Tiếp tục ổn định sản xuất và cung ứng hàng hóa tại các tỉnh phía Nam
Trong bối cảnh các địa phương dần trở lại trạng thái bình thường mới, tình hình cung ứng hàng hóa và sản xuất công nghiệp đã từng bước đi vào ổn định, dù còn gặp một số khó khăn.
Người dân đi mua sắm tại siêu thị Co.opXtra. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Chia sẻ từ Tổ công tác đặc biệt phía Nam ( Bộ Công Thương), tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Tính đến ngày 1/11, đã có 148/234 chợ truyền thống (tăng 6 chợ so với ngày hôm trước) chính thức hoạt động tại nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.014/3101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Cũng theo Tổ công tác đặc biệt phía Nam, tính đến 10 giờ ngày 1/11, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 2/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn; riêng chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Cùng với đó, tại tỉnh Bạc Liêu, các hệ thống phân phối cửa hàng Bách hóa xanh, Siêu thị Coopmart, chuỗi cửa hàng Coop.Food vẫn hoạt động và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các kênh bán hàng online của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giao hàng đến từng hộ gia đình nên đã giảm lượng người tập trung mua hàng. Các mặt hàng thiết yếu đủ đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng người dân.
Đáng lưu ý, trên địa bàn tỉnh có 64 chợ, đến nay có 1/64 chợ Phường 2 (vùng đỏ) đã tạm thời ngưng hoạt động, 9/64 chợ tạm ngừng hoạt động một phần chợ, giảm số tiểu thương trong chợ hoặc tiểu thương di dời sang khu vực khác do liên quan đến ca mắc COVID-19 hoặc nằm trong vùng đỏ.
Cụ thể như 4 chợ trên địa bàn thị xã Giá Rai (chợ Nọc Nạng chợ Hộ Phòng, chợ Khúc Tréo, chợ Nhàn Dân); 2 chợ trên địa bàn huyện Hồng Dân ngừng hoạt động một phần (chợ Ninh Quới, chợ Vĩnh Phú); 2 chợ trên địa bàn huyện Phước Long (Chợ trưởng tòa, chợ Phó Sinh), khu vực Chợ Phước Long nhà lồng thị trấn Phước Long phong tỏa (78 tiểu thương), nên các hộ tiểu thương mua bán được di dời sang khu vực khác, lượng tiểu thương giảm còn 15 hộ. Các chợ còn lại trên địa tỉnh vẫn duy trì hoạt động. Nguồn cung hàng hóa trong tỉnh hiện nay tương đối đầy đủ, giá cả ổn định, đáp ứng kịp thời, phục vụ nhu cầu cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, số lượng tiểu thương hoạt động tại các chợ đạt khoảng 80-90% so với ngày thường. Sức mua tại các chợ trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ 3-5% so với ngày 31/10/2021. Hàng hoá tại các chợ đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, giá bình quân một số mặt hàng rau quả ở các chợ truyền thống tăng nhẹ như cải bẹ xanh, cải ngọt…, các mặt hàng khác không thay đổi so với ngày trước. Qua nắm thông tin trên địa bàn quản lý, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, sốt giá và khan hiếm hàng hóa.
Hơn nữa, tại các khu vực cách ly vẫn đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhiệm vụ. Hàng hóa dự trữ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ dồi dào, đa dạng, đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Lượng người mua sắm tăng 5-10% so với ngày 31/10/2021. Sức mua tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ đạt khoảng 70-80% so với ngày thường.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phía Nam khác, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.
Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương cho hay, tại tỉnh Bạc Liêu, trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều xã, huyện trong tỉnh, cấp độ dịch nâng lên mức cao nhất (cấp 4), các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Các doanh nghiệp khác dù vẫn duy trì hoạt động nhưng có phương án giảm số lượng lao động.
Mặt khác, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện có 22 doanh nghiệp đang hoạt động và đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 theo định kỳ cho người lao động đạt 54,1%, tương đương 3.777/6.987 lao động.
Lũy kế đến thời điểm báo cáo, các doanh nghiệp đã tổ chức khoảng 19 đợt xét nghiệm COVID-19 theo định kỳ 3 ngày, 5 ngày, 2 tuần cho người lao động tính từ ngày 19/7/2021 thực hiện giãn cách theo Chị thị số 16/CT-TTg.
Theo đó, có 22 doanh nghiệp đã hoàn thiện kế hoạch và bản cam kết giữ vững an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để duy trì hoạt động sản xuất; 19/22 doanh nghiệp đã đăng nhập và đánh giá nguy cơ với mức độ an toàn vùng xanh, 3/22 doanh nghiệp là chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, không phải là doanh nghiệp sản xuất nên không thuộc đối tượng phải đánh giá trên ứng dụng Bản đồ chung sống an toàn COVID-19 doanh nghiệp.
Cà Mau ra văn bản hỏa tốc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19
Số ca nhiễm Covid-19 trong tỉnh tăng cao, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản hỏa tốc tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Ngày 2.11, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ký văn bản hỏa tốc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại tỉnh và số ca nhiễm ở các tỉnh bạn trong khu vực tăng rất nhanh. Dịch bệnh cũng đã lây lan rất mạnh trong các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các tỉnh, trong đó một nhà máy thủy sản có hơn 30 ca dương tính tại nhiều vị trí, phân xưởng sản xuất trong nhà máy.
Để kịp thời phát hiện, phân loại, cách ly, điều trị bệnh, tránh để bùng phát dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều lao động, đặc biệt tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh rà soát, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu công nhân, người lao động thực hiện nghiêm quy định 5K; bố trí giãn cách, cách ly các bộ phận sản xuất; tuyên truyền công nhân hạn chế hoạt động tiếp xúc bên ngoài nhà máy... Đối với các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng, bộ phận sản xuất thuộc phạm vi phong tỏa hoặc có nguy cơ cao (có xuất hiện F0), đề nghị thực hiện nghiêm các biện pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, xét nghiệm..
Khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng tần suất, tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc cho người lao động (đối với khu vực, địa bàn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên tăng tần suất xét nghiệm 2 ngày/lần/100% người lao động) để kịp thời phát hiện, bốc tách F0, F1 ra khỏi cơ sở, nhằm hạn chế lây lan ra diện rộng. Đồng thời, khẩn trương rà soát, chuẩn bị điều kiện cần thiết để sẵn sàng kích hoạt, tổ chức thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" (sau khi xét nghiệm sàng lọc 100%) nhằm đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất khi tình huống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn.
Bản tin Covid-19 ngày 2.11: Dịch bệnh ở nhiều nơi có chiều hướng phức tạp
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Giám đốc Sở Công thương thường xuyên theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp có khó khăn, vượt thẩm quyền xử lý thì kịp thời tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện.
Nới lỏng giãn cách giúp chỉ số sản xuất công nghiệp dần 'hồi sinh' Theo Tổng cục Thống kê, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng góp phần khiến hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 10/2021 ước tăng 6,9% so với tháng trước. Trong 10 tháng năm 2021, IPP tăng 3,3% so với cùng...