Tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo
Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hòa, BĐBP Bình Phước còn tích cực giúp đỡ người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn biên giới.
Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hòa thăm mô hình chăn nuôi dê của một hộ gia đình trên địa bàn do đồn hỗ trợ con giống. Ảnh: Thành Chung
Thượng tá Trần Xuân Nhã, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Hòa cho biết: “Đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 12,4km đường biên giới, nằm trên địa bàn xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Đây là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thanh Hòa xác định nhiệm vụ giúp dân ổn định, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, đơn vị đã cử cán bộ có kinh nghiệm bám sát địa bàn, đánh giá thực trạng đời sống từng hộ dân để tìm định hướng phát triển”.
Qua tìm hiểu, những hộ nghèo trên địa bàn đều gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất, muốn phát triển chăn nuôi nhưng thiếu vốn đầu tư. Chính vì vậy, nhằm giúp đồng bào nghèo phát triển kinh tế, đơn vị đã xây dựng các mô hình kinh tế, vận động mạnh thường quân hỗ trợ vốn sửa chữa nhà ở, tặng cây trồng, con giống cho người dân… Trong đó, mô hình bò giống, dê giống giúp người nghèo biên giới bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Theo Đại úy Lương Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thanh Hòa, dê là loài vật dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, ít dịch bệnh. Mỗi năm, dê đẻ 2 lứa, lứa đầu đẻ 1 con, nhưng đến lứa thứ hai trở đi đẻ từ 2 đến 3 con. Dê con nuôi từ 3 đến 6 tháng, có trọng lượng 20-30kg là có thể bán. Thức ăn cho dê dễ tìm như lá keo, các loại rau cỏ, vì thế, không tốn quá nhiều chi phí thức ăn. Ngoài ra, phân dê có tác dụng giúp cây phát triển tốt, cải tạo đất, chống được dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, có thể dùng để bón cho các cây trồng khác.
Bò giống mà đơn vị lựa chọn để hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn là giống bò lai Sind. Đây là giống bò lai to lớn, có khả năng kháng ve và các bệnh kí sinh trùng đường máu, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương. Trung bình 1 con bò sau khi nuôi khoảng 2 năm sẽ bán được trên thị trường với giá hơn 30 triệu đồng. Mặc dù nuôi bò vốn đầu tư lớn, nhưng thời gian quay vòng vốn nhanh, ít rủi ro, lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác, kỹ thuật nuôi đơn giản và phù hợp hầu hết với các hộ chăn nuôi.
Từ năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Thanh Hòa đã hỗ trợ 3 cặp dê giống cho 3 hộ nghèo với trị giá 12 triệu đồng, hỗ trợ 3 con bò giống cho 3 hộ nghèo tại xã Thanh Hòa. Không chỉ hỗ trợ về con giống mà đơn vị còn trực tiếp cử cán bộ, chiến sĩ tới giúp các hộ nghèo làm chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc. Sau 4 năm, đàn dê đã phát triển lên hơn 100 con, đàn bò phát triển hơn 10 con và trở thành nguồn thu nhập chính, giúp các gia đình thoát nghèo bền vững.
Video đang HOT
Đến thăm gia đình ông Trương Văn Mãnh tại ấp 3, xã Thanh Hòa, chúng tôi có thể cảm nhận được chuyển biến tích cực về đời sống của gia đình. Ông Mãnh chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, lại thiếu đất sản xuất, trước đây hai vợ chồng tôi phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Năm 2015, gia đình tôi được Đồn Biên phòng Thanh Hòa hỗ trợ 1 cặp dê giống để phát triển chăn nuôi. Hiện tại, đàn dê của gia đình đã phát triển đến hơn 20 con, mỗi năm xuất bán từ 6-8 con dê thương phẩm. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn trước”.
Còn gia đình ông Trương Văn Thống, ở ấp 2, xã Thanh Hòa là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn, 2 vợ chồng đã hơn 70 tuổi, sức khỏe yếu, con cái đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không giúp được nhiều cho cha mẹ. Trước tình cảnh đó, năm 2015, Đồn Biên phòng Thanh Hòa đã hỗ trợ cho gia đình 1 con bò cái sinh sản để phát triển sản xuất. Bên cạnh việc giúp đỡ gia đình ông Thống xây dựng chuồng trại cho bò sạch sẽ, thoáng mát, đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ xuống chia sẻ kĩ thuật chăm sóc, phòng bệnh, chữa bệnh.
Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hòa hướng dẫn ông Trương Văn Thống kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản. Ảnh: Thành Chung
Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật nên sau 4 năm, bò sinh sản do đồn hỗ trợ đã sinh bê và đang phát triển tốt lên đến 5 con. Nhìn đàn bò béo tốt, khỏe mạnh, ông Thống xúc động cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Đồn Biên phòng Thanh Hòa, gia đình tôi đã có điều kiện để phát triển chăn nuôi, tạo động lực và cơ sở để thoát nghèo bền vững. Hiện nay, từ đàn bò của gia đình, chúng tôi đã có cơ hội để hỗ trợ 1 con bò giống cho 1 hộ nghèo khác”.
Bên cạnh duy trì có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đơn vị còn phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Hằng năm, đơn vị đã trực tiếp vận động các đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có uy tín, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhiều phần quà có giá trị. Hàng tháng, đơn vị trích từ “Hũ gạo tình thương” hỗ trợ 15kg gạo cho thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, đơn vị đã hỗ trợ 3 học sinh (trong đó có 1 em người Campuchia) với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/em.
Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã vận động các đơn vị kết nghĩa, các nhà hảo tâm tặng 122 phần quà cho các hộ nghèo trị giá quà 54 triệu đồng và 1 căn nhà Tình thương với giá trị 30 triệu đồng. Đồng thời, lao động giúp dân khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra, lợp lại 4 căn nhà bị tốc mái và dựng hơn 1.000 trụ tiêu bị gãy, đổ; cùng nhân dân ấp 7 làm 350m đường bê tông; phát quang, vệ sinh 16km đường thôn, ấp; tham gia đổ 1.300m2 sân bê tông tại Trường Tiểu học Tân Thành B…
Thành Chung
Theo Bienphong
Bình Phước: Trồng vú sữa lạ, trái như "cục vàng" bán 120-500 ngàn/ký
Chuối tím, xoài tím, mít ruột đỏ, ổi Đài Loan... là những trái cây độc, lạ, ai nhìn thấy một lần cũng thích, đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Hợp tác xã (HTX) thương mại - dịch vụ Phước Thiện (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước). Sau 7 năm bảo hộ, mới đây HTX lại cho ra thị trường một loại trái cây độc đáo có tên vú sữa hoàng kim đang gây sốt trên thị trường trái cây cả nước.
Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện đưa chúng tôi đến tham quan vườn vú sữa hoàng kim rộng hơn 3 ha.
Vú sữa hoàng kim trái vàng óng, hương vị ngọt thanh vừa giống vú sữa lại pha lẫn vị xoài mút, thịt dày, hạt ít, đặc biệt không có mủ.
Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện Nguyễn Viết Vị (phải) và khách tham quan vườn vú sữa hoàng kim.
"Là người làm nông nghiệp trải qua những thăng trầm và cơ duyên đến trong một lần, tôi làm việc với đối tác nước ngoài, đi tham quan vườn cây ăn trái ở Đài Loan. Tại đây, tôi vô tình được thưởng thức một loại trái rất đặc biệt và bắt mắt đó là hoàng kim quả, tức vú sữa vàng. Tôi đã mang giống về Bình Phước trồng" - ông Vị nói.
Ông Vị chia sẻ, giống vú sữa này ít tốn công chăm sóc, phân bón và hầu như không có sâu bệnh phá hoại. Tuy nhiên, để đảm bảo trái đẹp, đáp ứng khách hàng khó tính, HTX chủ động áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo hướng VietGAP.
Bên cạnh hệ thống tưới tự động, HTX sử dụng chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng và dùng túi ni-lon bọc trái. Với cách phòng bệnh như vậy, mỗi cây chỉ tốn vài chục ngàn đồng/năm.
Từ 50 cây giống ban đầu, đến nay HTX đã có gần 1.200 cây. Vườn cây vú sữa hoàng kim của HTX đã trồng được 8 năm. Qua theo dõi cho thấy, cây không có hiện tượng bệnh và không bị sâu. Loại cây này có ưu điểm vượt trội là kháng sâu bệnh rất tốt, cho trái quanh năm, cách chăm sóc đơn giản".
Trong khi tại "thủ phủ" trái cây Nam bộ - khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như vú sữa lò rèn giá chỉ 30-40 ngàn đồng/kg, thậm chí nhiều thời điểm giá rớt chỉ còn khoảng 10 ngàn đồng/kg thì trên thị trường loại vú sữa hoàng kim nhập khẩu giá gần 1 triệu đồng/kg.
Giám đốc HTX Nguyễn Viết Vị cho biết: "Giá chúng tôi đang bán qua các kênh tiêu thụ là 120 ngàn đồng/kg. Các đại lý cung ứng ra thị trường với giá 200-300 ngàn đồng/kg. Chúng tôi đã và đang sản xuất 20 ngàn cây giống để cung cấp cho thị trường trong nước. Đặc biệt, HTX có chính sách ưu tiên nông dân tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đốp (giảm 10% giá và đồng hành với người trồng về khoa học - kỹ thuật cũng như hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm). Nông dân có thể tham quan trực tiếp và liên hệ HTX Phước Thiện để được tư vấn hỗ trợ trực tiếp, tìm loại cây đúng gen giống đầu dòng".
Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết: "HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện là một trong những HTX hoạt động hiệu quả ở Bù Đốp. Bên cạnh tiên phong đưa giống mới vào trồng thử nghiệm, HTX còn hỗ trợ nông dân trong vùng khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra sản phẩm...
Đối với giống vú sữa Đài Loan, tuy không phải là mới ở Việt Nam nhưng là mới với Bình Phước nói chung và Bù Đốp nói riêng. Hiện nay. chúng tôi đang hỗ trợ HTX Phước Thiện đăng ký quyền sở hữu giống và bảo hộ giống cây trồng này. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tính ổn định và hiệu quả của loại vú sữa hoàng kim".
Với hình thức liên kết phù hợp, hiệu quả, HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện đang được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh nói chung, Bù Đốp nói riêng.
Theo Đức Trung (Báo Bình Phước)
Người "thổi hồn" cho các phong trào Hội Đó là những nhận xét của nhiều hội viên, nông dân và chính quyền xã về Ông Lù Văn Cư- Chủ tịch Hội ND xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Hội ND xã Chiềng Bằng có 1.282 hội viên sinh hoạt ở 11 chi hội. Các hội viên, nông dân ai cũng quý mến Chủ tịch Hội Lù Văn Cư, bởi...