Tiền Việt tăng giá hiếm thấy: Kẻ cười, người khóc
Tiền đồng Việt Nam mạnh lên khiến nhiều người được hưởng lợi và cũng không ít người phải lo
Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) đang hưởng lợi từ sự lên giá của tiền đồng. Nhưng theo các chuyên gia, việc tiền đồng quá mạnh cũng không phải là điều tốt cho nền kinh tế lẫn nhiều DN Việt trong bối cảnh hiện nay.
DN nhập khẩu hưởng lợi
Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định sự ổn định tiền đồng VN là hiếm có trong khu vực Đông Nam Á. Tiền đồng và tiền baht Thái là hai đồng tiền duy nhất đứng yên và tăng giá so với USD trong bối cảnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm liên tục, chạm gần ngưỡng 7,2 mới đổi được 1 USD.
Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết việc tiền đồng giữ giá khá ổn định với USD trong thời gian vừa qua đã khiến tiền đồng tăng giá so với khá nhiều đồng tiền khác.
Trên thực tế, hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra bởi VN nhập siêu rất lớn với Trung Quốc nên thông thường tỉ giá đồng VN với USD sẽ phải chịu áp lực rất lớn khi nhân dân tệ mất giá so với USD.
Nhiều DN đã cảm nhận rất rõ về điều này khi nhìn thấy các khoản lợi nhuận tăng vọt nhờ chênh lệch lãi tỉ giá. Chị Nguyễn Phượng, giám đốc tài chính một công ty mỹ phẩm chuyên nhập hàng từ Hàn Quốc, cho biết gần hai tháng nay do các loại hàng nhập khẩu thanh toán bằng đồng won của Hàn Quốc nên giá ngày càng rẻ. Nguyên nhân tiền đồng VN lên giá so với đồng won Hàn Quốc.
“Nếu đầu tháng 7, 1 won đổi 19,39 đồng thì đến đầu tháng 9, 1 won chỉ đổi được 18,34 đồng. Nghĩa là trong hai tháng qua, tiền đồng lên giá hơn 5% so với đồng won. Do đó, giá hàng nhập về cũng rẻ tương đương nếu chỉ nhìn vào tỉ giá” – chị Phượng cho biết.
Kết quả kinh doanh tại hãng hàng không Vietnam Airlines cũng thể hiện rõ sự tăng giá của tiền đồng lên DN Việt. Theo báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm nay, lỗ chênh lệch tỉ giá của Vietnam Airlines hơn 180 tỉ đồng. Con số này giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước là 370 tỉ đồng.
Video đang HOT
Tương tự, cũng nhờ tiền đồng tăng giá nên Tập đoàn Xăng dầu VN (PLX) ít lỗ tỉ giá hơn. Tập đoàn này chỉ lỗ tỉ giá 4,1 tỉ đồng tính đến hết quý II-2019. Trong khi đó cùng kỳ năm ngoái, khoản lỗ tỉ giá lên đến gần 72 tỉ đồng, một con số chênh lệch rất lớn. Nói cách khác, nhờ sự ổn định tiền đồng đã “cứu” được tập đoàn này đối diện với các khoản lỗ lớn.
Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng phải cám ơn sức mạnh của tiền đồng khi lũy kế sáu tháng đầu năm nay chỉ đối diện lỗ tỉ giá là 16 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ lên đến 28 tỉ đồng.
Các DN xuất khẩu hàng hóa khóc ròng vì tính cạnh tranh kém do đồng tiền VN mạnh lên (ảnh lớn). VND là một trong những đồng tiền hiếm hoi ổn định so với USD (ảnh nhỏ). Ảnh: MP
Lo lắng hàng xuất khẩu khó cạnh tranh
Theo các chuyên gia, những DN nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu sẽ có lợi khi tiền đồng mạnh lên so với các đồng tiền thanh toán khác. Ngược lại, DN xuất khẩu lại chịu thiệt, hàng hóa VN sẽ kém cạnh tranh do giá cả đắt đỏ hơn so với hàng hóa các nước có bệ đỡ tiền có giá thấp hơn.
TS Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), cho hay quan sát cả tỉ giá thực và biến động tỉ giá gần đây cho thấy đồng VN đang đắt lên trong bối cảnh các đồng tiền có hàng hóa cạnh tranh với VN như đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đồng baht Thái và đồng tiền Malaysia đều mất giá 2% so với USD từ đầu năm đến nay.
“Rõ ràng đây là chỉ dấu khá tiêu cực cho ngành hàng xuất khẩu của VN. Vì yếu tố giá cả vốn đem lại lợi thế nhiều cho những ngành hàng công nghệ thấp và thâm dụng lao động của VN hiện nay” – ông Thành nói.
Công ty Chứng khoán KB VN cũng cho hay khi đo lường giá trị của đồng tiền Việt với rổ tám đồng tiền tham chiếu theo cơ chế tỉ giá trung tâm đều đang tăng khá mạnh. Điều này phản ánh VND đang tăng giá tương đối so với rổ tiền tệ.
“Xét về tổng thể, việc tăng giá của VND so với rổ tiền tệ có thể gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của VN và tạo tâm lý kỳ vọng phá giá từ thị trường” – đơn vị trên nhận định.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon, chuyên về xuất khẩu thực phẩm đông lạnh, đánh giá do một số chính sách vĩ mô bắt buộc để tránh Mỹ cáo buộc VN thao túng tiền tệ nên ngân hàng thận trọng trong chính sách tiền tệ và làm tiền đồng tăng giá trở lại. Nếu xét về góc độ quy mô thì xuất khẩu thu về USD sẽ không còn lợi về tỉ giá. Song về lâu dài nó góp phần vào sự ổn định tỉ giá USD/VND nên VND khó tăng mạnh. “Ổn định tỉ giá là mong muốn của nhà xuất nhập khẩu” – ông Long bày tỏ.
Dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay
Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định: “Sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ gia tăng áp lực lên đồng nhân dân tệ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần nỗ lực nhiều hơn để làm giảm giá tiền đồng vì đồng nội tệ mạnh có thể làm mất khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay”.
Còn theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, dù làn sóng hạ lãi suất lan rộng, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô (lạm phát, tỉ giá…). Đến nay, cơ quan này đã điều hành khá thành công biến số này.
Có nhiều yếu tố thuận lợi sẽ góp phần ổn định tỉ giá trong thời gian tới, trong đó có thể kể đến việc dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 70 tỉ USD. Ngoài ra, cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn biến thuận lợi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng phân tích rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, chính sách tiền tệ không thể cứng nhắc và găm giữ mãi ở mức tỉ giá trước đó được coi là hiệu quả với nền kinh tế mà cần có biên độ linh hoạt hơn, hài hòa hơn với nhịp tăng giảm của toàn cầu.
PHƯƠNG MINH
Theo PLO
Trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra quốc tế bị 'ế'
Chào bán 1,75 tỉ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế nhưng doanh nghiệp chỉ bán được 300 triệu USD.
Doanh nghiệp Việt chào bán trái phiếu quốc tế ít thành công (Đ.Ngọc Thạch)
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến hết tháng 8.2019.
Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2019, có 5 đợt đăng ký phát hành trái phiếu quốc tế với tổng khối lượng đăng ký 1,75 tỉ USD. Tuy nhiên duy nhất chỉ có lô 300 triệu USD kỳ hạn 3 năm của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng là phát hành thành công.
Trong khi đó, HNX ghi nhận có 136 doanh nghiệp đăng ký 534 đợt phát hành trái phiếu trong nước với tổng đăng ký hơn 239.225 tỉ đồng. Kết quả có 394 đợt thành công (tỷ lệ 73,8%), tương đương tổng giá trị đạt 157.901 tỉ đồng. Các đợt chào bán trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 4,49 năm.
Riêng trong tháng 8, các doanh nghiệp trong nước phát hành trái phiếu đạt 26.629 tỉ đồng trong tổng số 32.038 tỉ đồng đăng ký. Các ngân hàng vẫn chiếm chủ đạo khi phát hành 10.304 tỉ đồng trái phiếu (chiếm tỷ trọng 38,69%) với lãi suất bình quân là 7,12%. Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản chào bán đạt 3.771 tỉ đồng với lãi suất bình quân 10,58%...
Trước đó, theo báo cáo từ Công ty chứng khoán SSI, trong 8 tháng của năm 2019, các ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu nhiều nhất với tổng giá trị 56.060 tỉ đồng (chiếm 47,9% lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường). Tiếp đó là các công ty bất động sản phát hành 36.946 tỉ đồng; doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 9.207 tỉ đồng; các định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 4.423 tỉ đồng và còn lại là các doanh nghiệp khác.
Thống kê từ SSI cũng cho thấy lãi suất trái phiếu của nhóm ngân hàng bình quân là 6,75%.năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu bình quân của doanh nghiệp bất động sản là 10,01%/năm.Ngược lại, các công ty chứng khoán và ngân hàng cũng dẫn đầu về phía người mua trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.
Mai Phương
Theo Thanh niên
Ngân hàng dồn dập mua lại trái phiếu tăng vốn: Liệu có bất thường? Mới đây, Ngân hàng BIDV thông báo mua lại 7.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, trong khi MB công bố mua lại 524 tỷ đồng trái phiếu. Liệu có ẩn tình nào khiến ngân hàng một mặt tăng mua về trái phiếu đã phát hành, mặt khác lại dồn dập phát hành trái phiếu mới? Phát hành trái phiếu tăng...