Tiền chạy án cho “ông trùm” Năm Cam dùng vào việc gì?
Với ảo vọng thống nhất giang hồ cả nước để thành “minh chủ”, Năm Cam đã móc nối với một số tay “trùm” giang hồ ở Hà Nội. Khi bị đưa đi tập trung cải tạo tại trại Thanh Hà (Vĩnh Phúc), nghe ngóng thấy vận đen sắp đến nên hắn đã vội liên lạc với mấy tay giang hồ cộm cán.
Đến lúc bị bắt vào trại, Năm Cam tiếp tục chỉ đạo cho Hiệp “phò mã” và Long “đầu đinh” ra hẳn Hà Nội để luôn sát cánh với các tay giang hồ phía Bắc hòng chạy tội cho Năm Cam.
Các đại ca cộm cán lên trại thăm “ông trùm”
Chỉ vài ngày sau khi Năm Cam nhập trại, Thành “chân”, một đại ca cộm cán đến thăm “ông trùm của các ông trùm”. Đi cùng gã giang hồ đất Cảng có Khánh “trắng”, một “trùm” giang hồ khét tiếng ở Hà Nội. Theo Năm Cam, đây là cả một sự liều lĩnh và y tỏ vẻ không hài lòng.
- Chú không nên đến đây, bất lợi cho chú và… cho cả tôi!
Khánh “trắng” khui chai rượu Martel mang theo, vừa cười vừa đáp:
- Anh đừng sợ, chẳng ai dám sờ đến em đâu!
“Ông trùm của những ông trùm” hiểu ngay một điều tất yếu sẽ xảy ra trong nay mai: Khánh “trắng” sẽ khó tồn tại với bệnh chủ quan và sẽ có kết thúc không tốt đẹp chút nào! Quả không hổ danh một “ông trùm” đầy mưu lược. Năm Cam đã đoán đúng về “con hổ dữ Hà thành”: Khánh “trắng” sau chuyến đi thăm Năm Cam đã bị tóm cổ. Năm Cam chỉ nhún vai tỏ ý rất tiếc khi nhận được tin và buông luôn một câu: “Ở đời chẳng cái dại nào giống cái dại nào!”.
Tiền chạy án cho ‘ông trùm’ Năm Cam dùng vào việc gì?
Nhưng trớ trêu thay, sau này, Năm Cam cũng bị sa lưới cũng bởi chính sự chủ quan như thế. Thời gian ấy, ngoài Thành “chân”, Khánh “trắng”, còn có một số đại ca cộm cán khác ở Hà Nội cũng lên trại thăm Năm Cam.
Trong thời gian dựng nghiệp giang hồ nhờ vào các sòng bạc, Năm Cam chú trọng mua chuộc các tay giang hồ anh chị về dưới trướng. Y đã tung tiền giúp đỡ gia đình, thân nhân một số tay anh chị gặp khó khăn trong lúc bị công an bắt giữ, kể cả việc thuốc thang, chôn cất những người thân trong gia đình các tội phạm đang thụ án.
Chính từ đó, tiếng tăm hào hiệp của “trùm” Năm Cam càng được giới giang hồ kính trọng, quy phục. Một số tên có tiền án đã mãn hạn tù hoặc trốn thi hành án, cuộc sống khó khăn, được Năm Cam giúp đỡ đưa vào chân canh giữ, bảo vệ các sòng bạc, trường gà. Qua đó, các đối tượng băng nhóm dao búa này có đời sống ổn định và lệ thuộc hẳn vào sự điều động của “trùm” Năm Cam.
Về thông tin, trong quá trình Năm Cam vươn “chiếc vòi bạch tuộc” ra Bắc, ngoài việc nhắm tới Dung “Hà”, “nữ hoàng đen” đất Hải Phòng thì y còn có mối quan hệ đặc biệt với “trùm” giang hồ Khánh “trắng” ở Hà Nội.
Tướng Phạm Xuân Quắc (nguyên Cục trưởng CSHS, Bộ Công an, Phó ban chuyên án vụ Năm Cam) cho rằng: “Bản chất của băng nhóm Năm Cam là cho vay nặng lãi, bảo kê nhà hàng, vũ trường, sòng bạc, đánh bạc, gá bạc để thu “xâu”. Năm Cam không có quan hệ với Khánh “trắng” trong hoạt động làm ăn. Năm Cam chỉ đặt quan hệ và đã làm ăn thật sự với một số đối tượng giang hồ có số má ở phía Bắc chuyên cờ bạc bịp, cá độ bóng đá chuyên nghiệp và bảo kê các sòng bạc”.
Có thông tin rằng, thời gian bị trại cải tạo ở trại Thanh Hà (Vĩnh Phúc) Năm Cam đã móc nối với giang hồ xứ Bắc. “Điều có thể đúng mà cũng không, bởi giang hồ cộm cán, chúng thừa xảo quyệt để “ngửi” thấy nhau, để biết “tầm” của nhau cùng hợp tác chia lợi nhuận”, Tướng Quắc phân tích.
Theo Tướng Quắc: “Năm Cam là kẻ khôn ngoan. Tại tất cả vùng trọng điểm trong nước, tên này đều có mắt xích làm ăn. Ngày đó, ở miền Đông Nam Bộ, miền Tây, TP.HCM… cứ nghe tên Năm Cam là nhiều người sợ đến mức mặt tái xanh. Tội phạm có tổ chức rất xảo quyệt, nhiều mưu mô và Năm Cam là một tên như vậy”.
Ở trong trại, làm đơn đòi quyền bầu cử
Chuyển đến Cơ sở Giáo dục Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc đầu năm 1996, Năm Cam được nhiều cán bộ quan tâm, chú ý. Nhưng khác với tưởng tượng của nhiều người, tên giang hồ này tỏ ra rất lễ phép. Y chào hỏi từng người và nhanh chóng phân biệt được vị trí, cấp bậc của mỗi cán bộ. Với những trại viên buộc cải tạo do trộm cắp, gây rối là những người mà trước đó Năm Cam chỉ coi là đám lâu la thì nay “ông trùm” không hề tỏ ra trịnh thượng.
Vẻ bề ngoài tỏ ra rất ngoan hiền, lễ phép, gương mẫu… là những gì “ông trùm” thể hiện khi phải lao động cải tạo tại trại Thanh Hà. Song mặt sau của trại viên đặc biệt này, theo các cán bộ giám thị, là một kẻ gian ngoan đang “nghỉ ngơi chờ thời”.
Một lãnh đạo của trại Thanh Hà cho biết, không như các trại viên khác thường về trại theo đoàn và theo đợt, việc cải tạo của Năm Cam được cấp trên báo về, yêu cầu chuẩn bị tiếp nhận. Ban giám thị trại đã triệu tập cán bộ chủ chốt, quán triệt nhiệm vụ nhằm tránh những phức tạp về sau.
Năm Cam không bao giờ tỏ ra quá vui hay quá buồn và luôn gương mẫu, sinh hoạt đúng giờ giấc theo kẻng báo của trại. Cảnh giác với việc “ông trùm” bỏ trốn hoặc có điều kiện liên lạc với những tên tội phạm ngồai xã hội, lãnh đạo trại để Năm Cam lao động ngay trong trung tâm, không ra khu sản xuất như các trại viên khác.
Thoạt đầu, y được phân công làm việc tại xưởng mộc, cơ khí. Hắn rất chịu khó, cứ lụi cụi làm lụng suốt ngày. Về sau, do bị nhiễm tủy chân răng, ăn uống kém, sức khỏe giảm sút, Năm Cam được chuyển sang làm vệ sinh, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh.
Từ vị trí một tổ trưởng chăm sóc hoa kiểng có dưới tay cả chục phạm nhân ốm đói vật vờ, luôn trông chờ vào lòng “từ bi hỉ xả” của “ông trùm”, Năm Cam được đưa qua thư viện với điều kiện toàn bộ sách báo y phải tự lo liệu.
Gia đình Năm Cam đến thăm cứ hai tháng một lần, chỉ tính riêng tiền vé máy bay đã cả tỷ bạc! Một con số kinh khủng, nhưng nào có thấm tháp gì so với số tài sản khổng lồ mà “ông trùm” tích cóp suốt bao nhiêu năm.
“Con đã liên hệ với một số đai gia có mối quan hệ nhiều với cơ quan chức năng có thể cứu xét vụ việc của ba. Anh ta bảo việc của ba có thể lo được nhưng tốn ghê lắm!”, Hiệp thông báo cho ông bố vợ một cách hồ hởi.
Không hồ hởi sao được, vì chỉ với lí do “lo cho ba”, gã con rể mới có thể rút ruột được gia đình vợ những khoản tiền lớn dùng vào việc chạy tội cho Năm Cam. Số còn lại, gã và đàn em Long “đầu đinh”, tha hồ ném vào cuộc truy hoan không mệt mỏi cạnh những mỹ nữ đất Hà thành, đẹp, thông minh lại khéo chiều chuộng.
Video đang HOT
Nghe Hiệp nói về việc chạy tội để được ra trại sớm, Năm Cam mừng như bắt được vàng, y hỏi luôn:
- Thằng đó đòi bao nhiêu? Con có hỏi cách làm việc của nó không?
- Cũng đơn giản thôi ba ạ! Việc bắt giữ ba, theo anh ta nói, hoàn toàn có thể khiếu kiện và nếu chịu “chi ngọt”, chuyện gỡ cho ba về rất dễ!.
- Bao nhiêu? Năm Cam hỏi dồn, niềm hy vọng tự do làm y trở nên hấp tấp.
- Khoảng 40.000 USD và thêm 10.000 USD cho anh ta!
- Rồi! Coi như xong, con cứ tiến hành, ba đợi… Năm Cam kết luận.
Cán bộ trại chỉ nhận ra bộ mặt “cáo già” của người trại viên gương mẫu này, khi tới thời điểm chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa X, bỗng có công văn cấp trên báo xuống là có đơn khiếu nại của trại viên Trương Năm Cam về việc không có tên trong danh sách cử tri. Kiểm tra lại mới biết, tên của Năm Cam có đủ trong danh sách niêm yết tại trại, nhưng y xem không cẩn thận nên không thấy.
Vậy là “ ông trùm” lẳng lặng viết đơn gửi thẳng ra ngoài. Vụ này, do vi phạm nội quy trại, Năm Cam đã phải kiểm điểm và hắn đã rất nhún nhường xin lỗi. Sau đó, lãnh đạo trại phải cẩn thận chụp ảnh, quay phim đầy đủ về hoạt động bầu cử của các trại viên, trong đó hiện rõ mặt “ông trùm”. Năm Cam ra trại cuối năm 1997, sau này, qua thông tin về Năm Cam trên báo chí, các cán bộ trại giam mới hiểu rõ hơn về đối tượng trại viên đặc biệt này.
Còn tiếp…
Theo Người Đưa Tin
Năm Cam hát nhạc chế và dự cảm cuộc đời
Ngày đó khi bán được căn nhà ở quận 5 (TP.HCM), Năm Cam dẫn tôi ra phố bia bọt Thi Sách ăn cánh gà chiên nước mắm. Chủ quán là anh Bảy Lộc, đến từ Hóc Môn. Lát sau Tài Ngạn đến, Năm Cam giới thiệu đây là chủ nhà hàng PLM ở quận 1, câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng hát phát ra từ chiếc loa sắt của người bán vé số dạo:
"Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Cuộc sống mong manh..."
Tiếng hát mê hồn như ru người vào cõi xa xăm, Năm Cam gõ chén hát theo nhưng lời khác đi:
"Mai kia chết rồi Bình Hưng Hòa giàu khó như nhau. Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao"
Tài Ngạn hỏi:
- Anh Năm chơi nhạc tù hả, học ở Chí Hòa hay Mạc Đĩnh Chi? (Tên 2 trại tạm giam, gọi theo cách thông thường).
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến nhạc tù, giọng Năm Cam chùng xuống:
- Buồn, câu này anh nghe mấy đứa nhỏ hát, có làm gì thì cũng đi Bình Hưng Hòa (tên một nghĩa trang), cái ông thầy ở Bình Thới nói sau này anh sẽ chết chẳng toàn thây...
Chẳng ngờ bói toán quàng xiên lại ngẫu nhiên thành sự thật ở nhiều năm sau, và bất ngờ là có hẳn một bài nhạc tù nói về Năm Cam với hàng triệu kết quả khi gõ từ khóa này...
Nhớ vợ nhớ con, thương mẹ già
Nhạc tù thường là những bản nhạc có giai điệu bolero, đặt lời trên nền những bản nhạc có sẵn được nhiều người biết. Nhiều bài nhạc tù nổi tiếng hơn cả bài hát gốc, nhưng không ai biết tác giả của nhạc tù là ai, không có chữ ký nào.
Năm Cam
Bản nhạc tù tôi nghe được tương đối "có đầu có đuôi" là bản Ăn năn tại trại tạm giam một tỉnh gần TP. Đêm đó như thường lệ, Lai Em (Châu Phát Lai Em-tử tội) mở màn với bài Nhẫn cỏ và rao lô tô:
"Tôi bốc con cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy gì đây
Con hai mươi ba
Con vượn bồng con
Lên non hái trái..."
Bất chợt từ buồng giam tử tội gần buồng giam Lai Em có tiếng hát thê lương cất lên:
"Ba mươi đêm pháo giao thừa con nằm trong chốn lao tù
Trại giam bốn bức tường cao con ăn năn biết nói sao
Ngày đó lúc con còn nhỏ con quậy phá trong gia đình
Đến năm 16 con cãi lời của mẹ cha
Giờ đây khôn lớn con bơ vơ Đồng Phú ba (tên thường gọi của một trại giam ở miền Đông Nam Bộ)
...
Nhiều đêm nằm nhớ nhà
Nhớ thương mẹ già mẹ già thường hay đau ốm
Trong giây phút sau cùng mẹ nắm tay dặn dò vài câu an ủi
...
Khăn tang con quấn trên đầu đưa mẹ ra nghĩa trang buồn
Mộ sâu ba mét chiểu cao con ăn năn biết nói sao
Ngày đó đã ba mùa lúa con đã sống xa mẹ rồi
Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng kẻ mồ côi
Hồn mẹ linh thiêng hãy về đây với con"
Tù rất thích bài này, đi trại giam nào tôi cũng nghe tù hát bài Ăn năn trong những đêm buồn. Có lẽ tâm trạng ăn năn hối hận, thương nhớ vợ con, mẹ già là điểm thiện lương còn lại trong những con người, cho dù đó là tội đồ hay người phạm tội lần đầu, sa chân lỡ bước vào chốn lao tù.
Và một lẽ khác, với hành vi đã được định tội, bị xã hội lên án, người quen ghẻ lạnh xem thường, vợ con là chỗ dựa cuối cùng của những người tù.
- Tù sợ nhất là bị gia đình bỏ rơi, không thăm nuôi. Mấy bố chỉ còn nước khóc lóc, kể thương kể nhớ để gia đình tội nghiệp, vào đây mà còn làm bộ làm tịch như lúc đắc ý thì chỉ có chết...
Dũng Bắc Kạn (người trong giang hồ được Dương Tự Trọng, nguyên phó giám đốc Công an Hải Phòng nhờ đưa anh là Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài) giải thích :
"Được thời bẻ ná bắn cung
Hết thời chỉ có cọng thun bắn ruồi!"
Tù tội nhiều và ra vẻ dửng dưng nhưng khi nghe tử tội hát tiếp những bài sau Dũng Bắc Kạn đã quay mặt vào tường để giấu những giọt nước mắt thương nhớ vợ con. Bị bắt tại Hà Nội, Dũng Bắc Kạn được di lý vào Nam bằng máy bay để ban chuyên án Năm Cam điều tra việc liên quan đến ông trùm ma túy Dũng Đui.
"Nằm phòng kỷ luật ước mơ gì hơn ước mơ anh được về đời
Thương cha nhớ mẹ, thương thằng cu tí hỏi "ba, đi về chưa?"
Chắc ba chưa về đâu, vì tòa còn đang kêu án, thời gian là án dây thun
Cố gắng thăm anh, xin em cố gắng đợi chờ, đi xong khóa này anh trở về tu luôn"
"Trở về tu luôn", đó là câu nói quen thuộc của những người tù, với những gì họ phải trải qua, có lẽ đó là lời nói thật. Chỉ vì lòng tham, sự nghiện ngập, hay đơn giản hơn chỉ vì thiếu kềm chế, nóng giận... mà nhiều người đã phạm tội, tự hủy hoại mình và kéo theo thảm kịch cho gia đình. Chỉ có sự ăn năn hối hận thật sự và sự thông cảm của người thân mới giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường.
Nhưng nếu chỉ như vậy nhạc tù đã trở thành "thánh ca", "tụng ca" của những người lầm đường lạc lối, tiếc rằng nhạc của 4 bức tường khép kín còn thể hiện sự lệch lạc của những tâm hồn đầy thương tích.
Ngựa hoang không về bến sông
Giang hồ thời nào cũng vậy, nhưng trước 30.4.1975 hầu như không có nhạc tù mang màu sắc kỳ lạ điều chúng tôi sắp nói sau đây.
Lâm Chín Ngón, khi còn sống nói với tôi rằng, không có nhạc tù, những người tù ở Chí Hòa chỉ hát nhạc tình cảm, tù chính trị - sinh viên học sinh thì hát nhạc tranh đấu... nhạc tù chỉ bắt đầu xuất hiện sau những năm 80, cùng với tội phạm gây ra bởi những băng nhóm giang hồ cắc ké, phạm tội do học đòi ăn chơi...
Đó cũng là ý kiến cá nhân, nhưng soi lại nhiều bản nhạc tù mà giới trẻ trong và ngoài nhà tù thích hát thì rõ ràng có cái gì đó lệch lạc và đáng sợ trong cách nghĩ của những người trẻ này. Cũng theo Lâm Chín Ngón, giang hồ trước đây rất thích bài hát Ngựa hoang và bài Loan Mắt Nhung.
Nhưng đó không phải là nhạc tù, đó là hai bài hát viết cho phim của dòng nhạc chuyên nghiệp do những nhạc sĩ tài hoa sáng tác. Đơn cử như bài Ngựa hoang hay còn gọi Vết thù trên lưng ngựa hoang là ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy viết cho phim Vết thù trên lưng ngựa hoang...
"Ngựa hoang về tới bến sông rồi
Thảm cỏ bình yên dưới chân mình
Nhưng đời làm ngựa hoang chết gục
Và trên lưng nó ôi còn nguyên những vết thù"
Ca từ bay bổng, nhưng người nghe cũng dễ dàng hiểu đây là bài hát nói về con đường hoàn lương khó khăn của những người sa chân vào chốn giang hồ. Nghe các bậc tiền bối kể lại, có một thời thanh niên Sài Gòn đã chết mê chết mệt với bài hát Ngựa hoang, ca sĩ Elvis Phương còn làm tăng thêm sự mê hoặc bằng tiếng huýt sáo khi thể hiện ca khúc này.
Còn bài Loan Mắt Nhung ít được phổ biến hơn vì ca từ không có điểm nhấn ấn tượng, bài hát nói về gã giang hồ lang thang trong ngõ tối của chính cuộc đời mình, mà nhà tù là đích đến cuối cùng:
"Đường khuya vắng bước chân buồn âm thầm
Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu
Giữa đêm sầu ngõ không màu sống lạc loài thân đơn côi
Chôn tuổi xanh chìm trong bóng tối vực sâu nhiều đắng cay
...
Lòng phố khuya bước chân còn khua dài
Tìm về thơ ấu đêm ngày qua
Khóc chi nhiều đã bao chiều chỉ riêng mình... thêm đơn côi
Qua vùng thương hận thêm tóc rối tù đày ngõ tối đam mê"
Đúng như Lâm Chín Ngón đã nói, giang hồ thời nào cũng tàn bạo và bầy hầy như nhau, nhưng hình ảnh giang hồ qua hai bài hát trên quả là quá hiền lành.
(Còn tiếp...)
Theo Một Thế Giới
Thắng "Tài Dậu" hồi ức những ngày sống cùng Năm Cam Thắng kể gia đình đã có cuộc sống ổn định, con trai được học lên cao. Điều quan trọng nữa, Thắng có thể làm được những điều mình thích, như sáng nhâm nhi tách cà phê trong quán "ruột", chiều chơi thể thao, góp được một khoản tiền nho nhỏ để thỉnh thoảng đi làm từ thiện. Được coi là "cánh tay phải"...