Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho dải Gaza
Ai Cập ngày 21/10 sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình quốc tế để thảo luận các biện pháp giảm leo thang căng thẳng ở Dải Gaza, giúp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và tiến tới giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ thông qua giải pháp hai nhà nước.
Việc tổ chức sự kiện quốc tế này phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình ở Dải Gaza. Đại diện của Pháp, Hy Lạp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Iraq, Italy và Cộng hòa Cyprus đã xác nhận tham dự. Ngoài ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), lãnh đạo của Palestine, Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ dự sự kiện. Trước thềm hội nghị, hàng loạt nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Hamas-Israel vẫn diễn ra dồn dập.
Theo báo cáo của LHQ, các đợt oanh tạc của Israel nhằm vào Dải Gaza đã làm chết 307 người Palestine trong vòng 24 giờ tính đến tối 19/10 (giờ địa phương), nâng số người chết kể từ khi Israel tuyên chiến với lực lượng Hamas lên 3.785 người, trong đó ít nhất 1.524 là trẻ em và 1.444 là phụ nữ.
Trong khi đó, kênh Al Jazeera ngày 20/10 đưa tin, số người chết thực tế ở Gaza có thể còn cao hơn nhiều khi hàng trăm nạn nhân khác vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau các cuộc tấn công dữ dội của Israel suốt gần 2 tuần qua. Ngoài ra, còn có trên 12.500 người bị thương do các cuộc tấn công của Israel.
Theo cơ quan phụ trách nhà ở tại Gaza, ít nhất 30% tổng số ngôi nhà đã bị phá hủy (12.845 căn) do vụ đánh bom của Israel, số nhà không thể ở được là 9.055 căn, số nhà bị hư hỏng nhẹ là 121.000 căn. Số người phải sơ tán bên trong Gaza đã lên tới gần 1 triệu người, trong đó, có trên 527.500 người ở tại 147 nơi trú ẩn khẩn cấp của LHQ. Những nơi này đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng tồi tệ. Do tình trạng thiếu nước, người dân Gaza đang dùng nước từ các nguồn không an toàn, có nguy cơ tử vong và nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm.
Các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng vẫn đang tiếp tục kêu gọi tổ chức đưa hàng nhân đạo vào Dải Gaza hằng ngày. Các xe chở đồ thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tới khu vực biên giới và sẵn sàng di chuyển vào khu vực Dải Gaza. Tuyên bố trên của WHO được đưa ra trong thời điểm nhiều tấn hàng cứu trợ từ Ai Cập, Jordan, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ đã tới cửa khẩu Rafah, chờ tiếp cận vùng lãnh thổ của Palestine từ phía Ai Cập.
Mỹ đang định hình chiến dịch đổ bộ của Israel vào Gaza?
Ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang định hình chiến dịch tấn công trên bộ của Israel ở Gaza nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas.
Vào ngày 14.10, khi Israel vẫn còn bị sốc trước cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas từ Dải Gaza trước đó một tuần, quân đội Israel cho hay họ đang chuẩn bị "các cuộc tấn công phối hợp từ trên không, trên biển và trên bộ" để tiêu diệt Hamas, theo Bloomberg hôm 20.10.
Tuy nhiên, đến giữa tuần, các phát ngôn viên của quân đội Israel nói rằng một cuộc tấn công trên bộ ở Gaza "có thể khác với những gì bạn nghĩ". Họ còn nói rằng cuộc tấn công trên bộ vào Gaza có thể bắt đầu muộn hơn và kéo dài hơn, diễn ra theo những cách bất ngờ.
Israel có thể sẽ điều các lực lượng được huấn luyện về chiến tranh đô thị, được quân đội chính quy hỗ trợ và có sự yểm trợ từ trên không, đến từ nhà này sang nhà khác và cố gắng loại bỏ hoặc bắt giữ các thủ lĩnh Hamas, theo ông Bilal Saab, cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Đông ở Mỹ.
Điểm xung đột: Thách thức lớn khi tấn công Gaza; vì sao Mỹ chưa muốn Israel đánh Hezbollah?
Vai trò của Mỹ
Mỹ chia sẻ mục tiêu của Israel phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự thuộc Hamas ở Gaza. Mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện bằng một cuộc tấn công trên bộ, vì Hamas đã dành hàng chục năm để xây dựng mạng lưới đường hầm và các vị trí khác, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ đang định hình cách tiến hành cuộc tấn công trên bộ của Israel, đặc biệt là làm thế nào để hạn chế thương vong cho 2 triệu dân thường ở Gaza, cũng như kế hoạch của chính phủ Israel về những gì xảy ra khi cuộc tấn công kết thúc, theo Bloomberg dẫn lời các quan chức Israel và những người thân cận với chính quyền Israel.
Ba quan chức cấp cao của Israel cho hay vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Hamas lần này sâu sắc và mạnh hơn so với bất kỳ nỗ lực nào của Washington trong quá khứ. Trong vài ngày qua đã có một loạt chuyến thăm Israel chưa từng có của các quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và cả Tổng thống Joe Biden.
Đội hình xe tăng Israel và các lực lượng quân sự khác được bố trí gần biên giới Israel-Gaza, ở miền nam Israel ngày 19.10. Ảnh Reuters
Mỹ ngày càng lo ngại rằng cuộc tấn công trên bộ dự kiến của Israel có thể thu hút sự can thiệp của lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Li Băng. Nếu Hezbollah can thiệp, việc này có thể mở ra mặt trận thứ hai trong cuộc xung đột Hamas-Israel và gây ra một cuộc xung đột rộng hơn, kéo Mỹ vào sâu hơn và phá vỡ những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm ổn định khu vực bằng cách tạo hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập.
"Tổng thống Biden đang tập trung vào việc giảm nguy cơ cuộc chiến này lan sang một mặt trận khác. Đây là mục tiêu chính của ông ấy", Ngoại trưởng Israel Eli Cohen khẳng định trong một cuộc phỏng vấn.
Trên chiếc Không lực Một lúc trở về Washington D.C sau chuyến thăm Israel ngày 18.10, Tổng thống Biden cho hay ông đã nói chuyện với giới lãnh đạo Israel về nhiều "phương án thay thế" khác nhau liên quan cuộc chiến trên bộ vì lo ngại về thương vong dân sự và sự lan rộng của cuộc xung đột Hamas-Israel.
"Lý do vấn đề nhân đạo lại quan trọng đến thế"
Sau khi xung đột Hamas-Israel bùng nổ, Mỹ đã cử hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới phía đông Địa Trung Hải và đặt binh sĩ trong tình trạng báo động. Tuy nhiên, Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế thương vong cho dân thường.
Tại Tel Aviv ngày 18.10, Tổng thống Biden đã thúc đẩy chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho phép hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza, nơi dân thường đang bị mắc kẹt do nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống ngày càng cạn kiệt và phải hứng chịu các cuộc không kích thường xuyên của Israel. Những chuyến hàng viện trợ đầu tiên từ Ai Cập có thể đến Gaza sớm nhất là vào ngày 20.10, theo các quan chức Mỹ.
"Ông Biden xác định rằng cần phải đánh bại Hamas, nhưng ông ấy cũng muốn duy trì các liên minh chiến lược và hiệp ước hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập và mở rộng chúng, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông. Đó là lý do vấn đề nhân đạo lại quan trọng đến thế", thiếu tướng Amos Gilead, cựu quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Israel, nhận định.
Những tòa nhà dân cư bị phá hủy trong các cuộc tấn công gần đây của Israel trong thành phố Zahra, ở phía nam thành phố Gaza. Ảnh Reuters
Ngoài ra, cựu Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren cho rằng Tổng thống Biden đang thúc đẩy Israel thận trọng hơn khi tiến hành chiến dịch đổ bộ vào Gaza cũng như phản ứng trước các cuộc tấn công ngày càng gia tăng từ Hezbollah. "Điều này sẽ đặt ông Netanyahu vào thế khó", ông Oren nhận định. Ông Oren còn cho rằng Mỹ có thể sẽ thúc ép ông Netanyahu đưa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tới Gaza và khôi phục các nỗ lực cho giải pháp hai nhà nước.
Ông Mairav Zonszein, nhà phân tích cấp cao về Israel tại tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng quốc tế (Bỉ), bình luận rằng Israel muốn cung cấp an ninh cho công dân của mình và khôi phục khả năng răn đe và để làm được điều đó, họ buộc phải gây thương vong cho nhiều dân thường. Tuy nhiên, chính phủ của ông Netanyahu vẫn tiếp thu thông điệp của Mỹ, theo Giám đốc điều hành Manuel Trajtenberg của Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia có trụ sở tại Tel Aviv.
Làn sóng bạo lực ở Gaza lan sang Bờ Tây, 75 người Palestine thiệt mạng Sau khi phong trào Hamas ở Dải Gaza tấn công các thị trấn của Israel ngày 7/10, số vụ bạo lực cũng gia tăng mạnh ở Bờ Tây. Những người định cư có vũ trang đã tấn công một tòa nhà chung cư vào ngày 11/10, khiến 4 người thiệt mạng. Ảnh: CNN Ibrahim Wadi 62 tuổi và con trai Ahmad 24 tuổi...