Tiếp tục những phản ứng trái chiều về vụ tấn công của Anh – Mỹ nhằm vào Houthi
Ngày 12/1, Quốc vụ khanh phụ trách Các lực lượng vũ trang Anh, ông James Heappey cho biết hiện tại Anh không có kế hoạch tấn công mới vào các mục tiêu Houthi.
Tàu khu trục gắn tên lửa dẫn đường USS Carney của Mỹ đánh chặn tên lửa và thiết bị không người lái của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Heappey khẳng định: “Vụ tấn công ngày 11/1 là phản ứng cần thiết, mang tính giới hạn, và tương xứng” sau các vụ tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại quốc tế trên Biển Đỏ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố phản đối các vụ tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ. Tuyên bố nhấn mạnh các cuộc tấn công này “làm leo thang căng thẳng trong khu vực”, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động này.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại, ông Josep Borrell cũng đã thảo luận với Ngoại trưởng Oman, ông Badr Albusaidi về căng thẳng đang leo thang tại Biển Đỏ, đồng thời nhấn mạnh cần đảm bảo tự do hàng hải.
Đan Mạch bày tỏ ủng hộ các cuộc tấn công của Anh và Mỹ nhằm vào Houthi. Bộ Ngoại giao Đức cùng ngày cho rằng việc Anh – Mỹ tấn công Houthi “sẽ giúp ngăn chặn các vụ tấn công khác” của lực lượng này, đồng thời nêu rõ mục đích là “giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định tại Biển Đỏ”.
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib cho biết đang phối hợp với các đối tác EU và Mỹ để khôi phục an ninh tại Biển Đỏ và tránh leo thang xung đột. Trên nền tảng mạng xã hội X, bà Lahbib nhấn mạnh: “Các cuộc tấn công của Houthi là mối nguy hiểm thực sự”.
Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn xung đột lan rộng tại Yemen sau các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu Houthi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh (Mao Ning) nêu rõ: “Trung Quốc lo ngại về sự leo thang căng thẳng tại Biển Đỏ. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bình tĩnh nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng”.
Tại Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, bà Maria Zakharova cho rằng các cuộc không kích của Mỹ và Anh vi phạm luật pháp quốc tế, có nguy cơ gây leo thang căng thẳng trong khu vực.
Cùng chung quan điểm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Nasser Kanani cho rằng các cuộc tấn công quân sự của Mỹ và Anh vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, cố vấn của Thủ tướng Iraq, ông Fadi Al-Shammari cảnh báo phương Tây đang mở rộng cuộc xung đột Hamas – Israel và làm gia tăng cẳng thẳng trong khu vực. Còn Ngoại trưởng Jordan, ông Ayman Safadi cho biết nước này theo dõi sát các diễn biến đáng lo ngại tại Biển Đỏ và tác động đến an ninh khu vực.
Video đang HOT
Lực lượng Hamas ở Dải Gaza cũng phản đối các vụ tấn công của Anh – Mỹ, đồng thời cho rằng hành động này sẽ “tác động đến an ninh trong khu vực”.
Trước đó, ngày 11/1, quân đội Mỹ và Anh đã tiến hành không kích hơn 10 địa điểm của lực lượng Houthi tại Yemen trong một cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến và các chiến đấu cơ. Một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết mục tiêu của cuộc không kích này gồm các trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi. Người phát ngôn của Houthi Yahya Saree cho biết có 5 thành viên Houthi thiệt mạng và 6 người bị thương trong các cuộc không kích này.
Một thành viên Hội đồng chính trị tối cao của Houthi, ông Mohammed Ali al-Houthi cho biết lực lượng này sẽ sớm đáp trả vụ tấn công trên.
Toàn cảnh cuộc tấn công quy mô lớn của Mỹ, Anh vào lực lượng Houthi ở Yemen
Theo các quan chức Mỹ, Washington và London đã tiến hành các cuộc không kích vào hơn 60 địa điểm của lực lượng Houthi ở Yemen.
Các tay súng Houthi mới được tuyển dụng cầm vũ khí trong buổi lễ kết thúc khóa huấn luyện ở Yemen. Ảnh: REX/Shutterstock
Tờ The Guardian (Anh) cho hay các cuộc tấn công này là phản ứng quân sự mạnh mẽ nhất nhằm chống lại chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Houthi vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ, bắt đầu sau khi cuộc chiến của Israel ở Gaza nổ ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/1 tuyên bố: "Lực lượng Mỹ, Anh, với sự hỗ trợ từ Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan, đã tập kích thành công vào các khu vực Houthi sử dụng ở Yemen. Đây là phản ứng trực tiếp với các đợt tấn công của Houthi nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ".
Theo ông Biden, hành động của Houthi đe dọa quân nhân, thủy thủ dân sự Mỹ và các đối tác của Washington, cản trở thương mại và tự do đi lại ở khu vực. Tổng thống Mỹ tuyên bố ông sẽ không do dự triển khai thêm biện pháp để bảo vệ con người và dòng chảy thương mại.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 12/1 xác nhận Không quân Hoàng gia Anh đã phối hợp với lực lượng Mỹ.
"Anh sẽ luôn đứng lên vì tự do đi lại và tự do thương mại. Do đó, chúng tôi đã hành động hạn chế, cần thiết và phù hợp để tự vệ", ông Sunak nói.
Đây được cho là lần đầu tiên Mỹ tập kích nhằm vào Houthi ở Yemen kể từ năm 2016. Các nguồn thạo tin nói đòn tập kích được thực hiện bởi các máy bay, chiến hạm và tàu ngầm USS Florida, sử dụng tên lửa Tomahawk. Trong số các mục tiêu có hệ thống radar, kho chứa tên lửa đạn đạo, vị trí phóng tên lửa của Houthi.
Lực lượng Houthi là ai?
Thủ lĩnh Houthi Abdul Malik Al-Houthi trong video vào ngày 11/1. Ảnh: X
Houthi là nhóm phiến quân ở Yemen, được phương Tây nhìn nhận là do Iran hậu thuẫn. Lực lượng này được đặt theo tên người sáng lập Hussein Badreddin al-Houthi, đại diện cho nhánh Zaidi của Hồi giáo Shia. Houthi nổi lên vào những năm 1990 để phản đối ảnh hưởng tôn giáo của Saudi Arabia ở Yemen. Nhóm này sở hữu khoảng 20.000 máy bay chiến đấu các loại, hoạt động ở hầu hết các khu vực thuộc phía Tây Yemen và duyên hải Biển Đỏ.
Cùng với Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Liban, Houthi là một trong ba lực lượng dân quân nổi bật đã tiến hành các cuộc tấn công vào Israel trong những tuần gần đây.
Ngay sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023, thủ lĩnh Houthi Abdul Malik Al-Houthi cho biết lực lượng của ông "sẵn sàng điều động với hàng trăm nghìn tay súng cùng chiến đấu với người dân Palestine và đối đầu với kẻ thù".
Diễn biến các cuộc tấn công trên Biển Đỏ
Máy bay trực thăng quân sự của Houthi bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ vào tháng 11/2023. Ảnh: Truyền thông quân sự Houthi/Reuters
Biển Đỏ, một trong những kênh vận chuyển đông đúc nhất thế giới, nằm ở phía Nam kênh đào Suez, tuyến đường thủy quan trọng nhất nối châu Âu với châu Á và Đông Phi. Yemen nằm dọc theo bờ biển phía Đông Nam của Biển Đỏ, giáp với vịnh Aden.
Ngay sau khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra, Houthi bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu ở Biển Đỏ, hành động mà họ cho là nhằm trả thù Israel vì chiến dịch trên bộ của nước này.
Tình hình leo thang vào ngày 19/11/2023, khi phiến quân Houthi sử dụng trực thăng đổ bộ để bắt giữ tàu Galaxy Leader do một công ty Nhật Bản thuê. Nhóm này cho rằng con tàu này có liên hệ với một doanh nhân Israel, đồng thời bắt cóc thủy thủ đoàn. Houthi tuyên bố: "Tất cả các tàu có liên kết với Israel hoặc các đồng minh của họ sẽ "rở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang".
Sau đó, nhiều cuộc tấn công vào tàu chở hàng đã xảy ra ở Biển Đỏ. Trước diễn biến này, nhiều công ty vận tải biển đã quyết định tránh đi qua Biển Đỏ và chuyển hướng sang Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, đòi hỏi nhiều thời gian và tốn nhiều chi phí hơn.
Phản ứng của Mỹ
Hôm 18/12, Mỹ tuyên bố thành lập Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng để đáp trả các cuộc tấn công của Houthi.
Washington đã kiềm chế đối đầu trực tiếp với lực lượng này cho đến ngày 31/12/2023, một chiếc trực thăng của Hải quân Mỹ đã hạ 10 thành viên nhóm vũ trang Houthi đang chuẩn bị đổ bộ tàu container ngoài khơi Yemen. Cái chết của 10 chiến binh này đã đánh dấu giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng.
Ngày 9/1, các tàu chiến của Mỹ và Anh đã bắn hạ 21 máy bay không người lái và tên lửa của Houthi trong đợt tập kích được mô tả có quy mô chưa từng có ở Biển Đỏ. Đến ngày 10/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố các cuộc tấn công tiếp theo ở khu vực này có thể thúc đẩy phản ứng quân sự của phương Tây.
Điều gì đã xảy ra ở Yemen trước xung đột Gaza?
Lực lượng Houthi đã nhận được sự ủng hộ từ những người Yemen theo phái Shia, vốn không ủng hộ Tổng thống Ali Abdullah Saleh, đặc biệt là sau vụ khủng bố 11/9 và cuộc tấn công Iraq của Mỹ. Làn sóng biểu tình lan rộng và một số vụ ám sát đã buộc ông Saleh phải từ chức vào năm 2012.
Năm 2014, Houthi liên minh với ông Saleh để chiếm thủ đô Sana'a và lật đổ Tổng thống mới Abd Rabbu Mansour Hadi một năm sau đó. Sau khi ông Hadi buộc phải chạy trốn, Chính phủ Yemen lưu vong đã yêu cầu các đồng minh ở Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) phát động một chiến dịch quân sự nhằm đánh đuổi Houthi.
Sau đó, một cuộc nội chiến thảm khốc đã xảy ra. Liên hợp quốc ước tính có tới 377.000 người thiệt mạng và 4 triệu người phải di cư vào cuối năm 2021.
Và Houthi được nhìn nhận là đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Tháng 4/2022, một thoả thuận ngừng bắn tạm thời đã được thiết lập khiến bạo lực giảm đáng kể, giao tranh phần lớn tạm lắng. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn này chỉ có hiệu lực đến ngày 2/10/2022.
Cuộc tấn công của Houthi ở Yemen và Saudi Arabia
Nhiều người coi các hoạt động tấn công của Houthi ở Yemen và Saudi Arabia là phương tiện hợp pháp để gây áp lực lên Israel và các đồng minh của nước này nhằm bảo vệ thường dân Palestine. Các nhà phân tích cho rằng sự can thiệp của lực lượng Houthi đã củng cố sự ủng hộ trong nước của họ.
Lực lượng Houthi cũng tin rằng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể khiến họ trở thành một bên tham gia vào sự vụ toàn cầu quan trọng hơn, bất chấp sự hiện diện của một chính phủ được quốc tế công nhận ở phía Nam đất nước.
Trong khi đó, Saudi Arabia đang cố gắng bình thường hóa quan hệ với Iran và hoàn tất một thỏa thuận hòa bình có thể công nhận quyền kiểm soát của Houthi ở phía Bắc Yemen. Họ lo lắng bất kỳ phản ứng nào từ Mỹ có thể làm phức tạp thêm nỗ lực rút quân khỏi nước này.
Thương mại toàn cầu sụt giảm do tình hình an ninh ở Biển Đỏ Hoạt động thương mại trên toàn thế giới từ tháng 11 - 12/2023 đã sụt giảm 1,3% trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen tấn công tàu thương mại đi qua Biển Đỏ khiến lượng hàng vận chuyển qua tuyến vận tải huyết mạch kết nối châu Âu và châu Á giảm mạnh. Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel) có...