Tiếng thở dài phía sau cánh cổng Bệnh viện 09
“Bác sĩ xuất thân Hà thành đến Bệnh viện 09 để thử sức thì một đi không trở lại. Bác sĩ người ngoại tỉnh cũng chỉ xem bệnh viện này là “chốn tạm” trong lúc tìm con đường khác” – bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện 09) ngậm ngùi chia sẻ.
Bên con đường 70 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) nhộn nhịp là nơi có một bệnh viện “đặc biệt” mang tên Bệnh viện 09. Đây là nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt”. Ban đầu, bệnh viện chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, là các học viên tại các trại tạm giam, trung tâm lao động xã hội, sau này tiếp nhận thêm bệnh nhân tại cộng đồng.
Thành phần bệnh nhân khá phức tạp từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm, hoặc người bị gia đình bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV. Bệnh viện có khoảng 100 giường bệnh, 170 cán bộ y, bác sĩ.
Đằng sau cánh cổng bệnh viện không chỉ có nỗi đau của bệnh nhân mà còn có tiếng thở dài của y bác sĩ – những người làm công tác điều trị.
Bị từ hôn vì là bác sĩ Bệnh viện 09
Là người công tác ở Bệnh viện 09 ngay từ ngày mới thành lập hồi đầu thập niên 90, bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Hưng bồi hồi kể lại nhiều câu chuyện đau thương.
BS Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ
Ông không giấu nổi nỗi buồn: Chẳng riêng gì những người mang trong mình căn bệnh HIV mới bị phân biệt đối xử, ngay cả chúng tôi – những bác sĩ điều trị – cũng đối mặt với sự kỳ thị đến đau đớn.
Khi tham gia hội thảo, sau khi giới thiệu làm ở Bệnh viện 09, một số người đầu tiên thể hiện thương cảm nhưng sau đó họ giữ một khoảng cách giao tiếp nhất định. Tôi chỉ còn biết thở dài. Đến cả hàng quán dịch vụ xung quanh viện này, người ta cũng ra chiều khó chịu, gượng ép khi đón tiếp chúng tôi.
BS Hưng tiếp lời: Thương nhất là những nữ đồng nghiệp trẻ, họ không thể lập gia đình cũng bởi sự kỳ thị nghiệt ngã đó.
BS Hưng kể lại cho chúng tôi nghe về trường hợp của nữ bác sĩ rất xinh đẹp. Cô cố giấu người yêu nơi công tác là Bệnh viện 09 nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Người yêu cô giận dữ và đòi chia tay.
Cuối cùng, sau những ngày khóc than quỵ lụy, cô cũng được người yêu chấp nhận. Thế nhưng bi kịch lại bắt đầu khi gia đình chồng cương quyết không chấp nhận. Bị từ hôn ngay sát ngày cưới, cô như người mất trí. Sau đó, nữ bác sĩ cũng rời bỏ bệnh viện vì không muốn bất hạnh thêm một lần nữa.
Nhưng BS Hưng cũng khẳng định, chưa bao giờ hối hận khi lựa chọn nghề nghiệp: “Chúng tôi bây giờ là những chiến sĩ thầm lặng chống giặc “H” – giặc tiềm tàng không nhìn thấy hình bóng của nó. Tuy không được vinh danh như những anh hùng trận mạc nhưng cảm thấy mình giúp ích cho đời”.
Video đang HOT
Năm nào cũng có người chuyển công tác
Hành lang vắng vẻ tại bệnh viện 09
Điều khiến BS Hưng trăn trở nhất là tương lai nhân sự Bệnh viện 09 sẽ như thế nào: “Mỗi năm ít nhất mấy trường hợp xin chuyển công tác vì không chịu được áp lực từ ánh mắt kỳ thị của xã hội. Thậm chí có BS đang là trưởng khoa bỏ hẳn việc, ra ngoài mở phòng mạch.
Gần như BS trẻ dấn thân vào nghề này rất hiếm. Chúng tôi không thể tuyển BS. Có những bác BS người Hà Nội muốn đến thử sức nhưng rồi một đi không trở lại. Chỉ người ngoại tỉnh có ước muốn khát khao lập nghiệp, sinh sống ở đất Thủ đô nhưng không có khả năng xin đi các bệnh viện khác mới về đây. Trong thâm tâm nhiều người chỉ xem đây là “chốn tạm” trong lúc tìm đường”, BS Hưng đượm buồn khi nhắc về điều này.
THẢO LINH
Theo Laodong
HIV và ám ảnh bị ruồng bỏ: Hạnh phúc vỡ oà của những người mẹ 'có H'
Không giống như nhiều người lầm tưởng, HIV không phải "ngõ cụt" đối với nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này. Ngược lại, họ vẫn khoẻ mạnh, sống thọ, thậm chí, họ còn có thể sinh con hoàn toàn không mang bệnh.
Chỉ cần được điều trị, bệnh nhân HIV vẫn sống như tất cả những người bình thường khác
Tia hy vọng nơi cuối con đường
Chị Phạm Thị Hiền (37 tuổi, Bắc Ninh) lấy chồng từ ngày 27 tuổi. Thời điểm làm cô dâu mới, chị không hay biết người chồng mình thương yêu đã từng dùng ma tuý.
Mãi cho đến một ngày, khi người anh trai của chồng hấp hối, anh gọi cả nhà lại trăn trối, thú thực với gia đình về việc anh bị HIV. Cũng thời điểm đó, người anh ấy nói với chị Hiền hãy cùng gia đình đi xét nghiệm vì chồng chị Hiền từng dùng chung kim tiêm chích thuốc với anh.
Ngày đứng ở cổng bệnh viện, nhận 3 tờ kết quả xét nghiệm HIV đỏ chót. Nó thông báo một sự thật bàng hoàng là chị, chồng và đứa con trai đều mang căn bệnh thế kỷ.
Tất cả mọi thứ sụp đổ, chị không thể đứng vững và nghĩ cuộc đời mình chấm hết. "Chồng tôi đã có lúc mua sẵn 3 chiếc quan tài để trong nhà! Tôi và chồng hận đời, lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng", chị Hiền nhớ lại.
Thế nhưng, đứa con thơ dại vẫn còn đó. Khi nhìn vào con, hai vợ chồng như tỉnh ngộ, nghĩ mình cần bù đắp cho đứa trẻ vô tội. Chính từ đấy, vợ chồng chị Hiền "hoàn lương", cả gia đình tìm đến thuốc ARV để điều trị bệnh. May mắn thay, khi con trai chị Hiền được tiếp cận dùng ARV, tình trạng sức khoẻ bé ngày càng ổn định.
Năm 2011, chị chấp nhận đẻ thêm đứa nữa. Và một lần nữa, hy vọng lại được thắp lên trong cuộc đời chị, một bé trai khoẻ mạnh ra đời và bé âm tính với HIV. Rồi sau đó, chị sinh thêm 2 nàng công chúa, những em bé này cũng không bị lây bệnh từ mẹ do chị được dùng ARV trong quá trình mang thai.
Chị Hiền vẫn sống chung với H nhưng cuộc sống của chị không khác gì người bình thường. Thay vào đó, chị mang nhiều ý nghĩa hơn cho cuộc đời
Giờ đây, nhìn vào gia đình chị Hiền, không ai có thể nghĩ đó là gia đình của người mang bệnh H. vì tất cả vẫn cứ hạnh phúc, nụ cười vẫn rộn ràng.
Cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ, vợ chồng anh Hưng, chị Hường đặc biệt hơn. Họ tìm thấy nhau, yêu và lấy nhau từ một cơ sở điều trị bệnh HIV. Đến nay cũng đã hơn 10 năm phát hiện bệnh, nhờ điều trị thuốc ARV đều đặn mỗi ngày, hai anh chị vẫn khoẻ mạnh, sống cuộc đời bình yên, hạnh phúc.
Đáng mừng hơn cả, gia đình ấy đã có thêm hai đứa con kháu khỉnh và tất nhiên, chúng hoàn toàn không mắc bệnh từ bố mẹ mình.
Hiện tại, anh Vinh đang làm nghề cơ khí, thu nhập mỗi tháng đủ cho anh và vợ chữa bệnh, trang trải chi phí sinh hoạt mỗi ngày. Cuộc sống của anh vẫn tiếp diễn như bao người bình thường khác, vẫn hạnh phúc, ấm no với gia đình nhỏ của mình.
Ths. Bs Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 cho biết, phải chăng, xã hội đang nhìn về HIV trên phương diện hiện tượng nhiều hơn nhìn bản chất vấn đề. Bởi vì HIV bây giờ không còn là căn bệnh SIDA thửa thập niên 80 - 90 trước kia. Không còn là hình ảnh những con nghiện gây guộc, lở loét được sử dụng làm hình ảnh trong các pa- nô, áp - phích để tuyên truyền. HIV bây giờ là căn bệnh có thể kiểm soát.
"Tôi vẫn nhớ, có một cô bé, ngày được công an đưa vào đây, cô ta chỉ có 37 kg, mắc HIV do làm nghề mại dâm. Hoảng loạn đến mức từ chối tất cả các phác đồ điều trị, không tiếp nhận tiêm, truyền. Chưa kể, còn tự lấy đầy xi-lanh máu, phun dọc hành lang. Thế nhưng, giờ đã hơn chục năm, tháng nào cô ấy cũng đều đặn đến cơ sở tôi lấy thuốc, cân nặng hơn 70 kg.
Hay có những người phụ nữ nhiễm HIV, những cặp vợ chồng cùng mắc căn bệnh thế kỷ, họ vẫn sinh được những đứa con khoẻ mạnh bình thường", bác sĩ Hưng kể.
Tỉ lệ con bị lây nhiễm HIV từ mẹ chưa đến 1%, vẫn có thể quan hệ tình dục không lây nhiễm
Ths. Bs Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, trên nguyên tắc, lây nhiễm HIV thường qua 3 đường: từ mẹ sang con, lây qua tình dục không an toàn, sử dụng chung kim tiêm. Tuy nhiên, về nguyên tắc, HIV chỉ có thể xâm nhập qua vết thương, vết xước để vào cơ thể. Virus HIV có trong máu, sữa mẹ, nước bọt, dịch tiết của cơ thể.
"Với những người dùng chung kim tiêm, khi máu tươi có lẫn virus vẫn ở đầu kim, họ tiêm thẳng vào mạch máu nên chắc chắn sẽ lây bệnh.
Còn với tình dục không an toàn, nó xảy ra với các cuộc quan hệ thô, khô, bạo lực, có phụ trợ thêm dụng cụ. Có nghĩa là nếu với một cuộc quan hệ mà bạn tình có cảm xúc, có sự ve vuốt nhau, cơ quan sinh dục sẽ tiết ra dịch cơ thể làm bôi trơn. Dịch này sẽ giúp giảm sự ma sát, không phát sinh vết thương. Khi không có vết thương thì HIV gần như không thể xâm nhập vào cơ thể con người được", bác sĩ Hưng cho biết.
Ths. Bs Hưng thăm khám cho một bệnh nhân HIV, như thấy, bệnh nhân khoẻ mạnh, béo tốt
Riêng với đường lây từ mẹ sang con, tôi phải khẳng định trường hợp phụ nữ mang thai và thai nhi ở trong bụng gần như rất hiếm mắc bệnh HIV bởi vì nhau thai của người mẹ có 3 lớp siêu lọc, HIV không thể xuyên qua đó vào cơ thể trẻ.
Phần lớn nguy cơ lây nhiễm HIV bắt nguồn từ quá trình chuyển dạ đẻ khi da trẻ còn non nớt, dễ xước. Nếu xử lý không kịp thời, tầng sinh môn rách chảy máu, đứa trẻ bị xây xước sẽ thấm máu có nguồn lây bệnh. Hoặc quá trình tiếp xúc bên ngoài, trẻ có vết thương và tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
Mặc dù hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng theo thống kê, chỉ có khoảng 1% thai nhi nằm trong bụng mẹ có nguy cơ lây nhiễm HIV. Đây là con số vô cùng thấp chính nhờ vậy, nhiều người mẹ bị HIV, vợ chồng bị HIV nhưng đẻ con vẫn rất bình thường.
Với phụ nữ có nhu cầu sinh con, để chắc chắn và gia tăng tỉ lệ sinh trẻ khoẻ mạnh, hiện nay, Chương trình phòng lây nhiễm từ mẹ sang con đang được thực hiện rất tích cực trên khắp các tuyến từ trung ương đến quận huyện.
Theo đó, tất cả các trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm hay phơi nhiễm HIV đều có chế độ chăm sóc, theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thai phụ bị nhiễm HIV ngoài việc kiểm tra tình hình thai nghén theo định kỳ thì song song đó tình trạng lâm sàng của HIV cũng được kiểm tra chặt chẽ và tuỳ theo thời điểm sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau.
Các bà mẹ đang được điều trị tại các trung tâm HIV về HIV/AIDS sẽ tiếp tục phác đồ điều trị đó, dùng uống thuốc kháng virut (ARV) cho đến lúc sinh. Còn nếu bà mẹ phát hiện sớm, sẽ được các bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị cho mẹ bắt đầu từ tuần thứ 28, tức là từ tháng thứ 7. Đến lúc sinh, cũng sẽ được chỉ định thêm thuốc để phòng tránh. Tùy thuộc vào thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn mấy của thai kỳ mà có các chỉ định dự phòng khác.
Ngoài ra, nếu như người bị lây nhiễm HIV có điều trị ARV, theo đúng phác đồ điều trị, nó sẽ giúp ức chế virut khiến virut không đủ để lây truyền bệnh cho người khác. Có nhiều người tuân thủ tốt còn đưa virut về trạng thái ngủ đông, khi xét nghiệm, kết quả cho ra âm tính với HIV.
Với chi phí điều trị chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, có nhiều phương pháp điều trị như dùng thuốc hàng ngày, tiêm thuốc theo tháng, người HIV có nhiều cơ hội để tiếp nối cuộc sống có chất lượng. Rất nhiều người có thể kéo dài tuổi thọ lên đến 30 - 40 năm khi tuân thủ dùng thuốc.
"Tôi xin khẳng định, để lây nhiễm được HIV không phải điều đơn giản. Chính vì lẽ đó, xã hội không nên quá kỳ thị những người mắc căn bệnh này. Họ nên được sẻ chia, đồng cảm và được coi như những căn bệnh khác", bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Theo www.giadinhmoi.vn
HIV và nỗi đau bị ruồng bỏ: Bác sĩ cũng bị kỳ thị tới mức phải bỏ việc Sự kỳ thị không chỉ dừng ở người mang bệnh, mà áp lực ấy còn dồn lên vai rất nhiều y bác sĩ trực tiếp điều trị cho những người bị lây nhiễm HIV. Làm đến trưởng khoa nhưng vẫn xin bỏ việc Những người khoác áo blouse đều phải qua quá trình tuyển chọn khắt khao, bao năm đèn sách, rèn luyện...