Tiệm cầm đồ ‘hốt bạc’ mùa Euro
Mới gần một tuần diễn ra Euro, hầu hết mặt bằng của các tiệm cầm đồ ở TP HCM đều kín chỗ để “hàng”. Do khách ra vào tấp nập, đa số tiệm mở cửa đến quá nửa đêm, thậm chí phục vụ 24/24h.
Sáng 13/6, mới hơn 8h, tiệm cầm đồ trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, đã có khách vào ra liên tục. Hai thanh niên trên 2 xe máy cập cửa tiệm. Sau một lúc trao đổi, chiếc Air Blade đã được “cắm”. Nam thanh niên leo nhanh lên yên xe bạn, cả hai phóng vù đi.
Một người đàn ông khoảng 40 tuổi, gương mặt mệt mỏi cũng vừa chạy xe đến. Lấy sợi dây chuyền vàng đưa cho chủ tiệm, ông uể oải ký vào biên nhận rồi cầm xấp tiền mỏng mệnh giá 50.000 đồng bỏ vào túi rời tiệm.
Lâm, “cò” ôtô và là khách quen mặt tại tiệm này cho biết, các tay cá cược bóng đá thường chọn tiệm cầm đồ để cắm lại “hàng” cho nhanh và thuận tiện. Mức lãi suất ngày thường phổ biến 5-7%, nhưng vào mùa Euro hay World Cup sẽ tăng gấp 2-3 lần. Vì vậy, đa số tiệm đều ghi trong biên lai giao dịch “mức lãi suất thỏa thuận”, không ghi con số cụ thể để dễ bắt chẹt khách cần tiền.
Tiệm cầm đồ luôn đông khách và mặt bằng kín mít không còn chỗ để chứa hàng thế chấp trong mùa Euro. Ảnh: H.C.
Dọc các con đường Hoàng Hoa Thám, Cách Mạng Tháng Tám (Tân Bình), Bắc Hải (quận 10), Xô Viết Nghệ Tĩnh, D1, Ung Văn Khiêm, Võ Văn Ngân (Thủ Đức) đều có không dưới chục tiệm kinh doanh loại dịch vụ này. Trong đó rất nhiều tiệm hoạt động suốt đêm.
“Bình thường mỗi ngày chỉ lác đác vài món hàng, thậm chí có ngày không có khách. Nhưng dịp Euro thì quá chừng người đem “cắm” đồ, nhiều nhất là laptop và xe máy. Có ngày tôi nhận cầm đến cả ba chục cái, nhiều người còn mang cả giấy tờ nhà, đất ra thế chấp”, chủ một tiệm cầm đồ trên đường Bắc Hải cho biết.
Chủ tiệm trên đường D1 tính toán khi vào vòng đấu loại trực tiếp thì lượng khách cầm đồ sẽ đông nhất. Bởi đó là thời điểm các trận đấu đang ít dần, những tay cá độ tranh thủ tận dụng cơ hội cuối để gỡ gạc. “Mấy vòng đầu người nằm kèo trên đều thua hết nên lượng xe cộ, đồ đạc mang đến tiệm khá nhiều. Mai mốt vào vòng trong không khí còn nóng hơn. Chắc chúng tôi phải xoay thêm tiền làm vốn. Cái nghề này chỉ trông vào mùa bóng đá thôi”, ông chủ tiệm chia sẻ.
Ghi nhận của VnExpress.net, mới gần một tuần Euro diễn ra, hầu hết mặt bằng các tiệm cầm đồ kín chỗ để “hàng”. Tiệm nào cũng cả chục xe máy từ tay ga đến xe số, chưa kể điện thoại và laptop trong tủ kính. Nhiều tiệm đã không còn mặt bằng để chứa đồ đã phải mướn thêm kho ở nhà lân cận. “Riêng trận Hà Lan thua Đan Mạch, tiệm chúng tôi đã bỏ ra ngót trăm triệu cho khách cầm đồ”, bà chủ tiệm trên đường Cách Mạng Tháng Tám hồ hởi nói.
Đa số các tiệm vào thời điểm này hoạt động 24/24h để phục vụ khách hàng. 11h đêm 12/6, trước thời điểm trận Anh – Pháp diễn ra, các tiệm trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh vẫn khá đông khách hàng vào giao dịch.
Video đang HOT
Một địa điểm khá “nóng” trong mùa Euro này là khu làng ĐH Thủ Đức. Đây là điểm tiếp giáp giữa quận Thủ Đức (TP HCM) và tỉnh Bình Dương với hàng chục nghìn sinh viên đang sinh sống và học tập.
Chiều 12/6, vẻ mặt chán nản, nam sinh viên mang áo trường Khoa học Tự nhiên cùng người bạn chạy xe biển Bến Tre tấp vào tiệm cầm đồ gần trường. “Máy này cũ rồi, chắc giá 2 triệu, bảo đảm không có chỗ nào cầm hơn đâu. Mỗi ngày 12.000 đồng tiền lãi, một tháng không chuộc thì thanh lý”, chủ tiệm giọng chắc nịch nói với cậu sinh viên.
Trong khi đợi viết biên nhận, chàng trai quay sang càm ràm với người bạn đi cùng: “Thằng Hà Lan năm nay đá như cám, không thì tao đâu có mất 5 chai, cầu cho nó bị loại luôn đi cho rồi. Tưởng ăn chắc ai ngờ… Giờ phải cắm cái laptop làm vốn gỡ rồi chuộc lại chứ biết sao bây giờ”.
Một “phố cầm đồ” trên đường Bắc Hải, quận 10, TP HCM. Ảnh: H.C.
Theo một chủ tiệm cầm đồ tại đây, khu vực này khách đa phần là sinh viên nên hàng “cắm” phần lớn là điện thoại, laptop, thậm chí là cả thẻ sinh viên. Họ chấp nhận cầm thẻ vì nhiều trường buộc phải có thẻ mới được vào, thi kiểm tra cũng cần xuất trình thẻ… nên nó khá quan trọng với sinh viên.
Thông thường, thẻ sinh viên có giá trị thế chấp 200.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, đối với sinh viên trường an ninh, cảnh sát thì giá cao hơn, có nơi cầm đến 2 triệu đồng bởi thẻ những trường này “giá trị” hơn, nếu bị nhà trường phát hiện sẽ bị kỷ luật rất nặng, thậm chí đuổi học. Vì thế những người dám mang thẻ đi thế chấp thường là cán bộ ở tỉnh được cử đi học chuyên tu.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP HCM có hơn 2.000 tiệm cầm đồ hợp pháp. Song, theo một cán bộ công an, vào mùa cao điểm bóng đá như Euro, World Cup… nhiều tiệm không phép cũng mọc lên theo kiểu thời vụ để tranh thủ “ hốt bạc” vì nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, trên mạng cũng xuất hiện nhiều trang web cầm đồ online, tất cả đều quảng cáo “bảo đảm lãi suất thấp nhất, uy tín”…
Theo VNExpress
"Cò" giao thông "hốt" bạc triệu mỗi ngày
Đội ngũ "cò" không chỉ hoạt động công khai tại một số trụ sở các đội cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông trên địa bàn các quận, huyện mà ngay cả cơ quan quản lý hành chính chuyên ngành.
PV Nguoiduatin.vn bắt gặp "cò" ngang nhiên hoạt động và chèo kéo khách tại các cơ quan này.
"Cò" tại Sở KH&ĐT Hà Nội
"Cò" hành chính
Có mặt tại trụ sở Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội (phố Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội), PV Nguoiduatin.vn không khỏi ngỡ ngàng bởi tình trạng ngang nhiên chèo kéo của một vài "cò" ở đây. Vừa gửi con "trâu sắt" của mình vào bãi trông giữ xe trước cổng rồi vờ hỏi bộ phận làm thủ tục đăng ký kinh doanh của Sở nằm ở chỗ nào, một trong hai nhân viên trông giữ xe kiêm "cò" ở khu vực này tỏ ra tận tình chỉ giúp: "Cậu cứ đi vào cổng, đi thẳng tầng 1 sẽ có bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh nằm trong đó. Nếu không biết vào đó hỏi tiếp người ta sẽ chỉ cho".
Chưa kịp tiếp lời, "cò" này bồi tiếp: "Cậu vào đó làm thủ tục, đã tìm hiểu gì về các thủ tục đăng ký kinh doanh chưa, chưa biết bọn này hướng dẫn cho". Vừa nói "cò" này vội rút tấm card visit của Tập đoàn tư vấn và đầu tư L.V gí vào tay PV và không quên gọi đồng nghiệp lại gần để dẫn PV sang phía bên kia đường vào trụ sở văn phòng tập đoàn tư vấn đầu tư L.V.
Chúng tôi được một người phụ nữ gần 30 tuổi nhiệt tình đón tiếp. Sau vài câu hỏi thăm xã giao, nhân viên tư vấn ở đây đi thẳng vào vấn đề: "Anh định thành lập doanh nghiệp loại gì, trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần? Nếu công ty cổ phần phải có 3 thành viên trở lên. Ngành nghề anh định kinh doanh là gì, tổng vốn ra sao? Anh có đem theo bản phô tô chứng minh thư, hộ khẩu của các thành viên ở đây chưa để em làm hợp đồng luôn".
Tỏ ý phân vân về các thủ tục, người phụ nữ này nhấn mạnh, anh không phải lo, đã có chúng em làm trọn gói từ việc làm các hồ sơ hành chính, thủ tục theo quy định cho đến lúc xong việc (kết thúc hợp đồng khách sẽ được bàn giao giấy đăng ký kinh doanh, con dấu đỏ, phiếu đăng ký mẫu dấu do bên công an cấp, mã số thuế) với tổng mức giá là 2.500.000 đồng. Vừa nói chị này với tay lấy tờ giấy ghi thông tin của khách hàng rồi cho biết thêm, mọi giấy tờ bên em lo hết, kể cả chứng minh thư, hộ khẩu nếu anh chưa công chứng thì đưa bên em làm luôn. Tóm lại anh không phải làm bất kì cái gì, từ khi ký hợp đồng trong khoảng thời gian từ 5 - 7 ngày sẽ bàn giao mọi giấy tờ.
Trước thắc mắc của PV, làm ở trong Sở Kế hoạch & Đầu tư có tổng mức giá chưa đến 1.000.000 đồng mà làm ở đây lên những 2.500.000 đồng thì nữ nhân viên này giải thích: "Làm trong đó rẻ thật nhưng họ yêu cầu làm nhiều thủ tục, anh không biết mà chạy theo những yêu cầu của họ thì có làm mãi cũng không xong. Đằng này chỉ phải bỏ ra ít phí, anh vừa tiết kiệm được thời gian lại đỡ mua sự phức tạp vào người. Đồng ý em sẽ làm hợp đồng, nể lắm em cũng chỉ giảm cho anh còn 2.300.000 đồng"(?!).
"Cò" đăng ký xe "hái" ra tiền
Tại điểm làm thủ tục đăng kí xe máy của quận H, mặc dù trước cổng ra vào trụ sở có dán bảng thông báo nội quy rõ ràng như khách đến đăng kí xe phải cho xe vào trong sân: Chỉ tiếp nhận hồ sơ chính chủ hoặc của người được uỷ quyền Nghiêm cấm tụ tập trước cổng cơ quan, chèo kéo khách...
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, PV Nguoiduatin.vn cũng không khó khăn trong việc tiếp cận "cò" ở khu vực này. Lấy cái mác mới "tậu" cho mình một chiếc xe mới, mong sao kiếm được cái biển ưng ý. Tôi quyết định "nhờ cậy" người trông giữ xe của chính cơ quan này hỏi cho mình 1 chiếc BKS có 2 số kép ở cuối, tính 5 số ra tổng 8.
Vừa nghe xong, người trông giữ xe tỏ vẻ nhíu mày, những số dãy 66, 88, 99 khó lắm, chỉ thuộc hàng quen biết "khủng" mới lấy được. "Thế không còn số nào khác à?" - Tôi đưa ra số thấp hơn nhưng vẫn tổng 8, người này mới đồng ý vào trong trụ sở cơ quan hỏi xem thế nào. Chưa đầy 2 phút sau người bảo vệ này ra thông báo: Vào hỏi trực tiếp cán bộ trực ban trong đó.
Theo chỉ dẫn, tôi vào gặp vị cán bộ mặc trang phục của ngành đang ngồi ở sân, vừa thấy tôi vào vị này hất hàm vào bên trong phòng trực rồi hỏi: "Anh muốn lấy BKS đó à, cho số điện thoại liên lạc, để hỏi xem có không, có gì tối thông báo".
Vừa chia tay vị cán bộ, ra ngoài gặp lại người trông xe vồn vã hỏi: "Được việc không, được thì nhớ cho xin tí lộc nhé". Tiếp tục dò hỏi tại quán nước cạnh trụ sở đăng ký này, tôi được 2 "cò" ở đây dẫn dắt. Theo "cò" tên L cho biết, bây giờ lấy biển đẹp khó lắm, phải hỏi xem biển đó có còn hay không?
Khi biết tôi đã nhờ vị cán bộ phía bên trong, "cò" L nhấn mạnh: "Đã nhờ rồi còn hỏi làm gì, thế họ bảo có lấy được không?". Tôi trả lời, họ bảo để hỏi đã, có gì tối thông báo. Vừa nghe đến đó, "cò" nữ ngồi bên cạnh lên tiếng: "Thằng N bảo vệ biết cái gì, ông vào hỏi xem sao?". Sau khoảng gần 10 phút vào trong dò hỏi thông tin, L quay ra phán: "Có biển đó, giá 3 triệu đồng. Đồng ý làm thì về lấy xe ra đây!". Qua câu chuyện, biết tôi chưa nộp lệ phí trước bạ, "cò" nữ bảo: "Đưa thêm 100 ngàn đồng, về lấy giấy tờ ra đây chị đi nộp phí trước bạ cho. Chỉ việc ngồi chơi uống nước một lúc sẽ có đầy đủ theo yêu cầu. Mà khi vào lấy biển số cũng không nên rập biển trong đó làm gì, trong đó họ làm những 100.000 đồng, ra ngoài này bọn chị làm chỉ có 70.000 đồng, giá rẻ chán?!".
Lấy lý do cuối giờ chiều về nhà lấy giấy tờ không kịp, để mai mang xuống làm sau. Thế nhưng, chưa kịp để sáng hôm sau mà ngay tối đó, "cò" L đã gọi điện giục: "Có lấy thì sáng mai xuống sớm. Xuống muộn anh không bảo đảm biển đó còn không đấy". Vừa nghe điện thoại của "cò" L được khoảng 30 phút, tôi tiếp tục nhận được điện thoại của vị cán bộ tên N cho biết: "Em đã hỏi cho anh rồi, biển đó giá 2 triệu đồng. Hết chiều nay gần tới số đó rồi, sáng mai anh xuống sớm, xuống muộn, biển không còn, em không chịu trách nhiệm đâu đấy?!".
Không chỉ đội ngũ "cò" ăn theo thủ tục đăng ký xe mà còn "bám" chặt tại trụ sở các đội CSGT nhằm chèo kéo khách bằng cách xin đi nộp phạt thay với mức phí theo thoả thuận. Trong một lần trực tiếp PV đi nộp phạt hộ người quen ở Thanh Hoá ra Hà Nội vi phạm lỗi đi sai làn đường bị Đội CSGT đóng tại chân cầu vượt Mai Dịch lập biên bản.
Đúng hẹn PV mang biên bản đến, khi vừa bước chân vào cổng đội đã được đội ngũ "cò" ở đây dẫn dắt: "Em đi nộp phạt à, để anh đi nộp thay cho. Chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng, em không cần đi, chỉ ngồi uống nước anh sẽ mang về tận nơi, đỡ tốn công đi lại. Tự đi không cẩn thận lại bị phạt lần nữa thì khổ?". Không thấy PV nói gì, một "cò" nộp phạt nói với theo: "Vào làm thủ tục, có vấn đề ra đây anh giúp cho nhé".
Sau khi vào phòng góc trái, tầng 1 của đội cảnh sát này, mặc dù trong phòng không có người nộp phạt và có 2 cán bộ cảnh sát tiếp nhận những người đến làm thủ tục nộp phạt nhưng PV cũng phải đợi mất 10 phút mới được cán bộ chiến sĩ ở đây tiếp và ghi biên lai số tiền nộp phạt mà không nói gì hay hướng dẫn người vi phạm địa điểm nộp phạt ở đâu. Cố hỏi thăm, PV nhận được câu trả lời: "Đến số 2 Nguyễn Cơ Thạch nộp, địa điểm ghi rõ ở trên bàn mắt để đâu mà không thấy à?". Ra khỏi phòng, hỏi thăm đường đến địa điểm nộp tiền vào kho bạc, một "cò" lên tiếng: "Chỗ nộp phạt xa lắm, tốt nhất để anh đi nộp cho. Có 50.000 đồng tiếc rẻ làm gì cho mệt hả em?".
Nguyễn Thanh M, một "cò" chuyên nghiệp lâu năm, nhà ở gần một đội cảnh sát giao thông trên địa bàn Hà Nội tỏ ra ngán ngẩm: "Trước đây đội CSGT này chưa đứng ra nhận quán xuyến việc nộp phạt hộ người vi phạm thì tôi còn có đất dụng võ, có miếng ăn miếng để. Ngày ít bù ngày nhiều cũng được khoảng 30 - 40 trường hợp, vị chi cũng kiếm được 1,5 - 2 triệu đồng/ngày. Kể từ khi đội thay đổi cách thức thu khiến tôi "móm" dài".
Hóa ra, trong quy trình xử phạt có một điểm mới mà với phương châm thu này những người vi phạm sẽ rất thuận tiện. Họ được những cán bộ chiến sĩ của đội viết biên bản vi phạm, áp lỗi vi phạm rồi quy ra số tiền cần nộp. Cứ như vậy, người vi phạm chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng sẽ được các chiến sĩ của đội đi nộp thay. Thậm chí có nhiều trường hợp, được đội trả giấy tờ xe trước, còn bao giờ đến hạn nộp phạt vào kho bạc nhà nước sẽ có người khác lo?
Theo NDT
Bắt châu chấu kiếm 60 triệu đồng/tháng Tưởng chừng bắt châu chấu là nghề vất vả và thu nhập thấp. Tuy nhiên với nhu cầu thức ăn cho chim ngày càng tăng cao, những người làm nghề này đang hốt bạc với thu nhập 60 triệu đ/tháng. Bất chấp kinh tế khó khăn, chưa khi nào phong trào chơi chim tại thủ đô Hà Nội lại nở rộ như hiện...