Tiệm vàng vẫn… hớ hênh
Dù lo lắng trước tình trạng cướp tiệm vàng táo tợn nhưng nhiều chủ tiệm vàng vẫn chưa coi trọng công tác an ninh, trong khi cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát.
Nhiều tiệm vàng không có bảo vệ – Ảnh: Giang Phương – Thanh Thùy
Khoảng 14 giờ ngày 21.2, tiệm vàng của DNTN Phước Cường (trên đường Võ Văn Ngân, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) không có một bóng người trong khi cửa hai bên mở toang. Còn chiếc tủ kính trưng bày vàng bạc lấp lánh mà không có người trông coi. Chúng tôi bước vào sâu bên trong gọi nhiều lần, chủ tiệm mới đi ra. Bà chủ tiệm phân trần do không có người trông hàng, vả lại giờ này đang nghỉ trưa nên tiệm không tiếp khách.
“Chị không sợ bị trộm cướp sao mà để hàng hớ hênh như vậy?”.
Bà chủ đáp tỉnh rụi: “Đọc báo thấy cướp cũng sợ, nhưng mà ở đây hiền lắm, không có trộm cướp đâu”.
“Lắp camera làm gì, tốn tiền lắm”
Đại diện Ban Quản lý chợ Củ Chi (TP.HCM) cũng xác nhận, hiện tại rất khó quản lý các tiệm vàng một cách chặt chẽ. Dù Ban Quản lý phối hợp với công an đã nhiều lần yêu cầu các hộ kinh doanh vàng bạc phải trang bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an ninh, trong đó có lực lượng vệ sĩ chuyên nghiệp nhưng các hộ cho biết do phải tốn chi phí cao nên không thực hiện.
Một vòng qua các tiệm vàng ở H.Củ Chi, Q.9 và Q.Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận nhiều nơi vẫn không có bảo vệ lẫn camera quan sát. Bà Thủy, chủ tiệm vàng Quang R (P.Linh Tây, Q.Thủ Đức) nói: “Lắp camera làm gì, tốn tiền lắm. Tới đâu hay tới đó, lúc nào bọn trộm muốn vào thì có camera cũng không làm gì được”.
Tại tiệm vàng K.K (QL 22B, P.Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, TP.HCM), người bán kiêm luôn… vệ sĩ. Chủ tiệm tự tin: “Xung quanh toàn người quen làm sao nó dám cướp”.
Video đang HOT
Dạo quanh một vòng Đà Nẵng chập choạng tối 21.2, chúng tôi ghi nhận mặc dù hoạt động khá nhộn nhịp nhưng hầu hết các tiệm vàng còn chủ quan trong công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Trở lại tiệm vàng Ngọc Ánh (35 Lê Văn Thứ, Q.Sơn Trà – nơi xảy ra vụ cướp táo tợn vào đêm 17.11.2011), chúng tôi thấy việc khắc phục những lỗ hổng trong công tác an ninh vẫn chưa được triệt để. Đến nay, tiệm vàng này chỉ mới dừng lại ở việc lắp đặt camera.
Tại Hà Nội, đa số các tiệm vàng ở các huyện ngoại thành, như Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức… hầu như không có bảo vệ túc trực. Đi dọc theo trục đường 32, chúng tôi phát hiện không ít tiệm chỉ có một người, thậm chí là phụ nữ, người già đứng trông.
Tiếp xúc với PV, chủ tiệm vàng Đức Trường ở H.Đan Phượng cho biết, do kinh doanh nhỏ, người nhà đông nên không thuê bảo vệ và “đỡ được một khoản tốn kém”. Chủ tiệm vàng Gia Minh ở đường Hồ Tùng Mậu, H.Từ Liêm lại có lý do không thuê bảo vệ vì “không tin tưởng người ngoài”.
Tại Cần Thơ, một số tiệm vàng lớn trên địa bàn P.Tân An và P.Cái Khế (Q.Ninh Kiều) tuy có trang bị hệ thống cảnh báo theo khuyến cáo của công an và có thuê bảo vệ, nhưng chỉ mang tính hình thức, thiếu chuyên nghiệp, không được trang bị công cụ hỗ trợ…
Công an cũng… chào thua
Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSĐT về tội phạm trật tự xã hội (PC45, Công an TP.Hà Nội), nhìn nhận: “Chúng tôi cũng thấy có thực trạng là ở các quận nội thành thực hiện việc đảm bảo an ninh tốt hơn là ở vùng ngoại thành”. Đặt vấn đề ngành công an đã chỉ đạo công an các cấp có nhiệm vụ đến từng hộ kinh doanh yêu cầu chủ tiệm thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh, nhưng vì sao đến nay nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm, phải chăng do thiếu hậu kiểm, giám sát…, ông Hải nói: “Lực lượng công an chỉ khuyến cáo, động viên các chủ cơ sở, nếu họ không nghe thì mình cũng chẳng có cách nào khác. Ví dụ, tại các tiệm vàng ở ngoại thành, chúng tôi đến thì họ nói chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, mỗi tháng được vài triệu đồng lấy đâu ra tiền mà thuê mướn bảo vệ”.
Đại tá Nguyễn Công Nghiệp, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, cũng cho biết có kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát về tình hình đảm bảo an ninh trật tự ở các cơ sở kinh doanh vàng bạc theo công điện của Bộ Công an, nhưng “cái khó của công an là các yếu tố đảm bảo an ninh không phải là bắt buộc nên họ thích thì làm, không thích thì thôi, chúng tôi thì không thể ép buộc. Nhiều cơ sở kinh doanh ở các vùng quê vẫn còn tư tưởng chủ quan, cả đống của nhưng để hớ hênh thì không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra”.
Theo Thanh Niên
Hiểm họa rình rập tiệm vàng
Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều qua, đại tá Hồ Sỹ Tiến - quyền Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) - cho rằng các vụ cướp tiệm vàng trong thời gian qua đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Nhiều rủi ro về an ninh
""Cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đưa hoạt động này vào diện kinh doanh có điều kiện, tức là nếu anh không đảm bảo được an ninh thì không được phép kinh doanh"" - Đại tá Hồ Sỹ Tiến, quyền Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự
"Kinh doanh vàng bạc bây giờ đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không chỉ mất mát lớn về tài sản mà còn là tính mạng. Do đó, tôi cho rằng tới đây, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để đưa hoạt động này vào diện kinh doanh có điều kiện, tức là nếu anh không đảm bảo được an ninh thì không được phép kinh doanh", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, trước đây C45 đã có văn bản chỉ đạo cảnh sát hình sự phối hợp với cảnh sát thực hiện một số biện pháp tăng cường an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh vàng bạc trên toàn quốc như cảnh báo các phương thức, thủ đoạn trộm cướp, đề nghị các chủ tiệm vàng lắp đặt thiết bị an ninh, bảo vệ. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiều nơi vẫn rất hạn chế: "Đối với vụ cướp tiệm vàng tại Thường Tín, Hà Nội mới đây, nếu như chủ tiệm thuê thêm một bảo vệ như công an từng khuyến cáo thì chắc vụ cướp đã không xảy ra", ông Tiến nhận định. Theo đại tá Tiến, sắp tới C45 sẽ có văn bản chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự tại các địa phương kiểm tra, rà soát về tình hình bảo đảm an ninh tại điểm kinh doanh vàng bạc, đá quý toàn quốc.
Trao đổi với Thanh Niên, trung tướng Tô Thường - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội - cũng cho biết việc đưa hoạt động kinh doanh vàng bạc vào diện kinh doanh đã từng được đặt ra, sau đó nhiều bộ, ngành đã phản đối bởi về nguyên tắc, "tài sản của người ta thì mình không được cấm hay hạn chế".
Ngay sau khi Công an TP.Hà Nội bắt được hung thủ gây ra vụ giết người, cướp tiệm vàng ở huyện Thường Tín, ngày 19.2, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã có điện gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI); Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Tổng cục VII), Vụ trưởng Vụ Pháp chế (V19) và giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác đảm bảo an ninh trong hoạt động kinh doanh vàng bạc đá quý; giao Tổng cục VII chủ trì phối hợp với Tổng cục VI, V19 và công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, tham mưu cho Bộ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định, đưa hoạt động kinh doanh vàng, bạc, kim loại quý, đá quý vào diện kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự với các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn cụ thể.
Nhiều chủ tiệm vàng mong được trang bị các công cụ hỗ trợ mạnh hơn cho lực lượng bảo vệ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Đưa vào "kinh doanh có điều kiện"
Chiều 20.2, trao đổi với chúng tôi, thượng tá Trần Văn Ngọc, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an TP.HCM (người trực tiếp theo dõi mảng trộm, cướp) cho biết: Cách đây vài năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số vụ cướp tiệm vàng táo tợn, nhưng 2 năm trở lại đây không có vụ nào. Có được kết quả như trên là một phần nhờ công tác tuyên truyền tốt của cơ quan công an đến từng hộ kinh doanh cá thể, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng, tài chính, thu đổi ngoại tệ...; tuyên tuyền phương thức thủ đoạn, cách thức đề phòng cảnh giác bọn tội phạm xâm hại tài sản. Công an phường có nhiệm vụ đến từng hộ kinh doanh yêu cầu chủ tiệm lắp đặt camera (có độ phân giải cao), chuông báo động, kính chịu lực, thuê lực lượng bảo vệ, ghi số điện thoại 113, công an phường tại cửa hàng... Mặt khác, PC45 có công văn gửi lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm quận, huyện tăng cường tuần tra kiểm soát tại khu vực có nhiều cửa hàng kinh doanh vàng, tài chính.
Thượng tá Ngọc cũng đề cao việc lắp đặt chuông báo động kết nối với nhau của nhiều cửa hàng kinh doanh vàng tại chợ Thiếc (Q.11): khi một cửa hàng kinh doanh vàng tại chợ bị kẻ cướp bất ngờ tấn công; người của cửa hàng gặp nạn chỉ cần nhấn nút thì tất cả hệ thống chuông báo động của nhiều cửa hàng tại đây đều vang lên rất lớn. "Chúng tôi đang kiến nghị cơ quan chủ quản một số chợ khác cần nên áp dụng kinh nghiệm của chợ Thiếc", ông Ngọc nói. Về việc kết nối chuông báo động với công an phường, thượng tá Ngọc cho rằng: "Ý kiến rất hay. PC45 sẽ nghiên cứu tham mưu cho Ban giám đốc Công an thành phố xem xét".
Thượng tá Ngọc nói rằng ở nhiều nước, họ quy hoạch từng khu riêng biệt như: mua sắm thời trang, tài chính, nữ trang... Cho nên chủ trương đưa các tiệm vàng vào một khu vực kinh doanh thì sẽ thuận lợi hơn cho công tác bảo vệ, phòng chống tội phạm. Nhưng chủ trương này cần phải có thời gian mới thực hiện được. Việc có thể làm được ngay là đưa ngành kinh doanh vàng bạc đá quý vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự - PV). Cụ thể, cửa hàng nào muốn hoạt động phải đảm bảo một số điều kiện bắt buộc như: lắp đặt camera, kính chịu lực, lực lượng bảo vệ, chuông báo động...
Mỹ tăng cường an ninh tại tiệm vàng Giá vàng ngày một tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cướp bóc tiệm vàng, trang sức ở Mỹ. Báo The Los Angeles Times dẫn lời giới hữu trách đề nghị các tiệm vàng tăng cường công tác an ninh để tránh lọt vào tầm ngắm của bọn cướp. Chuyên gia khuyến cáo nên lưu tâm đến thiết kế cửa hàng bán nữ trang quý giá, như quầy trưng bày cách xa cửa chính và cửa thoát hiểm. Không nên đặt quầy thu tiền quay ngược lại cửa ra vào để nhân viên có thể phát hiện sớm những kẻ khả nghi. Tất nhiên không thể thiếu kính chống đạn ở quầy hàng và trước mặt nhân viên. Các chủ cửa hàng cũng nên đặt máy dò kim loại ngay lối vào, trang bị thêm máy báo động và hệ thống máy quay giám sát liên tục. Bên cạnh đó, nên thuê bảo vệ chuyên nghiệp cho cửa hàng nữ trang. Một biện pháp phòng ngừa không nên bỏ qua là luôn khóa kín tủ bày hàng ngay lập tức sau khi lấy hàng cho khách xem. Thụy Miên
Nên trang bị súng cao su, dùi cui điện
Ông Lê Xuân Tùng - Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý (Trần Nhân Tông, Hà Nội): "Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị cơ quan công an cho phép lực lượng bảo vệ được trang bị thêm các công cụ hỗ trợ như súng bắn cao su, dùi cui điện... nhưng chưa được đồng ý. Hiện nay, bảo vệ của công ty chỉ dùng gậy cao su, nếu gặp phải bọn cướp có súng AK thì làm sao có thể chống lại được. Tiệm vàng của công ty trên phố Kim Liên được lập hàng rào thép ngăn cách với các khách hàng cũng rất an toàn, bên cạnh đó, công ty cũng đã gắn camera, kính chịu lực, chuông báo động... nhưng quan trọng nhất vẫn phải tăng cường sức mạnh cho lực lượng bảo vệ".
Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc PNJ: "Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị bằng văn bản xin cấp phương tiện phòng chống cho lực lượng bảo vệ nhưng không được chấp thuận. Chỉ cần trang bị cho lực lượng bảo vệ một loại công cụ nào đó không gây chết người, có thể làm tê liệt kẻ cướp, các tiệm vàng sẽ an toàn hơn. Nếu có thể, chúng tôi kiến nghị Bộ Công an cho phép được ký hợp đồng với lực lượng công an để lắp chuông báo động. Có thể lắp chuông báo tại các tiệm vàng kết nối với công an phường. Việc lắp chuông báo động rất dễ dàng, đầu tư lại không tốn kém, khi có sự cố, chuông báo động bí mật được bấm, công an phường nhanh chóng đến hỗ trợ".
Bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh, chủ tiệm vàng Kim Thanh (Q.8, TP.HCM): "Một cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mà phải đảm bảo đầy đủ những điều kiện vật chất (lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, hệ thống báo động, camera...) sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, điều này rất cần vì sẽ giúp bảo vệ tốt tính mạng, tài sản cho chính người kinh doanh. Còn việc chuyển sang dạng kinh doanh tập trung tại những khu vực quy định sẽ có những thuận lợi về an ninh, nhưng điều này cũng gây khó khăn cho người kinh doanh đã có khách hàng, quen địa điểm... Nếu được, nhà nước nên để người kinh doanh hoạt động theo địa bàn tự chọn, chỉ cần địa điểm phải này đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định là tốt nhất".
Ông N.V.Bình (chủ hệ thống tiệm vàng ở TP.HCM và Biên Hòa): "Toàn bộ hệ thống tiệm vàng của tôi đều được trang bị camera có độ phân giải cao, kính chịu lực; đặc biệt do chỗ tôi kinh doanh cũng là nơi sinh hoạt nên lực lượng bảo vệ trực 24/24. Nhưng lực lượng của cửa hàng thì làm sao bằng công an được đào tạo chính quy, trang bị súng ống. Cho nên nếu hệ thống chuông báo tự động được kết nối với công an phường thì quá tuyệt. Nếu được nên cho phép chủ tiệm vàng mua roi điện trang bị cho bảo vệ và sẽ chịu mọi trách nhiệm về việc sử dụng roi điện đúng theo quy định, kể cả đưa bảo vệ của tiệm vàng đi học nghiệp vụ".
Theo Thanh Niên
TP.HCM: Ám ảnh 'dớp' lật xe giữa lòng thành phố Hàng loạt pha lật xe tại các khúc cua trên cầu vượt đang thực sự trở thành nỗi khiếp sợ với tài xế ô tô và cả người dân thành phố. Điều gì khiến hiểm hoạ này chưa dừng lại? Những vụ lật xe khi ôm cua trên cầu vượt ám ảnh cánh tài xế đến nỗi có người mê tín dị đoan...