng nên bộ lịch khiến cả thế giới phải để tâm.
Trong những ngày này, chuyện mà người ta bàn tán nhiều nhất chính là "ngày tận thế" theo lịch của người Maya.
"Ngày tận thế" đã được các nhà khoa học bác bỏ. Tuy nhiên, vẫn có hàng triệu người tin có ngày đó. Sấm truyền Maya về "ngày tận thế" có lẽ là lời tiên tri kinh hoàng nhất, khiến con người quan tâm nhất mọi thời đại.
Nhưng nền văn minh Maya như thế nào, bộ tộc Maya ra sao, thì rất ít người biết đến, nếu không phải là những nhà chuyên môn.
Có lẽ, đến nay, nền văn minh Maya vẫn là một nền văn minh bí ẩn, mà các nhà khoa học chưa khám phá hết được.
Những kim tự tháp Maya vẫn còn nguyên vẹn
Trong sử sách, nền văn minh này đã đạt tới đỉnh cao của mọi lĩnh vực, từ kiến trúc, toán học, thiên văn học, cho đến nghệ thuật... với nhiều ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, sự biến mất của nó lại là một bí ẩn chưa được giải mã thấu đáo.
Nền văn minh Maya được xây dựng bởi người Maya. Điều đáng ngạc nhiên, là nền văn minh rực rỡ này được xây dựng bởi một bộ tộc thổ dân châu Mỹ.
Nền văn minh Maya xuất hiện cách nay 4.000 năm, bắt đầu từ vùng đất Cuello. Từ mảnh đất này, người Maya chia thành nhiều nhánh, trong đó, nhánh lớn nhất tiến về vùng đất là vịnh Mexico ngày nay.
Bộ lịch của người Maya
Tại đây, các nhà khảo cổ vẫn đang tiếp tục khai quật hàng loạt đền thờ đá có niên đại lên tới 2.500 năm.
Các nhà khảo cổ cho biết, nền văn minh Maya đã tạo ra hàng loạt thành phố vô cùng lớn vào thời kỳ năm 800 đến 400 trước Công nguyên. Nổi bật nhất là thành phố Nabke (thuộc Guatemala hiện tại) rồi Chichen Itza, Yaxchilian, Oxkintok, Palenque, Dos Pilas, Uaxactun, Altun Ha, Bonampak...
Những khu đô thị của người Maya có sức chứa hàng vạn người, được xây dựng hoàn chỉnh, hiện đại.
Người Maya có hệ thống lịch cực kỳ chính xác dựa vào chiêm tinh học. Tuy nhiên, họ lại tin tưởng vào chu kỳ tự nhiên của thời gian.
Các nhà chiêm tinh thường làm công việc phân tích các chu kỳ và đưa ra tiên đoán cho tương lai. Sự kết thúc chu kỳ thời gian trong bộ lịch của người Maya đã khiến con người của thế giới hiện đại tưởng tượng ra sự diệt vong.
Bích họa cổ của người Maya
Người Maya sử dụng chữ viết là một chuỗi các ký hiệu âm và dấu tốc ký, dùng để trình bày ngôn ngữ. Hệ thống chữ viết gồm hơn 1.000 ký hiệu.
Người Maya có nền nông nghiệp phát triển rực rỡ. Họ đã trồng trọt đủ các loại rau, củ, quả. Kỹ thuật trồng ngô của họ đã đạt đến đỉnh cao. Nghề chăn nuôi cũng phát triển mạnh mẽ. Các nghề như chế tác đá, trang sức, gốm, dệt vải, chế biến gỗ cũng đã phát triển mạnh.
Thời kỳ đầu công nguyên, có hàng loạt nhà nước, quốc gia của người Maya được thành lập và phát triển rực rỡ, đa dạng. Tuy nhiên, các quốc gia lần lượt bị diệt vong một cách bí ẩn và gần như biến mất sạch sẽ vào thế kỷ thứ 10.
Chỉ có duy nhất một quốc gia trên bán đảo Yucatan (Mexico) tiếp tục tồn tại đến thế kỷ 16. Quốc gia cuối cùng của người Maya cũng đã biến mất bởi sự xâm chiếm của người Tây Ban Nha.
Các công trình xây dựng của người Maya có lẽ là dấu ấn rõ nét nhất còn lại đến ngày nay. Các nhà khảo cổ hiện vẫn miệt mài khai quật những ngôi mộ khá đặc biệt trên các quả núi, trong rừng sâu. Những ngôi mộ khổng lồ xa xưa là tiền đề cho những kiến trúc kim tự tháp.
Có tới cả trăm kim tự tháp vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn, rải rác trong các rừng sâu, nơi vốn là trung tâm quyền lực của các quốc gia Maya cổ. Số lượng khổng lồ tác phẩm, chữ viết, lịch khắc trên đá tiếp tục hấp dẫn các nhà nghiên cứu. Đó chính là những bằng chứng khẳng định sự phát triển đỉnh cao của người Maya.
Nhưng mười mấy triệu người Maya đi đâu? Chẳng lẽ họ bốc hơi khỏi quả đất này, trong khi các dân tộc khác vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển?
Các nhà khoa học đã tích cực giải mã được 80% lượng chữ viết khổng lồ của người Maya khắc trên các phiến đá và đã hiểu được phần nào nguyên nhân diệt vong của nền văn minh này.
Ký tự cổ của người Maya?
Không có dân tộc khác, quốc gia khác diết họ, mà họ tự đưa mình vào chỗ chết. Người Maya không yêu chuộng hòa bình, thiên nhiên như chúng ta vẫn lầm tưởng. Họ thực sự hiếu chiến và khát máu. Đã có hàng loạt cuộc chiến tranh trong nội bộ các quốc gia của người Maya.
Thời kỳ chiến tranh tàn sát, người Maya chết đói rất nhiều. Việc khai thác rừng quá mức, cũng khiến môi trường thay đổi, lượng nước ngầm ít dần. Hơn nữa, vùng đất của người Maya lại phải trải qua một thời kỳ hạn hán vô cùng khốc liệt, kéo dài hàng trăm năm.
Cuối thế kỷ thứ 9, các con kênh do người Maya đào cũng không còn nước nữa. Dù khoa học kỹ thuật thời kỳ đó phát triển rực rỡ, nhưng người Maya cũng không thể đào sâu xuống lòng đất tới 150 mét để lấy nước dùng.
Thiếu nước, nền nông nghiệp đình đốn. Người Maya đói ăn. Đã vậy, các cuộc xung đột đẫm máu triền miên, khiến các nền văn minh Maya lần lượt biến mất.
Theo các nhà khoa học, thì hiện tại, ở vùng Trung và Nam Mỹ vẫn còn vài triệu người là hậu duệ Maya. Tuy nhiên, thực dân Tây Ban Nha đồng hóa họ suốt mấy trăm năm nay, khiến mầm mống cuối cùng của văn minh Maya cổ xưa đã biến mất một cách trọn vẹn.
=Hân Phong
Theo VTC
"Dị nhân" coi rắn độc như con, chinh phục toàn "quái thú" Rắn, nhất là rắn độc gần như là ác mộng với tất cả chúng ta, nhưng "dị nhân" này xem rắn như con, chinh phục được cả những con rắn "quái thú" to hơn người, khiến ai cũng ám ảnh vì sợ hãi. Chân dung người đàn ông Ấn Độ Vava Suresh - một nhà bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời...