Tiếp tục cấp CMND mẫu mới tới khi có thẻ căn cước công dân
Tại buổi họp báo công bố Luật Căn cước công dân tại Văn phòng Chủ tịch nước sáng nay, 11/12, đại diện Bộ Công an khẳng định, cho đến thời điểm 1/1/2020, khi cả nước đồng loạt sử dụng Thẻ căn cước công dân, các loại chứng minh thư hiện tại vẫn có giá trị sử dụng.
Nói về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Công an – nhấn mạnh, thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ này cũng được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.
Điểm mới đáng chú ý là công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ căn cước công dân lần đầu, đổi thẻ căn cước công dân khi đến tuổi đổi thẻ theo quy định của luật hoặc có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân. Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân khác thì mới phải nộp lệ phí.
Công dân đến làm thẻ Căn cước chỉ cần kê khai vào tờ khai cấp thẻ theo mẫu quy địnhm không cần xác nhận của công an xã, phường, thị trấn vì các thông tin về công dân đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ: “Thẻ căn cước chỉ là CMND đổi tên và bỏ đi 2 trường thông tin về dân tộc và tên gọi khác”.
Video đang HOT
Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Các địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo luật này thì công tác quản lý công dân vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày luật có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật này.
Với câu hỏi, công an sẽ tiếp tục mở rộng việc cấp đổi CMND mới 12 số hay dừng lại, chờ tới khi luật này có hiệu lực thì tiến hành cấp thẻ căn cước công dân luôn, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) – Bộ Công an cho biết, giai đoạn chuyển tiếp vẫn bảo toàn giá trị các loại CMND hiện nay.
Ông Vệ phân tích, thẻ căn cước công dân chỉ có 3 điểm mới so với giấy CMND hiện nay là thay đổi tên gọi từ CMND sang căn cước công dân và bỏ đi 2 trường thông tin về “dân tộc” và “tên gọi khác” trên CMND hiện hành.
“Theo yêu cầu quản lý nhà nước, nhu cầu của công dân, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cấp CMND. Vẫn sẽ tồn tại 2 loại CMND cấp theo công nghệ mới 12 số và cấp thủ công như ngày xưa (CMND 9 số). Chậm nhất từ 1/1/2020 công dân sẽ được cấp toàn bộ căn cước công dân theo công nghệ mới”- ông Vệ nói.
Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia (C72) – Tổng cục VII, thông tin thêm, hiện nay Bộ Công an đang tiến hành cấp CMND mới 12 số ở 5 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên và Hải Dương. Tới đây sẽ tiếp tục mở rộng cấp đổi CMND mới 12 số ở một số địa phương khác như TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh…
Ông Dung khẳng định việc cấp CMND vẫn đang tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành; những người được cấp CMND mới 12 số coi như đã có số định danh cá nhân. Từ ngày 1/1/2016 khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực thì CMND mới 12 số sẽ được đổi tên thành Căn cước công dân.
P.Thảo
Theo Dantri
Tăng cường quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động, các địa phương đang đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ảnh minh họa
Theo tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện nay vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ hợp pháp của người lao động. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định.
Đồng thời, phối hợp tổ chức thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương.
Tại Lạng Sơn, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong năm 2014 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh thống kê tình hình các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, số tiền nợ, thời gian nợ hàng quý, báo cáo UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố để kịp thời chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất với người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý các đơn vị sử dụng lao động có vi phạm.
Tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP đã yêu cầu các sở-ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trên địa bàn TP; phấn đấu đến năm 2020, có 50% lực lượng lao động thành phố tham gia bảo hiểm xã hội, ít nhất 90% người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia, có 37% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 90% người dân TP tham gia bảo hiểm y tế...
Các sở, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các vi phạm về bảo hiểm y tế; kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; việc đấu thầu, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư và các dịch vụ kỹ thuật y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; cải tiến quy trình thủ tục khám chữa bệnh, tinh giản thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; triển khai kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến năm 2020; khắc phục tình trạng cấp trùng, cấp nhầm thẻ bảo hiểm y tế; kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật và lao động nói chung và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng của các doanh nghiệp trên địa bàn TP; kiên quyết xử lý các trường hợp trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế...
Khánh Linh
Theo_Báo Chính Phủ
Bộ GTVT: Taxi Uber hoạt động trái luật, rủi ro cho người sử dụng "Taxi Uber giá rẻ hơn, nhưng so với những hãng taxi truyền thống mà hoạt động kinh doanh phải trong khuôn khổ của hệ thống pháp luật thì hình thức kinh doanh taxi này là không lành mạnh. Ở Việt Nam chưa có quy định về dịch vụ này nên hoạt động của Uber là trái luật". Đó là khẳng định của Thứ...