Tiến sĩ 8X Việt Nam xuất bản sách Y khoa giảng dạy đại học tại Pháp
Cuốn sách do Tiến sĩ Vũ Hải Vinh viết được dùng làm tài liệu giảng dạy cho các sinh viên Y khoa tại Pháp. Vũ Hải Vinh sinh năm 1982, công tác tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, hiện đang nghiên cứu tại Đại học Aix-Marseille, Cộng hòa Pháp)
Cuốn sách viết về một bệnh truyền nhiễm thường gặp trên các bệnh nhân nhiễm trùng HIV và được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, được xuất bản trong cuốn Mycologie Médicale.
Tiến sĩ Vũ Hải Vinh.
Nổi danh với nhiều công trình nghiên cứu Y học
Tiến sĩ Vũ Hải Vinh sang Pháp từ năm 2010 – 2013 nghiên cứu ngành Bệnh học người, chuyên ngành, Bệnh Truyền nhiễm. Trong thời gian nghiên cứu tại đây, Vũ Hải Vinh đã có 13 công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí Y học quốc tế uy tín, trong đó có nghiên cứu về nhiễm nấm Penicillium marneffei – một bệnh truyền nhiễm thường gặp trên các bệnh nhân nhiễm trùng HIV và được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, được xuất bản trong cuốn Mycologie Médicale, dùng làm làm tài liệu giảng dạy cho các sinh viên Y khoa. Ngoài 13 công trình nghiên cứu, Vinh còn có 12 bài phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế về Y học.
Chia sẻ với PV Dân trí, Tiến sĩ Vũ Hải Vinh khiêm tốn cho biết: “Tôi không dám nhận là “thành tích” hay “có bí quyết thành công”. Trong thời gian học tập và làm việc tại CH Pháp, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của bệnh viện Việt Tiệp, đặc biệt là sự hướng dẫn, dìu dắt của các giáo sư tại Pháp, tôi đã may mắn có được những công trình đó”.
Tiến sĩ Vũ Hải Vinh trong lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ: GS TS Philippe Brouqui, TS Lionel Alméras, PGS TS Sarah Bonnet, Vinh, PGS TS Nathalie Boulanger, TS Dorothée Missé, GS TS Philippe Parola (từ trái sang phải).
Video đang HOT
Tiến sĩ Vũ Hải Vinh và GS TS Philippe Parola.
Ngoài thời gian nghiên cứu, Hải Vinh còn tham gia lên lớp cho các sinh viên tại trường Đại học Y Marseille để có thêm cơ hội “cọ xát”, trao đổi và thảo luận cùng các bạn sinh viên.
Tiến sĩ Vinh cho hay, trong thời gian học tập và làm việc tại Pháp, các giáo sư Pháp đều rất hứng thú trong việc có thể giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam. Hy vọng rằng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các giáo sư, sự lãnh đạo và ủng hộ của Ban giám đốc bệnh viện, Ban lãnh đạo khoa cùng các cơ quan liên quan, mọi người có thể chung tay làm được một điều gì đó, dù nhỏ nhoi, đóng góp cho sự hợp tác hai bên trong y học cũng như nghiên cứu khoa học, cho các bệnh nhân và cho y học.
Mong muốn được tiếp tục cống hiến tại Việt Nam
Những người đi học nước ngoài, khi có cơ hội được ở lại làm việc là họ sẽ ở lại ngay vì ở đó thực sự có môi trường làm việc tốt. Tuy nhiên, sau khi bảo vệ xong Tiến sĩ, Vũ Hải Vinh có mong muốn trở lại Việt Nam, trở lại công tác tại bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng làm việc.
Hải Vinh chia sẻ: Thực sự thì tôi phải thừa nhận là điều kiện và môi trường làm việc tại CH Pháp nơi tôi học tập, cũng như các quốc gia phát triển khá lý tưởng. Rất nhiều du học sinh Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác đều thực sự bị cuốn hút bởi được công tác trong một điều kiện đầy đủ, một môi trường chuyên nghiệp, cùng các nhà khoa học lớn, nơi họ thực sự được làm việc, được cống hiến và được đãi ngộ xứng đáng. Vì vậy mà có khá nhiều bạn đã lựa chọn ở lại công tác ở nước ngoài thay vì về Việt Nam.
“Đối với cá nhân tôi, khi được làm việc trong một trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, cùng các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới mà tôi theo đuổi, sức cuốn hút đó thật khó cưỡng lại. Cũng đã khá nhiều lần, tôi băn khoăn khi không biết nên lựa chọn như thế nào. Tuy nhiên, cuối cùng thì mong muốn được trở về quê hương đã chiến thắng, tôi lựa chọn quay về bệnh viện Việt Tiệp công tác, tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân và bước đi con đường nghiên cứu mà mình đã lựa chọn, với mong muốn được đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình cho các bệnh nhân và cho y học” – Vinh tâm sự.
Mong ước của Tiến sĩ Vinh là được khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, được tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học mà mình theo đuổi, được tiếp tục lên lớp trao đổi kiến thức cùng các bạn sinh viên, được có thời gian chăm sóc gia đình và con cái. Đó cũng là những dự định mà Vinh muốn thực hiện trong thời gian sắp tới trở về Việt Nam, tiếp tục công việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, rồi bắt tay tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học.
Từ trái sang: Tiến sĩ Lionel Alméras, Tiến sĩ Vũ Hải Vinh, và PGS TS Phạm Hoàng Hiệp (PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2011).
Nghiên cứu bắt đầu từ những đề tài nhỏ
Về vấn đề người Việt trẻ trong nước hiện nay rất ngại tham gia nghiên cứu khoa học có phải do điều kiện, môi trường không đáp ứng, không hoàn toàn nhất trí với quan điểm này, Tiến sĩ Vinh cho rằng: “Hiện Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu được công bố và đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín, khi so sánh với các quốc gia phát triển.Một phần là do điều kiện, môi trường nghiên cứu của mình chưa thực sự đáp ứng, một phần do chính bản thân các bạn thiếu sự chủ động trong việc tham gia nghiên cứu khoa học, và có lẽ một phần do thiếu sự dìu dắt, hướng dẫn của các thế hệ đi trước”.
Tiến sĩ Vinh, ví dụ, như một số bạn có suy nghĩ rằng nghiên cứu khoa học là cái gì đó rất lớn lao và rất khó khăn khi thực hiện, tuy nhiên không hoàn toàn như vậy. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những đề tài nhỏ để học hỏi kinh nghiệm trước khi thực sự bắt tay tiến hành những công trình lớn hơn. Một số bạn khi đã tham gia rồi vẫn giữ tâm lý “nghiên cứu cho thày/cô, cho giáo sư, hay cho bố mẹ” chứ không phải cho chính mình, bị động đợi thày/cô “giao” tài liệu tham khảo cho đọc, “giao” việc cho làm, mà thiếu sự trăn trở, chủ động tìm tòi, thiếu tinh thần tự học, tự suy nghĩ và chủ động đặt câu hỏi khi có thắc mắc.
“Hoàn cảnh sẽ chẳng bao giờ thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của mình, vì vậy, chính chúng ta cần phải cố gắng để thích nghi với nó; điều kiện, môi trường còn chưa đáp ứng, chúng ta cần góp phần để xây dựng cho phù hợp, chứ không thể cứ ngồi chờ đến khi có điều kiện phù hợp thì mới tham gia nghiên cứu, điều đó chỉ có thể xảy ra trong chuyện cổ tích thôi” – Tiến sĩ Vinh nói.
Theo Dantri
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xây dựng Xã hội học tập phải gắn với tinh hoa giáo dục
Phát biểu tại "Diễn đàn Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam từ tư vấn đến chính sách" ngày 17/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng thực hiện xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay phải gắn với việc tiếp thu những tinh hoa giáo dục.
Tham dự diễn đàn có Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTBXH, Sở GD-ĐT Hà Nội..., đại diện các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và các chuyên gia, nhà nghiên cứu về giáo dục.
Các đại biểu tại "Diễn đàn Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam từ tư vấn đến chính sách".
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Dân tộc VN đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến thắng nhiều thiên tai, địch họa để xây dựng đất nước VN như ngày hôm nay, bên cạnh yếu tố dũng cảm kiên cường, chịu thương chịu khó, thì còn là một dân tộc hết sức hiếu học và sự học luôn luôn được đề cao trong tất cả mọi gia đình và trong xã hội. Bước vào đầu thời kỳ cách mạng, Bác Hồ đã kêu gọi diệt "giặc dốt", coi "giặc dốt, giặc đói" cũng như giặc ngoại xâm. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, năm 1945, từ một đất nước có đến 94% dân số mù chữ, đến năm 2000 thì 94% dân đã biết đọc, biết viết, nhiều địa phương đã phổ cập được giáo dục tiểu học, tiến tới phổ cập THCS. So với các nước có trình độ phát triển kinh tế, xã hội ngang bằng VN, có thể nói rằng giáo dục, đào tạo nói riêng và các vấn đề liên quan đến con người nói chung luôn được Đảng, chính quyền và nhân dân hết lòng chăm lo".
Theo Phó Thủ tướng, từ năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 và mới đây, Chính phủ phê duyệt tiếp đề án xây dựng xã hội học tập từ nay đến 2020. Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn chúng ta đã được xây dựng được một đề án tương đối cụ thể với 3 quan điểm, 4 mục tiêu, 7 giải pháp. Trong đó có sự phân công trách nhiệm rất rõ giữa tất cả các cấp, các ngành. Nhìn vào đề án đó tưởng chừng như việc xây dựng xã hội học tập chỉ có thực hiện nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý nhiều vấn đề về việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam một cách tốt nhất. Cụ thể, cần phải làm sáng tỏ vấn đề: Xã hội học tập có những đặc trưng gì; chỉ tiêu nào để đánh giá hay thế nào là học tập suốt đời; chủ thể, đối tượng trong xã hội học tập... Nhận diện những khó khăn, cản trở, vướng mắc đối với việc xây dựng xã hội học tập từ nguồn lực đến nhận thức, cơ chế, chính sách đánh giá trình độ nhân lực...
Trong quá trình thực hiện xã hội học tập ở Việt Nam trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế không chỉ xây dựng công dân Việt Nam thành công dân toàn cầu mà phải gắn với việc tiếp thu những tinh hoa giáo dục, văn hóa của nhân loại, đồng thời, đưa những giá trị của nền văn hiến, văn hóa, con người Việt Nam góp phần chung vào văn minh nhân loại. Đồng thời, cần tận dụng tối đa những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay để tạo điều kiện cho một công dân học tập suốt đời, cho một xã hội học tập được thực hiện nhanh hơn với nhiều hình thức khác nhau như: Giáo dục từ xa, dạy học qua truyền hình...
Việc xây dựng xã hội học tập dành cho tất cả mọi người nhưng phải phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm trước hết là những người gặp nhiều khó khăn, dễ bị thiệt thòi như phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu sổ, ở những vùng thường xuyên bị thiên tai... Bên cạnh đó, phải luôn hết sức cổ vũ cho các ý tưởng sáng tạo, đổi mới, qua đó phát huy tất cả sức mạnh của nhân dân, chuyên gia trong nước và nước ngoài, để phản biện, đóng góp vào các chính sách, để trước hết xây dựng một xã hội học tập và sau đó là phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước, lấy con người làm trọng tâm.
Tại diễn đàn, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, cho biết: "Cam kết xây dựng xã hội học tập là yếu tố căn bản để Việt Nam tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển giao sang nền kinh tế kỹ thuật và tay nghề cao, đặt nền tảng cho sự tăng trưởng hội nhập và bền vững. Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn vềtài chính, đòi hỏi phải cónhững đầu tư thông minh".
Theo bà Pratibha Mehta, sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã thể hiện bằng việc đạt được phần lớn các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015 theo đúng tiến độ - một thành tựu đã được công nhận trên thế giới. Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong giáo dục và bình đẳng giới thể hiện qua tỷ lệ người biết chữ, hoàn thành giáo dục phổ thông và giáo dục đại học... Những tiến bộ này phản ánh cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng xã hội học tập, để mọi người dân được học tập liên tục trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa tiềm năng của mình, Việt Nam cần phải trở thành nền kinh tế hiệu quả và có trình độ, kỹ năng cao hơn, bằng cách đầu tư cho giáo dục, y tế và chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia giáo dục, nhà hoạch định chính sách được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "đặt hàng" nghiên cứu, xác định được những trở ngại chính trong việc thực hiện xã hội học tập qua kinh nghiệm của các nước và Việt Nam.
Hồng Hạnh
Theo Dantri
'Phòng khám tử thần': 2 năm hàng chục bệnh nhân chết bất thường Trong vòng chưa đầy 2 năm đã có hàng chục bệnh nhân chết bất thường tại Trung tâm Can thiệp tim và mạch máu (Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng). Có trường hợp, bệnh nhân vừa được bác sĩ của Trung tâm này can thiệp bị chết tức tưởi chỉ vì làm sai quy trình. Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) "nổi tiếng"...