Tiếp dân để giải quyết khiếu nại – không làm “phồng” bộ máy
Kiến nghị trao quyền cho hệ thống cơ quan tiếp dân có con dấu độc lập, Thanh tra Chính phủ khẳng định sẽ không làm phồng to bộ máy nhà nước. Nhiều ủy viên Thường vụ QH vẫn lo bộ phận này quy mô lớn, quyền hạn to nhưng đơn vẫn… lòng vòng.
Dự thảo luật Tiếp công dân được trình UB Thường vụ QH cho ý kiến ngày 16/9 với nội dung giải trình, tiếp thu cho thấy quan điểm rõ hơn về hoạt động tiếp công dân đặt trong mối liên hệ với việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, dự thảo luật đã dành một chương riêng quy định về việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức tiếp dân.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tán thành quan điểm đề cao yêu cầu đối với của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân. “Khi có vụ việc nóng, chẳng hạn như khiếu kiện đông người thì thủ trưởng cơ quan phải ra tiếp để nhanh chóng giải tỏa bức xúc chứ không được ủy quyền cho cán bộ khác” – ông Phúc nêu nguyên tắc.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phê dự luật mới chỉ đề cập chung chung, mờ nhạt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong việc này. Vậy nên thực tế, nhiều lãnh đạo cơ quan vẫn “lánh”cố tình né tránh trách nhiệm bằng cách cử cấp phó hay cán bộ cấp vụ, cấp phòng làm việc này. Ông Phúc mong muốn có quy định để xử lý trách nhiệm những người “né” nhiệm vụ như thế.
“Khi có kiến nghị hết sức bức xúc của người dân vào những thời điểm cần tháo van, tháo điểm nổ rồi mà vẫn cử cán bộ đi thì không giải quyết được gì trong khi nếu lãnh đạo cơ quan đứng ra giải quyết thì hiệu quả cao nhất” – Ông Phúc nhận định, quy định như dự thảo luật sẽ chỉ lặp lại tình trạng “cử cán bộ tiếp dân mà thôi”.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lo ngại trao con dấu, tư cách pháp lý cho cơ quan tiếp dân sẽ làm phồng to bộ máy nhà nước.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị tổ chức cơ quan tiếp dân theo mô hình “một cửa” – trụ sở tiếp dân là nơi tiếp nhận đơn thư cũng là nơi trả lời. Ông Phúc cho rằng, cán bộ trực ở trụ sở tiếp dân của TƯ Đảng, nhà nước cần xem xét đơn thuộc cơ quan nào, đôn đốc giải quyết và trả lời trực tiếp đến người dân chứ ko phải chỉ làm động thái thông báo đơn đã chuyển đến cơ quan nào là xong.
Trách nhiệm đối với việc tiếp dân, theo ông Phúc là “phải theo đuổi đến cùng, nếu không, đơn thư lên TƯ xong lại trả về tỉnh, chuyển tiếp đến sở nọ phòng kia lan man, rồi người dân vẫn không đồng thuận, tiếp tục kéo lên TƯ thành một quy trình lòng vòng, luẩn quẩn, không đến đâu.
Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị quy định rõ trong Luật về việc văn phòng tiếp công dân các cấp, đồng thời là nơi trả lời về kết qủa giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân.
Video đang HOT
Ông Khoa phân tích: “Văn phòng tiếp dân các cấp không phải là nơi giải quyết được khiếu nại, kiến nghị của công dân, nhưng phải là đầu mối trả lời cho nhân dân; phải có trách nhiệm đôn đốc Chính phủ, các cơ quan trung ương và Quốc hội giải quyết đúng thời hạn để người dân chỉ việc đến đó nhận câu trả lời mà không phải đi lòng vòng”.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh yêu cầu kết nối giữa các văn phòng để phối hợp xử lý đơn thư, tránh trường hợp trùng lắp do công dân kiến nghị đồng thời đến nhiều người, nhiều cơ quan khác nhau. Bà Mai còn đề nghị ghi hẳn vào Luật: khi người dân có yêu cầu thì đại biểu Quốc hội phải tiếp công dân. Theo bà, đã là đại biểu dân cử thì việc tiếp dân là một trách nhiệm quan trọng.
Tán thành cao với kiến nghị “kết nối nối các văn phòng” của bà Trương Thị Mai, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi: “Qua thực tiễn thấy có nhiều công dân đến nhiều lần vì cùng một vụ việc, nhiều khi không có tình tiết gì mới, hoặc đã được cấp thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật. Quy định “phải tiếp” nhiều khi là rất khó cho đại biểu Quốc hội”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì lo lắng vì cảm giác quy mô luật quá lớn, khi áp dụng thì phải xây dựng có trụ sở tiếp công dân từ cấp TƯ đến tỉnh, huyện, ở cơ sở. Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo (Thanh tra Chính phủ), cơ quan tiếp dân còn có cả con dấu, có tư cách pháp nhân thì quy mô càng lớn. Ông Sơn băn khoăn về việc quy mô của cơ quan tiếp dân có tương xứng với kết quả sẽ đem lại vì luật chỉ chủ trương khuôn hoạt động tiếp dân ở việc nhận đơn thư, hẹn ngày trả lời chứ ngay cấp TƯ khi tiếp nhận đơn cũng ko có thẩm quyền giải quyết và thực tế cũng khó có thể giải quyết những sự việc xảy ra tại địa phương.
“Quy mô lớn thế nhưng cũng chỉ là việc cử cán bộ tới ngồi nghe thôi, tiếp nhận rồi lại chuyển đơn đến nơi này nơi kia. Chuyện trả lời cho người dân lại là từ khâu khác” – ông Sơn chỉ rõ.
Không thể gọi trụ sở là cơ quan được, không ai cấp con dấu cho trụ sở được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý nếu vụ việc nào có quyết định giải quyết ở cấp cao nhất đã có hiệu lực rồi thì luật cũng phải nói rõ là không tiếp dân đến vì việc đó nữa.
Dù dự thảo luật đã có quy định nếu cấp cao nhất đã giải quyết rồi thì có quyền từ chối tiếp công dân đến vì vụ việc cụ thể đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng việc đó chỉ làm được ở cấp tỉnh, còn ở cấp Trung ương thì không thể khước từ ngay việc tiếp dân được, vì chưa thể kiểm tra ngay hồ sơ.
Hơn nữa “chúng tôi có niềm tin là 80% bà con đến trụ sở tiếp dân ở Trung ương là oan ức, nên phải xem hai ba lần nữa, chứ không thì oan bà con” – ông Thanh giãi bày.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng gạt lo lắng về việc phát sinh bộ máy cơ quan tiếp dân vì hiện các đơn vị đều đã có bộ phận, cán bộ làm việc này. Thanh tra Chính phủ có một ban với 38 cán bộ làm nhiệm vụ tiếp dân. TP Hà Nội cũng có 27 người, TPHCM 42 người, các tỉnh thành trung bình có 5 cán bộ, cấp huyện có 3 người chuyên trách. Đánh giá tỉnh thành nào càng đầu tư cho công tác này tốt, tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp càng thấp, như TPHCM hầu như không có vụ nào công dân kéo tới TƯ trình bày bức xúc, ông Thanh khẳng định, luật này không thiết lập hệ thống mới, cũng không làm phồng to bộ máy mà chỉ củng cố địa vị pháp lý để bộ phận cán bộ tiếp dân hoạt động tốt hơn.
P.Thảo
Theo Dantri
Vụ nổ súng bắn 5 cán bộ ở Thái Bình thể hiện độ phức tạp của việc thu hồi đất
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ vụ đối tượng nổ súng làm 5 cán bộ địa chính thương vong ở Thái Bình với vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng để khẳng định công tác thu hồi đất thực sự phức tạp, bức xúc...
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Giải quyết không thỏa đáng khi thu hồi đất người dân dễ bức xúc dẫn tới hành vi chống đối".
Thảo luận về dự luật Đất đai sửa đổi sau lần chỉnh sửa mới nhất, các ý kiến trong UB Thường vụ QH đều tập trung vào những thay đổi trong quy định về thu hồi đất.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm vẫn quy định việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội nhưng kiến nghị, để tránh việc thu hồi tràn làn cần quy định hạn mức đất được thu hồi theo từng cấp như Quốc hội được quyền thu hồi đến mức nào, Thủ tướng đến mức nào, HĐND đến mức nào.
Ông Hiển chỉ rõ sự bất thống nhất lâu nay như lúc thì quy định chặt chẽ, động đến vài ba hecta đất lúa cũng phải xin ý kiến Thủ tướng, lúc lại rất lỏng như có dự án dùng đến hàng ngàn hecta đất rừng cấp dưới vấn có thể quyết định.
Trong khi đó, nhắc đến vụ nổ súng làm thương vong 5 cán bộ địa chính tại UBND tỉnh Thái Bình vừa xảy ra hôm qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ lại vụ chống đối cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn để khẳng định công tác thu hồi đất thực sự phức tạp. Như vụ ở Tiên Lãng, ông Phúc nhắc lại bài học khi thu hồi đất của người dân cần phải tính tới công sức quai đê lấn biển để hạn chế bớt những bức xúc của người dân.
"Khi thu hồi đất, dù chưa đủ giấy tờ, thủ tục vẫn cần có hình thức đền bù nào nào đó cho người dân, dù là thấp hơn các trường hợp "danh chính ngôn thuận", nếu không người dân dễ bức xúc dẫn tới hành vi chống đối giống như những vụ việc vừa qua" - ông Phúc cảnh báo.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận định các quy định trong dự thảo luật mới nhất đã giải quyết cơ bản các vấn đề đặt ra nhưng vẫn cần xem xét lại khái niệm "dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội" vì thực ra các dự án này cũng thể hiện mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Ông Lý đề nghị xác định các dự án được thu hồi đất trên các tiêu chí: dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án ODA, dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, xây dựng hạ tầng, mở rộng nâng cấp công trình văn hóa xã hội.
Mổ xẻ Điều 63, ông Lý không tán thành với hướng thiết kế của cơ quan soạn thảo chỉ đi sâu vào việc xác định thẩm quyền thu hồi đất của các cấp, từ Quốc hội, Thủ tướng tới HĐND. Theo ông Lý cách quy định này sẽ "dẫm chân" với Điều 62 (quy định về các trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng).
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: "Cần xác định rõ tiêu chí dự án được thu hồi đất".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu, lần chỉnh lý dự thảo luật này cần quán triệt quan điểm các dự án có tầm quan trọng như thế nào mới thực hiện thu hồi đất, còn lại phải giải quyết theo các phương thức khác.
Chung nhận xét hướng thiết kế như điều 62, 63 trong dự thảo luật có sự trùng lặp, "đọc chưa xuôi", Chủ tịch Quốc hội gợi ý liệt kê rõ tên các loại dự án, công trình lớn, quan trọng được thu hồi đất, dù chỉ một dừng ở con số một vài loại hay đến vài chục loại cũng phải kể rõ. Lấy ví dụ việc bổ sung dự án xây dựng cơ sở tôn giáo, xây dựng nông thôn mới... mà cơ quan soạn thảo mới bổ sung, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hướng quy định cụ thể như vậy mới hợp lý, thuận tình.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị gộp cả 2 điều luật để thể hiện nội dung một dự án muốn được thu hồi đất cần đảm bảo 2 điều kiện: điều kiện về mục đích là vì lợi ích quốc gia, công cộng và điều kiện về quy mô để được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng tán thành chủ trương hạn chế hết sức các dự án được nhà nước thu hồi đất cùng như yêu cầu liệt kê đầy đủ các loại dự án này. Các dự án còn lại đều phải áp dụng cơ chế thỏa thuận với người dân.
Ông Lưu cũng gợi ý tránh đề cập cụm từ "dự án phát triển kinh tế - xã hội" với lý do, các dự án, công trình lớn như làm sân bay, bến cảng, đường giao thông... cũng đều là dự án phát triển kinh tế - xã hội nhưng rõ ràng là có mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng. Các dự án làm sân vận động, khu thể thao, khu công nghiệp, chế xuất... cũng tương tự. Còn các dự án kinh tế khác như khu đô thị, nhà thương mại... thì cần hết sức hạn chế, phải áp cơ chế buộc thỏa thuận thì mới giảm được những việc lợi dụng, lạm dụng quy định, từ đó mới có thể giảm tình trạng bức xúc, khiếu kiện.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa để làm rõ dự án quy mô thế nào thì được xác định là vì lợi ích quốc gia, công cộng, đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp bắt đầu vào tháng 10 tới.
P.Thảo
Theo Dantri
Ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ thôi chức danh Phó thủ tướng Trong kỳ họp cuối tháng 10, ngoài những nội dung quan trọng như dự thảo Hiến pháp, Luật Đất đai...Quốc hội sẽ dành ít nhất một ngày để làm công tác nhân sự. Sáng nay, thảo luận về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho hay, công tác nhân sự...