Tiền lì xì và chuyện giáo dục con cái
Chỉ vì câu nói hồn nhiên của đứa trẻ về số tiền mừng tuổi đã khiến nhiều người rơi vào tình trạng khó xử.
Đầu xuân, trẻ em luôn mong muốn được nhận bao lì xì. (Ảnh minh họa)
Chỉ được 10.000 đồng thôi mẹ ạ!
Mùng 6 âm lịch đầu năm Giáp Ngọ (tức là ngày 7/2/2014), Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn TNCS HCM) nhận được cuộc gọi đầu tiên liên quan đến chuyện mừng tuổi. Khách hàng là chị Hương, ở Thạch Thất, Hà Nội. Chỉ vì chuyện mừng tuổi trẻ con mà không khí Tết trở nên mất vui.
Mùng 3 Tết, vợ chồng chị Hương đến nhà anh Trung chơi. Anh Trung là bạn học cấp ba của chồng chị Hương. Ngày Tết bạn bè gặp nhau tay bắt mặt mừng, rồi theo thông lệ, việc đầu tiên là rút phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con. Bé Linh, con anh Trung, khi nhận được tiền mừng tuổi của vợ chồng chị Hương thì mừng lắm, hớn hở bóc ra để kiểm tra xem số tiền là bao nhiêu. Mở phong bao, cháu rút ngay tờ tiền đưa mẹ rồi hồn nhiên nói: “Chỉ được 10.000 đồng thôi mẹ ạ!”.
Câu nói hồn nhiên của bé Linh khiến cho vợ chồng anh Trung và cả vợ chồng chị Hương đều cảm thấy khó xử. Đặc biệt là chị Hương, người trực tiếp mừng tuổi cho bé Linh.
Chị Hương cho biết, năm vừa qua vợ chồng làm ăn thất bát, cả cái Tết Giáp Ngọ trông hết vào số tiền thưởng Tết. Chị Hương làm kế toán cho một công ty nội thất, lương tháng 5 triệu cộng với tiền thưởng tết 2 triệu, tổng cộng chỉ được 7 triệu đồng. Với khoản tiền đó, chị phải thắt chặt hầu bao, đặc biệt là tiền mừng tuổi. Thế nhưng câu nói hồn nhiên của đứa trẻ con bạn đã khiến cho chị Hương không khỏi chạnh lòng.
Video đang HOT
Thái độ của trẻ thể hiện rõ cách giáo dục gia đình
Ths tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho biết: Trường hợp của chị Hương không phải là cá biệt. Thực tế không ít người đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi bị trẻ con chê tiền mừng tuổi ít. Có đứa trẻ hồn nhiên nói ra, có đứa thì thể hiện thái độ. Không hiếm đứa trẻ khi được người lớn mừng tuổi “tiền to” thì biết cảm ơn, nhưng khi nhận tiền “nhỏ” thì không nói lời nào, thậm chí còn xị mặt ra.
Đối với trường hợp của bé Linh, nếu bố mẹ của cháu cảm nhận được sự tổn thương của bạn, chắc chắn họ sẽ phải điều chỉnh lại cách ứng xử của mình về tiền bạc (cụ thể ở đây là tiền mừng tuổi), để thông qua đó dạy con bài học ứng xử. Vấn đề không phải là nhiều hay ít, mà là sự hân hoan vui mừng, là sự biết ơn khi nhận được bất cứ món quà tặng nào từ người khác.
Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, thái độ của trẻ về đồng tiền mừng tuổi thể hiện rất rõ cách giáo dục của cha mẹ đứa trẻ đó. Có thể trong cuộc sống, cha mẹ của đứa trẻ đã quá coi trọng tiền bạc hoặc họ quá vô tư không để ý đến việc giáo dục nhân cách cho con thông qua bài học ứng xử đối với tiền mừng tuổi.
“Thực ra những ngày Tết Nguyên đán là dịp thuận lợi nhất để các bậc phụ huynh dạy con trẻ những bài học về lễ nghĩa, ứng xử. Bởi đây là thời gian mà trẻ được giao tiếp với nhiều đối tượng nhất. Kỹ năng ứng xử lại được hình thành thông qua giao tiếp”, ông Hòa nói.
Ths Nguyễn Hồng Lê cho biết: “Ứng xử với tiền mừng tuổi chỉ là một bài học trong rất nhiều bài học cho trẻ trong ngày Tết. Đó là bài học về tri ân tổ tiên, về hiếu nghĩa với bố mẹ, ông bà, về sự lễ phép với người lớn tuổi, là sự nhường nhịn chia sẻ đồ chơi với em nhỏ…Tết là dịp để trẻ được thực hành những bài học làm người này”.
Người Việt Nam thường có quan niệm ngày Tết là ngày khởi đầu của một năm, vì thế thường kiêng kị đối với những điều không may, những sự việc buồn… Đó là lý do vì sao mà các bậc cha mẹ thường có tâm lý cho trẻ chơi một cách thoải mái nhất, không yêu cầu con làm bất cứ điều gì.
Tuy nhiên theo bà Lê, công việc ngày Tết không khó khăn gì, do vậy bố mẹ có thể cho con được làm những việc như mời khách vào nhà, mang bánh mứt mời khách ăn. Bé từ 10 tuổi trở lên, bố mẹ có thể cho trẻ được rót nước mời khách…
Những việc này tưởng như rất nhỏ nhưng giúp cho trẻ được tập làm “chủ nhân” của gia đình. Hơn nữa, khi thấy trẻ làm những việc này, thường khách đến nhà không thể không khen ngợi. Những lời khen ngợi đó càng khiến cho trẻ thích thú hơn với những việc làm có ý nghĩa, nhân cách từ đó được hình thành.
Để tránh phạm vào điều kiêng kị đầu năm, bố mẹ không nên bắt con làm việc hay ép buộc con trẻ làm điều mà trẻ không muốn. Thay vào đó là sự khuyến khích, động viên để trẻ hào hứng và thích thú với những công việc đó. Cùng với những nguyên tắc ứng xử mà cha mẹ đặt ra từ trước, các bậc phụ huynh có thể biến một cái Tết tràn đầy niềm vui với những bài học dạy con đầy ý nghĩa, khởi đầu cho một năm mới thuận hòa, hạnh phúc.
Theo XAHOI
Tiền thật đổi USD giả
Gần tết, dịch vụ đổi tiền mới để lì xì càng nóng lên dù rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những quy định cấm trước đó.
Tờ USD mệnh giá 2 USD được bỏ trong bì thư, một phụ nữ chào bán cho khách - Ảnh: Hoàng Việt
Cấm vẫn đổi!
Ghé lại điểm đổi USD giả ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám (ngay góc Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1), chúng tôi hỏi có đổi tiền đồng Việt Nam, loại tiền mới mệnh giá nhỏ để lì xì, cô gái tên Vân gọi điện cho "đầu mối" rồi nói gọn lỏn "có hàng". Chúng tôi hỏi mua 3 triệu đồng tiền mới để lì xì, gồm 1 triệu đồng mệnh giá 2.000 đồng, 1 triệu đồng tiền mệnh giá 5.000 đồng và 1 triệu đồng tiền mệnh giá 10.000 đồng. "Tiền này ăn hoa hồng 15% nhé. Nếu anh mua nhiều hơn nữa sẽ giảm thêm được vài phần trăm. Tới lúc lấy tiền rồi tính". Như vậy, đổi 1 triệu đồng tiền mới, người đổi tốn 150.000 đồng phí. Vân dặn dò: "Anh có lấy chắc chắn không em kêu người ta ngày mai mang tới giao. Em cũng chỉ đổi giùm anh thôi, chứ bây giờ cấm đổi tiền mới, công an làm chặt lắm, họ phát hiện bắt liền".
Có tờ 2 đô, có tờ 100 đô. Tiền này bằng plastic mạ đồng, rất nhiều người mua để lì xì kèm tiền thật
Một cô gái đổi USD
Những ngày trước, các dịch vụ đổi tiền trên mạng khá e dè trước thông tin cấm đổi tiền, nhưng cận tết, họ chẳng còn e dè. Một trang web cung cấp dịch vụ đổi tiền ở khu vực TP.HCM đưa ra giá với 3 triệu đồng thì phí đổi tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng là 12%; mệnh giá 5.000, 10.000, 20.000 và 50.000 phí 10%; còn 100.000 - 200.000 đồng phí 7%. Để tránh cơ quan chức năng, các dịch vụ đổi tiền đều mang tiền đến tận nơi yêu cầu của khách hàng.
Có cả USD cổ?
Ngoài tiền Việt, dịch vụ đổi tờ 2 USD cũng nóng lên. Mấy ngày gần đây trên địa bàn TP.HCM rộ lên các điểm "di động" đổi USD để trang trí, lì xì. Ngày 18.1, tại góc đường Tú Xương - Trương Định (Q.3), Tú Xương - Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), hay đoạn Lý Thái Tổ (Q.10) đều có điểm bán USD. Sát nhà khách chính phủ (Lý Thái Tổ, Q.10) có trưng tấm bảng trên vỉa hè ghi thông tin: "Lì xì vàng may mắn: 2 USD = 20 ngàn đồng; 100 USD = 25 ngàn đồng; cung cấp sỉ, lẻ, ưu đãi số lượng nhiều". Chúng tôi vừa ghé lại, một nhóm nam nữ ùa ra giới thiệu. Trong đó, cô gái trạc 20 tuổi nhanh nhảu đưa xấp USD màu đồng chào mời: "Mua đi anh, 2 đô 20 ngàn, 100 đô 25 ngàn. Anh mua bao nhiêu tờ em lấy". Tôi hỏi lại: "Tiền gì vậy?". Cô gái đáp ngay: "Đây là đô la giả dùng để trang trí hoặc lì xì lấy hên. Có tờ 2 đô, có tờ 100 đô. Tiền này bằng plastic mạ đồng, rất nhiều người mua để lì xì kèm tiền thật".
Thấy chúng tôi tỏ vẻ thất vọng, cô gái vội vã nói: "Mấy anh muốn mua đô la thật à? Mua nhiều không? Em có bán đây. Đô la Mỹ tiền cổ hẳn hoi". Vừa nói cô gái chạy vào trong nhóm ngồi bên trong cầm ra chiếc phong bì, bên trong đựng tờ 2 USD phát hành năm 1976 ra nói: "Tiền đô Mỹ thật, seri năm 1976, giá hơi cao nhen, 250.000 đồng/tờ. Nếu lấy từ 10 tờ trở lên giá 240.000 đồng/tờ. Tờ này giá cao vì còn mới, nếu mua tờ 2 USD thường lưu hành hiện nay giá 120.000 đồng/tờ với điều kiện lấy lốc 50 tờ. Tiền này có ngân hàng cho đổi, có ngân hàng không cho đổi nên cũng không phải là dễ có đâu anh".
Tại điểm đổi tiền đô la giả góc đường Cách Mạng Tháng Tám, cô gái tên Vân cho biết đô la giả mạ đồng có 2 mệnh giá, gồm tờ 2 USD và tờ 100 USD, đồng giá 20.000 đồng/tờ. Khi hỏi mua đô la Mỹ tiền thật, cô gái này cho biết tờ 2 USD phát hành năm 1976 giá 150.000 đồng/tờ, mua nhiều giảm 10.000 đồng/tờ, khách muốn sẽ giao tiền tận nhà. Tờ 1 USD mua số lượng nhiều, từ 30 tờ trở lên giá 60.000 đồng/tờ. "Ngày nào em cũng ở đây, mấy anh gọi điện đặt trước rồi chạy đến lấy tiền", Vân dặn.
NHNN không in mới tiền mệnh giá 2.000 đồng Bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết: "Lượng tiền mới từ NHNN trung ương chuyển về đã được phân bổ cho các tổ chức tín dụng. Riêng năm nay đối với tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống không có tiền mới, lượng tiền dưới mệnh giá 2.000 đồng tồn kho nhiều nên NHNN không in mới. NHNN cũng đã có công văn gửi các cơ quan ban ngành cùng phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đổi tiền trên địa bàn. Các dịch vụ đổi tiền này vi phạm kinh doanh tiền tệ trái phép".
Theo TNO
Bi kịch trẻ nhờn đòn roi Trong một lần quá tức giận, ông bố lôi cô con gái học lớp 7 ra giữa đường đánh đập để cho con bớt lỳ mặt. Những lần sau, chỉ cần thấy bố nổi giận, cô bé đã... đi thẳng ra đứng ngay trước sẵn sàng chờ đòn với vẻ thách thức. Khoái... bị đánh ngoài đường "Thương cho roi cho vọt" -...