Tiền thưởng 180 tỷ cho cầu cạn lún trích từ quỹ dự án
Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long khẳng định, số tiền thưởng 180 tỷ đồng nếu được Bộ GTVT duyệt sẽ được trích từ quỹ của dự án cầu cạn. Số tiền này được vay bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Tuy đưa vào hoạt động chưa đầy 10 tháng, cầu cạn hiện đại nhất Việt Nam đã xuất hiện những vết lún. Ban quản lý dự án Thăng Long giải thích những vết lún này là do xe quá tải. Ảnh: Bá Đô
Ngày 15/8, VnExpress.net phản ánh cây cầu cạn hiện đại nhất Việt Nam vừa đưa vào hoạt động chưa đầy 10 tháng đã xuất hiện những vết lún kéo dài tại gói thầu số 1 vượt tiến độ 18 tháng. Ngay trong chiều cùng ngày lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long đã gửi văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về sự việc này và cho rằng sự xuất hiện của vết lún này là do xe quá tải.
Gần nửa tháng sau, trên các trang báo đăng tải thông tin Ban quản lý dự án Thăng Long gửi để xuất Bộ Giao thông Vận tải thưởng cho hai nhà thầu, trong đó có nhà thầu thi công đoạn đường bị lún nêu trên 180 tỷ đồng vì đã vượt tiến độ tới 18 tháng, khiến dư luận xôn xao trong nhiều ngày qua.
Sáng nay, trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, ông Đỗ Quang Minh, giám đốc dự án cầu cạn vành đai 3 (Ban quản lý dự án Thăng Long) cho biết, “việc thưởng này, căn cứ vào quy định trong những điều khoản ký kết với nhà thầu trước khi thực hiện dự án, hơn nữa, căn cứ vào luật Xây dựng, Nghị định 48/2010 của Chính phủ về việc thưởng cho nhà thầu thi công do rút ngắn tiến độ trong hợp đồng đã quy định rõ mức thưởng”.
Cụ thể, cách thưởng sẽ được tính theo công thức, nếu nhà thầu cứ hoàn thành trước 28 ngày thì sẽ được thưởng 1.12% giá trị hợp đồng, “cứ như vậy nhân lên, hợp đồng của hai gói trên là khoảng 350 tỷ đồng, tuy vậy theo quy định, mức thưởng không được lớn quá 12% giá trị làm lợi, vì vậy, mức thưởng sẽ chỉ khoảng 179 tỷ đồng cho hai gói thầu”, ông Minh giải thích.
Vị giám đốc dự án đường Vành đai 3 trên cao cũng cho hay, trong quy định của luật Xây dựng là có thưởng, tuy nhiên dường như từ trước đến nay, tại các hợp đồng giữa ban quản lý và các nhà thầu chưa bao giờ nhắc đến việc thưởng, mà ngược lại có tới 99% chỉ nhắc đến việc phạt. Vì vậy việc thưởng cho nhà thầu thi công vượt tiến độ tạo sự công bằng và nó tạo ra văn hóa mới trong cách hành xử hợp đồng giữa các đơn vị với nhau.
Việc sớm hoàn thành dự án không những tiết kiệm thời gian đi lại của hành khách và thời gian vận chuyển hàng hóa, chi phí vận hành, mà nó còn mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nước gần 1.500 tỉ đồng. “Bình thường nếu không đưa mức thưởng vào trong hợp đồng thì nhà thầu không đẩy nhanh tiến độ thì đương nhiên sẽ không sinh ra số tiền trên”, ông Minh lý giải cho việc thưởng nhà thầu số tiền 180 tỷ đồng cho hai nhà thầu trên là hoàn toàn hợp lý.
Video đang HOT
Trước băn khoăn của dư luận về việc số tiền thưởng trên được lấy từ nguồn nào, ông Minh cho biết: “Số tiền thưởng trên, đương nhiên sẽ được trích từ quỹ của dự án vì hiện nay việc vượt tiến độ của hai nhà thầu trên đã khiến dự án còn dư ra rất nhiều tiền. Số tiền này là vốn vay ODA từ chính phủ Nhật Bản, khi được Bộ chấp thuận, ban sẽ gửi hồ sơ và ngân hàng bên Nhật Bản sẽ trích và chuyển số tiền này từ quỹ trong dự án thưởng cho hai nhà thầu”.
Phần được nhà thầu vá nham nhở, chưa được kẻ vạch sơn phân làn, và ở tại vết vá này xuất hiện lún nhẹ. Ảnh: Bá Đô
Giải thích về việc cầu đưa vào hoạt động chưa được 10 tháng đã xảy ra việc lún, nhưng Ban quản lý vẫn quyết định đề xuất thưởng cho hai nhà thầu, ông Minh cho rằng việc sụt lún chỉ là một trong những sự cố, sai số rất nhỏ trên tổng thể dự án vì vậy không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu cũng như chất lượng của toàn bộ công trình.
Nguyên nhân chính của việc lún này là do xe quá tải gây ra, vì “mới đây Ban quản lý đã đặt cân trên khu vực cầu Thanh Trì gần một tuần và đã phát hiện có tới 70% xe quá tải chạy lên cầu”.
Ông Minh cũng khẳng định, cầu cạn vẫn còn 2 năm bảo hành, việc xuất hiện những vết lún nhà thầu phải bỏ tiền ra khắc phục và hiện nay phần lớn những sự cố trên đã được sửa chữa, chỉ còn một vài điểm, trong một hai tuần tới nhà thầu cam kết sẽ khắc phục triệt để.
Đường trên cao vành đai 3 đoạn từ hồ Linh Đàm đến cầu vượt Mai Dịch được khởi công tháng 6/2010 và tháng 10/2012 được đưa vào sử dụng. Tuyến cầu cạn hiện đại nhất Việt Nam này giúp phương tiện đi từ phía tây sang phía đông, nam thành phố và ngược lại mà không phải xuyên qua nội đô. Dự án cầu cạn dài 9 km, có tổng mức đầu tư là 5.547 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản, trong đó Gói thầu số 1 có giá trị hợp đồng là 1.416 tỷ đồng và Gói thầu số 2 có giá trị hợp đồng là 1.079 tỷ đồng.
Bá Đô
Theo VNE
Đường lún lại đề xuất thưởng... 180 tỉ đồng!
Trong khi tuyến đường Vành đai 3 trên cao xuất hiện nhiều vết lún kéo dài thì Ban Quản lý dự án Thăng Long lại đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thưởng cho các nhà thầu thi công gần 180 tỉ đồng vì hoàn thành vượt tiến độ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 28/8, ông Lê Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết đang nghiên cứu, xem xét đề xuất thưởng gần 180 tỉ đồng của Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long cho các nhà thầu thi công dự án Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm (giai đoạn 2).
Đường lún do xe quá tải (?!)
Theo đề xuất của PMU Thăng Long, trong tổng mức thưởng 179,9 tỉ đồng, nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được 102 tỉ đồng vì hoàn thành gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) trước 454 ngày, liên danh nhà thầu Samwhan - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) trên 77,7 tỉ đồng vì hoàn thành gói thầu số 1 (Mai Dịch - Trung Hòa) trước thời hạn 263 ngày.
Sau một thời gian đưa vào khai thác, đường Vành đai 3 trên cao đã xuất hiện nhiều vị trí lún kéo dài Ảnh: ĐINH BÁ
Việc rút ngắn thời gian thi công 2 gói thầu này đã giúp dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 10/2012 thay vì tháng 11/2013 như kế hoạch. PMU Thăng Long cho rằng mức thưởng đưa ra tương đương 10% giá trị làm lợi từ việc rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án.
Đánh giá mới đây của Bộ GTVT cũng cho thấy tuyến đường đã giải quyết triệt để việc ùn tắc giao thông ở đoạn Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng; tạo thông thoáng trong lưu thông tại các nút giao Nguyễn Trãi - Thanh Xuân và Trung Hòa - Trần Duy Hưng; giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường lân cận như Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Quốc lộ 70, Trường Chinh.
Đáng chú ý, đề xuất thưởng lớn cho các nhà thầu được PMU Thăng Long đưa ra đúng thời điểm một số vị trí trên tuyến đường này đang bị lún. Theo Bộ GTVT, các đoạn lún là phần đường bê-tông nhựa tại gói thầu số 2 do nhà thầu Sumitomo Mitsui thi công. Hiện tượng lún này đã được tư vấn và nhà thầu thường xuyên theo dõi, quan sát, tiến hành sửa chữa kịp thời.
Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Công ty Tư vấn Oriental Consultants (Nhật Bản)giám sát thi công và thường xuyên được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, bảo đảm tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế cũng như quy trình thi công.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng phát hiện một số đoạn vẫn còn có hiện tượng biến dạng nhỏ đối với lớp bê-tông nhựa nhưng không làm ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông. Hiện tượng lún xuất hiện có nguyên nhân từ việc xe quá tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường. Theo Bộ GTVT, dự án đang trong thời gian bảo hành nên toàn bộ kinh phí sửa chữa do nhà thầu đảm nhận. PMU Thăng Long cùng với tư vấn Nhật Bản và nhà thầu sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra để sửa chữa kịp thời.
Mù mờ căn cứ thưởng
Ông Lê Văn Thịnh - Trưởng Phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bộ Xây dựng - cho biết theo điều 110 Luật Xây dựng (quy định về thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng) thì việc thưởng hay phạt phải được ghi rõ trong hợp đồng. Với công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, mức thưởng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng làm lợi, mức phạt không vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Nguồn tiền thưởng được trích từ phần lợi nhuận do việc sớm đưa công trình bảo đảm chất lượng vào sử dụng, khai thác hoặc tiết kiệm hợp lý các khoản chi phí để thực hiện hợp đồng.
"Chi thưởng được thực hiện theo nguyên tắc "lấy mỡ nó rán nó", không được xin thêm tiền từ ngân sách nhà nước. Tức là đơn vị hoàn thành công trình sớm, tiết kiệm được một khoản tiền so với tổng giá trị đầu tư đã ký kết thì đề xuất thưởng không quá 12% giá trị số tiền tiết kiệm được chứ nếu xin thêm tiền từ ngân sách thì có khác nào làm tăng tổng mức đầu tư của công trình?" - ông Thịnh nói.
Như vậy, giá trị làm lợi từ việc hoàn thành dự án đường Vành đai 3 trên cao trước thời gian quy định gần 1 năm phải rơi vào khoảng 1.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Bộ GTVT và PMU Thăng Long đều từ chối trả lời về cách tính giá trị làm lợi của việc công trình về đích sớm cũng như nguồn tiền 180 tỉ đồng lấy ở đâu ra để thưởng. Chưa kể, theo ông Lê Văn Thịnh, nếu trong hợp đồng không có điều khoản về thưởng, phạt thì "không thể thích thưởng là thưởng, phạt là phạt".
PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ Trường Đại học GTVT Hà Nội, cho biết dự án đường Vành đai 3 trên cao gần như không chịu ảnh hưởng của việc giải phóng mặt bằng nên điều kiện thi công rất thuận lợi.
"Xem xét thưởng vì hoàn thành tiến độ sớm và đường bị lún là 2 việc hoàn toàn khác nhau bởi đường vẫn đang bảo hành. Có những vấn đề mà khi nghiệm thu không phát hiện được nhưng vận hành một thời gian thì đường lún, nứt. Lúc đó, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bỏ toàn bộ tiền bảo hành ra để sửa chữa. Tôi rất mong việc thưởng, phạt được đưa vào hợp đồng và thực hiện nghiêm nhưng bây giờ vướng chuyện giải phóng mặt bằng nên không dễ chút nào" - ông Toản nói.
Tuyến đường quan trọng Đường Vành đai 3 trên cao dài gần 9 km, có tổng mức đầu tư 5.547 tỉ đồng từ nguồn vay ODA của Nhật Bản. Toàn tuyến gồm 385 m đường dẫn và 8,5 km cầu cạn chạy suốt với 4 làn xe, chiều rộng mặt cầu là 24 m, tốc độ tối đa 100 km/giờ. Tuyến đường kết nối với đoạn cầu cạn Pháp Vân dài 6 km tạo thành đường trên cao dài 15 km, nối với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cầu Thanh Trì. Tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông của thủ đô Hà Nội và các khu vực phụ cận. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ triển khai tiếp đoạn đường trên cao, nối Mai Dịch (Cầu Giấy) - cầu Thăng Long - sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo Thế Kha (Người lao động)
Sau 8 tháng thông xe, đường trên cao lún nứt Đường trên cao (ĐTC) vành đai 3 của Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Linh Đàm, đang xuất hiện lún nứt kéo dài trên đoạn qua đường Nguyễn Xiển nối đường Khuất Duy Tiến. Theo nhiều chủ phương tiện thường xuyên tham gia giao thông ở ĐTC, thời gian này, mỗi khi đi đến đoạn qua nút giao Thanh Xuân và Trung Hòa,...