Tiệm tóc ở TP.HCM: Khách cung cấp số mũi vaccine, đặt lịch kín 3 ngày
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu nhắn tin đặt lịch cắt tóc sau ngày 1/10. Chủ tiệm yêu cầu khách hàng cung cấp số mũi vaccine để đảm bảo an toàn khi hoạt động lại.
Ngày đầu tuần, sau khi chất đầy đồ lên xe máy, anh Chí Tâm (37 tuổi, quận 7) cùng những người đồng đội đi phát quà cho các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng “Tóc và nail ở TP.HCM”.
Công việc này đã được nhóm anh Tâm thực hiện từ đầu tháng 8 cho đến nay. Đa phần nhân viên đều đã về quê lánh dịch, gia đình anh và một vài người ở lại cùng nhau san sẻ mọi khâu từ chuẩn bị, đóng gói đến giao quà.
Sắp đến ngày thành phố mở cửa, ai cũng nôn nao. Anh Tâm đọc được tin tức qua báo chí liền nói với nhân viên của mình để chuẩn bị tinh thần mở tiệm. Chẳng mấy chốc nữa salon sẽ trở lại với không khí bận rộn, tấp nập như trước đây.
Đảm bảo an toàn khi mở tiệm
“Dù chỉ mới là dự kiến thôi nhưng mọi người đều rất vui, phấn khởi về ngày được trở lại, phục vụ khách hàng sau hơn 4 tháng phải tạm ngừng hoạt động”, anh Tâm háo hức.
Bốn tháng giãn cách trôi qua, Chí Tâm học cách thích nghi với hoàn cảnh. Từ salon tóc chuyên nghiệp, nhóm của anh chuyển sang bán bún bò và thực phẩm tươi để kiếm thêm thu nhập.
Gia đình anh Chí Tâm tham gia hỗ trợ trong mùa dịch. Ảnh: NVCC .
Trong giai đoạn nghỉ dịch, bên Chí Tâm Hair Salon mở bán một loạt evoucher trả trước với mức chiết khấu cao. Với mã phiếu này, khách hàng có thể thanh toán khi cửa tiệm hoạt động trở lại, vừa tiện lợi vừa hạn chế tiếp xúc tiền mặt trong quá trình giao dịch.
“Mỗi ngày đều có khách nhắn tin vào trang tâm sự về khó khăn khi chăm sóc tóc tại nhà. Rõ ràng ai cũng mong sớm ngày được đi cắt tóc. Biết được điều này, bên tôi thường livestream tư vấn, hướng dẫn khách khâu cơ bản để cắt, dưỡng tóc”, Chí Tâm cho biết.
“Làm sao để đảm bảo an toàn cho khách và đội ngũ nhân viên” là điều Chí Tâm luôn trăn trở. Trước ngày mở lại cửa tiệm, anh chuẩn bị sẵn xe đưa đón riêng và ăn uống cho nhân viên ngay tại salon để hạn chế di chuyển.
Video đang HOT
Đồng thời, toàn bộ đội ngũ làm việc cùng anh đều có giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc 1 mũi đủ 14 ngày. Cách 3 ngày/lần, mọi người thực hiện test nhanh. Anh Chí Tâm còn trang bị đồ bảo hộ cho nhân viên, yêu cầu 100% người trong salon phải đeo khẩu trang.
Hình ảnh giờ “cao điểm” tại salon của anh Chí Tâm trước dịch. Ảnh: NVCC .
“Salon sẽ chỉ nhận lịch hẹn của khách hàng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh và có kết quả test âm tính trong vòng 24 giờ trước lịch hẹn. Số lượng khách trong mỗi khung giờ cũng giới hạn để đảm bảo giãn cách”, quy định khắt khe mà anh Chí Tâm đặt ra.
Ngay hôm có dự kiến cho mở cửa tiệm cắt tóc, khách quen tấp nập nhắn tin đặt hẹn. Nhưng vì chưa thông báo chính thức, anh Tâm chỉ nhận thông tin từ khách và đợi Chỉ thị của TP mới dám xác nhận sau.
Khách đặt kín lịch
Ra đời được 7 năm, tiệm tóc 4RAU Barber Shop của anh Hà Hiền (30 tuổi) với 5 chi nhánh đã trở thành điểm đến quen thuộc của các bạn trẻ tại TP.HCM.
Dù khách quen hay lạ đều phải lấy số thứ tự và chờ tới lượt. Song, ai cũng hài lòng với kết quả. Đối với thời gian không phải cao điểm, 4RAU có thể phục vụ trên 300-500 khách/ngày mỗi tiệm. Chưa kể cuối tuần hoặc cao điểm, con số khách hàng tăng cao.
Trải qua 4 tháng thực hiện giãn cách, các anh em thợ của tiệm dành thời gian học hỏi, chuẩn bị cho ngày trở lại. Để đảm bảo công suất phục vụ nằm trong tầm kiểm soát, anh Hà Hiền cho biết tiệm ưu tiên nhận đặt lịch thay vì khách vãng lai.
Ngày thường, tiệm tóc của anh Hà Hiền luôn trong trạng thái đông nghẹt khách. Ảnh: NVCC .
“Tôi lấy làm tiếc khi không thể nhận hết khách trong thời điểm này. Vì có thể chỉ được phục vụ tầm 50% công suất, tiệm sẽ mở thêm giờ hoạt động”, anh bộc bạch.
Chỉ trong vài ngày khi mọi người bắt đầu bàn luận sôi nổi về bình thường mới, hộp thư tin nhắn của tiệm như muốn “nổ tung” vì quá nhiều khách muốn đặt lịch. “Cắt tóc hiện là nhu cầu thiết yếu. Tôi và các anh em rất hy vọng sớm làm việc trở lại”, anh Hà Hiền tâm sự.
Tương tự, Salon Fiberglassvn của Thanh Thư (28 tuổi, quận 1) tiết lộ tiệm tóc của mình đã nhận lịch kín 3 ngày từ 1-3/10. Chị đang nóng lòng gặp lại khách quen nhưng cũng hồi hộp chờ ngày có thông tin chính thức.
Dịch bệnh còn phức tạp, Thư chỉ nhận khách đặt trước. Ngoài thông tin gồm tên, số điện thoại, ngày giờ đến và dịch vụ cần làm, Fiberglassvn còn yêu cầu thông tin về số mũi tiêm vaccine của khách. Điều này giúp salon có thể sắp xếp lịch hợp lý, tránh đông đúc tăng khả năng lây nhiễm.
Salon tóc của Thanh Thư đã có thông báo về ưu đãi trong ngày trở lại. Ảnh: NVCC .
“Tôi luôn đặt an toàn lên hàng đầu. Nhân viên đều đeo khẩu trang, khử khuẩn toàn thân, rửa tay với cồn trước và sau khi gặp khách. Khoảng cách giữa các ghế là 2 m, mỗi phòng tối đa 6 người, tính luôn thợ và khách”, Thanh Thư cho biết.
Dọn dẹp cửa tiệm
Kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát vào cuối tháng 5/2021, TP.HCM có vài nghìn ca nhiễm và hàng trăm điểm bị phong tỏa. Quận Gò Vấp nơi anh Minh Tiến (24 tuổi) sinh sống và mở tiệm tóc là khu vực đầu tiên phát hiện chuỗi lây nhiễm cộng đồng. Ấy mà giờ đây, từng chốt đỏ chuyển sang vàng, rồi lại xanh.
Ngày 28/9, anh dậy sớm hơn bình thường. Những chiếc ghế, xe đẩy để lâu trong một xó nay được anh đem ra rửa sạch sẽ. Tiệm tóc mọi hôm tắt đèn nay tràn ngập ánh sáng.
Người dân ở TP.HCM mong chờ ngày được đi cắt tóc trở lại. Ảnh: Hair Bar Vietnam .
Chỉ còn 3 ngày nữa thôi là thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới. Và salon tóc của anh Tiến được dự kiến nằm trong nhóm những loại hình kinh doanh được hoạt động lại.
Minh Tiến không giấu nổi sự mừng rỡ. Vừa nói chuyện, anh khoe ngay việc mới sáng nay có chị khách nhắn “giữ chỗ” cho hai người. Họ muốn uốn và nhuộm tóc để chuẩn bị cho ngày đi làm.
Tiệm ở xa trung tâm, đa phần khách đều là những người quen. Những tháng gần đây, chủ nhà hỗ trợ, giảm 40% tiền thuê. Anh Tiến hy vọng mình có thể mở cửa đón khách chu đáo rồi sau đó sẽ tính đến các chương trình quảng cáo ưu đãi.
Cũng như Minh Tiến, chị Thanh Nga (32 tuổi, quận Tân Bình) tất bật dọn dẹp lại tiệm tóc cả ngày hôm nay. Vì thợ đều được cho tạm nghỉ về quê, toàn bộ mọi việc đều do hai vợ chồng chị đứng ra làm.
Thấy Nga mang đồ nghề ra sân rửa, hàng xóm chị tò mò. Một số người nói vọng ra hỏi thăm, một số còn gửi nhau số điện thoại của chị để nhắn tin đặt lịch. Họ chờ ngày tiệm tóc “khai trương” lại còn ra ủng hộ.
“Bản thân tôi đang ở nhà thuê, thu nhập phụ thuộc hết vào tiệm tóc này. Tôi chỉ muốn được làm việc trở lại, lác đác 1 khách 2 khách/ngày tôi cũng hài lòng”, Thanh Nga nói.
Vingroup xây dựng nhà máy công suất 100-200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19/năm
VinGroup sẽ xây dựng nhà máy tại Hòa Lạc (TP Hà Nội) với công suất dự kiến 100-200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19/năm.
UBND TP Hà Nội vừa phát đi văn bản cho phép 5 công trình/dự án trọng điểm cấp bách được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Dự án nhà máy sản xuất vaccine của Vingroup đặt tại Hòa Lạc (Hà Nội) là 1 trong 5 công trình/dự án đó.
Tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 trong nước do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hôm 23/7, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ báo cáo, làm rõ tiến độ, kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine trong nước thời gian qua.
5,5% dân số tại Việt Nam đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, với vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển, dự kiến các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 4/8 đến 19/8/2021.
Bộ Y tế chỉ đạo và cử nhóm chuyên gia trong nước kết hợp cùng chuyên gia WHO đến hỗ trợ cho nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu (Viện Pasteur TP.HCM - Học viện Quân y) hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các kết quả xét nghiệm tính sinh miễn dịch, hoàn thiện hồ sơ báo cáo và hồ sơ đăng ký để đệ trình các hội đồng xem xét thẩm định, dự kiến 15-20/8/2021.
Với vaccine COVIVAX do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất, ngày 27/7 sẽ có kết quả đánh giá tính sinh miễn dịch, ngày 30/7/2021 nộp báo cáo giữa kỳ để chuyển sang giai đoạn 2. Có thể xem xét triển khai gối đầu giai đoạn 3 (vào tháng 9/2021) nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu.
Về chuyển giao công nghệ, Tập đoàn VinGroup đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Hoa Kỳ. Dự kiến tháng 8/2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành thử nghiệm sẽ triển khai sản xuất tại nhà máy ở Hòa Lạc, thành phẩm sẽ có mặt trên thị trường dự kiến vào 2022.
Nhà máy dự kiến có công suất 100 đến 200 triệu liều/năm, vaccine sản xuất bằng công nghệ mRNA. Đây là công nghệ tương tự việc sản xuất vaccine Pfizer và cũng là vaccine dạng đông khô giống Pfizer, nhưng nhiệt độ bảo quản 2-8 độ C, khác với Pfizer bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (âm 75 đến âm 85 độ C).
Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 28/7, trên 307.270 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm, tổng số liều vaccine ược tiêm là gần 5.321.840 liều, trong đó tiêm mũi 1 là gần 4.825.210 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.
Theo thống kê, hiện 5,5% dân số tại Việt Nam đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, chỉ cao hơn các quốc gia châu Phi, Afghanistan, Bangladesh... So với các quốc gia lân cận, tỉ lệ người dân đã tiêm ở Việt Nam thấp hơn Campuchia (hiện hơn 40%), Thái Lan (hơn 17%), Indonesia (gần 17%)...
Bộ trưởng Y tế: 'Vaccine về đến đâu, TP.HCM cần tiêm hết đến đó' Thông qua sự cho phép của Bộ Y tế về việc tinh giản quy trình, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên trong thời gian tới. Ngày 29/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên...