Tiêm filler dễ dãi, tai biến ngày càng tăng
Trước tình hình việc mua và tiêm filler khá dễ dàng như hiện nay, không khó để giải thích vì sao số ca tai biến do tiêm filler ngày càng tăng đáng kể.
Trong những năm gần đây, các bệnh viện liên tục tiếp nhận và xử trí rất nhiều trường hợp tai biến do tiêm filler, đặc biệt có nhiều ca nặng phải nhập viện điều trị.
Họa từ “thẩm mỹ vỉa hè”
PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt – tạo hình – thẩm mỹ (BV Việt Đức) cho biết, thời gian qua khoa tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do nâng ngực bằng filler (chất làm đầy), bơm mỡ nhân tạo, phổ biến nhất là thủng lỗ dò ở mũi, ngực do quá trình vô trùng không tốt khi tiêm, một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí. Trường hợp mới nhất là bệnh nhân nữ 32 tuổi được các nhân viên một spa ở Long Biên, Hà Nội tư vấn tiêm chất làm đầy (filler) để nâng ngực.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con, ngực của chị bị chảy sệ, teo tóp nên rất tự ti. Qua tìm hiểu chị đến một cơ sở thẩm mỹ để được tư vấn nâng cấp vòng 1. Tuy nhiên, thay vì gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phù hợp thì tại cơ sở, người tư vấn cho chị lại chỉ là nhân viên chăm sóc khách hàng. Vì vậy, lời khuyên chị nhận được là nên tiêm filler để có dáng ngực tự nhiên. Bệnh nhân cũng cho biết, ngay sau tiêm, chị khá hài lòng về vòng 1 của mình khi kích cỡ ngực tăng thêm khoảng 30%, tròn đều tự nhiên. Tuy nhiên, được 3 ngày, chị phát hiện hai bên ngực có dấu hiệu sưng đau. Khi hỏi lại cơ sở thẩm mỹ, nhân viên trấn an chị rằng đây chỉ là phản ứng rất bình thường, sẽ hết sau vài ngày.
Đến ngày thứ tư, ngực chị sưng to gấp đôi bình thường, đỏ lựng, chực chờ như sắp vỡ. Hốt hoảng, chị đến một cơ sở thẩm mỹ khác để tư vấn, được bác sĩ đục lỗ thoát dịch nhưng tình trạng sưng, đau không giảm. Khi đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện lỗ dò ở ngực của bệnh nhân vẫn đang chảy mủ liên tiếp. Qua chụp chiếu, bác sĩ xác định bệnh nhân may mắn khi filler chỉ được tiêm khu trú ở lớp mỡ dưới da. Ngoài ra, kết quả cấy mẫu mủ phát hiện, bệnh nhân bị nhiễm một loại vi khuẩn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh do trong quá trình tiêm filler không đảm bảo vô trùng. Để điều trị, ngoài dùng kháng sinh, bệnh nhân được nhân viên y tế nặn ép mủ 2 lần/ngày. Đến ngày thứ 8, ngực bệnh nhân đỡ sưng hơn, dịch chảy ít hơn và sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện.
Theo các bác sĩ, những ca có biến chứng sau điều trị vẫn cần theo dõi thời gian dài. Đáng lưu ý, đến giờ bệnh nhân vẫn không hề hay biết mình được tiêm loại filler nào, xuất xứ từ đâu.
Nạn nhân do tiêm filler làm đầy tại cơ sở không có chuyên môn.
Nghiện tiêm filler bất chấp hậu quả
Video đang HOT
Theo PGS.TS. Đỗ Quang Hùng, Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, filler hay còn gọi là chất làm đầy, có vai trò điều trị các vùng thiếu hụt thể tích như rãnh mũi má, hõm mắt hoặc tạo hình đường nét khuôn mặt như nâng mũi, tạo cằm thon… Việc điều trị filler đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ đã được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt, đặc biệt là hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới. Và nơi thực hiện phải là cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật tiêm chất làm đầy, sử dụng sản phẩm chất làm đầy rõ thành phần, nguồn gốc.
Dù các bác sĩ đã liên tục cảnh báo về những biến chứng nguy hiểm trong việc làm đẹp từ những cơ sở làm đẹp không được cấp phép, nhưng nhiều người vẫn bất chấp để làm đẹp tại những cơ sở này thông qua giới thiệu từ người quen hoặc quảng cáo trên trang mạng xã hội. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ ngày càng tăng.
Lời khuyên của chuyên gia thẩm mỹ
Để tránh những hệ lụy do phẫu thuật thẩm mỹ hỏng gây ra, PGS.TS. Đỗ Quang Hùng khuyên rằng, mỗi người thực hiện thẩm mỹ, dù là nam hay nữ giới nên sáng suốt lựa chọn cho mình cơ sở y tế có uy tín và bác sĩ có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình. Đặc biệt, đối với những trường hợp thẩm mỹ cần gây mê toàn thân như tạo hình thành bụng, căng da mặt… thì cần đến cơ sở y tế có các chuyên khoa sâu như cận lâm sàng, hồi sức cấp cứu, gây mê… để được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước khi phẫu thuật, được gây mê an toàn cũng như được xử trí kịp thời những tai biến có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.
Hà Đăng
Theo suckhoedoisong.vn
Những đôi môi sưng 'siêu to, khổng lồ' vì tiêm filler giá rẻ, coi xong sợ đến già
Nhiều người phải gánh hậu quả là cặp môi khổng lồ, sưng phồng, thiếu cân đối với khuôn mặt chỉ vì tiêm filler giá rẻ.
Việc lạm dụng phương pháp phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ để có được những đôi môi "nhân tạo" quyến rũ khiến nhiều người phải gánh hậu quả là cặp môi khổng lồ, sưng phồng, thiếu cân đối với khuôn mặt.
Một nhóm 7 người phụ nữ sống tại bang Arizona, Mỹ đã được chẩn đoán nhiễm trùng môi sau khi tiêm chất làm đầy. Thậm chí, các bác sĩ cũng không chắc chắn môi của họ có thể lành lặn trở lại hay không và khả năng sống chung cùng những vết sẹo là rất cao.
Vào đầu tháng 8, nhóm này đã có những cuộc hẹn riêng biệt tại nhà của một người có tên Gabby Acosta để tăng size cho đôi môi thêm gợi cảm, quyến rũ. Gabby Acosta khẳng định cô được cấp phép đầy đủ và còn cho xem hình ảnh của những khách hàng trước đó để họ thêm tin tưởng. Trong khi các bác sĩ tính giá khoảng 620 USD (14.500.000 đồng) cho một ml filler thì người này chỉ thu 80 USD (khoảng 1.900.000 đồng).
Tuy nhiên, điểm chung ở cả 7 người phụ nữ là chỉ sau vài giờ tiêm filler, môi của họ bắt đầu sưng phồng, chảy mủ. Alexandra Garaventa - một trong 7 bệnh nhân cho biết: "Cô ấy nói rằng cô ấy có chứng chỉ bơm môi và cũng bởi tôi đã nhìn thấy đôi môi của các khách hàng trước đó nên mới quyết định làm đẹp cho bản thân. Sau khoảng một giờ, môi của tôi sưng to bất thường".
Một người từng tiêm filler khác cũng khẳng định: "Cơn đau sau đó rất kinh khủng, tôi thậm chí không cảm nhận được môi của mình luôn".
Tất cả những người này sau đó đã tự đến bệnh viện khi thấy môi ngày một sưng to, đau đớn. "Chúng tôi chưa thể khẳng định được họ có kết quả tốt hay xấu", một nhân viên y tế cho biết. Sở cảnh sát địa phương đã được thông báo về vụ việc và đang tiến hành điều tra.
Cả 7 người đều được chẩn đoán nhiễm trùng môi và chưa thể kết luận có hồi phục hoàn toàn hay không.
Hiện nay, việc tạo hình môi bằng chất làm đầy (filler) rất phố biến trên toàn thế giới. Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng trên thế giới đều sử dụng kỹ thuật tiêm filler để giúp có được một đôi môi dày căng mọng và quyến rũ hơn. Riêng giới trẻ ở Châu Á, đặc biệt là ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam... thường thích tiêm filler để tạo hình môi trái tim, hạt lựu, môi cười, còn phụ nữ trung niên thường thích môi dày, căng mọng, vì dáng môi phụ nữ Châu Á thường mỏng, chỉ có thể nhờ cậy chất làm đầy mới có được dáng môi như ý muốn. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua nhan sắc ấy vẫn có những trường hợp ngoại lệ, không phải ai cũng có được đôi môi quyến rũ như ý mà thay vào đó là những đôi môi... thảm họa.
Trước đó trên mạng xã hội nhiều người cũng phản ánh hậu quả của việc tiêm chất làm đầy môi, để lại những di chứng không đáng có trên khuôn mặt. Tuy không thể nói mọi người đừng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng hãy thận trọng và tìm nơi uy tín để thực hiện, đừng ham làm đẹp với giá rẻ.
"Thẩm mỹ không giống như là khi bạn đi làm một cái gì đấy chắc chắn. Ngay cả các bác sĩ đầu ngành cũng sẽ nói với bạn rằng có khoảng 1-2% rủi ro, bởi ai cũng có cơ địa riêng của họ. Tác hại của tiêm môi tại các cơ sở không uy tín cái đầu tiên có thể thấy ngay đó là dáng môi sau tiêm thường rất giả, cứng, không phù hợp với khuôn mặt, hoặc thậm chí kéo tất cả đường nét trên khuôn mặt đi xuống. Chưa kể đến, chất làm đầy được tiêm vào môi chưa được kiểm chứng chất lượng".
Cũng theo các bác sĩ, nhóm filler giá thành rất cao, 1cc khoảng 5-7 triệu đồng tùy theo thương hiệu. Vì vậy nếu các cơ sở thẩm mỹ sử dụng đúng chất liệu này thì sẽ không có biến chứng gì đáng ngại, còn có đôi môi đẹp là phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ thẩm mỹ.
Tuy nhiên, do một số chị em phụ nữ ham rẻ lại đến các cơ sở thẩm mỹ không uy tín để tiêm môi. Do giá thành của nhóm filler như juvederm, Restylane, Teoxane, Prevelle ...rất cao nên các cơ sở trên đã dùng chất liệu là silicon (thường được gọi là mỡ nhân tạo) đã bị cấm sử dụng từ lâu để tiêm cho khách hàng, hậu quả sẽ để lại rất nhiều biến chứng như: môi bị đóng cục, hoại tử, nhiễm trùng, biến dạng môi, v.v.. khi đó khách hàng sẽ phải đến bác sĩ thẩm mỹ để phẫu thuật lấy bỏ silicon và tạo hình lại môi rất tốn kém. Và có những trường hợp biến dạng môi do biến chứng silicon không thể nào khắc phục lại như đôi môi ban đầu.
Mọi người cần cẩn trọng khi đưa bất cứ thứ gì vào cơ thể và cả việc ai làm điều đó nữa, ngay cả khi không dùng đến dao kéo, nó cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây bầm tím, nhiễm trùng... Hãy tìm hiểu kỹ loại filler bạn đưa vào người và thực hiện tại những cơ sở uy tín".
San San
Theo saostar.vn
Bảy phụ nữ bị nhiễm trùng môi sau khi tiêm chất làm đầy rẻ tiền Bảy phụ nữ ở Arizona (Hoa Kỳ) bị nhiễm trùng phần môi gây đau đớn sau khi trải qua quá trình thẩm mỹ, tiêm chất làm đầy môi tại một cơ sở tư nhân. Những người phụ nữ sống tại Arizona đang phải chịu đau đớn do tiêm chất làm đầy môi giá rẻ cho hay, họ đã hẹn một người phụ nữ...