Tiếp tục đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam
“Cuộc chiến” đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam đã kéo dài 12 năm vẫn chưa ngã ngũ. Nhân 55 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10.8), PV Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Mỹ đã chấp nhận sự thật
Hơn 12 năm đấu tranh đòi công lý, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam có tiếp tục theo đuổi vụ kiện này không?
- Phải khẳng định rằng việc đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam là “cuộc chiến” lâu dài, gian khổ. Nạn nhân chất độc da cam rất đoàn kết, đấu tranh tới cùng để đòi lẽ phải. Chính phủ Mỹ đã bồi thường cho các nạn nhân là cựu chiến binh của Mỹ. Tuy nhiên, khi nói đến nạn nhân bị chất độc da cam/dioxin của Việt Nam thì họ “phủi tay” vì cho rằng chất da cam không độc hại, nên không thụ lý vụ kiện. Điều này đi ngược lại với lương tâm của những người dân Mỹ và nhân dân tiến bộ thế giới. Công ty hóa chất Mỹ thì né tránh trách nhiệm đổ lỗi cho Chính phủ Mỹ là người mua và sử dụng chất dioxin.
Nhiều nạn nhân chất độc da cam có cuộc sống rất vất vả (ảnh chụp tại Tiền Hải, Thái Bình). Ảnh: Minh Nguyệt
Có khi nào vì cuộc chiến quá lâu dài, gian khổ mà chúng ta chịu từ bỏ vụ kiện đòi công lý không, thưa ông?
- Như nói ở trên, đó là cuộc chiến lâu dài, gian khổ nhưng các nạn nhân và Hội chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý. Tuy nhiên, hình thức đấu tranh cũng sẽ phải khác đi vì Mỹ và Việt Nam cũng đã bình thường hóa quan hệ. Gần đây, quan hệ hai nước đã chuyển sang toàn diện, cho nên đấu tranh đòi công lý của chúng ta cũng phải mới hơn. Nếu nói chúng ta phải kiện Chính phủ Mỹ thì cũng không phải, thay vào đó, chúng ta có thể vận động Chính phủ Mỹ, nhân dân Mỹ viện trợ nhân đạo để khắc phục hậu quả của dioxin.
Video đang HOT
Tôi nghĩ rằng, Quốc hội Mỹ, Chính phủ Mỹ đã chấp thuận tẩy độc dioxin ở Việt Nam và viện trợ cho người khuyết tật trong đó có nạn nhân chất độc da cam. Nếu suy nghĩ thức thời thì sẽ thấy Mỹ cũng phải chấp nhận sự thật, đó cũng là công lý.
Vậy Hội Nạn nhân chất độc màu da cam sẽ làm gì để theo đuổi vụ kiện với công ty hóa chất Mỹ?
- Việc kiện thì ta không đề cập, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục tập hợp bằng chứng để kiện các công ty hóa chất Mỹ. Việc kiện có thể thực hiện ở nước Mỹ, cũng có thể Hội Nạn nhân chất độc da cam sẽ kêu gọi nạn nhân ở các nước khác thực hiện kiện các công ty Mỹ. Bên cạnh đó, Hội đang thực hiện các bước nghiên cứu chứng minh sự độc hại của chất độc dioxin mà Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam, cả nước có khoảng 3 triệu. Nạn nhân và con số tăng theo thời gian. Ước tính từ năm 1961 tới năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học xuống chiến trường của Việt Nam.
Hơn 10.000 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân
Thưa ông, Đảng, Nhà nước ta đã có những chính sách nào hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin?
- Hiện nay Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm tới đối tượng này, từ lâu đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với nạn nhân là người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc. Bản thân họ được nhận trợ cấp tiền theo diện người có công hàng tháng. Mặt khác, họ cũng được hưởng nhiều chính sách trợ cấp ưu đãi về mặt xã hội như: Bảo hiểm y tế, trợ cấp khó khăn, cho thuê đất sản xuất, cho vay vốn… xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, người bị ảnh hưởng chất độc da cam, ở thế hệ thứ nhất bị nhiễm trong quá trình chiến đấu và con đẻ của họ đã được trợ cấp hàng tháng của Chính phủ. Hàng năm, chính phủ cũng đã đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để giải quyết hỗ trợ cho số này. Sắp tới, số lượng nạn nhân tăng lên thì chắc chắn con số kinh phí sẽ phải lớn hơn.
Vậy theo ông, những hỗ trợ như vậy đã đáp ứng được đầy đủ, toàn diện nhu cầu của nạn nhân chất độc da cam chưa?
- Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu từ cuộc sống của họ. Bởi vì nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là các gia đình có từ 2-3 người con bị phơi nhiễm chất độc trở lên thì cuộc sống rất khó khăn. Nguyên nhân do việc khám chữa bệnh cho các nạn nhất rất tốn kém, lâu dài, dù bảo hiểm y tế có chi trả nhưng không đủ. Trong nhà cũng không có nhiều lao động khoẻ mạnh. Theo tôi, Chính phủ cũng đã có những chính sách hỗ trợ tương đối đầy đủ, phù hợp với từng đối tượng và con của họ. Đặc biệt, Hội cũng đã có những nghiên cứu cái đề xuất với Chính phủ trong việc bổ sung chính sách cho thể hệ thứ 3 (cháu của họ) hưởng trợ cấp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
84 ngày điều tra, 500 triệu USD và bài học cho Formosa
Họp báo ngày 30/06 đã chỉ đích danh Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung thời gian qua. Mặc dù kết quả không nằm ngoài suy đoán, nhiều người dân cảm thấy hài lòng trước thành quả đấu tranh của các cơ quan chính phủ trước Formosa, để tập đoàn này phải cúi đầu xin lỗi, cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân và môi trường.
Chính phủ đã có những bước đi khá hiệu quả. Buộc Formosa phải "tâm phục khẩu phục" thừa nhận là thủ phạm gây ra cá chết và chấp nhận chịu trách nhiệm xã hội và môi trường đối với Việt Nam là một thành công lớn của các cơ quan chức năng chỉ sau 84 ngày. Đối với sự việc đã xảy ra rồi mới đi tìm nguyên nhân, khó khăn không phải là chỉ ra thủ phạm mà tìm đủ luận cứ khoa học để kết tội. Có thể nói, Chính phủ đã hoàn thành trách nhiệm rất lớn trước dân, tạo cơ sở vững chắc để người dân thêm tin tưởng vào các nỗ lực điều hành đất nước.
Buộc Formosa thừa nhận sai phạm là thắng lợi lớn của Việt Nam. Các cơ quan chức năng đã tìm ra bản chất vấn đề, tạo niềm tin trong người dân.
Khi được yêu cầu chấm điểm Chính phủ và Bộ TN-MT trong trường hợp này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định: "Chắc chắn là 10. Bởi vì tôi nhiều khi còn không nghĩ rằng chúng ta tìm ra được thủ phạm và nguyên nhân của sự cố".
Theo ông, từ chỗ bỡ ngỡ vì sự cố môi trường quá lớn, lần đầu xảy ra ở Việt Nam, Chính phủ đã bình tĩnh và kịp thời đưa ra các giải pháp đúng đắn. "Tìm ra được nguyên nhân của sự cố chứng tỏ chúng ta đã tiếp cận vấn đề một cách rất hợp lý, sử dụng cơ sở khoa học là một, cơ sở pháp lý là hai. Đó là hai "chân" để chúng ta có thể xử lý tốt sự cố môi trường này" - Giáo sư nói thêm.
GS Đặng Hùng Võ: Điểm 10 cho Chính phủ và Bộ TN&MT trong vụ Formosa
Lời chia sẻ của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trước thềm họp báo: "Tôi đã nhận trách nhiệm ngay khi thị sát tình trạng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, nhưng đó sẽ là nhận trách nhiệm suông nếu không xác định được thủ phạm" khiến người dân thêm tin tưởng vào quyết tâm của toàn bộ máy trong việc xử lý sai phạm của Formosa tại miền Trung.
Đứng trước một thảm họa môi trường chưa từng gặp, trước sức ép của dư luận, trách nhiệm đối với nhân dân và trước một tập đoàn đa quốc gia có hậu thuẫn mạnh mẽ như Formosa Đài Loan, các cơ quan ban ngành chắc chắn đã trải qua một cuộc chiến cân sức và cân não không hề dễ dàng. 500 triệu USD dù chưa phải là con số quá lớn, nhưng đây là mức đền bù kỷ lục mà một doanh nghiệp nước ngoài phải nộp phạt vì hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam, cũng là số tiền kỷ lục Fomorsa phải chi trả tính đến thời điểm này.
Nếu ai đó vẫn cho rằng con số 500 triệu USD là "quá bèo" thì hãy so với số tiền 173 triệu USD mà Mỹ đã chi ra để khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam (tính đến ngày 01/01/2016), sau khi đã gây ô nhiễm hàng triệu hecta đất tại Việt Nam, ước tính hàng trăm năm sau mới sạch hoàn toàn và khiến 4,8 triệu người Việt Nam di chứng chất độc da cam đang hàng ngày hàng giờ gánh chịu đau đớn.
Hàng triệu hecta đất bị nhiễm độc, gần 5 triệu người mắc di chứng chất độc da cam và phải mất hàng trăm năm mới có thể khắc phục hậu quả, vậy mà tính đến 01/01/2016, Mỹ chỉ bồi thường cho Việt Nam 173 triệu USD.
Và nếu có ai đó cho rằng, 84 ngày là thời gian quá dài để điều tra vụ thảm họa cá chết, thì xin tham khảo một vài số liệu điều tra ở nước khác: Bộ Tư pháp Mỹ và Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã mất 20 năm (từ 1993 - 2013) để thu thập đủ chứng cứ và buộc các nhà máy Formosa ở bang Texas và Louisiana bồi thường vì xả chất thải độc hại ra không khí và nguồn nước; Nhật Bản cũng mất gần 2 năm, Cambodia mất 3 năm điều tra mới hoàn thành hồ sơ và buộc Formosa cúi đầu nhận lỗi. Còn Việt Nam? Chỉ hơn hai tháng, Chính phủ đã buộc Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD. Như vậy có gọi là dài không?
Việc thành công buộc Formosa nhận tội sau 84 ngày đấu tranh đã đáp ứng được nguyện vọng và yêu cầu của người dân vào các cấp chính quyền. Bản án nghiêm khắc dành cho Formosa Hà Tĩnh còn đập tan những luận điệu xuyên tạc, mũi tấn công ác ý mà các đối tượng phản động ngày đêm tung tin trên các trang mạng xã hội hòng hạ uy tín, gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, qua đó kích động biểu tình nhằm tìm cơ hội phá hoại đất nước.
Quan trọng hơn, trước một tập đoàn đa quốc gia có kinh nghiệm "đụng độ" pháp lý với nhiều quốc gia, có hẳn một hội đồng luật sư cố vấn dày dạn kinh nghiệm, Chính phủ Việt Nam đã chứng minh năng lực điều tra, đồng thời phát thông điệp cứng rắn: các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải tuân thủ chính sách phát triển bền vững và luật pháp khi vào Việt Nam đầu tư.
Thùy Linh
Theo Vienam
[ẢNH] Ngụp lặn bắt cá trong hồ nhiễm chất độc da cam Thời gian qua, nhiều người dân đột nhập vào ao hồ ở khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) để đánh bắt cá mang về ăn và bán, dù nơi đây được cảnh báo bị nhiễm dioxin (chất độc da cam) rất nặng Dù trên hàng rào ở khu vực sân bay Biên Hòa gắn nhiều biển cảnh báo "Hồ nhiễm chất...