Tiêm sởi miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi
Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho các trẻ dưới 71 tháng tuổi, thay vì chỉ tiêm cho các trẻ 9 và 18 tháng tuổi.
Mở rộng tiêm vắc xin sởi miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi – Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, TP đã ghi nhận hơn 3.000 ca sởi và nghi sởi tại 503/584 xã phường; 14 ca mắc sởi tử vong. Việc tiêm phòng sởi cho trẻ từ 24 – 71 tháng tuổi sẽ được triển khai trên toàn TP do các ca mắc sởi và nghi sởi xảy ra trên diện rộng, không có các ổ dịch lớn tập trung.
Tại Hà Nội, ngoài 20.000 – 25.000 trẻ (9 – 18 tháng) tiêm định kỳ hằng tháng, trong chiến dịch này ước sẽ có khoảng 70.000 – 80.000 trẻ từ 24 – 71 tháng tuổi được tiêm miễn phí vắc xin sởi.
Đối tượng tiêm trong chiến dịch này là trẻ sinh từ 1.6.2004 đến 30.4.2012 chưa đươc tiêm sởi hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng (trẻ đã được tiêm vắc xin sởi trong tháng 3 và 4.2014 sẽ không tiêm trong đợt này).
Việc tiêm sởi sẽ được thực hiện đồng loạt tại các trạm y tế xã, phường, thời gian từ 12 – 14.5 (tiêm chính thức) và 15 – 16.5 (tiêm vét). Các điểm tiêm vẫn đảm bảo không quá 50 trẻ/buổi tiêm. Mỗi điểm tiêm bố trí tối thiểu 5 nhân viên y tế, đảm bảo khám sàng lọc, tư vấn đầy đủ trước tiêm.
Liên quan đến vắc xin sởi tiêm dịch vụ (vắc xin kết hợp: sởi, quai bị, rubella, tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi) hết hàng trong các tuần qua, ông Cảm cho biết, hiện vắc xin này đã được cung cấp trở lại. Các trẻ lớn (từ 10 tuổi) không nhớ rõ lịch tiêm, người lớn chưa mắc sởi, chưa tiêm phòng sởi nên tiêm phòng. Với các trường hợp người lớn, sởi cũng có thể gây các tai biến như viêm phổi, viêm não.
Video đang HOT
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, gần đây, mỗi ngày Hà Nội vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc sởi và nghi sởi mới. Hiện vẫn còn nhiều trẻ mắc sởi tai biến nặng đang điều trị tại một số bệnh viện, dự báo các ca mắc sởi tử vong sẽ chưa dừng lại.
Liên Châu
Theo TNO
Sắp có thuốc chữa sởi
Các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công một loại thuốc mới trên chồn sương bị nhiễm virus CDV, loại virus tương tự như sởi.
Đây là nghiên cứu quốc tế mới công bố trên tạp chí Translational Medicine. Các chuyên gia cho biết, CDV là loại virus nguy hiểm đối với loài chồn, khiến những con bị mắc bệnh có thể chết trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tất cả con chồn sương được sử dụng thuốc sau 3 ngày bị lây nhiễm đã sống sót và virus bị loại trừ hoàn toàn khỏi cơ thể.
Mặc dù cần nghiên cứu thêm trước khi thuốc được thử nghiệm trên người, nhưng nếu thành công, loại thuốc này có thể giúp diệt trừ sởi bằng cách giảm sự lây lan của nó trong các vụ dịch tại địa phương.
Trong tương lai, các loại thuốc uống kháng virus mới này có thể được sử dụng để điều trị cho những người tiếp xúc với bệnh sởi, chẳng hạn gia đình hay bạn bè của một bệnh nhân sởi. Điều này giúp duy trì hạn chế sự lây lan của virus.
Một loại thuốc mới có thể giúp giảm sự lây lan của bệnh sởi. Ảnh minh họa: Flickr.
Ông Ian Barr, Trung tâm Tham khảo và nghiên cứu về cúm hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong khi các loại thuốc chống virus vẫn đang được phát triển thì số được đưa ra thị trường thực sự còn thấp. "Nhiều loại thuốc kháng virus có thể thành công trong việc ức chế sự phát triển của virus, nhưng các tác dụng phụ khiến chúng bị loại bỏ", ông Barr nói.
Ông nhấn mạnh rằng, với loại thuốc mới, ngoài việc xác định hiệu quả của thuốc trên người nhiễm sởi, các nhà nghiên cứu cũng cần khắc phục các vấn đề kháng thuốc. Khi virus kháng thuốc, thuốc luôn có nguy cơ trở nên vô tác dụng.
Sởi quay trở lại
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sởi vẫn là một trong số nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ, mặc dù đã có văcxin ngừa bệnh an toàn và hiệu quả. Virus sởi rất dễ lây lan trong không khí qua đường hô hấp, ho và hắt hơi. Nếu ở cùng không gian với người bị sởi, 90% người không có miễn dịch sẽ nhiễm bệnh. Để bảo vệ khỏi bệnh này, 95% dân số cần được tiêm chủng để cung cấp miễn dịch.
Lyn Gilbert, giáo sư lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm tại ĐH Sydney (Australia) cho biết, sởi đã được ngăn chặn, nhưng gần đây tái xuất, nhất là ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia, nơi có tỷ lệ tiêm ngừa cao.
Năm 2010, hơn 30.000 trường hợp mắc sởi được báo cáo dọc các nước châu Âu - nơi trước đây bệnh đã được kiểm soát, 21 ca tử vong liên quan tới sởi. Năm 2012, ước tính 122.000 người chết vì sởi trên toàn cầu, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi.
Giáo sư Gilbert cho rằng có một số lý do gây tái xuất hiện bệnh sởi, bao gồm:
- Giảm tỷ lệ tiêm văcxin.
- Tỷ lệ du lịch cao tới các quốc gia nơi bệnh sởi vẫn phổ biến.
- Nỗi sợ hãi và quan niệm sai lầm về văcxin MMR ngừa sởi.
- Trẻ di cư, từ các nước có tỷ lệ tiêm ngừa thấp.
Giáo sư Michael Wise, chuyên gia sinh học tại ĐH Western Australia, cho biết nếu được đưa vào sử dụng, loại thuốc mới sẽ không ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm văcxin sởi ở các nước đang phát triển. Tại các nước đã phát triển, thuốc có thể cung cấp cho những người không tiêm ngừa.
Giáo sư Gilbert cho rằng, giá trị chủ yếu của thuốc là giúp những người không tiêm chủng vì lý do nào đó. "Chúng ta vẫn cần tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao - việc cần thiết để chống lại không chỉ sởi mà cả rubella và quai bị cũng như các bệnh trẻ em có thể mắc trong thời thơ ấu", ông nói.
Vương Linh (theo Livescience.com)
Những lưu ý khi tiêm vắcxin ung thư cổ tử cung Mới đây một thiếu nữ đã tử vong sau tiêm vắcxin phòng ung thư cổ tử cung tại TP.HCM và Bộ Y tế cũng đã có kết luận về trường hợp này. Dưới đây là những lưu ý trước khi tiêm phòng vắcxin ung thư cổ tử cung. Theo các bác sỹ sản khoa, phương pháp tiêm vắcxin sẽ phòng bệnh bằng cách...