Tiếp tay cho chồng ngoại tình
“Tại tôi anh ạ. Chồng tôi xét cho cùng cũng không phải loại người giăng hoa đâu. Nhưng, ở quê nó thế, phải có con trai nối dõi mới yên tâm”.
Đây là hai câu chuyện của hai khách hàng khác nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, người giàu, người nghèo. Nhưng, cả hai người giống nhau ở một điểm: Đều cam phận, âm thâm chấp nhận chồng ngoại tình mà không dám phản kháng.
Câu chuyện thứ nhất
Nhìn dáng vẻ, cách ăn mặc bề ngoài, tôi đã biết gia đình chị có điều kiện về kinh tế. Chị cũng chẳng ngại ngùng giấu diếm điều đó. Chị kể: Chồng chị giàu lắm. Anh là giám đốc một công ty đang làm ăn vô cùng phát đạt. Họ lấy nhau cách đây 9 năm, ngay khi chị vừa mới tốt nghiệp đại học.
“Hồi còn đi học, tôi xinh lắm. Tôi từng là á khôi của khoa du lịch. Có hai người đem lòng yêu tôi. Một là cậu sinh viên cùng lớp và hai là Hải – người mà tôi gọi là chồng bây giờ” -chị nhớ lại. Chị đem lòng yêu cậu bạn sinh viên. Còn Hải thì lại được bố mẹ chị quý mến. Ngày đó, bố mẹ chị “chấm” Hải vì thấy anh học hành tử tế mà gia đình lại co điều kiện. Mẹ chị phân tích: Nếu lấy được Hải, chị khác nào sa vào chĩnh gạo, tự nhiên được ăn sung mặc sướng. Chứ lấy cái người mà chị yêu thì vất vả cả đời.
Hồi đó, tình yêu của chị chưa đủ lớn để chị vượt qua cám dỗ vật chất. Thấy lời bố mẹ nói cũng có lý, hơn nữa chị cũng không có ác cảm gì với Hải, vậy là gật đầu. Tháng 7 chị bảo vệ tốt nghiệp thì tháng 9 họ lên xe hoa. Chị còn chữa kịp tìm được việc làm.
Hải ngỏ ý bảo chị cứ ở nhà sinh con, chăm lo nhà cửa cho anh. Với khả năng của mình, anh thừa sức nuôi một vợ với cả đàn con. Hồi đó, chị đang an nhàn quen nghĩ tới đi làm là ngại. Vì thế, chị cũng đồng ý với sự sắp đặt của chồng.
Vậy là 9 năm đã qua, hai lần sinh con, chị chưa từng một lần đi làm. Thế giới của chị chủ yêu từ nhà đến siêu thị và ngược lại. Thi thoảng, cũng có người hỏi chị có buồn không, chị thật thà bảo: Mình quen rồi, chẳng buồn tẹo nào.
Video đang HOT
Chị có lẽ sẽ mãi an phận với cuộc sống không mưa nắng ấy cho tới một lần, chị nghe phong phanh tin chồng chị có lối sống không lành mạnh. Anh thường xuyên la cà quán xá với các đối tác. Rồi sau đó cả nhóm lại cùng đi “cải thiện”. Lúc đầu chị đã rất sốc, rất buồn, nhưng rồi chị lại tặc lưỡi, đàn ông ai chẳng vậy. Nếu không có khoản “Z” đó thì làm sao chồng chị ký được hợp đồng. Miễn là anh đừng ngược đãi vợ con là được.
Và chị đã im lặng, bất chấp cả việc những bữa “cải thiện” của anh dường như có phần nhiều hơn. Anh đi suốt đêm khuya mới về nhà. Lên giường là anh nằm vật ra, ngủ một mạch. Anh không có nhu cầu gì với chị cả. Ở cái tuổi như anh, nếu không giải quyết ở ngoài, chẳng thể ai “chay tịnh” mãi thế được. Chị lại tự nhủ: Thôi thì khuất mắt trông coi, mình không thấy coi như không có.
Nhưng, mọi chuyện đã lên tới đỉnh điểm khi đến ngày chị phát hiện ra, anh đang chính thức nuôi một “em út”. Anh còn thuê nhà, mua sắm xe cộ cho cô gái đó. Họ sống với nhau không khác gì vợ chồng.
“Lúc đó, tôi chỉ muốn chạy tới chỗ cô gái kia để làm rõ nhẽ. Tôi cũng muốn nói chuyện thẳng thắn với chồng, rằng tôi tuy ở nhà những tôi không ếch ngồi đáy giếng. Tôi đã làm ngơ cho anh ta chơi bời, giờ anh ta còn lấn lướt sống chung, chu cấp cho bồ nhí”… chị tấm tức kể.
Nhưng, tối đến, mấy lần gặp chồng, dù đã lấy hết can đảm nhưng chị vẫn không thể nào thốt nên lời. Chị không biết phải bắt đầu từ đâu. Chị tự nhủ, so với chồng, chị chỉ là cái bóng. Mấy năm qua, nào chị đã làm ra được đồng nào. Cơm chị ăn, nước chị uống cũng là của chồng đem tới. Nay, chuyện gì sẽ xảy ra nếu vợ chồng chị chia tay. Không có chị, anh ta vẫn có thể sống khỏe, thậm chí ngay ngày mai còn cưới được vợ khác. Còn chị, không có chồng sẽ sống thế nào. Chị sẽ lấy gì để sống. Và còn các con chị, còn danh dự, còn cái tiếng “được chồng cưng như trứng mỏng” nữa!.. Suy đi tính lại, chị thấy mình nên im lặng là hơn.
Tim đến chuyên gia tư vấn, chị không có ý xin lời khuyên. Với chị, chuyên gia tư vấn chỉ là một nơi giúp chị trút những tâm tư, ấm ức trong lòng mà chị không thể chia sẻ cùng ai. Thôi đành vậy các anh ạ. So với các cô gái qua đường kia, xét cho cùng, tôi vãn hơn họ ở danh phận chị tự an ủi mình.
Câu chuyện thứ hai
Người phụ nữ trong câu chuyện này không đủ tiền tìm tới phòng tư vấn tâm lý. Và chắc chị cũng không bao giờ có ý nghĩ ấy. Bởi, được tư vấn, tìm lời khuyên, được trấn an về tinh thần dường như là điều gì đó “xa xỉ” với người thôn quê như chị.
Nhưng, tôi đã gặp chị trong một lần tham gia dự án chăm sóc tâm lý cho chị em ở vùng nông thôn. Câu chuyện của chị đã khiến tôi nhớ nhất. Hai vợ chồng chị đều là nông dân. Họ ở cùng làng với nhau, đến tuổi cập kê, giai chưa vợ, gái chưa chồng thì cưới nhau chứ không có chuyện yêu đương lãng mạn gì. Cả đời, chị chẳng ra khỏi lũy tre làng. Làm dâu nhà anh, chị ngày ngày ra đồng cày sâu cuốc bẫm, rồi về chăn nuôi lợn gà.
Chị sinh liền hai con, đều là hai con gái. Nhưng, có lẽ do sức khỏe vốn đã yếu, cuộc sống lại vất vả nên sau khi làm mẹ chị càng yếu hơn. Thân hình chị ốm o sau tấm áo mỏng. Lần đó, gặp chuyên gia tư vấn, chị sụt sịt kể: “Chồng em có nhân tình anh ạ. Những, em chẳng biết làm sao, đành cam phận. Cái số em nó thế rồi”.
Việc chồng chị ngang nhiên ngoại tình đã xảy ra cách đây vài năm. Mới đầu, chị chỉ nghe anh ta ăn nằm với một người phụ nữ góa chồng ở làng bên. Chị về hỏi thì bị chồng vằn mắt, tát cho một cái vào mồn chị ngã xuống sàn, chẳng dám kêu. Bụng bảo dạ, hay là mình nhầm, chưa xác minh kỹ càng đã… đổ oan cho chồng.
Nỗi “oan” của chồng chị kết thúc bằng một đứa bé chào đời. Người đàn bà ở xóm bên đã sinh cho chồng chị một thằng cu, hình như là bụ bẫm lắm. Mẹ chị nghe tin, kéo chị ra đầu làng, yêu cầu chị phải làm cho ra nhẽ. Bà con bảo cô gái kia đang lên mặt, bắt chồng chị phải mang của nả đến đền đáp cho cô ta. Mà đó đều là công sức của chị làm ra, phơi sương phơi nắng cả ngày đấy chứ. Nghe mẹ nói, chị giật mình nhớ lại thảo nào, mấy lần, chồng chị về nhà ngang nhiên ép chị đưa chìa khóa để mở tủ lấy tiền chị tích cóp từ bán gà, bán lợn mang đi. Hỏi thì anh ta chỉ bảo có việc cần tiêu.
Mấy ngày sau đó, chị cứ lăn tăn mãi với câu hỏi: Nên làm gì bây giờ. Chị có nên yêu cầu chồng chấm dứt việc ngang nhiên phạm luật vậy không. Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, chị lại trách mình: Có lẽ do mình không có khả năng sinh con trai nên chồng mới thế…
“Tại tôi anh ạ. Chồng tôi xét cho cùng cũng không phải loại người giăng hoa đâu. Nhưng, ở quê nó thế, phải có con trai nối dõi mới yên tâm”.
Cái việc sinh con trai con gái, đâu phải lỗi ở chị. Vậy mà chị cứ “quặc” vào mình. Vì thế, chị lúc nào cũng tự ti, về nhà chồng chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Chị bảo: Mình đã không biết đẻ thì phải sống cam phận, làm ma phục vụ nhà chồng để bù đắp lại. Vì thế, chị không dám mở mồm phản kháng chồng lấy một câu.
“Biết thóp” vợ, chồng chị càng lấn tới. Từ chỗ chỉ thậm thụt, anh ta dần dần ngang nhiên dọn hẳn đến nhà bồ nhí sống, có khi cả tuần chẳng thèm tạt về nhà. Anh ta nghiễm nhiên khoán việc trông coi nhà cửa, chăm sóc bố mẹ mình, nuôi các con cho người vợ. Bao người thấy vậy, uất ức thay chị. Nhưng, chị lại tự nghĩ ra một lý do khác để “bào chữa” cho chồng. Chị kể: Do tôi, tôi yếu nên không đáp ứng được nhu cầu sinh lý của anh ấy.
Chị đã vất vả vì nhà chồng. Quanh năm suốt tháng, chị không một lần được đi đâu xa, không một lần được thảnh thơi lo cho bản thân. Vậy mà khi thân thể ngày một tàn tạ, gầy gò, tóc bạc đi vì suy nghĩ, chị lại cho rằng đấy cũng là một tội lỗi. Cái tội của chị là không phơi phới, đầy đặn, hấp dẫn chồng như người phụ nữ làng bên.
Thôi kệ anh ạ. Em cứ thế này mà sống thôi. Em chỉ cần anh ấy đừng ly hôn em. Còn đâu, anh ý muốn sống với ai thì sống. Mai này, anh ý nhớ ra còn một người vợ thì tốt. Không thì em chấp nhận thôi”.
Trước khi chia tay hai người phụ nữ, tôi đều nói với họ rằng: Trong lối ngoại tình của các anh chồng có cả lỗi của các chị. Đó là các chị đã cam phận, các chị không biết yêu chính bản thân và biết bảo vệ hạnh phúc của mình…
Theo ANTD
Dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh: Nhiều phen thót tim
Thời gian gần đây, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh được khá nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, đằng sau tính tiện lợi của nó là nhiều ẩn họa khó lường.
Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có uy tín để tiêm phòng, khám chữa bệnh
Từ chăm bé...
Dù đã sinh con được 3 ngày nhưng chị Vũ Thu Thảo (khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân) vẫn chưa thể cho cô con gái đầu lòng bú sữa mẹ. Nguyên nhân là do bầu ngực của chị Thảo tuy rất căng tức nhưng tia sữa không thông nên cháu bé cứ ngậm vào lại nhả ra rồi khóc ngằn ngặt, khiến cả hai mẹ con đều mất ngủ. Lo lắng, chị Thảo đã tra cứu thông tin trên mạng và được biết hiện có dịch vụ thông tắc tia sữa tại nhà nên gọi điện ngay đến đơn vị cung cấp dịch vụ. "Theo quảng cáo, chỉ cần một lần, sau 30 phút, với phương pháp vật lý trị liệu siêu tần, chạy tia làm tan cục cương giúp sữa bắn tự nhiên giúp trẻ sẽ bú được ngay nên tôi rất mừng và làm thử ngay. Nhưng qua 4 lần trị liệu với chi phí 1.800.000 đồng, tình trạng tắc tia sữa của tôi vẫn không có chuyển biến gì. Do vậy, tôi đã nhanh chóng chấm dứt dịch vụ này và nhập viện để được điều trị kịp thời"- Chị Thảo than phiền.
Dịch vụ tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà cũng khá hút khách. Giá của mỗi lần tắm phụ thuộc vào yêu cầu của các gia đình và quãng đường đi lại, song dao động ở mức 70.000 - 150.000 đồng/lần. Thông thường, tại khoa sản của các bệnh viện, ngay sau khi sản phụ sinh con, một số hộ lý, y tá sẽ giới thiệu cho mẹ dịch vụ tắm bé tại nhà của cá nhân họ. Tuy vậy, vẫn có không ít người nghe theo lời truyền miệng hoặc quảng cáo trên mạng đã thuê phải người thiếu kinh nghiệm, gây nguy hiểm cho trẻ. Chị Mai Thanh Giang ở phường Kim Mã, quận Ba Đình chia sẻ, do không có người giúp việc nên sau khi sinh con đầu lòng, chị Giang quyết định thuê người đến tắm cho bé trong tháng đầu sau khi sinh. Tuy vậy, chỉ sau 2 ngày chứng kiến người được thuê tắm cho con mình, chị Giang nhiều phen thót tim. "Do tuổi đời còn quá trẻ, lại chưa có kinh nghiệm nên động tác của người tắm cho con tôi khá lóng ngóng, vụng về. Chị ta kỳ cọ bé khá mạnh, thậm chí để nước chảy vào tai trẻ nên trong suốt quá trình tắm, con tôi cứ khóc ngằn ngặt. Hỏi ra mới biết đây là lần đầu tiên "hành nghề" của nhân viên này - chị Giang thở dài.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khi cho con tiêm chủng phòng bệnh do ngại đi đến các cơ sở y tế nên đã mời nhân viên y tế tiêm chủng cho bé tại nhà. Những dịch vụ này phục vụ tại nhà trong mọi thời điểm và các ngày trong tuần, tùy theo yêu cầu của gia chủ và được quảng cáo khá rầm rộ. Tuy vậy, giá dịch vụ tương đối cao và chất lượng thì không biết thế nào...
...đến chăm mẹ tại nhà
Chị Nguyễn Thanh Thúy ở đường Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng cho biết, dù mới mang thai ở tháng thứ 6 nhưng chị đã gọi điện đặt trước chỗ ở nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc mẹ sau sinh cách đây 2 tuần vì lo dịch vụ bị quá tải. Với dịch vụ này, chị Thủy có khá nhiều kinh nghiệm vì đã sử dụng trong lần sinh trước. Với số tiền khoảng 3 triệu đồng, chị Thủy sẽ được các nhân viên dùng rượu gừng, muối hột, ngải cứu và thuốc đông y massage bụng cho săn chắc, không bị chảy xệ và làm mờ vết rạn. Ngoài ra, chị Thủy còn được xông hơi, đắp mặt nạ, bấm huyệt. "Trong quá trình mang thai, da tôi thường nổi mụn và bị rạn khá nhiều. Do vậy, tôi thấy dịch vụ làm đẹp cho các bà mẹ sau khi sinh con là vô cùng cần thiết. Bởi nó không chỉ giúp người phụ nữ được thư giãn, lấy lại tự tin nhanh chóng mà còn khiến họ bớt trầm cảm, căng thẳng để chăm sóc bản thân và con được tốt hơn" - chị Thủy hào hứng.
Về các loại hình dịch vụ mới mẻ nêu trên, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E cho rằng, thời gian qua vì tin theo những lời quảng cáo, không ít bà mẹ trẻ đã bỏ ra không ít tiền để rồi chuốc bực vào người. Để cảnh báo đối với các gia đình, tại Khoa Sản của một số bệnh viện đã dán các tờ thông báo trong phòng điều trị nhằm nhắc nhở các bà mẹ trẻ không bị mắc lừa bởi những đối tượng mượn danh nhân viên y tế phát tờ rơi và quảng cáo về các dịch vụ như: Tắm cho bé tại nhà, thông tắc tia sữa, tiêm phòng... Trên thực tế, đã có không ít sản phụ do sử dụng thuốc tắc tia sữa không rõ nguồn gốc hay làm đẹp quá sớm khi vết mổ chưa liền nên đã bị tai biến, nhiễm trùng gây nguy hiểm đến sức khỏe và một số trẻ bị sốt cao, dị ứng da do được tắm không đúng cách, tiêm phòng không đảm bảo các điều kiện về y tế.
Cũng theo bác sỹ Hiếu, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào liên quan trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và trẻ sơ sinh, các bà mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, nên đến các cơ sở y tế có uy tín và tham khảo ý kiến của các bác sỹ. Đối với việc tiêm chủng, các gia đình cũng không nên cho trẻ tiêm tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Bởi, vaccine phải được bảo quản chặt chẽ trong dây chuyền khép kín, điểm tiêm chủng phải có đầy đủ các phương tiện để bảo quản vaccine và phương tiện cấp cứu kịp thời. Còn khi vaccine được các nhân viên y tế mang về các gia đình để tiêm cho trẻ thì không có gì đảm bảo rằng trong suốt quá trình vận chuyển, vaccine vẫn được bảo quản tốt. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng cho trẻ sẽ có tỷ lệ phản ứng nhất định với thuốc nên nếu rủi ro xảy ra tại nhà, do không có đủ phương tiện để xử trí nên trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo ANTD
Khi con cái thành "của nợ" Bây giờ, chuyện nữ công nhân độc thân sinh con rồi mang vứt... thùng rác hay một chỗ nào đó tương tự đã thành tin xuất hiện nhiều trên các trang báo. Điều gì đã biến những điều rùng rợn này thành chuyện thường ngày? Chuyện như thế ở các khu công nghiệp thường ngày đến mức có cảm giác như bạn đọc...