Tiếng cười dễ dãi trong hài Tết 2014 trên màn ảnh nhỏ
Thị trường hài Tết tiếp tục rơi vào tình trạng “số lượng vượt trội chất lượng”.
Cách đây vài năm, hài Tết là 1 món ăn tinh thần không được ưa chuộng đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi “món ăn” này ngày càng trở nên phổ biến thì sự háo hức của người xem cũng giảm hẳn.
Lý do rất đơn giản, thị trường hài Tết đang “nhảm hóa”, “số lượng hóa” thay vì “chất lượng hóa”. Cái cười “công nghiệp” đang dần biến những nhà làm phim trở nên dễ dãi khi đầu tư vào sản phẩm của mình.
Hài Tết 2014: Nhạt, nhảm
Có thể nói, năm 2013 là 1 năm có rất nhiều sự kiện xã hội có thể trở thành chất liệu đắt giá để xây dựng nội dung phim hài Tết. Tuy nhiên, bàn tay nhào nặn của các đạo diễn, biên kịch đã “làm không tới”. Hoặc, do xu hướng “hài nhảm” đã khiến họ đưa ra những sản phẩm đáng thất vọng.
Ở một số phim hài Tết như Đại gia chân đất, Làng ế vợ, Răng của ai, Bao Chảnh gỡ án… khán giả dường như bị cù mà không thể cười nổi vì nội dung phim quá “nhạt”.
Hotgirl Mai Thỏ cũng tham gia đóng phim hài Tết.
Tạo hình “đáng sợ” của Lan Phương trong Cổ tích thời @.
Đạo diễn Trần Bình Trọng từng chia sẻ: “Tôi không muốn phim hài mà cứ phải đưa vào những tư tưởng nặng nề, khán giả xem thì sẽ rất mệt mỏi. Phim của tôi sẽ vui vẻ và nhẹ nhàng thôi”. Tuy nhiên, người ta không thấy được cái “chất” của sự nhẹ nhàng trong những phim hài của hãng phim Bình Minh. Thay vào đó, người ta thấy Đại gia chân đất ngày càng “nhảm”, “nhạt” và câu khách bằng “chân dài”, bằng những chi tiết lố lăng, phản cảm.
Với tiểu phẩm Làng ế vợ, Chiến Thắng cùng ê-kíp đã thu được khá nhiều tiếng cười của khán giả. Tuy nhiên, đó lại là cái cười “công nghiệp”, cái cười “bị cù”. Nội dung không mấy hấp dẫn, loanh quanh chuyện “trai làng ta quyết giữ gái làng ta” bằng những “chiêu bẩn”. Đặc biệt, chất liệu để Làng ế vợ gây ấn tượng với khán giả lại là những câu nói suồng sã, có phần thô thiển, vô duyên: “Tông môn nhà mày!”, “Con chó kia, bố mày thấy yêu mày rồi đấy!”, “Xóm Đình có mỗi em Hồng/Trông thì khỏe mạnh, nhưng… mông không tròn”…
Cũng rơi vào tình trạng “hài nhảm”, “hài nhạt” là 2 tiểu phẩm Răng của ai vàBao Chảnh gỡ án. Mặc dù những phim hài này quy tụ khá nhiều danh hài “cỡ bự”, song điều đó lại càng khiến khán giả thất vọng vì chất lượng của bộ phim.
Ở Bao Chảnh gỡ án, Chí Trung và Vân Dung không thể khiến khán giả bật cười thích thú như họ đã từng làm trong các chương trình hoặc tiểu phẩm khác. “Thương hiệu” của họ không đủ để “lấp liếm” cho 1 tiểu phẩm hài nhạt nhẽo và có cốt truyện quá đơn giản. Chỉ từ việc bà mõ nghe nhầm, mà quan huyện phải điều hẳn 1 đội quân đến bao vây nhà nọ. Và sau khi người chồng trở về, hiểu lầm được giải thích và… huề cả làng.
Còn với Răng của ai, người xem có cảm giác Xuân Hinh và Hồng Vân thực chất đang đóng 1 clip quảng cáo cho 1 trung tâm nha khoa chứ không phải diễn hài Tết.
Trong 1 số tiểu phẩm như Cổ tích thời @, Chôn nhời…, điểm sáng chính là việc nhà sản xuất đã đưa được những vấn đề của cuộc sống đương đại vào tác phẩm của mình. Tuy nhiên, những chi tiết thể hiện trong phim lại có phần sống sượng, gượng gạo và đôi khi là… vô duyên.
Khai thác hình ảnh hot girl Bà Tưng, Cổ tích thời @ đã để diễn viên Lan Phương hóa trang như… diễn hề, nhảy nhót, uốn éo, “khoe hàng” như… dở hơi! Sự bóp méo hiện thực một cách quá đà nhằm gây cười không thực sự “duyên dáng” và hấp dẫn.
Việc đạo diễn phim Chôn nhời để Thành Trung (trong vai đầy tớ) khoe cơ bắp ngồn ngộn với những động tác gồng mình, tập võ, chống đẩy… đã khiến nhiều người cho rằng “anh Nô” đang cố tình “show hàng” hơn là đang tập luyện và làm việc.
Có thể nói, khả năng diễn xuất của các danh hài phía Bắc rất tốt, nhưng do kịch bản nhảm, mô típ cũ và kiểu làm phim thương mại dễ dãi đã khiến phim hài Tết trở thành 1 món ăn “nhiều sạn”. Hài Tết bị lạm dụng để quảng cáo
Thêm 1 “hạt sạn” khổng lồ khiến khán giả phải “ê răng” khi xem hài Tết chính là việc đĩa hài bị lạm dụng để… quảng cáo.Không thể phủ nhận rằng quảng cáo chính là nguồn thu nhập chính của những nhà sản xuất phim hài Tết. Một số đạo diễn phim hài Tết cho biết doanh số bán đĩa thực chất không đủ để chi trả cho chi phí sản xuất phim. Chính vì thế, việc kêu gọi quảng cáo trở thành 1 phần “thiết yếu”, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi ê-kip làm phim.
Video đang HOT
Quảng cáo xuất hiện tràn lan trong phim hài Tết 2014.
Theo quy định, thời lượng quảng cáo không được chiếm quá 1/6 thời lượng của bộ phim. Thiết nghĩ, đây cũng là con số có thể “chấp nhận được” đối với khán giả xem chương trình. Tuy nhiên, đó là nếu nhà sản xuất phim tôn trọng quy định này và tôn trọng khán giả xem phim.
Thông thường, mỗi phim hài Tết có ít nhất từ 3-5 phút dành riêng cho chương trình quảng cáo. Thế nhưng, nếu chỉ bán ngần ấy thời gian cho các đơn vị tài trợ, có lẽ là không đủ đối với những nhà sản xuất phim. Chính vì thế, họ phải tìm đủ mọi cách để lồng ghép, “cài cắm” quảng cáo vào thời lượng chiếu phim.
Một số độc giả bày tỏ thái độ khó chịu khi những dòng chữ quảng cáo, những logo của các đơn vị tài trợ cứ dăm ba phút lại “xoay xoay”, “chạy chạy” trên góc màn hình hoặc phía dưới màn hình. Điều đó khiến khán giả bị “nhiễu”, bị “rối mắt” khi họ đang theo dõi diễn biến của phim.
Có thể nói, đây là một “chiêu” rất tinh vi của các nhà sản xuất phim. Bởi, để logo nhãn hàng hoặc để slogan của đơn vị tài trợ chạy trên màn hình sẽ vẫn quảng bá được hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp đó, lại không “phạm” vào thời lượng quảng cáo cho phép.
Tuy nhiên, “chiêu bài” này vẫn chưa “độc” bằng cách để nhân vật trong phim sử dụng hoặc nhắc tới slogan, hoặc tên nhãn hàng. Đây quả thực là 1 cách quảng cáo rất thông minh nếu nhà sản xuất biết tiết chế và xử lý 1 cách tinh tế những thông điệp mà họ đưa vào phim.
Thế nhưng, họ đã quá lạm dụng “chiêu” bài này, gây cảm giác khó chịu cho người xem. Có thể kể đến tiểu phẩm Răng của ai với những câu thoại khô khan, không có chút gì là hài hước nhằm giới thiệu về một trung tâm nha khoa, về sản phẩm của một doanh nghiệp kinh doanh đồng hồ.
Thậm chí, nhân vật chính của tiểu phẩm này còn được “dẫn dắt” để xuất hiện trong sảnh chờ của một trung tâm nha khoa, được chính nhân viên của trung tâm này giới thiệu, tiếp thị dịch vụ của trung tâm. Rõ ràng, cả một đoạn phim dài hơn 4 phút chẳng có mục đích gì ngoài… quảng cáo về dịch vụ của đơn vị này.
Nhắc tới chuyện “cài cắm” thương hiệu sản phẩm vào nội dung kịch bản phim, không thể không nhắc tới tiểu phẩm Làng ế vợ. Đạo diễn dường như đã cố tình “nắn” kịch bản để tên và hình ảnh sản phẩm của nhà tài trợ chính được xuất hiện khá nhiều trong phim.
Ví dụ, trong lời hát của ông chủ quán Cây Đa, phải có đến 3 câu nói về món thạch rau câu. Hoặc trong đoạn một anh chàng về thăm nhà người yêu, trước mặt cả nhà, anh đã hồn nhiên rút trong túi ra 1 bịch thạch rau câu để biếu bố vợ kèm theo những lời có cánh cho sản phẩm này.
Người xem cảm thấy khó chịu vì những sản phẩm điện máy, những hãng xe khách, xe taxi… xuất hiện dày đặc trong phim một cách sống sượng, vụng về. Thâm chí, có độc giả cho rằng “không biết đang xem phim hài hay đang xem clip quảng cáo! Mà cũng chả có cái clip quảng cáo nào lại thô và kém duyên thế này!”
Vẫn biết nền kinh tế còn trong tình trạng khó khăn, tình trạng in sao đĩa lậu tràn lan sẽ gây nhiều thiệt thòi cho nhà sản xuất. Thế nhưng có nhất thiết phải “cài cắm”, thậm chí là “bóp méo” sản phẩm nghệ thuật của mình chỉ vì sợ lỗ? Đã đến lúc các đơn vị sản xuất cần chú ý hơn tới cảm giác của khán giả – đối tượng phục vụ chính của họ.
Theo Trithuctre
NSƯT Phạm Bằng: 'Cảnh ôm ấp gái trẻ, tôi làm được'
Quan điểm của NSƯT Phạm Bằng là cái đẹp cần được sử dụng đúng chỗ, nếu không sẽ rất chối.
- Mùa hài Tết năm nay rộn ràng như vậy, NSƯT Phạm Bằng có nhận lời tham gia nhiều vai diễn?
Tôi mới làm xong một bộ phim hài Tết của đạo diễn Phạm Đông Hồng có tên là "Chôn nhời". Còn một lời mời làm phim hài Tết nữa, chắc khoảng độ năm bữa nửa tháng sau mới quay.
Dịp Tết này thường tôi chủ yếu đi diễn theo lời mời của các công ty tổ chức sự kiện. Bộ diễn viên Phạm Bằng, Quang Tèo, Thắng Vẹo vẫn được nhiều người yêu mến lắm. Giờ chưa đến Tết mà cũng có mấy chỗ "đặt hàng" rồi. Thế là Tết năm nay cũng có vẻ đắt hàng nhỉ?. (Cười).
- Đi diễn nhiều như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe của ông, dù sao, ông cũng vừa trải qua 2 ca mổ trong hai năm liên tiếp ...
Sức khỏe của tôi hiện nay vẫn bình thường. Tuy nhiên tôi cũng đang phải điều trị mật đấy. Các bác sĩ chuẩn đoán tôi có bùn mật, chứ không bị sỏi. Tôi phát hiện ra cách đây hơn 1 tháng. Bác sĩ ở viện Việt Xô nói tôi nên cắt đi.
Nhưng mà sau khi cắt túi mật xong cũng "lôi thôi" lắm, phải ăn 4-5 bữa nhỏ 1 ngày vì có tí mật nào ra nó phải điều tiết vào gan ngay chứ không có túi mật dự trữ. Với lại tôi thấy nhiều người đi cắt về cũng ít nhiều bị đảo lộn sự điều hòa trong người nên cũng hơi ngại.
Tôi sợ mổ lắm. Năm kia tôi mổ cái tiền liệt tuyến, năm ngoái mổ ruột thừa. Hai lần mổ mất nhiều sức, tôi sụt cả đến gần chục cân.
Có người quen bầy cho tôi đi chữa bằng thuốc Nam, điều trị trong 3-6 tháng gì đó, họ bán viên nang uống cũng tiện. Tôi uống được hơn 1 tháng rồi. Cứ để uống xem thế nào, nếu mà không đỡ chắc cũng phải mổ thôi.
Mà có muốn mổ cũng phải để ra ngoài Tết, lúc đó công việc hòm hòm hơn 1 chút, chứ đang tháng "kiếm ăn", "tháng củ mật" này mà lại đi mổ rồi nằm đấy thì thôi hỏng mất rồi. (Cười).
- Ông có thể chia sẻ một chút về vai diễn trong bộ phim mới hoàn thành?
Đạo diễn Đông Hồng có phân cho tôi một ông quan Tri phủ. Kịch bản theo mô tuýp dân gian, tuy nhiên cũng có tác dụng với bối cảnh bây giờ. Gọi là lấy cái cũ để nói cái mới, dăn đe cái mới. Tất nhiên là nó kín đáo hơn.
- Diễn vai quan thời xưa thì "đúng tủ" của Phạm Bằng quá rồi ...
Tôi vào vai Tri phủ này cũng hợp. Tuổi của tôi cũng đã sống với cái tay Tri phủ, Tri huyện khoảng độ hơn chục năm. Những năm 41-43, lúc quân Đồng minh đánh Nhật đang chiếm nước ta, tôi phải sơ tán về quê. Lúc ấy đang chế độ cũ, ở quê vẫn còn rất nhiều quan huyện, quan xã. Tôi đã gặp 1 số kỳ hào cũ, từ quan huyện chánh tổng, rồi lý trưởng ... nên cũng biết.
Trước tôi cũng đã được giao đóng vai lý trưởng ở Nhà hát kịch Hà Nội rồi nên cũng nắm được rồi, khi làm có nhiều thuận lợi.
- Diễn hài ở tuổi ngoài 80 tuổi - cái tuổi được quan niệm thường gắn với những điều nghiêm ngắn, hẳn là NSƯT Phạm Bằng cũng bị "vướng" nhiều thứ?
Với tôi tuổi tác không thành vấn đề. Giả dụ như nhân vật của tôi trong bộ phim mới này. Những cảnh ôm ấp với những cô gái trẻ trong kịch bản tôi làm được.
Với các diễn viên chính kịch thì có khi làm hơi khó, chứ tôi làm hài quen rồi. Tôi đã xác định được vị trí, chỗ đứng rồi nên khi làm việc tôi không tính tuổi tác nữa. Khi đó chỉ là như nhập đồng ấy, không vấn đề gì cả. Miễn là nó vẫn hợp lý, chứ mình cứ cố "dặn" ra cho nó méo mó đi thì không được.
Khi đã nhận lời làm việc, tôi tôn trọng kịch bản, tôn trọng ý đồ của đạo diễn. Tất nhiên có những chỗ này dở, chỗ này gượng tôi cũng góp ý với đạo diễn. Nhưng tôi không nói là chỗ này tôi không đóng được hay vì tuổi tác tôi không làm được như thế. Không thể vì lý do tuổi tác mà làm hỏng cái vai của mình đi được.
Những cảnh "vui vẻ" của NSƯT Phạm Bằng với diễn viên Kim Oanh
- Còn chuyện nhớ kịch bản thì sao, hẳn là tuổi tác cũng đã khiến ông bị ảnh hưởng ít nhiều?
Tôi có cái may mắn thế này. Tôi học phổ thông ở thời cũ. Phải nói những kỳ thi "tam cá nguyệt lục cá nguyệt" thời đó khắt khe lắm. Có những môn học có tới hàng chục bài phải học thuộc. Mỗi kỳ thi thầy giáo đều bắt đứng lên trước lớp đọc, bao giờ thấy trơn tru mới được về chỗ để chấm điểm, còn ngập ngừng thì cứ đứng đó mà đọc. Có anh em cũng tìm cách học tủ nhưng tôi học thuộc cả.
Tôi làm nghề này đến nay cũng gần 50 năm rồi, trải qua biết bao nhiêu vai diễn. Bây giờ kịch bản khoảng 5-7 trang đánh máy, nếu đưa trước cho tôi vài ba ngày thì chẳng khó khăn gì cả, còn nếu cấp tập thì phải đợi tôi 1 chút, tôi học trang một cũng chỉ độ mươi phút thôi.
Tuy nhiên tuổi tác cũng không nói hay được. Có tuổi thì sức khỏe rồi trí nhớ cũng sẽ suy giảm. Thêm nữa tôi cũng còn vướng cái này cái khác nên cũng có thể sẽ bị phân tán đi...
- Ông đã bao giờ thử đếm xem bản thân đã diễn tất cả bao nhiêu vai chưa?
Tôi không đếm xuể. Riêng năm đầu làm truyền hình đã hơn 300 tác phẩm. Mà mãi sau này tôi mới đóng hài đấy chứ! Ban đầu lúc mới vào đoàn tôi hay đóng phản diện, cũng cỡ khoảng 10 năm.
- Đến với hài là cái duyên hay sự lựa chọn của ông?
Là do các đạo diễn chọn. Tôi cũng thử và thấy cũng được. Cá nhân tôi thấy làm hài cực kỳ khó, không phải anh nào cũng làm được. Kể cả bây giờ bảo một anh nghệ sĩ nhân dân có hàm cao như thế rồi diễn hài chưa chắc đã làm được, phải có cái trời cho nữa.
Như anh Xuân Hinh cũng là trời cho, anh ấy diễn hài có duyên lắm. Nhưng phải cái là có một số đoạn anh ấy làm hơi quá, nên bị mất duyên đi. Cái đó cũng nguy hiểm.
- Trong những vai diễn của cuộc đời mình đến thời điểm này, vai diễn nào lưu lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ông?
Đó là vai diễn lý trưởng trong "Hồn Trương Ba da hàng thịt". Đóng chính kịch, nhưng nhân vật tôi diễn là một vai hài.
Lúc đó, đạo diễn Đình Nghi rất đắn đo chọn tôi và anh Trần Tiến (NSND Trần Tiến) vào vai lý trưởng và đế thích. Hồi ấy Đình Nghi tinh thật chứ phân chệch đi 1 cái là đã hỏng mất rồi.
Sau này chính anh Đình Nghi cũng nói rằng có lẽ cả nước không ai đóng lý trưởng như Phạm Bằng được.
- Ông định sẽ làm hài đến bao giờ?
Đến khi nào tôi yếu quá không làm được nữa thì thôi. Còn có vai nào mình đọc thấy đắt giá, có ý đồ lớn thì tôi vẫn làm, hoặc tôi có thể xin làm.
- Hẳn là ông vẫn còn giữ mong muốn được diễn chính kịch như đã có lần chia sẻ trên báo chí?
Chính kịch thì phải có tác phẩm thật hay cơ. Chứ còn những tác phẩm kiểu như bây giờ thì nhòa lắm, nó không có giá trị gì cả.
Tôi không dám vơ đũa cả nắm đâu nhưng đại đa số bây giờ các tác giả đều phải làm cấp tập. Tôi đã từng nói với 1 nhà sản xuất truyền hình rằng kỳ này xem cái chương trình của ông thấy không thể xem nổi. Mình nói với cách xây dựng, nói thật.
Sau này ông ấy cũng tự ái nói lại rằng truyền hình không bắt ông mua vé, ông thích thì ông xem không thích thì tắt tivi đi, không ai bắt ông phải ngồi.Thế thì còn nói chuyện gì nữa. Vấn đề là tuyên truyền phổ cập cho quần chúng. Quần chúng phải cho người ta ăn miếng ngon ngon 1 tí, chứ ăn dở quá người ta ăn thế nào được.
- Bây giờ các nhà làm phim có xu hướng mời những cô gái đẹp, có thân hình gợi cảm làm diễn viên ...
Làm như thế nguy hiểm lắm. Cái kiểu ngoại hình lẫn vào các anh diễn nội tâm thì cực nguy hiểm. Tôi nhắc lại là đóng hài khó lắm. Nếu như các anh làm không đúng thì nó thành ra phản tác dụng, càng dơ, không chấp nhận được.
Tôi nghĩ là các anh diễn viên hài phải rất tinh, phải có trình độ, ít nhất là học hết cấp 3, mà đại học được thì tốt. Như thế thì mới đủ trình độ để nghiên cứu những từ ngữ trong kịch bản hài, hiểu như thế nào để nói. Không hiểu mà cứ nói như vẹt thì sẽ trượt đi mất.
Những từ thuộc vào loại châm biếm, đả kích mà anh nói không có tiềm đại từ, không có ý ngầm ở dưới, không bộc lộ được nó ra mà cứ nói như những từ khác thì hỏng.
- Nhưng đó lại là chiêu thức "câu khách" của những nhà làm phim?
Vẫn không lại được, vẫn dở. Tôi kể một câu chuyện thế này. Hồi 20 tuổi, tôi xem bộ phim Othello của Liên Xô. Cô diễn viên đóng vai Desdemona phải nói là cực đẹp, hấp dẫn lắm. Thế nhưng có một ông người pháp đã đưa ra nhận định rằng: "Đây là cây thịt biết nói".
Cho nên mới thấy trong hoàn cảnh này cái đẹp không thể nào chinh phục được. Anh dành cái đẹp ấy vào lĩnh vực khác thì nó chinh phục được ngay, chứ mang vào biểu diễn, với những diễn viên gạo cội như thế mà anh chỉ khoe có cái đẹp không thôi thì tôi cho là càng chết.
Anh sử dụng cái đẹp không đúng chỗ. Giờ các ông làm phim không hiểu được như thế, cứ mang cái đẹp vào như thế thì chối lắm!
Theo Trí thức trẻ
Sao hài rủ nhau khai xuân bằng tiếng cười Ngoài "Táo Quân 2014" vốn có thương hiệu trên VTV, nhiều nghệ sĩ hài của cả 2 miền còn góp mặt trong các chương trình Tết rộn ràng, mang tiếng cười cho khán giả đầu xuân. Mâm cỗ khai xuân Đây là chuỗi hài kịch mang đậm không khí Tết với những món ăn đa sắc màu, đủ gia vị cảm xúc yêu...