Tiếng hét tuyệt vọng của thanh tra Kim đơn độc ở hẻm tử thần Itaewon
Trước khi thảm họa xảy ra ở Itaewon, thanh tra Kim Baek Gyeom đã có mặt tại hiện trường, nhưng những nỗ lực đơn độc của anh không thể cứu vãn tình hình.
Bốn ngày sau thảm kịch chết người tại Itaewon, Seoul, thanh tra Kim Baek Gyeom vẫn còn bàng hoàng vì những gì anh chứng kiến vào tối 29/10.
“Rất nhiều người nằm trên mặt đất. Mọi người la hét. Có thể thấy áp lực từ đầu con hẻm ngày càng dồn lên. Chúng tôi nhận được báo cáo về tình trạng hỗn loạn trong khu vực, do đó, tôi đã đến hiện trường trong khoảng thời gian 22h-22h15″, anh nói với BBC tại đồn cảnh sát ở Itaewon, chỉ cách nơi xảy ra thảm kịch vài mét.
“Tôi đã cố gắng làm nhiệm vụ của mình để giúp đỡ mọi người. Thật không may, tôi đã không thể”, anh nghẹn ngào.
Một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nỗ lực tuyệt vọng của thanh tra Kim trong việc chuyển hướng mọi người ra khỏi con hẻm, khiến anh nhận được nhiều lời khen ngợi. Song nó cũng làm nổi bật tình trạng thiếu lực lượng cảnh sát tại hiện trường vào đêm xảy ra vụ việc.
Nỗ lực đơn độc
Đoạn video ghi lại hình ảnh một người đàn ông trẻ trong bộ đồng phục cảnh sát, đứng đơn độc với nét mặt lo lắng, cố gắng ngăn dòng người khổng lồ đổ về con hẻm tử thần.
“Mọi người đang chết dần!”, anh tuyệt vọng hét lên. “Mọi người cần di chuyển theo hướng này – hãy hợp tác!”.
Thanh tra Kim không nhận nhiệm vụ kiểm soát đám đông trong khu vực này vào tối 29/10, thay vào đó, anh làm việc ở ga tàu Itaewon.
Thanh tra Kim Baek Gyeom, làm việc tại đồn cảnh sát ở Itaewon. Ảnh: BBC.
“Tôi đã ở nhà ga, chờ đợi được điều động ứng phó với bất kỳ tội ác nào có thể xảy ra ở Itaewon vào đêm hôm đó”, anh nói và không đề cập đến việc kiểm soát đám đông. “Chúng tôi nhận được tin báo về một vụ ẩu đả gần con hẻm nên lập tức đến hiện trường”.
Đó là khi thanh tra Kim nhìn thấy đám đông chen chúc một cách nguy hiểm. Mọi người dường như đang bị ép chặt ở cuối con hẻm dốc – nối đường chính với khu quán bar trên đồi.
Để ngăn chặn tình hình tồi tệ hơn, anh quyết định ngăn mọi người đi vào từ phía trên con hẻm.
Video đang HOT
“Như mọi người có thể thấy trong video, tôi bắt đầu la hét và yêu cầu người dân di chuyển đến một nơi khác”, anh nói.
Hầu hết người xung quanh đều tuân theo yêu cầu của anh Kim. Trên thực tế, nhiều người cũng giúp anh hướng dẫn đám đông. Và chưa đầy một giờ sau đó, hàng chục tình nguyện viên đã hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân, khi nỗ lực kiểm soát đám đông nhanh chóng trở thành một chiến dịch giải cứu.
Thanh tra Kim nói rằng anh không nhìn thấy bất kỳ cảnh sát nào khác ở hiện trường, dù nhận được thông báo rằng những đồng đội khác đã tham gia giải cứu.
Đơn độc một mình và không có loa hay bất kỳ kế hoạch hành động cơ bản nào, anh phải đối mặt với nhiệm vụ bất khả thi: Cố gắng ngăn chặn một thảm họa đang diễn ra ngay trước mắt.
Mất mát quá lớn về nhân mạng đã để lại trong anh một cảm giác tội lỗi nặng nề.
“Tôi cảm thấy mình đã không cố gắng hết sức. Tôi không hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách một cảnh sát Hàn Quốc. Tôi rất xin lỗi”, anh nói.
Vào ngày 3/11, mẹ của một nạn nhân đã liên lạc với thanh tra Kim để tỏ lòng biết ơn về những hành động của anh vào đêm xảy ra thảm kịch.
“Tôi cảm thấy có lỗi đến mức không thể nói lời cảm ơn với bà ấy”, anh Kim kể lại.
“Tôi không thể (hoàn thành) nghĩa vụ của mình vào đêm đó. Nếu có thể gặp tang quyến của các nạn nhân và gửi lời xin lỗi cũng như nói chuyện với họ, tôi muốn làm điều đó”, anh chia sẻ.
Hướng về gia đình nạn nhân
Gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch ở Itaewon đang yêu cầu câu trả lời khi sự tức giận đối với giới chức trách ngày càng tăng. Hôm 2/11, đội điều tra đặc biệt đã khám xét 8 văn phòng cảnh sát trên khắp Seoul để thu thập bằng chứng xác định nguyên nhân và cách thức thảm kịch xảy ra.
Và các bằng chứng đang phơi bày thiếu sót của các nhà chức trách.
Cảnh sát địa phương không có kế hoạch hợp lý để đảm bảo an ninh trong đêm Halloween. Họ cũng không phản ứng kịp thời và hiệu quả với 12 cuộc gọi khẩn cấp cảnh báo về tình trạng quá tải vài giờ trước khi thảm họa xảy ra.
Người dân thương tiếc các nạn nhân trong thảm kịch ở Itaewon. Ảnh: Yonhap.
Trong những ngày trước thảm kịch, chính quyền quận Yongsan đã tổ chức hai cuộc họp để thảo luận về cách quản lý lễ hội Halloween.
Theo trang web chính thức, chính quyền địa phương đã thảo luận về các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, thu gom rác và đậu xe bất hợp pháp, cùng nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, họ không đề cập đến việc kiểm soát đám đông, dù một ngày trước đó quận trưởng quận Yongsan thừa nhận đây sẽ là Halloween đầu tiên không có giãn cách xã hội sau 3 năm.
Hôm 1/11, cảnh sát trưởng Hàn Quốc cũng thừa nhận phản ứng khẩn cấp của lực lượng cấp dưới “không đủ” và ông nhận thấy bản thân chịu “trách nhiệm nặng nề” đối với những nạn nhân thiệt mạng.
Sự chú ý tiếp tục đổ dồn vào cách xử lý 12 cuộc gọi cảnh báo của cảnh sát địa phương. Đội điều tra đặc biệt có kế hoạch kiểm tra các sĩ quan – những người đã nhận cuộc gọi trong 4 giờ trước khi thảm họa xảy ra – để xem họ có hoàn thành trách nhiệm hay không, và liệu phản ứng của họ sau khi nhận được cảnh báo có phù hợp hay không.
Theo báo cáo gửi đến Hạ nghị sĩ Lee Seong từ đồn cảnh sát Yongsan và Sở Cứu hỏa Yongsan, các dấu hiệu nguy hiểm đã được phát hiện nhiều giờ trước khi thảm họa xảy ra. Những người gọi đến đều nói rằng họ lo ngại mọi người sẽ chết vì áp lực của đám đông.
Cảnh sát cũng thẩm vấn “một người đàn ông đeo băng đô tai thỏ” liên quan đến vụ việc. Một số người tự xưng có mặt tại hiện trường nhận định người đàn ông này cố tình đẩy đám đông chật cứng để có lối đi, theo Korea Herald.
Song người này phủ nhận cáo buộc và nói rằng anh đã rời khỏi Itaewon trước khi vụ việc xảy ra.
Các báo cáo cũng cho biết lãnh đạo lực lượng cảnh sát – chẳng hạn người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) và cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát Seoul – phải mất hơn một giờ mới nhận được thông báo về thảm kịch.
Song theo luật sư Kim Jin Sook, rất khó để khẳng định cảnh sát phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.
“Điều đó hoàn toàn bất ngờ vì chưa từng có sự việc nào như vậy xảy ra ở Hàn Quốc, ngay cả khi đám đông khổng lồ (hàng trăm nghìn người) tụ tập ở Seoul để biểu tình nhiều lần chỉ vài năm trước đây. Có lẽ chúng ta đã quá quen với đám đông và không thể hiểu được điều đó sẽ nguy hiểm như thế nào”, ông nhận định với Korea Times.
Trong khi đó, dù nhận được những lời tán dương từ công chúng nhờ nỗ lực ngăn chặn thảm họa, thanh tra Kim mong muốn mọi người hướng về gia đình các nạn nhân.
“Rất nhiều người đã liên hệ với tôi và hỏi tôi có ổn không”, anh nói. “Nhưng thay vì lo lắng cho tôi, hãy nghĩ về tang quyến, những người đau khổ nhất. Xin hãy cầu nguyện cho họ”.
Itaewon: Tiết lộ nội dung cuộc gọi kêu cứu "có thể bị đè chết" 4 giờ trước thảm kịch
Cảnh sát Hàn Quốc vừa công bố bản ghi âm rùng mình của 11 cuộc gọi khẩn cấp trước thảm họa giẫm đạp tại Itaewon, trong đó người gọi đầu tiên, tận 4 tiếng trước thảm kịch, đã cầu cứu vì cho rằng "có thể bị đè chết".
"Có vẻ như bạn có thể bị đè chết khi mọi người tiếp tục đến đây trong khi không có chỗ cho mọi người đi xuống. Tôi gần như xoay sở để rời khỏi nhưng có quá nhiều người. Có vẻ như bạn nên đến và kiểm soát" - Reuters trích dẫn cuộc gọi khẩn cấp đến tổng đài cảnh sát từ một người dân mắc kẹt trong đám đông Itaewon từ lúc 18 giờ 34 phút chiều 29-10, tức khoảng 4 giờ trước khi thảm họa thực sự xảy ra.
Cảnh sát Hàn Quốc cũng thừa nhận họ đã nhận được 10 cuộc gọi tương tự khác trước khi sự hỗn loạn được biết đến và trở nên nghiêm trọng.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và các quan chức tại địa điểm người dân đặt hoa tưởng niệm ngay gần con hẻm là tâm điểm của thảm kịch Itaewon - Ảnh: REUTERS
Reuters bình luận: Các bản ghi âm, được công bố trên phương tiện truyền thông hôm 1-11, đưa ra dự đoán lạnh lùng về việc thảm kịch sẽ xảy ra như thế nào.
"Mọi người đang đổ xuống đường, trông như thể có tai nạn, trông rất nguy hiểm" - một người khác gọi vào lúc 20 giờ 33 phút.
Cuộc gọi khác lúc 10 giờ 11 phút, khoảng 20 phút trước thảm họa, như một lời kêu cứu khác: "Mọi người sẽ bị đè chết ở đây. Thật hỗn loạn". Bản ghi âm này cũng đi kèm với những tiếng la hét xung quanh.
Ước tính đã có khoảng 100.000 người đến Itaewon vào đêm xảy ra thảm họa, một khu vực nội tiếng với những ngọn đồi và các con hẻm hẹp. Cảnh sát Hàn Quốc đã nhận trách nhiệm về vụ việc. Có 137 cảnh sát túc trực tại Itaewon vào đêm xảy ra thảm họa, một lực lượng được cho là quá mỏng đối với đám đông khổng lồ trong một lễ hội không có người tổ chức.
Sáng 2-11, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo nhấn mạnh cảnh sát sẽ phải giải thích cách họ phản ứng sau khi nhận nhiều cuộc gọi khẩn cấp hàng giờ và vào phút trước thảm họa ở Itaewon.
Hiện đã có 156 người tử vong do thảm kịch và 151 người khác bị thương, phần lớn là các thanh niên ở độ tuổi 20.
Dấu hiệu cảnh báo khi một đám đông trở nên chật chội một cách nguy hiểm Nếu như bạn ở trong một đám đông và người xung quanh ở sát đến mức họ có thể chạm vào người bạn, điều đó có nghĩa là đám đông đang quá chật chội. Hình minh họa mật độ đám đông để xem xét tính an toàn. Ảnh: GKStill International Theo G. Keith Still - một giáo sư về khoa học đám đông...