Tiếng cười của người đàn ông lớn tồng ngồng, cả đời sống trong lồng sắt
Cả cuộc đời, người đàn ông “có lớn nhưng không có khôn” chưa từng một ngày sống thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ già 72 tuổi.
Đến thăm gia đình bà Sơn Thị Quăn (72 tuổi, Trà Vinh), tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh một người đàn ông to xác với khuôn mặt khờ khạo, trần truồng nằm gọn trong chiếc lồng sắt vỏn vẹn… 3m2.
Tôi cất lời chào hỏi. Anh im lặng hồi lâu rồi bất ngờ ú ớ chỉ trỏ ra hướng cửa, cười khanh khách khiến tôi sởn gai ốc. Lúc sau, bà Quăn hớt hải đạp xe về nhà, trên tay cầm nguyên tập vé số. Bà bảo sáng giờ không có khách nên “ế hàng” hơn mọi ngày. Dù vậy, bà luôn hi vọng chiều gặp may bán hết chỗ vé còn lại để có tiền mua thuốc và chút thịt cá cho anh Thạch Vọ (36 tuổi, con trai) – người đang nằm trong lồng.
Người mẹ suốt 35 năm tần tảo nuôi con trai “có lớn nhưng không có khôn”
Lặng lẽ đặt tập vé số xuống giường, bà Quăn vội xuống bếp bới tô cơm trắng rồi bỏ thìa đường vào trộn đều. Sau đó, bà lại gần chiếc lồng dỗ dành con trai: “Út ngoan, đừng la hét nữa. Con qua đây mẹ bón cơm ăn nào. Út phải ngoan thì mẹ mới an tâm đi bán vé số kiếm tiền mua thịt cá chứ”.
Anh Vọ liền lết qua chỗ mẹ già, vừa múa đôi tay vừa hớn hở há miệng chờ ăn miếng cơm chan đường rồi nuốt một cách ngon lành. Thấy con như vậy, bà Quăn không ngăn nổi giọt nước mắt. Bà tâm sự: “Tôi có 7 đứa con nhưng chết 1. Những đứa kia đều có gia đình riêng, chỉ mỗi thằng út chấp nhận ở với bà già này. Tôi vui hay buồn đều nói với con. Cô nhìn nó ngây ngô như người thiểu năng nhưng chuyện gì cũng biết hết đó”.
Video đang HOT
Bà Quăn bón từng thìa cơm trộn đường cho cậu con trai khờ khạo
Ánh mắt và nụ cười hạnh phúc của anh Vọ
Năm 3 tuổi, anh Vọ sốt cấp tính viêm não thần kinh. Gia đình đã đưa anh đến viện cấp cứu nhưng bệnh không khỏi. Từ ngày đó, anh mãi là một đứa trẻ chỉ biết cười khóc và la hét om xòm dù thân xác vẫn cứ lớn tồng ngồng.
“Thằng út to béo vậy nhưng không bao giờ chịu mặc quần áo. Tôi cứ mặc cho là nó dùng tay cào rách tan. Tôi chẳng biết phải làm sao đành để nó trần truồng như nhộng sống trong lồng sắt”, bà nói.
Nhắc đến chiếc lồng, bà Quăn bỗng chững giọng, ngập ngừng cho biết chục năm trước anh Vọ không bị nhốt như bây giờ. Nhưng có đợt anh ở nhà một mình rồi tự ý chạy ra ngoài đường đi lang thang cả tuần trời. Khi ấy người mẹ già nhịn đói nhịn khát ngày đêm điên cuồng tìm con mãi mới thấy. Sau đó người dân trong ấp đã góp tiền mua khung sắt “dựng” chỗ ăn ngủ cho anh Vọ với hi vọng bà Quăn không phải cực khổ kiếm con thêm lần nữa.
Sau đó, người mẹ già cho con trai uống nước để đỡ khái
Để có tiền trang trải cuộc sống và thuốc thang cho anh Vọ, bà Quăn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Hàng ngày bà dậy từ sớm lo cơm cháo cho con trai, sau đó lang thang khắp vùng mời chào từng tấm vé số. “Các con tôi đứa nào cũng nghèo khó, làm quần quật mà chẳng đủ ăn đủ mặc. Vì vậy, tôi đâu dám mở lời nhờ chúng giúp đỡ.
Nhiều bữa mệt, tôi vẫn cố dậy đạp xe đi bán bởi nghỉ thì ngày đó hai mẹ con làm gì có tiền mua gạo. Tôi già có thể bấm bụng vài bữa, chứ thằng Út làm sao chịu được”, bà Quặn kể.
“Tôi luôn trăn trở chết rồi ai sẽ là người chăm sóc thằng Vọ”
Trong lúc bà Quăn ra bể rửa bát đũa, anh Vọ dùng đôi bàn tay nắm chặt lấy hai thanh sắt rồi nghiến chặt răng như muốn thoát ra. Có lẽ trong tiềm thức, anh luôn khao khát được sống như người bình thường để xem ngoài kia khác gì so với “ thế giới” lồng sắt.
“Đến giờ ngủ trưa rồi út. Nằm xuống nào con”, bà Quăn nhẹ nhàng nhắc nhở để con trai quên đi chuyện đòi ra ngoài. Anh Vọ ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ, thậm chí còn làm nũng đòi bà Quăn vuốt tóc, xoa lưng ru ngủ.
Khoảnh khắc anh Vọ làm nũng mẹ già trong chiếc lồng sắt
Ngắm nhìn con trai say giấc, người mẹ già bắt đầu nghĩ về tương lai. “Tôi biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Lúc ấy, thằng Út sẽ trở thành đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Tôi đã nghĩ đến đoạn làm đơn gửi nó vào trung tâm bảo trợ hoặc trại tâm thần để có cuộc sống sung sướng nhưng lại thôi. Tôi là mẹ ruột mà không thương con thì thử hỏi có ai trên đời chấp nhận cưu mang nó”, bà Quăn nghẹn ngào.
Để có tiền trang trải cuộc sống và thuốc thang cho anh Vọ, bà Quăn mưu sinh bằng nghề bán vé số
36 năm sống trên đời, anh Vọ chưa một ngày nào sống thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ già. Dẫu bà Quăn ngày một yếu dần nhưng tình yêu thương dành cho cậu con trai khờ khạo vẫn vô bờ bến.
Dạo gần đây, bà Quăn đau bụng, sưng to nhưng không có tiền đi bệnh viện thăm khám. Hôm đau quá, bà không chịu được đành ra cửa hàng thuốc tây mua vài viên giảm đau uống cầm chừng lấy sức đi bán vé số. “Trước kia, tôi ước mơ nhiều thứ lắm. Giờ tôi chỉ mong có vài triệu lên Sài Gòn kiểm tra sức khoẻ, thằng Vọ được một bữa ăn đủ thịt cá là quá đỗi hạnh phúc”, bà trải lòng.
Tiếng cười khanh khách của anh Vọ khiến không ít người cảm thấy đau lòng
1h chiều, tôi xin phép chào bà Quăn ra về để kịp giờ bắt chuyến xe đò ngược lên thành phố. Suốt quãng đường, tai tôi văng vẳng câu hát mà người mẹ già ấy ru con trai: “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan/ Để mẹ đi cấy đồng xa trưa về/ Bắt được con cá rô trê/ Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn…”
Theo Khai Tâm (Khám phá)