Tiền Giang: Vì sao đắp kênh trữ ngọt trở thành trữ mặn?
Đoạn kênh Nguyễn Tấn Thành phía trong đập thép vừa hợp long hơn 5 km (thuộc địa bàn huyện Châu Thành) bị nhiễm mặn với độ mặn trên 2 phần nghìn.
Ngày 20/2, UBND tỉnh Tiền Giang làm lễ hợp long đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại kênh Nguyễn Tấn Thành (thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành).
Đây là đập thép “dã chiến” có quy mô bề mặt rộng 76 mét, lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm phục vụ bơm nước ngọt bổ cấp nguồn nước cho nhà máy nước Đồng Tâm, Công ty TNHH một thành viên cấp nước sinh hoạt Tiền Giang xử lý, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân trong tỉnh và cung cấp một phần nước ngọt cho nhà máy nước ở Rạch Gốc, tỉnh Long An.
Đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại kênh Nguyễn Tấn Thành
Tuy nhiên, đến thời điểm này, đoạn kênh Nguyễn Tấn Thành phía trong đập thép vừa hợp long hơn 5 km (thuộc địa bàn huyện Châu Thành) bị nhiễm mặn với độ mặn trên 2 phần nghìn.
Video đang HOT
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết, độ mặn này không thể sử dụng cho sinh hoạt cũng như sản xuất. Hiện nay, chủ trương của tỉnh là tháo túi nước mặn này bằng việc cho xả nước qua cống Bảo Định (TP. Mỹ Tho), với thời gian xả nước là 4 ngày.
Đập thép” dã chiến” lớn nhất khu vực ĐBSCL đã được hợp long
Trao đổi với PV VOV, vì sao đắp kênh Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn lại thành “trữ mặn”, ông Trần Hoàng Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên bê tông Ticco – đơn vị thi công công trình này cho biết: khi hợp long đập thép ngăn mặn, đơn vị thi công lựa chọn thời điểm nước ròng (nước từ kênh Nguyễn Tấn Thành chảy ra sông Tiền).
Tuy nhiên, do công trình lớn, phức tạp, thời gian hoàn thành để hợp long kéo dài nên nước mặn tràn vào bên trong. Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công ty tiếp tục đắp một số cống, đập phía trong như: kênh Hai, kênh Ba… để ngăn tháo túi mặn này ra ngoài.
Hiện nay, nước bên trong kênh Nguyễn Tấn Thành vẫn nhiễm mặn, đang được tỉnh Tiền Giang khẩn trương khắc phục
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người dân huyện Châu Thành và Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho rằng, UBND tỉnh cần sớm có biện pháp khả thi, sớm khắc phục tình trạng nước mặn còn nằm trong kênh Nguyễn Tấn Thành.
Vì công trình đắp đập ngăn kênh, đóng kín các cống ở khu vực này tốn hao nguồn kinh phí nhà nước rất lớn và gây bế tắc giao thông thủy cũng như việc phát triển kinh tế- xã hội của vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang- Long An)./.
Theo Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Đắp kênh để ngăn mặn, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ứng
UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức khảo sát, xác định vị trí phù hợp để đắp đập ngăn mặn, trữ nước ngọt nhưng nhiều doanh nghiệp và người dân phản ứng.
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho địa phương đắp đập ngăn mặn tại tuyến kênh Xáng (tức kênh Nguyễn Tấn Thành) thuộc địa bàn huyện Châu Thành khi nước mặn dâng cao.
Kênh Xáng tức kênh Nguyễn Tấn Thành sẽ bị đắp đập ngăn nước mặn.
UBND tỉnh đã tổ chức khảo sát, xác định vị trí phù hợp để đắp đập khi cần thiết, thời gian ngăn nước mặn, trữ ngọt là 2 tháng, nhằm bảo vệ hơn 800.000 hộ dân và trên 75.000 hecta diện tích sản xuất của nhân dân trong vùng.
Hay tin này, nhiều doanh nghiệp và hộ dân ở khu vực huyện Tân Phước, Châu Thành (Tiền Giang) rất bức xúc và cho rằng, công tác chủ động ngăn mặn, trữ ngọt là cần thiết nhưng chủ trương đắp đập ngăn cách kênh Nguyễn Tấn Thành của tỉnh cần được xem xét thấu đáo bởi đây là tuyến kênh cấp 3 do Trung ương quản lý, là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền từ sông Tiền đến vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước (Tiền Giang) và kết nối với hệ thống kênh rạch của tỉnh Long An- Đồng Tháp.
Mỗi ngày, trên kênh có hàng trăm lượt phương tiện chở hàng hóa qua lại, phục vụ cho việc xây dựng phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc đắp đập ngăn kênh Nguyễn Tấn Thành sẽ làm bế tắc giao thông, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn phát sinh ô nhiễm môi trường nước cũng như công tác tháo chua rửa phèn của vùng Đồng Tháp Mười.
Kênh Hai- một nhánh của kênh Nguyễn Tấn Thành có đông phương tiện thủy qua lại.
Về việc cần thiết phải đắp đập ngăn mặn tại tuyến kênh này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: "Nếu nước mặn vào sâu hơn, độ mặn hơn 3 phần nghìn qua thành phố Mỹ Tho thì khu vực 2 nhà máy nước lớn của tỉnh bị "phủ' nước mặn. Do đó, tỉnh xin giải pháp đắp đập tại kênh Nguyễn Tấn Thành để giữ nước ngọt cung cấp cho hơn 800 nghìn dân khu vực bị ảnh hưởng. Phía tỉnh đã có văn bản kiến nghị lên cấp Bộ"./.
Theo Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây nhiễm mặn, dân mua nước giá 80 nghìn đồng/m3 Hồ trữ nước Kênh Lấp (tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng) bị nhiễm mặn sau 6 tháng đưa vào sử dụng, khiến dân phải mua nước ngọt giá cắt cổ. Giữa trưa 3/2, mực nước hồ trữ ngọt Kênh Lấp (Tân Xuân, Ba Tri) sụt giảm xuống gần một mét so với thời điểm mặn chưa xâm nhập hai tháng trước. Hai...