Tiếng kẻng học bài ở xứ Thanh
Nghe tiếng kẻng ngân vang, đèn học trong các nhà bật sáng, học sinh thôn Ngọc Long (xã Ngọc Trạo, Thạch Thành, Thanh Hóa) lại tự giác ngồi vào bàn học bài.
Đúng 19h, ông Quách Cao Bảy cầm búa đánh ba hồi sáu tiếng kẻng. Lũ trẻ đang chơi đùa ngoài ngõ chợt dừng lại lắng nghe, một đứa lên tiếng “Đến giờ học rồi, về thôi”. Cả nhóm ai về nhà nấy, làng trên xóm dưới im ắng. Gõ kẻng đã 6 năm nay, ông Bảy cho hay “Học sinh trong thôn nghe tiếng kẻng như bộ đội nghe quân lệnh”.
Năm 2006, Hội khuyến học xã Ngọc Trạo phát động phong trào “ tiếng kẻng học bài” nhằm vực dậy truyền thống hiếu học của xã, đồng thời hỗ trợ giáo viên trong việc giáo dục ý thức tự học của học sinh.
Ông Quách Cao Bảy đánh kẻng, nhắc nhở học sinh trong thôn đã đến giờ học bài. Ảnh:H.P.
Kẻng được làm từ vỏ quả bom tấn do địch ném xuống Ngọc Long năm 1953. Dân quân tháo hết thuốc nổ, đem vỏ treo ở cây cổ thụ cạnh hội trường thôn. Thời chiến, tiếng kẻng là hiệu lệnh tập trung, báo động toàn thôn tránh máy bay địch. Thời bình, tiếng kẻng trở thành hiệu lệnh nhắc nhở học sinh ngồi vào bàn học.
Đều như vắt chanh, đúng 19h ông Quách Cao Bảy đạp xe ra hội trường thôn đánh kẻng. Một lần bận việc, ông không đi đánh kẻng được, hôm sau đã bị thôn xóm nhắc nhở. Từ đó trở đi, có việc bận ông đều nhờ người làm thay. Thậm chí có hôm đang ăn cơm, ông đành buông bát, đi đánh kẻng rồi về ăn tiếp. Thời gian học sinh nghỉ hè, kẻng lại làm nhiệm vụ báo hiệu cho người dân đi họp thôn.
Video đang HOT
Cùng với việc đánh kẻng, thôn còn lập một tổ an ninh trật tự đi kiểm tra. Học sinh lang thang ngoài đường sẽ bị nhắc về nhà học bài. Gia đình nào mở tivi, xem phim vào giờ học của con cũng bị nhắc nhở, vi phạm nhiều lần sẽ bị khiển trách trên đài phát thanh của thôn. Giờ tự học chỉ 2-3 tiếng mỗi tối nhưng đã trở thành nề nếp của học sinh nơi đây.
Mỗi khi nghe tiếng kẻng, Quách Thị Mỹ Nha lại tự giác ngồi vào bàn học. Ảnh: H.P.
Quách Thị Mỹ Nha (học sinh lớp 5, trường THCS Ngọc Trạo) quen với tiếng kẻng học bài từ ngày còn học vỡ lòng. “Giờ muốn đi chơi cũng không có người chơi cùng vì 19h tối là bạn nào cũng ngồi vào bàn học”, Nha nói.
Người nơi khác đến chơi nghe tiếng kẻng thấy lạ, người làng Ngọc Long đi xa thì nhớ tiếng kẻng. Quách Thị Mỹ Hảo, chị gái Nha tâm sự: “Đi học xa nhà, không có tiếng kẻng nhưng theo thói quen19h em vẫn ngồi vào bàn học. Nó không đơn thuần là tiếng kẻng mà còn là tiếng tuổi thơ”.
Gia đình ông Quách Văn Minh có ba con gái. Trước vợ chồng ông cho rằng con gái thì không cần học cao. Nhưng từ ngày có phong trào “tiếng kẻng học bài”, ông nhận thức rõ cần đầu tư cho con học. Ba cô con gái giờ đang học đại học, cao đẳng ngoài Hà Nội. Năm rồi, gia đình ông đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học tiêu biểu” của huyện Thạch Thành.
Ông Doãn Hoàng Mai, Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngọc Trạo cho biết, Ngọc Long là một trong bốn thôn duy trì phong trào “tiếng kẻng học bài” tốt nhất xã, sắp tới sẽ được huyện công nhận là “khu dân cư hiếu học”.
“Từ khi có tiếng kẻng học bài, số học sinh đạt thành tích cao tăng lên, các nệ nạn xã hội giảm rõ rệt. Năm 2012, cả xã có 18 em đậu đại học, cao đẳng. Đó là tỷ lệ đậu cao so với các xã miền núi trong huyện”, ông Mai nói thêm.
Theo VNE
Tiếng trống, tiếng kẻng gọi chữ
Vào mỗi buổi tối, đúng 19 giờ, những tiếng trống, tiếng kẻng vang lên ở nhiều vùng quê để nhắc nhở con em tự học bài ở nhà.
Đi vào nền nếp
Đồng hồ điểm 19 giờ, ông Trần Đình Mến ở khu phố 7, thị trấn Gio Linh (Quảng Trị) vung tay đánh liền 3 hồi, 3 tiếng trống báo hiệu cho lớp trẻ trong khu phố ngồi vào bàn học tại nhà. "Bây giờ bọn trẻ đã ngồi vào bàn học hết rồi đó, chúng nó mà nghe tiếng trống của tôi y như là bộ đội nghe quân lệnh vậy..." - ông Mến kể với chúng tôi. Nghe mãi thành thói quen, trẻ ở đây tùy độ tuổi ngồi tự học khoảng 1-2 giờ đồng hồ. Tuy thời gian không nhiều nhưng diễn ra đều đặn nên thành tích học tập của trẻ rất tiến bộ.
Sau khi nghe tiếng trống, học sinh ở khu phố 7, thị trấn Gio Linh, Quảng Trị bắt đầu buổi học tại nhà.
Cách "gọi học" tại làng Gia Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh cũng diễn ra tương tự, nhưng chỉ khác là thay trống bằng kẻng. Người tình nguyện làm công việc "gọi học" trong thôn là bà Lê Thị Huyên, năm nay 61 tuổi.
"Mặc dầu công việc gia đình, đồng áng rất bận rộn, nhưng bỏ một chút thời gian để gọi các cháu vào học đúng giờ là tui mừng lắm". Tiếng kẻng mới vang lên ở thôn Gia Môn 2 năm nay nhưng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong sự học. Toàn thôn có gần 100 em học sinh thì trên 60 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến.
"So với những năm trước thì 2 năm trở lại đây tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cũng như tỷ lệ học sinh khá giỏi trong thôn tăng lên rất nhiều. Những người đánh trống, kẻng khuyến học như tui cũng thấy rất mừng"- bà Huyên nói.
14 năm có tiếng kẻng
Đó là "tiếng kẻng học bài" ở xã Chiến Thắng (An Lão, Hải Phòng), được duy trì từ năm 1999 đến nay. Thôn nào cũng có kẻng báo giờ học bài vào lúc 19 giờ và đã trở thành một hiệu lệnh quen thuộc không thể thiếu được trong nếp sinh hoạt của bọn trẻ.
Em Nguyễn Thị Dịu - lớp 7, cho biết: "Trừ thứ 7, Chủ nhật, còn thì ngày nào cũng như ngày nào cứ nghe tiếng kẻng là chúng cháu tự giác học bài. Bố mẹ cháu đi làm xa rất yên tâm khi thấy con cháu học hành chăm chỉ".
Việc chấp hành hiệu lệnh ở đây cũng có "chế tài". Nếu phát hiện em nào không chấp hành học 3 lần liên tiếp sẽ bị phê bình trên hệ thống loa truyền thanh của xã.
Hội Khuyến học xã phân công hội viên đi kiểm tra, nhà nào mở ti vi, không có bàn ghế cho con học tập đều bị thôn nhắc nhở. Thấy được hiệu quả của phong trào "tiếng kẻng học tập" nên phụ huynh nào cũng tự nguyện hưởng ứng.
Theo Vĩnh Định - Bùi Hương (Dân Việt)
Dân "phượt" tự sản xuất clip du lịch đẹp như quảng cáo Loạt clip du lịch đẹp như tranh vẽ, miêu tả xứ Thanh, xứ Huế, Cô Tô, Hội An... đều do bàn tay "nghiệp dư" của chàng trai Vũ Nam Dương làm nên, với mong muốn quảng bá thiên nhiên, con người Việt Nam. Thời gian gần đây, những clip ngắn giới thiệu du lịch Việt Nam của Vũ Nam Dương thực hiện được...