Tiếng khóc ngằn ngặt của bé sơ sinh đa dị tật
Vừa lọt lòng mẹ, bé đã mang trên mình đầy dị tật. Chân tay co quắp, trên đầu bé còn xuất hiện một khối u. Nằm đau đớn do dị tật hành hạ, bé thở từng hơi yếu ớt, thi thoảng bé lại bật lên những tiếng khóc ngằn ngặt.
Đó là tình cảnh rơi nước mắt của bé Lê Văn Tấn (15 ngày tuổi), con trai thứ hai của vợ chồng anh Lê Văn Huy (SN 1974) và chị Lê Thị Hồng Na (SN 1988), quê ở thôn Thu Thừ, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Lần theo những cuộc điện thoại kêu cứu thống thiết của nhiều bạn đọc, chúng tôi đã tìm đến hoàn cảnh đáng thương của bé sơ sinh, đa dị tật Lê Văn Tấn. Bé Tấn mới 15 ngày tuổi, đang được điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị ViệtNam – Cu Ba Đồng Hới.
Ảnh bé Tấn lúc mới sinh (Ảnh gia đình cung cấp)
Ngày chúng tôi có mặt tại Khoa Nhi bệnh viện này, anh Huy đang chạy đôn chạy đáo lo thanh toán tiền viện phí cho con. Nước da đen sạm, khuôn mặt đầy vẻ khắc khổ, ngồi bần thần bên hành lang bệnh viện, anh Huy buồn rầu cho biết, bé Tấn lúc mới sinh đã mang trên mình đầy dị tật, đôi chân và hai tay bé đều bị chéo quẹo, co quắp, trên đầu còn xuất hiện một khối u (chưa xác định u dữ hay u lành). Ngoài ra, bé còn bị tràn dịch màng phổi, biểu hiện khó thở.
Mới lọt lòng mẹ, bé Tấn đã mang trên mình đa dị tật
“Ngày vợ chuyển dạ, tui đang làm thợ nề (phụ hồ) ở làng bên. Nghe người nhà gọi điện báo tin, tui vội chạy về đưa vợ đi bệnh viện sinh hạ. Sau khi sinh, các bác sỹ bảo con bị đa dị tật, người tui buồn rũ rượi. Nhìn con nằm khóc la thảm thiết mà đau lòng quá chú ơi! Không biết có còn cách mô để cứu lấy con tui được trở lại bình thường nữa không?”. Câu hỏi như vô hồn của anh Huy khiến nhiều người ứa cả nước mắt.
Theo anh Huy, hiện tại các bác sỹ đã tiến hành nắn và bó bột hai chân cho bé, còn hai tay vẫn đang chéo quẹo. Riêng khối u trên đầu, do gia đình chưa có điều kiện để kiểm tra nên hiện vẫn chưa xác định đó là u lành hay u dữ.
Nhìn cảnh cháu khóc la trong đau đớn, con chạy vạy khắp nơi vay tiền để tra tiền viện phí, bà Hồ Thị Sen (bà nội bé Tấn) nước mắt chảy ròng: “Tội thân lắm chú ạ! Vợ sinh mà trong tay không có đồng mô hết. Những ngày sau bão lũ, tranh thủ đi làm phụ hồ cho người ta để kiếm ít tiền mua sữa cho con nhưng đến nay họ cũng chưa thanh toán. Mấy ngày ni, tui bán được con lợn, con gà nên mấy bà cháu mới có ít tiền sống cầm cự nơi bệnh viện. Mai mốt đưa cháu về nhà chăm sóc không biết sống răng nữa đây? Nhìn cháu khóc la quằn quại, lòng tui đau như cắt, chịu không nỗi chú ơi!”.
Vị điều kiện gia đình khó khăn nên khối u trên đầu bé Tấn chưa xác định u lành hay u dữ
Video đang HOT
Trong tiếng dỗ dành con, chị Na cho biết, các bác sỹ bảo rằng, trước mắt bệnh viện sẽ nắn và bó bột hai chân cho cháu, và ít nhất cũng phải thực hiện gần chục lần như thế mới có hy vọng cứu lấy đôi chân cho bé. Sau một thời gian, nếu vết thương bé tiến triển tốt, gia đình có điều kiện thì nên đưa bé vào Đà Nẵng để tiếp tục điều trị chỉnh hình chân tay cho bé.
Tiếng khóc ngằn ngặt của bé Tấn khiến những người chứng kiến rơi nước mắt xót thương
Được biết, chi phí mỗi lần nắn và bó bột như thế cũng hết gần cả triệu bạc. “Với người ta, dăm bảy trăm nghìn thì không có chi là to tát cả, nhưng với vợ chồng em tiền chục ngàn bây giờ cũng đã khó huống chi nói đến tiền trăm, tiền triệu. Thương con lắm nhưng cũng không biết mần (làm) răng cả anh ơi! Anh xem có cách mô cứu lấy đôi chân, đôi tay con em với…”. Nói đoạn, chị Na lại khóc nức nở.
Chị Na bần thần bên đứa con trai đáng thương của mình
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại hoàn cảnh gia đình bé Tấn đang rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Hơn bao giờ hết, bé Tấn đang rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, của những tấm lòng nhân ái khắp mọi miền đất nước để bé tiếp tục được phẫu thuật, nắn bóp và có cơ hội được làm một người lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Mã số 1229: Anh Lê Vă n Huy: Thôn Thu Thừ, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. ĐT liên hệ: 0977.567.537 2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học & Dân trí – Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thành Công – Hà Nội. * Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri Account Number: 045 137 195 6482Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh – Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK – MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Đặng Tài
Theo Dantri
Nạn tận diệt kim mao cẩu tích,'chảy máu' dược liệu
Tuy nguồn dược liệu trong nước ngày càng trở nên khan hiếm, nhiều cây thuốc quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nhưng vẫn có một khối lượng lớn dược liệu thô bị "chảy máu" qua biên giới mỗi ngày.Do nhu cầu thu mua của thương lái Trung Quốctrong thời gian gần đây, nhiều người dân ở Quan Hóa ( Thanh Hóa) đổ xô vào rừng tìm kim mao cẩu tích (lông cu li) để bán cho thương lái với giá rẻ mạt.
Chiến dịch săn lùng kim mao cẩu tích
Dọc theo tỉnh lộ 520, con đường độc đạo từ thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) đi Mường Lát, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một số điểm thu mua kim mao cẩu tích đang hoạt động sôi nổi bên đường. Đó chỉ là những lán trại đơn sơ được thương lái dựng tạm để phục vụ cho việc mua bán, nhưng bên trong chứa hàng chục tấn dược liệu quý đang chờ để xuất đi. Tò mò, tôi dừng lại xem đúng lúc một xe chở hàng trọng tải lớn vừa "cập bến". Ngay sau đó, người ta hối hả bốc hàng lên xe. Những khúc thân rễ lớn của cây lông cu li (tên gọi dân gian của kim mao cẩu tích) được cạo sạch phần lông vàng óng phủ bên ngoài, sau đó cho lên bàn cân và chất lên khoang chứa hàng của xe tải.
Trong vai một sinh viên đang đi thực tế làm luận án tốt nghiệp về văn hóa miền núi, tôi đã có cuộc trò chuyện vui vẻ với những người thu mua kim mao cẩu tích ở đây. Chị Bùi Thị Ben vừa thoăn thoắt cạo lông kim mao cẩu tích vừa vô tư kể chuyện. Nhà chị vốn ở xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên cùng một số bạn bè rủ nhau đi buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Nói về việc thu mua loại dược liệu này với số lượng lớn, chị Ben cho biết, toàn bộ lượng hàng gom góp được ở địa phương sẽ được chở đến các đầu mối lớn ở Móng Cái để xuất sang Trung Quốc.
Theo đó, bản thân những người làm công việc thu mua này cũng không biết số lượng cây lông cu li mà mình xuất qua biên giới sẽ được người ta dùng vào mục đích gì và việc khai thác ồ ạt loài dược liệu này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng ra sao. Họ chỉ cần biết đáp ứng nhu cầu của đối tác để kiếm lời mặc dù lợi nhuận thu được không lớn. Số kim mao cẩu tích này sẽ được bán cho phía Trung Quốc với giá rẻ mạt chưa đến 10 nghìn đồng /kg.
Có những đợt cao điểm, hàng chục tấn cẩu tích đã được xuất đi mỗi ngày. Khi tôi hỏi về việc khai thác cây cu li quá nhiều có thể dẫn đến tuyệt chủng, chị Ben vô tư trả lời: "Cây này mọc đầy rẫy trong rừng sợ gì hết. Mà bao nhiêu năm nay có thấy ai dùng đến cái cây lông cu li này làm gì đâu. Cùng lắm cũng chỉ là dùng để cầm máu khi bị đứt tay, đứt chân. Bây giờ, có người mua, mình bán có tiền là vui rồi. Mà họ chỉ thu mua đợt này thôi. Có khi tháng sau họ lại mua thứ khác".
Theo tâm sự của chị Ben dù giá thu mua không cao nhưng với những người lao động ở vùng núi heo hút này, mỗi ngày kiếm được 100 - 200 nghìn đồng cũng đã là mơ ước. Chính vì vậy, khi thấy cơ hội kiếm tiền, nhiều người dân đã không ngần ngại bỏ cả ruộng nương, công việc để vào rừng tìm kim mao cẩu tích bán cho thương lái với giá 6 nghìn đồng /kg. Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhiều trẻ em cũng bỏ học theo người lớn lên rừng hỗ trợ cho công việc này.
Ban đầu, họ chỉ khai thác ven những bìa rừng, nơi có rất nhiều cây lông cu li sinh trưởng tươi tốt. Nhưng sau, do việc khai thác ồ ạt, diện tích lông cu li bị thu hẹp nhanh chóng, việc khai thác không còn dễ dàng như trước. Càng ngày, người dân càng phải vào sâu hơn trong rừng mới có thể tìm thấy bóng dáng lông cu li. Trước đây, mỗi người có thể kiếm được trung bình khoảng 20kg mỗi ngày thì bây giờ cao lắm cũng chỉ được khoảng 10kg/ngày. Nhưng công cuộc tìm kiếm, thu mua vẫn đang được tiếp tục. Với đà khai thác bừa bãi như thế này, không ai có thể đảm bảo rằng kim mao cẩu tích sẽ không bị tận diệt ở vùng núi tây bắc xứ Thanh.
Cảnh ở một điểm thu mua cây lông cu li trên tỉnh lộ 520.
Và nạn "chảy máu" dược liệu
Nói về loại kim mao cẩu tích đang được Trung Quốc ráo riết thu mua với số lượng lớn, lương y quốc gia Nguyễn Hữu Thiện (Nhà thuốc đông y gia truyền Nguyễn Hữu Hách) cho biết: "Đây là một giống cây thuộc họ dương xỉ, thân và củ phủ một lớp lông màu vàng nên dân gian thường gọi là cây lông cu li. Theo y học, cây lông cu li có tác dụng rất tốt trong việc cầm máu, chữa các bệnh xương khớp, thần kinh tọa và một số bệnh khác".
Trước tình trạng khai thác bừa bãi loại cây này, ông bày tỏ thái độ bức xúc: "Không chỉ riêng kim mao cẩu tích mà hàng trăm loại dược liệu quý khác vẫn đang bị săn lùng và xuất thô qua biên giới. Nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh trong nước ngày càng cao trong khi nguồn dược liệu bị khai thác bừa bãi ngày càng trở nên khan hiếm. Giá dược liệu vì thế cũng bị đẩy lên, nhiều cây thuốc phải nhập lại từ phía Trung Quốc với giá "cắt cổ" gây khó khăn cho việc chữa bệnh. Vậy mà các cây thuốc, nhất là ở vùng núi phía Bắc vẫn tiếp tục bị người dân chặt phá để bán ra nước ngoài với giá rẻ mạt. Cứ đà này, sớm muộn nguồn dược liệu Việt Nam cũng trở nên kiệt quệ, khó mà hồi phục được".
Theo lương y Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết của người dân về giá trị của các cây thuốc Việt Nam. Cho nên chỉ cần một chút lợi nhuận trước mắt, họ sẵn sàng săn lùng, triệt phá nhiều cây thuốc để bán cho thương lái với giá rẻ hơn giá trị thực của nó nhiều lần. Việc buôn bán dược liệu thường được tiến hành qua đường tiểu ngạch cho nên cơ quan chức năng cũng rất khó quản lý. Vì vậy, hàng ngày, từng khối lượng lớn dược liệu thô trong nước vẫn bị lọt sang bên kia biên giới.
Hầu hết chúng ta đều biết, Việt Nam vốn được coi là một kho báu dược liệu khổng lồ với nhiều cây thuốc vào loại quý hiếm trên thế giới như vàng đắng, hoàng đằng, thổ phục linh, ba kích, sâm vũ điệp, bình vôi, hoàng tinh vòng. Nhưng hiện nay, nhiều loại trong số đó gần như đã tuyệt chủng hoặc vô cùng hiếm gặp ngay cả ở những khu rừng được coi là thánh địa của những loài thuốc quý ở Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng. Cứ như vậy, từng loại dược quý lần lượt bị Trung Quốc tận thu đến kiệt quệ. Mỗi khi họ chuyển sang thu mua ráo riết một loại cây mới, người dân ở các vùng núi lại đổ xô lên rừng để tìm giống cây đó và cũng có nghĩa là giống cây mà họ săn tìm đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
Điều nực cười ở đây là, nhiều khi đa số người dân chỉ biết nhắm mắt săn tìm những loại cây có thể bán lấy tiền mà không hề biết tên gọi, giá trị, mục đích sử dụng của cây đó là gì. Lấy được bao nhiêu họ lập tức bán ngay cho thương lái với một cái giá vô cùng rẻ mạt. Họ không biết rằng mình đang tiếp tay cho việc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vô giá của đất nước, cản trở bước tiến của nền y dược học nước nhà. Nhớ đến lời dạy của lương y Tuệ Tĩnh, ông tổ nghề y của Việt Nam: "Người nước Nam chữa bệnh bằng thuốc Nam", tôi bỗng thấy đau lòng khi nguồn dược liệu của nước nhà vẫn đang tiếp tục bị "chảy máu" trong khi hàng trăm, hàng nghìn người bệnh ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang khát thuốc.
Hậu quả khôn lường
Xoay quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng Tuấn (giảng viên đại học Dược Hà Nội) cho biết: "Ở Việt Nam, nhất là vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai...vốn có rất nhiều cây thuốc quý có tác dụng quan trọng trong việc bào chế thuốc chữa bệnh. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của đất nước. Hiện tượng chảy máu dược liệu đã được cảnh báo từ nhiều năm trước đây nhưng hiện tại, tình trạng này vẫn đang tiếp tục xảy ra, gây hậu quả không nhỏ cho việc bảo tồn và phát triển các cây thuốc quý ở Việt Nam. Trong khi đó, ngành chế xuất dược phẩm trong nước rất cần tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý để khai thác một cách khoa học, hiệu quả, bền vững, tránh tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay. Đừng để những khu rừng bị xới tung bởi những kẻ khai thác không lương tâm. Đừng để cây thuốc Việt Nam bị tận diệt trước khi ngành y dược học nước nhà kịp phát triển xứng với tiềm năng của nó".
Theo vietbao
Quấy rối tình dục: Chứng minh thế nào? Hầu hết nạn nhân bị quấy rối tình dục đều trong cảnh yếu thế, cắn răng không biết kêu ai. Ngay cả Luật pháp cũng chưa quy định rõ thế nào thì bị coi là quấy rối tình dục công sở? Tốt nghiệp ĐH khoa tiếng Trung, K xin vào làm trợ lý phiên dịch cho công ty may Trung Quốc đóng tại...