Tiến vào ‘chảo lửa’ Sahara
Cách đây vài thập niên, Ouarzazate dày đặc di tích của Morocco là điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Giờ đây với nhiều người, thành phố chỉ còn là cánh cổng dẫn vào Sahara huyền bí.
Vật cản lớn nhất cho giao thông ở sa mạc Sahara là cát, nhưng nếu nhìn trải rộng và bao quát sẽ thấy cả sa mạc mênh mông tựa như đại dương cát với rất nhiều bến cảng dừng chân là các thành phố, ốc đảo trên khắp các tuyến đường. Nếu hỏi một người Berber, Touareg hay Bedouin sa mạc có nghĩa là gì, họ sẽ mỉm cười trả lời bạn, chính là Sahara. Cả một miền đất rộng lớn đến hơn 9,4 triệu km trải từ Biển Đỏ sang giáp Địa Trung Hải kéo ra phía Đại Tây Dương và chiếm phần lớn diện tích các nước Bắc Phi đã là nơi cư ngụ, sinh tồn của rất nhiều dân tộc từ hàng nghìn năm nay. Sahara chứa trong lòng cát bao điều bí mật về trái đất, về sinh hoạt của những người dựa vào Sahara. Chuyến đi của khách du lịch thông thường vô cùng ngắn ngủi so với các đoàn caravan chuyển hàng thuở nào, nhưng bóng hình Sahara đã không còn là mơ hồ, lấp lóa như ảo ảnh do cát nóng tạo ra. Đã là ký ức bám chặt vào tâm trí.
Các tuyến caravan xuyên Sahara xưa
Nhiều thế kỷ trước, con người đã tận dụng triệt để lợi thế đi trên cát của bộ móng guốc lạc đà, khả năng tải lớn đến vài tạ và sức chịu đựng nhịn ăn nhịn khát dài ngày để thực hiện những chuyến caravan trên sa mạc hàng tháng trời. Người Touareg vốn sống du mục trên sa mạc, hiểu tập tính của lạc đà, dễ điều đình với các bộ tộc anh em Nomad và gắn bó với sa mạc hơn ai hết đã là người dẫn đường tài tình hàng thế kỷ. Các lái buôn Berber, Ả Rập mang lụa là, vải vóc, hột cườm, vũ khí, đồ gia dụng vào đổi lấy vàng, ngà voi, gỗ mun, lông lạc đà, sản vật nông nghiệp như hạt kola (tương tự như cà phê)… Người Nomad sinh sống trên sa mạc còn buôn bán trao đổi được cả kiến thức, kinh nghiệm trong cách dùng vải thô, vàng, ngũ cốc và huấn luyện nô lệ. Người Ả Rập mang theo cả ảnh hưởng của đạo Hồi trong quá trình buôn bán trên sa mạc.
Ngồi trên lưng lạc đà cũng không êm ái như bạn tưởng.
Các đoàn caravan thuở trước thường tập hợp đông đảo lạc đà, người chăn, lái buôn từ một vài nghìn lạc đà đến chục nghìn con, và hàng trăm người cùng nhiều tấn hàng hóa, thức ăn, nước uống. Số lượng lạc đà mỗi đoàn giảm dần theo thời gian, và đến ngày nay thì chỉ còn vài tuyến ngắn nối các mỏ muối ở nước Cộng hòa Mali với các ốc đảo, thành phố tại nước Cộng hòa Niger hay Mauritania lân cận. Trước kia, các đoàn caravan đi từ Timbuktu (Mali) đến cảng lớn ở Morocco, hoặc qua Bilma ở mạn sông Niger để tới Tripoli (Lybia) hay tới Cairo (Ai Cập) rồi hàng hóa được chuyển đến đích là châu Âu, Á. Xe cơ giới đã du nhập vào miền đất khô cằn rộng lớn này và các đoàn caravan lạc đà đông đảo đã được thay thế chỉ bằng vài chiếc xe tải cỡ lớn.
Đi theo những vì sao
Ayman làm nghề lái xe đưa khách từ ốc đảo Bahariya (Ai Cập) vào sa mạc Sahara đã gần chục năm. Anh được chủ tour phân cho một chiếc Toyota Land Cruiser hai cầu đời cũ nhưng máy móc vẫn còn ngon lắm. Cụ nội, ông nội anh đã từng đi nhiều chuyến caravan đến tận Timbuktu, Taghaza, Bilma để buôn muối và đổi chác hàng hóa. Cụ nội Ayman đã đi khoảng 60 chuyến caravan trong suốt cuộc đời mình. Nhưng đến đời ông của Ayman, công việc buôn bán trên sa mạc kém hẳn, có khi đoàn lạc đà mang muối tới một phiên chợ lớn thì mấy chiếc xe tải đã tới trước đó vài ngày và bán gần hết số muối mang theo. Bố Ayman chuyển đến định cư trên ốc đảo Bahariya này trồng chà là thuê. Ayman trở thành thành viên đoàn caravan kiểu mới, caravan xe 44.
Cánh lái xe du lịch gặp nhau ở một mạch nước lộ thiên trên sa mạc, tình cờ lại có mấy cây cọ cổ thụ tỏa bóng râm mát, lo bữa trưa cho khách xong thì tập trung lại nấu trà uống. Họ kể lại chuyện của những người lớn tuổi, nhiều khi trên đường đi chỉ có chà là khô và đậu phộng để ăn, ngày tiếp ngày như thế vì không có thời gian nấu nướng. Phần lớn đoàn buôn đi vào ban đêm, khi tiết trời dễ chịu và mát mẻ hơn.
Người dẫn đầu đoàn caravan lạc đà chở hàng đi theo những chòm sao trên bầu trời, giống như là người ta dùng bản đồ vậy. Ayman cho biết người trước thường nhìn theo ba ngôi sao trong chòm sao Lạp hộ (Orion) để định hướng tuyến đường buôn muối. Lạc đà có thể nhìn được khá tốt vào ban đêm, nhưng chỉ cần người dẫn không chú tâm một chút, cả đoàn có thể lạc hướng và sẽ đến đích trễ vài ngày. Hầu như ngày nào vào mùa đông cũng có một đoàn caravan muối đến Timbuktu từ Taoudenni (Cộng hòa Mali), một cung đường dài khoảng 720km mất độ 15 ngày đi.
Video đang HOT
Những lằn cát tinh khôi mới lần đầu in vết bánh xe.
Sahara không còn là ảo ảnh
Những chàng lái xe hai cầu đưa khách khám phá sa mạc dài ngày, nay không dựa vào các ngôi sao chỉ đường vì xế chiều đã dừng lại, dựng trại, nấu ăn cho khách để qua đêm trên sa mạc. Nhưng ban ngày cũng không có phương tiện định vị hiện đại nào giúp họ. Họ đi theo những cung đường đã được vạch ra theo kinh nghiệm, nhiều khi chỉ mình họ biết lối. Ayman hồi chiều đã dũng cảm lái xe vào biển đá hộc, nhiều đoạn bánh xe quay tít không nhích được chút nào, chỉ để cho chúng tôi tiếp cận với vẻ đẹp khác của Sahara.
Giờ đây nếu đi một mạch Ayman chỉ cần 6-7 giờ để đưa khách từ ốc đảo Bahariya đến ốc đảo Siwa (400 km) và 4-5 giờ từ ốc đảo Bahariya đến Cairo (320 km) chứ không phải mất sáu ngày hay bốn ngày bằng lạc đà nữa. Nhưng buổi trưa các chàng lái xe hay gặp nhau ở chỗ nấu ăn và lấy thêm nước chứa đầy các can to chất lên xe, còn khách có thể rửa ráy, tắm gội. Nhờ thế chúng tôi mới có dịp tán chuyện với lái xe các nhóm khác, có cơ hội vay khoai lang để buổi tối vùi trong than củi nướng, hay tiến hành đổi chác kiểu hai chai vang lấy một chai rượu cùng 1 kg cam tươi với khách khác. Đồ uống có cồn là của hiếm trên xứ sở Hồi giáo này và chỉ có đám khách du lịch ngoại đạo mới thích. Một nhóm vắt vẻo trên khoảng chục con lạc đà cũng có sẵn một ít bia hộp và vài chai vang nổ, hớn hở khoe nhau thành tích.
Nhìn thấy lạc đà, chúng tôi không mặn mà mấy vì đã có kinh nghiệm chẳng dễ chịu gì khi tiến vào Sahara từ ngả Morocco. Mới lắc lư trên lưng lạc đà một bướu có hai ngày một đêm thôi mà tưởng chừng toàn bộ phần thân dưới không còn là của mình nữa, lại trèo vội lên xe ngay. Ayman nói, cụ nội anh những ngày cuối đời hướng đôi mắt mờ đục ra khoảng sáng ngoài cửa như nói với chính mình: chỉ có những kẻ mạnh nhất, kiên cường nhất mới tồn tại được trên Sahara.
Không nhà cửa, không người qua lại, không phố xá, không điện, chẳng có gì ngoài cát mênh mông đẹp đến rợn người. Có đoạn chỉ toàn núi sỏi đen sì nhức mắt hoặc cả một bình nguyên đá hộc. Cỏ ít, chỉ lơ phơ nhưng cũng chẳng có mấy sắc diệp lục. Nhưng buổi sớm nhìn kỹ trên mặt cát vẫn còn hơi ẩm của đêm, thấy nhiều dấu vết của sự sống lắm. Dấu chân của đủ loại con vật để lại khiến người lữ khách cứ loay hoay đi theo muốn tìm đến tận tổ. Dẫu sao khách cũng qua được lớp vỡ lòng của Ayman dạy nhận biết các dấu chân nên cũng tự đoán được đâu là dấu bọ cạp, đâu là vết rắn bò, chân chim, thỏ hay chuột, cáo sa mạc hay loài gặm nhấm, vệt nào là phân lạc đà rơi nảy dài trên cát…
Để trèo lên các đụn cát nên bám theo đường sống lưng.
Và ánh bình minh soi rọi cảnh tượng hùng vĩ của những đụn cát óng với vô vàn đường cong quyến rũ, những lằn cát mê ly và các sống lưng mỏng mảnh. Vẻ đẹp huy hoàng của sa mạc lúc ấy đã làm lu mờ những mệt nhọc đường dài hoang vắng. Những háo hức được chiêm ngưỡng sa mạc trắng khi hoàng hôn xuống lại khiến người lữ khách hăng hái tháo gấp lều, vừa dọn rác bỏ vào xe, mang thức ăn thừa ra sau tảng đá cho thú hoang vừa hát là lá la. Có khi hôm nay sẽ trần trụi vùi mình trong cát nóng để tắm đúng kiểu dân sa mạc mong gột sạch tâm hồn bằng thứ cát tinh khôi của trời đất một lần. Dẫu biết rằng hồn không thuộc về Sahara…
Theo Zing
Cưỡi ngựa dưới chân núi Tứ Cô Nương
Được ví như dãy Alps của phương Đông bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, Tứ Cô Nương là khao khát chinh phục của biết bao dân leo núi.
Nếu không đủ sức "thương sơn", cưỡi ngựa trong thung lũng, vừa ngắm núi tuyết vừa ngắm sông nước, cảnh sắc nơi đây cũng mãn nhãn.
Dắt ngựa là công việc chính của người dân nơi đây.
Trôi trong mây
Tứ Cô Nương cách Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) 220 km, nhưng đường đi phải mất tam giờ đồng hồ. Nếu bạn cho rằng Mã Pí Lèng của Hà Giang là cung đường hiểm trở, ngồi trên chuyến xe bão táp đến Tứ Cô Nương, bạn phải giữ tim cho thật chặt. Hầu như toàn bộ cung đường chỉ có núi đá và vực sâu.
Mặc cho mây mù che phủ, những chiếc ô tô cứ lao vun vút trên con đường mòn mảnh như sợi chỉ uốn lượn theo các vách núi. Anh tài xế người Tây Tạng giải thích: "Mây mỗi lúc một dày. Đi chậm nữa, ngày mai không biết có đến nơi không". Nhiều khi, đằng xa phía trên cao, môt chiếc xe cheo leo trên đỉnh núi ngay sát bờ vực. Tôi thầm cảm ơn mình không đi đường đó, rồi chốc lát sau khi nhìn xuống phía dưới, giật bắn mình nhận ra mình đang ở đúng vị trí của chiếc xe lúc nãy.
Thế nhưng, nếu gạt qua được nỗi sợ hãi để mở mắt nhìn ra bên ngoài, bạn sẽ ngỡ ngàng tưởng mình đang trôi trong mây để đi đến thiên đàng. Một khung cảnh huyền ảo, phiêu bồng, thần tiên tựa như một giấc mơ.
Tôi mở cửa sổ xe, đưa tay ra ngoài hứng những giọt sương mát lạnh để cảm nhận rõ ràng hơn giấc mơ có thật. Khoảnh khắc khi xe lăn bánh rời Tứ Cô Nương vào một buổi sáng trong veo vẫn còn lởn vởn trong đầu tôi mỗi khi nghĩ về. Tôi nghe mình như nghẹn đi trước vẻ đẹp kinh ngạc của hàng chục ngọn núi lớn nhỏ nhấp nhô xen kẽ nhau, vàng ươm, rạng rỡ trong ánh nắng ban mai tựa như những chiếc cổng thần kỳ mở ra một thế giới kỳ bí. Không có chiếc máy ảnh nào có thể ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu này, tôi chỉ biết ngoái đầu nhìn lại cho đến khi những ngọn núi khuất hẳn tầm mắt và cố gắng ghim hình ảnh tráng lệ ấy vào trong tâm trí.
Thung lũng Changping dưới chân núi Tứ Cô Nương.
Chông chênh trên lưng ngựa
Đón chúng tôi tại cổ trấn Rilong là chiếc cầu vồng bảy sắc vắt ngang đỉnh núi tuyết trắng xóa. Không giống các thành phố lớn của Trung Quốc, cảnh vật tĩnh lặng, bình yên nơi đây đem lại một cảm giác thật dễ chịu. Chúng tôi rảo bước đến nhà nghỉ, đi qua những khóm hoa thược dược thắm sắc trước những ngôi nhà có kiến trúc Tây Tạng đắp đá vuông vức với hoa tiết trang trí rực rỡ rất đặc trưng.
Thị trấn bé xíu, thoai thoải dốc cùng với những chiếc gò má đỏ ửng của các em bé và nụ cười thân thiện gợi nhớ đến Đà Lạt. Và khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những chú ngựa theo chủ trở về chuồng.
Trước mỗi ngôi nhà mang phong cách đặc trưng Tây Tạng luôn có những đoa thược dược khoe sắc.
Dĩ nhiên lần đầu tôi không nhận ra điều này, nhưng sau một ngày trên lưng ngựa lang thang khắp thung lũng, tôi cảm phục sức chịu đựng và sự bền bỉ của các chiến binh đồng cỏ. Cưỡi ngựa là hoạt động được yêu thích nhất của du khách khi đến đây. Khu bảo tồn sinh thái Tứ Cô Nương rộng hơn 2.000 km2 với núi non hùng vĩ bao bọc những thung lũng rộng lớn, róc rách những dòng suối nhỏ uốn lượn xanh biếc. Thung lũng nào cũng đẹp như cổ tích. Chúng tôi đề nghị ngồi hai người trên một con ngựa hoặc sẽ thay phiên nhau để tiết kiệm chi phí, nhưng nhân viên cho thuê ngựa cứ lắc đầu nguầy nguậy ra hiệu không được.
Đầu tiên tôi cư tưởng bị băt chet, nhưng đi sâu vào thung lũng rồi mới hiểu. Đất lầy lội, đường này chỉ dành cho ngựa chứ không phải cho người. Vậy mà ngày nào người dân ở đây cũng phải lặn lội dẫn ngựa suốt cả ngày. Lần đầu cưỡi ngựa đã run rồi, cưỡi ngựa trên đầm lầy trơn trợt thế này thì đúng là cảm giác mạnh.
Càng đi sâu vào bên trong, thung lũng như càng rộng ra với những đồng cỏ bao la, từng đàn bò nhẩn nha gặm cỏ. Hàng cây thông lá đỏ nổi bật giữa rừng cây nhuốm vàng đầu thu in mình dưới dòng suối trong veo. Xa xa là đỉnh núi tuyết trắng xóa. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều sắc thái xanh đến thế. Màu xanh biếc của bầu trời như bao lấy màu xanh thẳm của ngọn núi, và trên nền màu xanh thẳm ấy là màu xanh xám của rừng già, xanh non của lá mới, xanh đậm của rong rêu. Tất cả các màu sắc hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh rực rỡ đến kỳ diệu. Không chỉ có bản phối màu, những âm thanh xa gần trong thung lũng cũng tạo nên một bản hòa tấu du dương.
Khi hoàng hôn trùm lấy cả thung lũng, từng đoàn người ngựa mới lục tục chui ra từ những con đường mòn dưới những cánh rừng lá thấp. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt muốn mình trở thành gã hiệp khách phiêu bạt giang hồ, mải miết trên lưng ngựa chông chênh đến những vùng đất mới.
Theo Zing
Những cung đường hiểm trở bậc nhất thế giới Đây là những con đường có cảnh quan tuyệt đẹp nhưng khiến tim bạn giật thon thót mỗi lần xe chạy qua. Người dân ở dãy Alps đã dành nhiều thế kỷ để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật sống đích thực trên các sườn dốc. Đèo Stelvio (Italy) có 60 khúc quay ngoặt ở độ cao hơn 2.750 m so với mực...