Tiếng thét của Alan
Tên chính xác của cậu bé là Alan Shenu. Nhưng do giới chức Thổ Nhĩ Kỳ gọi cậu là Aylan Kurdi, có nghĩa là “Aylan người Kurd”, nên cả thế giới gọi nhầm tên cậu là Aylan Kurdi. Giờ đây, điều đó không còn quan trọng nữa.
Dù tên cậu bé là gì đi nữa thì thế giới đã nghe thấy tiếng thét từ thi thể câm lặng của cậu, mấy hôm trước bị dạt vào bờ biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ và được nữ phóng viên Nilufer Demir ghi lại.
Cậu bé Alan Shenu (áo vàng). (Ảnh: theguardian.com)
Cũng như nhiều bức ảnh nổi tiếng khác trong lịch sử, bức ảnh chụp Alan sẽ còn ám ảnh thế giới trong một thời gian dài nữa. Quần sẫm, áo đỏ, chân vẫn đi đôi giày như vừa mới chạy theo quả bóng trên một sân bãi nào đó, Alan nằm úp mặt trên bãi cát, hai tay xuôi theo thân người, như thể cậu đang ngủ bình an trong tiếng ru của sóng biển. Nhưng cậu bé đã chết.
Gia đình Alan đã chạy trốn cuộc nội chiến ở quê nhà Syria với mong muốn tìm thấy một miền đất hứa ở đâu đó bên kia bờ biển. Nhưng cái chết đã đuổi kịp họ trên biển khơi và Alan chỉ là một nạn nhân trong số hàng trăm nghìn người di cư đang đổ tới châu Âu.
Châu Âu đang đứng trước cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, với hàng trăm nghìn người tìm mọi cách để luồn vào qua các “cửa ngõ” như: Hungary, Hy Lạp hay Italy. Trong khi giới chức các nước châu Âu vẫn còn đang tranh cãi xem nên đối đầu với thách thức không mới nhưng đã lên tới quy mô khổng lồ này như thế nào, thì những nạn nhân như cậu bé Alan vẫn tiếp tục chết trong cuộc trốn chạy vô vọng…
Nhưng cái chết của Alan không vô nghĩa. Thủ tướng của nước Anh, quốc gia vốn có quan điểm khá cứng rắn trong vấn đề đón nhận người di cư, đã tuyên bố rằng, nước ông sẽ “tiếp nhận thêm hàng nghìn người” từ các trại tị nạn của LHQ gần biên giới Syria.
Dường như có một mối liên hệ chắc chắn giữa quyết định này của Anh với cái chết của cậu bé Alan, khi Thủ tướng David Cameroon nói, với tư cách một người cha, ông cảm thấy “đau lòng” khi xem tấm ảnh chụp Alan nằm trên bờ biển.
Nếu đúng như vậy thì cái chết của Alan đã giúp cho “hàng nghìn người” tị nạn được tới châu Âu, tăng cơ may sống sót của họ lên rất nhiều lần.
Điều đó có nghĩa là tiếng thét của Alan đã được thế giới nghe thấy!
Video đang HOT
Theo Văn Yên
Quân đội Nhân dân
Thông điệp thức tỉnh tình yêu thương
Thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng, rúng động sau khi bức ảnh chụp thi thể của cậu bé 3 tuổi người Syria chết đuối trên đường di cư cùng gia đình bị sóng đánh dạt vào bờ xuất hiện trên truyền thông quốc tế hôm 3-9.
Bức ảnh đã "chạm đến trái tim" của những người có lương tri và làm thức tỉnh cả thế giới...
Mẹ và anh trai của bé Alan Kurdi cũng bỏ mạng trên biển khi cả gia đình đang cùng những di dân khốn khổ khác lênh đênh để tới "miền đất hứa" châu Âu. Thảm kịch của gia đình cậu bé Alan Kurdi trên đường trốn chạy khỏi "địa ngục" quê hương đang chìm trong chiến tranh chỉ là một trong nhiều bi kịch khác của những người dân di cư.
Vẫn biết là như thế. Nhưng hình ảnh thi thể nhỏ bé nằm úp trên bãi biển của em giống như đang say ngủ thực sự là một "nhát dao cứa sâu" vào trái tim của bất cứ ai nhìn thấy.
Thương xót Alan Kurdi, nhiều họa sĩ trên thế giới đã vẽ lại các chân dung của em nhưng với một kết cục có hậu hơn. Ấy là hình ảnh cũng vẫn dáng nằm sấp ấy, nhưng là trên một chiếc giường êm ấm của em ở Syria trong hòa bình, cho dù đó có lẽ chỉ có trong trí tưởng tượng mà thôi.
Trong một bức tranh khác, bên cạnh chỗ em nằm bất động là những đồ chơi của trẻ nhỏ kèm dòng chú thích: "Lẽ ra bãi biển là để các em chơi đùa". Và có lẽ một trong những bức tranh gây ám ảnh và khiến người xem phải suy nghĩ nhiều nhất vẽ thi thể em bị chia đôi, phần trên em nằm trên một chiếc giường êm ấm, phần dưới lại là ở bãi biển lạnh lẽo. Họ còn vẽ em với giấc mơ đoàn tụ người thân bên kia đại dương...
Bức tranh em bé Syria thiệt mạng trên đường di cư được vẽ lại gây xúc động nhiều người. (Ảnh: Getty Images)
"Em đã đi vào giấc ngủ rồi, đã đến lúc người lớn chúng ta phải thức tỉnh" là dòng chú thích dưới một trong những bức tranh cũng vẫn vẽ hình ảnh Alan Kurdi bé nhỏ đang nằm sấp.
Quả thực, bức ảnh Alan Kurdi bé nhỏ thực sự có giá trị "thức tỉnh" nhiều điều mà giá trị nhất là thức tỉnh tình yêu thương con người.
Và những lời đau đớn tột cùng của cha em: "Tôi chỉ muốn ngồi cạnh mộ vợ và hai con", "... Mọi thứ xảy ra tại đây, tại đất nước nơi gia đình tôi tị nạn (Thổ Nhĩ Kỳ) để trốn chiến tranh ở quê nhà. Chúng tôi muốn cả thế giới trông thấy điều này. Có như vậy, họ mới ngăn chặn được những câu chuyện đau lòng xảy ra với người khác. Hãy để trường hợp gia đình tôi là cuối cùng" còn có giá trị cảnh tỉnh về giá trị của gìn giữ hòa bình.
Biết là đã quá muộn vìAlan Kurdi không thể sống lại để được yêu thương, chia sẻ. Nhưng muộn còn hơn không. Cái chết của em không vô nghĩa vì nó đã góp phần phát đi một bức thông điệp mạnh mẽ về tình yêu thương, ý thức trách nhiệm, sự chia sẻ và cảm thông. Biết đâu, nhờ sức lay động đó, những đồng bào khốn khổ của em ở Syria cũng như ở các quốc gia có chiến sự khác sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn.
Sự thực là sau cái chết của Alan Kurdi, sau hình ảnh gây chấn động toàn thế giới của em, đã bắt đầu có những thay đổi tích cực, nhân văn hơn.
Các lãnh đạo châu Âu, vốn đang tranh cãi kịch liệt về việc làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư cũng như bất đồng về giải pháp, đã bị sốc sau hình ảnh ám ảnh ấy.
Hãng thông tấn AFP ngày 4-9 cho biết, lãnh đạo nhiều nước châu Âu, ngay trước một hội nghị tại Lussemburg thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư, đã công bố một loạt đề xuất mới nhằm giải quyết khủng hoảng.
Người ta đã thấy ở đó có sự nhượng bộ, không còn thái độ cứng rắn vẫn bị chỉ trích là "vô cảm" như trước đây khiến mọi cánh cửa đều đóng lại với dòng người di cư đang chật vật, khổ sở tìm mọi cách đến được "miền đất hứa".
Bức ảnh của bé Alan Kurdi đáng thương dường như đã nhanh chóng đánh động tới chính sách nhập cư của các nước lớn ở châu Âu.
Bất chấp các nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn chia rẽ về hướng giải quyết cuộc khủng hoảng, Pháp và Đức đã nhất trí rằng EU cần áp đặt ngay lập tức hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư đối với các quốc gia thành viên nhằm chia sẻ gánh nặng này. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: "Đó là nguyên tắc của tinh thần đoàn kết".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker dự kiến trong tuần tới sẽ công bố một kế hoạch tái định cư cho ít nhất 120.000 người tị nạn để giảm gánh nặng cho các nước được coi là cửa ngõ châu Âu gồm Italy, Hy Lạp và Hungrary.
Chủ tịch EU Donald Tusk cũng kêu gọi các quốc gia thành viên chia sẻ công tác tái định cư cho ít nhất 100.000 người tị nạn, cao hơn nhiều so với thỏa thuận 32.000 người hiện nay.
Đáng chú ý là Thủ tướng Anh David Cameron lần đầu tiên đã cho thấy sự thay đổi lập trường cứng rắn không mở cửa cho người tị nạn, với việc đưa ra thông báo vào ngày 4-9, rằng Anh sẽ tiếp nhận thêm hàng nghìn người tị nạn Syria.
Đây đó cũng đã xuất hiện những thông tin, những câu chuyện về sự chia sẻ của người dân thế giới với những người tị nạn chạy trốn chiến tranh, nghèo đói ở quê nhà.
Sau câu chuyện xúc động của gia đình bé Alan Kurdi, xuất hiện thông tin về một tỷ phú Ai Cập muốn mua hẳn một hòn đảo để giúp đỡ người nhập cư.
Theo RT, bị sốc trước số phận và cách hành xử đối với những di dân vượt hàng nghìn cây số từ các vùng chiến sự để đến châu Âu, tỷ phú ngành truyền hình Naguib Sawiris trên Twitter đã đề xuất Hy Lạp hoặc Italy hãy bán cho ông một hòn đảo để tiếp nhận những người nhập cư. Ông khẳng định đó không phải lời nói suông và ông sẵn sàng soạn thảo những đề xuất cụ thể để gửi đến hai quốc gia này.
Tỷ phú Ai Cập này nói rằng ý tưởng của mình là khả thi nhưng cũng thừa nhận có những thách thức đối với dự án, bao gồm các vấn đề về pháp lý và hải quan. Ông ước tính chi phí mua một hòn đảo từ 10 triệu đến 100 triệu USD, nhưng trước khi biến dự án thành sự thật, sẽ phải cần thêm vốn đầu tư cho việc phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp để chăm lo cho những người đến đó.
Đề xuất của tỷ phú Ai Cập Naguib Sawiris được đưa ra trong bối cảnh dư luận quốc tế phẫn nộ về những cái chết thảm thương gần đây của người nhập cư liều mình vượt biển Địa Trung Hải hay trên những chiếc xe tải lèn chặt người để đến châu Âu.
Ý tưởng của ông nhận được phản hồi tích cực trên truyền thông xã hội, và nhiều cư dân mạng đã tỏ ý sẵn sàng góp sức cùng tỷ phú Naguib Sawiris thực hiện dự án. Tuy nhiên, một số người cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu ông Naguib Sawiris mua đảo ở châu Phi để giảm chi phí.
Chưa thể biết ý tưởng của tỷ phú Ai Cập có trở thành hiện thực hay không nhưng ý thức và mối quan tâm của ông cùng sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng mạng đã góp phần làm lan tỏa tình yêu thương, ý thức chia sẻ của cộng đồng đối với một bộ phận dân cư của thế giới, hơn lúc nào hết đang rất cần sự giúp đỡ kịp thời.
Theo Mai Nguyên
Quân đội Nhân dân
Làn sóng di cư tới châu Âu - nhìn từ chiến lược 'bất ổn có kiểm soát' Có thể nhận định rằng năm 2015 là "năm hạn" đối với các nước châu Âu do phải đương đầu với "cuộc khủng hoảng ba trong một". Tình hình này đang đẩy các quốc gia ở "miền đất hứa" tới một tương lai bất ổn, rất khó đoán định. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân xuất phát từ chiến lược tạo "bất ổn...