Tỉ phú Warren Buffet góp ý chính phủ Mỹ về khủng hoảng ngân hàng
Tỉ phú Warren Buffet cho rằng chính phủ Mỹ chưa đưa ra những thông điệp đầy đủ để lấy lại lòng tin của khách hàng đối với lĩnh vực ngân hàng.
Tỉ phú Warren Buffet hiện là người giàu thứ 6 trên thế giới. Ảnh REUTERS
Hãng AFP ngày 7.5 dẫn lời tỉ phú Warren Buffett cho rằng thông điệp từ chính phủ Mỹ liên quan khủng hoảng ngân hàng khu vực là “nghèo nàn”, và đó có thể là lý do khiến lòng tin của khách hàng chưa khôi phục.
Khủng hoảng bắt đầu từ tháng 3 tại Mỹ, trong đó có 3 ngân hàng dần dần được mua lại với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Với Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đưa ra quyết định gây tranh cãi về việc hỗ trợ những khoản tiền gửi không được bảo hiểm, với lý do ngăn khủng hoảng lây lan.
Theo luật, FDIC bảo hiểm tối đa 250.000 USD tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng đủ điều kiện, nhưng FDIC lại bảo hiểm mọi khoản tiền gửi của SVB và Signature, bao gồm những khoản vượt mức đó.
Phát biểu tại một cuộc họp cổ đông Tập đoàn Berkshire Hathaway của mình, tỉ phú Buffet cho rằng dù có động thái bất thường trên của FDIC, khách hàng vẫn lo lắng.
“Điều đó không nên xảy ra. Thông điệp đã rất nghèo nàn. Nó nghèo nàn do những chính trị gia đôi khi thích nó nghèo nàn, do những cơ quan và báo chí”, theo tỉ phú Buffet, người tiếp tục điều hành tập đoàn dù đã 93 tuổi.
First Republic trở thành ngân hàng Mỹ thứ 3 sụp đổ trong 2 tháng
Theo ông, những gì xảy ra với SVB thể hiện rằng việc tiếp quản của chính phủ đã hoàn tất với việc bảo đảm tiền gửi được mở rộng, nhưng “dư luận vẫn còn bối rối”.
Trước khi ngân hàng khu vực First Republic được tiếp quản khẩn cấp bởi Ngân hàng JPMorgan Chase hôm 1.5 và giúp giảm bớt lo lắng về các ngân hàng, First Republic đã trải qua một tuần đầy biến động.
Một số ngân hàng tầm trung cũng bị ảnh hưởng ở Phố Wall, cụ thể là cổ phiếu của PacWest giảm 68% trước khi phục hồi 82% chỉ trong phiên giao dịch hôm 5.5.
Trong khi đó, Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Buffet hôm 6.5 thông báo lợi nhuận khủng 35,5 tỉ USD chỉ trong quý 1, phần lớn nhờ thị trường tài chính mạnh mẽ.
Trong 3 tháng đầu năm, tập đoàn bán 13,2 tỉ cổ phiếu đầu tư, trong khi chỉ mua 2,8 tỉ, giảm đáng kể ảnh hưởng từ cổ phiếu.
Tỉ phú Buffett đã biến Berkshire Hathaway từ một công ty dệt nhỏ mua lại vào giữa thập niên 1960 thành một tập đoàn khổng lồ có giá trị hiện nay hơn 700 tỉ USD. Tập đoàn có trụ sở tại bang Nebraska và chủ yếu hoạt động và nguồn vốn là từ bảo hiểm, từ đó tập đoàn đầu tư vào nhiều công ty con trong nhiều lĩnh vực.
Theo tạp chí Forbes, tài sản của tỉ phú Buffet vào ngày 7.5 trị giá 112,3 tỉ USD, giúp ông giữ vị trí thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Các ngân hàng hạng trung ở Mỹ gặp áp lực lớn
Giá cổ phiếu của một số ngân hàng quy mô khu vực ở Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng ngày 4.5 (giờ địa phương), làm dấy lên lo ngại và đồn đoán về việc nhà băng nào sẽ là quân domino tiếp theo sụp đổ trong cuộc khủng hoảng bắt đầu cách đây gần 2 tháng.
PacWest và Western Alliance là 2 trong số các ngân hàng đang ở trong tâm bão. Theo báo The New York Times, cổ phiếu của PacWest đã mất 50% giá trị hôm 4.5, trong khi cổ phiếu Western Alliance sụt giảm 38%. Các ngân hàng hạng trung khác, bao gồm First Horizon, Zions và Comerica, cũng cho biết cổ phiếu mất giá ở mức 2 con số (theo tỷ lệ phần trăm).
Diễn biến mới nhất đặt ra câu hỏi về tương lai của những nhà cho vay nói trên và báo hiệu giai đoạn mới trong sự hỗn loạn đã bao trùm lĩnh vực kể từ khi Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature sụp đổ hồi đầu tháng 3. Những cú ngã ngựa đó góp phần dẫn đến việc Ngân hàng First Republic bị chính phủ Mỹ tiếp quản và bán lại hồi đầu tuần này.
First Republic trở thành ngân hàng Mỹ thứ 3 sụp đổ trong 2 tháng
Các ngân hàng đang chịu áp lực hiện nay có cơ sở tiền gửi tương đối ổn định cũng như có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các ngân hàng đã phá sản. Chẳng hạn, PacWest có tài sản khoảng 40 tỉ USD trong khi tài sản của Western Alliance vào khoảng 65 tỉ USD. Cả hai ngân hàng đều có chưa tới 100 chi nhánh ở Mỹ. Do đó, giới phân tích cho rằng mối đe dọa trực tiếp nhất mà các nhà băng này phải đối mặt là khủng hoảng niềm tin. Tin tức về việc giá cổ phiếu lao dốc có thể khiến người gửi tiền hoảng sợ và đe dọa khả năng vận hành bình thường của các ngân hàng.
Cổ phiếu của PacWest đã mất 50% giá trị hôm 4.5. Ảnh REUTERS
Theo tờ Financial Times, PacWest đã bắt đầu tìm kiếm "phao" tài chính, tiết lộ họ đang thảo luận với "một số đối tác và nhà đầu tư tiềm năng" về các giải pháp khả thi, bao gồm việc bán lại. Trong khi đó, Tập đoàn TD Bank của Canada cho biết họ đã hủy bỏ kế hoạch mua lại First Horizon với giá 13,4 tỉ USD vì không chắc chắn rằng thỏa thuận này sẽ được cơ quan quản lý chấp thuận.
Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Mỹ đang điều tra các hoạt động của Tập đoàn Goldman Sachs đối với Ngân hàng Silicon Valley xung quanh thời điểm nhà băng có trụ sở tại California (Mỹ) phá sản.
Từ nghèo đói nhỏ bé, nước này vươn lên giàu nhất thế giới một cách "thần kỳ" Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới có trụ sở chính ở Châu Âu đặt tại Luxembourg. Luxembourg là thiên đường về thuế và quy định cho lĩnh vực tài chính. Nước này cho phép các công ty quốc tế lớn có thể xác định trụ sở "ảo" tại lãnh thổ của mình và nộp thuế tại Luxembourg. Tuy nhiên, các loại thuế...