Tiêm vắc-xin sởi: Không bao giờ là quá muộn
Nếu một người chưa được tiêm vắc-xin sởi (MMR) khi còn nhỏ – hoặc không biết liệu mình đã được tiêm chưa – thì có nên tiêm vắc-xin khi đã trưởng thành không? Câu trả lời là có. Ngay cả khi đã tiêm vắc-xin, một số người đáp ứng một số tiêu chí cụ thể có thể cần tiêm lại.
Nếu bạn chưa bao giờ tiêm vắc-xin sởi – và thậm chí với cả một số người đã tiêm – dưới đây là những điều cần biết về việc tiêm vắc-xin MMR khi trưởng thành.
Đại đa số mọi người đều đã được tiêm vắc-xin sởi. Song gần đây truyền thông đã nhắc nhiều đến những người chưa được tiêm chủng khi còn nhỏ, do cha mẹ họ lo ngại sai lầm về sự an toàn hoặc hiệu quả của vắc-xin. Những người này giờ đây đã trưởng thành – có cơ hội tự quyết định về việc có nên tiêm vắc-xin hay không.
Ở Mỹ, tiêm vắc xin nói chung là một yêu cầu đối với các sinh viên dự định theo học các trường đại học, trừ khi có lý do hợp pháp về mặt y tế để không tiêm chủng (chẳng hạn như mắc bệnh hệ miễn dịch nghiêm trọng). Đây là một phần của “hợp đồng xã hội”: bạn cần bảo vệ không chỉ bản thân mà cả những người khác không thể tiêm vắc-xin. Tùy theo từng bang, một số trường hợp vị thành niên có thể chủng ngừa mà không cần sự đồng ý của cha mẹ trước 18 tuổi: còn ở tất cả bang, ai cũng có thể được chủng ngừa ở tuổi 18. Có thể tiêm chủng ở bác sĩ riêng, nhiều nhà thuốc địa phương, và phòng y tế của địa phương và của bang.
Nhưng nếu đã tiêm thì bạn có hoàn toàn ổn không?
Có lẽ. Hai nhóm người nên kiểm tra mức độ bảo vệ là:
Video đang HOT
1. Những người có nguy cơ tiếp xúc với bệnh sởi. Nhóm này có gồm nhân viên y tế hoặc những người làm công tác chăm sóc trẻ em. Các nhóm này nên xem xét việc xét nghiệm miễn dịch – một xét nghiệm máu đơn giản. Nhân viên y tế thường được kiểm tra khi được nhận vào làm việc để đảm bảo máu của họ có chứa các kháng thể bảo vệ. Thiếu kháng thể có thể do vắc-xin được bảo quản kém, hoặc người đó nằm trong một số ít những người không có đáp ứng. Nếu không có kháng thể trong máu, nhân viên đó sẽ được yêu cầu tiêm hai liều vắc-xin trước khi bắt đầu làm việc.
2. Những người dự định đi du lịch nước ngoài đến nơi mà dịch sởi đang bùng phát. Những người không có kháng thể bảo vệ sẽ cần tiêm hai liều trước khi đi, cách nhau ít nhất 28 ngày, vì vậy điều này đòi hỏi phải có kế hoạch trước.
3. Những người có ngày sinh trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1967. Nhiều người sinh ra trong khoảng thời gian này đã được tiêm phòng sởi bằng vắc-xin chết và họ có nguy cơ mắc một hội chứng gọi là sởi không điển hình. Sổ tiêm chủng sẽ cho biết bạn đã nhận được vắc-xin chết hay vắc-xin sống (các chủng Schwarz, Edmonston B và Moraten đều là các chủng sống). Nếu sổ tiêm chủng không nói rõ, hoặc bạn không có sổ tiêm chủng, hoặc bạn đã được tiêm vắc-xin chết, thì bạn có nguy cơ mắc bệnh, và nếu bạn đang ở trong vùng có dịch hoặc dự định đi du lịch nước ngoài đến nới có dịch, thì hãy hỏi bác sĩ về việc tiêm chủng lại 2 liều vắc-xin MMR hiện nay.
Vắc-xin sởi nói chung là an toàn và hiệu quả, nhưng trong y học không có cách điều trị nào là hoàn hảo. Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc-xin bao gồm đau khớp, sốt và phát ban trong thời gian ngắn. Hai liều vắc-xin cung cấp sự bảo vệ cho hơn 99% dân số, và sự bảo vệ này là suốt đời.
Bảo vệ chống lại bệnh sởi là rất quan trọng, vì bệnh sởi là một bệnh nghiêm trọng. Nhiều người lầm tưởng bệnh sởi không phải là vấn đề lớn, nhưng không phải lúc nào đây cũng là một căn bệnh vô hại. Những người trên 20 tuổi dễ bị biến chứng. Trường hợp tốt nhất là bạn phải nghỉ làm hai tuần. Những trường hợp xấu nhất có thể đi từ tổn thương tai (có thể là mất thính lực vĩnh viễn) đến viêm phổi hoặc viêm não (có thể gây tổn thương não vĩnh viễn), cả hai đều có thể gây tử vong. 1/1.000 người mắc bệnh sởi sẽ chết; 5/100 sẽ phải điều trị ở khoa hồi sức tích cực. 1/2.000 sau đó sẽ bị biến chứng viêm não toàn thể xơ cứng bán cấp, gần như chắc chắn sẽ tử vong.
Và ngay cả những người có diễn biến bệnh đơn giản, bệnh sởi vẫn để lại một “lỗ hổng” trong hệ miễn dịch khiến người bệnh dễ bị nhiễm các loại bệnh khác trong nhiều năm. Hiện chưa có cách điều trị hiệu quả đối với bệnh sởi (mặc dù vitamin A được dùng cho những người bị thiếu vitamin A), vì vậy việc phòng ngừa là rất quan trọng.
Cẩm Tú
Theo Men’s Health
Dịch sởi bùng phát được liệt vào 10 bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm
Trong số 10 dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm 2018 thì Việt Nam đã ghi nhận bùng phát các dịch bệnh các thể ngăn ngừa bởi vắc-xin như sởi, bạch hầu.
Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc sởi do không tiêm vắc-xin
Ngày 15-3, tại hội thảo khoa học về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết trong số 10 dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm 2018 thì Việt Nam đã ghi nhận bùng phát các dịch bệnh các thể ngăn ngừa bởi vắc-xin như: Sởi, bạch hầu... Ngoài ra các dịch bệnh: Viêm gan A ở Mỹ, bệnh than ở Madagascar, nhiễm E.colo từ bơ đậu nành ở vài bang của Mỹ, cúm gia cầm A/H7N9 quay trở lại Trung Quốc... là những dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất trong năm 2018.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sởi là bệnh có thể ngừa bằng vắc-xin nhưng phần lớn bệnh nhân mắc sởi nhập viện chưa tiêm vắc-xin, tại trung tâm truyền nhiễm cũng ghi nhận tới 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bệnh sởi là căn bệnh khá nguy hiểm với các đối tượng này, có thể khiến họ sinh non hoặc thai lưu. Các bác sĩ cũng lưu ý, các biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, thường gặp nhất là viêm phổi, viêm thanh quản khiến đường thở phù nề, khó thở, nguy cơ cao gây tắc nghẽn thở.
Nhiều bệnh lý nguy hiểm đe doạ sức khoẻ con người
Theo GS Kính, hiện nay do vấn đề toàn cầu hoá và biến đổi khí hậu đã làm thay đổi cơ cấu các bệnh truyền nhiễm, khiến các bệnh này có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào với mức độ nguy hiểm cao và diễn biến khó lường. Hiện Việt Nam cũng được xem là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người với hàng trăm bệnh như dại, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, viêm màng não, cúm gia cầm... Thống kê cho thấy Việt Nam có hơn 200 bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật, trong đó nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
"Có những dịch bệnh như sốt xuất huyết trước đây chỉ có tại các tỉnh phía Nam, chủ yếu ở thành phố thì nay bệnh đã xuất hiện tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, ở cả nông thôn... Bệnh tay chân miệng trước đây không có ở Việt Nam nay đã xuất hiện phổ biến ở nước ta.... Bệnh sởi, quai bị, bạch hầu... do trào lưu anti vắc-xin của một bộ phận cư dân. Các bệnh này đã được khống chế tốt với tỉ lệ tiêm chủng cao, trên 95% cư dân trong cộng đồng có miễn dịch bảo vệ thì nay quay trở lại và bùng phát như dịch sởi, các bệnh bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván..."- GS Kính nói.
Ngoài ra, trong 3 thập kỷ qua, thế giới tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm, trong đó 75% bệnh bắt nguồn từ động vật như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola... Bệnh lây truyền từ động vật sang người, sau đó lại biến đổi lây từ người sang người với mức độ ngày càng tăng và có độc tính cao khiến nguy cơ lây lan giữa các quốc gia ngày càng cao. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi có thể xâm nhập bất cứ lúc nào vào nước ta, không theo mùa, cũng chẳng có quy luật nào nên rất khó lường.
D.Thu
Theo nld.com.vn
Bộ trưởng Y tế: Dịch sởi bùng phát là do hậu quả của lỗ hổng miễn dịch từ nhiều đời cộng lại Không chỉ gây họa cho trẻ em, người trưởng thành cũng đang bị dịch sởi tấn công phải nhập viện điều trị. "Sởi gây bệnh cho nhiều nhóm tuổi như hiện nay là hậu quả của lỗ hổng miễn dịch từ 3 đời cộng lại trong cộng đồng và còn đe dọa những thế hệ sau". Đó là khẳng định của PGS.TS.BS Nguyễn...