Thủy triều đỏ khiến cá biển chết là do con người gây ô nhiễm?1
Trao đổi với Dân Việt về một trong 2 nguyên nhân chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xác định gây ra tình trạng cá biển chết hàng loạt ở miền Trung, các nhà khoa học đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Tối 27.4, tại cuộc họp do Bộ TNMT tổ chức, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân công bố thông tin về vụ cá chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung, cho biết các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ như sau: Có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng “thủy triều đỏ”.
Trao đổi với Dân Việt về thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – nguyên Cục phó Tổng cục Biển và Hải đảo – cho rằng, việc đưa ra kết luận do thủy triều đỏ như cơ quan chức năng xác định và họ phải chịu trách nhiệm với kết luận đã đưa ra. Tuy nhiên, theo ông cần phải giải thích được rõ hơn nguồn gốc do đâu mà dẫn tới thủy triều đỏ, là do tự nhiên hay có cả sự tác động của con người.
Ông Hồi đặt nghi vấn, việc cá chết nhiều và trên một diện rộng như thế thì việc cho rằng do thủy triều đỏ liệu có chắc chắn không? Ông cho rằng “nói đó là thủy triều đỏ, nhưng cũng phải có bằng chứng cụ thể thì người dân mới tin được”.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.
“Nếu Nhà nước đưa ra giải thích cá chết hàng loạt là do thủy triều đỏ hoặc ai kết luận như vậy thì phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Nếu sau này doanh nghiệp ở đó vẫn có ống xả thải của nhà máy chĩa ra biển, cá vẫn chết và không phải thủy triều đỏ thì sao?” – ông Hồi nhấn mạnh.
PGS Hồi cho rằng, khi đã có kết luận rồi thì phải đưa được ra những khuyến cáo, có cho dân tiếp tục đánh bắt, nuôi trồng và ăn cá không… Các cơ quan chức năng phải có giải pháp cụ thể chứ không chỉ nói chung chung được.
TS Trần Đình Lân – Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển: “Thủy triều đỏ” là gì?
Tên gọi “thủy triều đỏ” hay “thủy triều xanh” là những thuật ngữ được gọi cho hiện tượng bung nở hoa tảo, từ đó gây chết nhiều loài sinh vật trên biển, trong đó phổ biến và dễ nhìn thấy nhất và chết nhiều nhất chính là cá biển.
Video đang HOT
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “thủy triều đỏ” hiện nay đối với các nước trên thế giới vẫn còn là bí ẩn nhưng theo công bố của các nghiên cứu trên thế giới và kết quả nghiên cứu của một dự án do ông cùng đồng nghiệp thực hiện với sự tài trợ của Đan Mạch cho thấy có một số nguyên nhân như: Từ tự nhiên, tức là không giải thích được, có thể do tự nó xảy ra hiện tượng “thủy triều đỏ”; nguyên nhân do ni tơ, phốt pho tăng đột biến hay còn gọi là “phú dưỡng” và thường xuất hiện ở vùng biển kín và nửa kín, làm cho tảo phát triển bất thường nên bung nở hoa. Hai chất ni tơ và phốt pho này cũng có thể do tự nhiên và có thể do con người tác động, tức là đưa vào nước biển các chất “dinh dưỡng” làm cho tảo phát triển đột biến.
TS Lân cũng cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, ở Việt Nam từng xuất hiện hoa tảo nở hay gọi là “thủy triều đỏ” ở Cát Bà, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận. Việc cá chết xuất hiện trên cả một diện rộng ở miền Trung lần này với số lượng hàng chục tấn cá bị chết nếu đúng do “thủy triều đỏ” là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam với mức độ rộng lớn đến như vậy.
Cũng theo ông, hiện tượng “thủy triều đỏ” ở trên thế giới rất phổ biến, gần chúng ta nhất có Philippines. Đặc biệt cách đây 10 năm Hong Kong cũng có hàng chục vụ “thủy triều đỏ”, trong đó cũng có những vụ cá chết lên tới hàng chục tấn.
Nói về nguyên nhân cá chết khi xuất hiện “thủy triều đỏ”, TS Lân giải thích, có 2 nguyên nhân có thể xảy ra gồm: Cá ở tầng nước mặt bị thiếu ôxy do tảo phát triển, nở hoa chiếm hết ôxy và nguyên nhân còn lại là do cá ăn phải tảo độc. Do đó, trường hợp nếu là cá chết do thiếu ôxy thì thường là tảo không độc nhưng cũng không thể khẳng định là người ăn cá chết ở trường hợp này sẽ an toàn vì tảo đó có thể không độc với cá nhưng lại độc với con người. Còn trường hợp thứ 2, nếu cá chết do ăn tảo độc thì người ăn cá chết đó chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nói về giải pháp khi kết luận cá chết là do “thủy triều đỏ”, ông Lân cho biết, cần phải biết rõ được nguyên nhân, nếu là do con người tác động tới thì phải giảm ni tơ và phốt pho để hạn chế sự phát triển của tảo.
PGS.TS Đoàn Văn Bộ: Phải làm lại bộ tiêu chuẩn mới
PGS.TS Đoàn Văn Bộ – Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học (Đại học Khoa học Tự nhiên) cho hay, năm 1995, Việt Nam đã có tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước biển và đến năm 2008 ban hành lại, có bổ sung thêm một số tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này gần như là “copy” lại của các nước ASEAN, Úc hay Canada.
Ông Bộ nêu ý kiến: “Tôi đề nghị phải làm lại bộ tiêu chuẩn này bởi gần như không có cơ sở khoa học nào về địa lý, môi trường của Việt Nam cả. Có những vùng, theo tiêu chuẩn đấy là an toàn về môi trường nhưng lại có vấn đề. Có những khu vực bảo là bị ô nhiễm rồi nhưng hệ sinh thái vẫn đẹp đẽ, sinh vật vẫn sống tốt. Nghĩa là tiêu chuẩn đấy rất vô lý, không đúng với thực tế ở Việt Nam”.
Từ đó, chiếu vào vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung, TS Bộ cho rằng có thể do lỗi tiêu chuẩn chưa sát, có thể là kẽ hở để doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường nước biển.
“Chắc chắn là có chất độc trong nước biển cá mới chết nhiều như thế. Trong vụ việc này, tôi thấy có thể do ảnh hưởng từ con người ” – ông Bộ nhận định.
Trước thông tin Sở TNMT phát hiện có kim loại nặng trong nước biển, ông Bộ cho rằng chỉ có những thủy ngân, asen là có độc lực mạnh gây chết cá ngay, còn các loại như đồng, sắt, chì thì ảnh hưởng lâu dài.
Theo_Dân việt
Chuyên gia phản bác nguyên nhân thuỷ triều đỏ làm chết cá
Hiện tượng tảo nở hoa thường làm chết cá tầng mặt, dễ phát hiện bằng mắt thường trong khi ở miền Trung cá lại chết ở tầng đáy, không có biểu hiện rõ ràng, nhiều chuyên gia phân tích.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa được khoanh vùng. Tuy nhiên, hướng điều tra này lại khiến một số nhà khoa học không tin tưởng.
"Không thể có hai nguyên nhân này một lúc, bởi có chất độc thì không có tảo và ngược lại", một chuyên gia 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu thủy sản nói.
Theo ông, nếu do tác động của độc tố hóa học khiến cá to chết nghĩa là cá nhỏ cũng vậy, trong đó có sinh vật phù du, tức là tảo cũng sẽ chết. "Tảo chết rồi thì làm gì nở hoa được", ông nói và khẳng định hiện tượng này đúng ra gây hại với cá tầng mặt chứ không phải tầng đáy.
Vẫn theo chuyên gia này, nếu tảo nở hoa nước sẽ có màu đỏ rực hoặc màu xanh chủ đạo trên cả vùng biển. Khi dạt vào bờ nó sẽ gây mùi hôi thối khó chịu, trong khi các biểu hiện này không có ở khu vực ven biển miền Trung.
Thủy triều đỏ từng xuất hiện bờ biển Bình Thuận. Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang.
Đồng tình quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng. Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy. "Làm gì có chuyện tảo nở hoa trong cả sinh khối nước từ đáy lên mặt", ông Dũng nói.
Về lý do độc tố từ nước thải con người, ông Dũng đề nghị làm rõ đó là độc tố là gì, "chứ không thể công bố chung chung như thế".
Phát hiện thủy triều đỏ không khó, mọi người đều có thể nhìn bằng mắt thường. Các tỉnh có nhiều cá chết chưa tỉnh nào báo cáo có thủy triều đỏ, đó cũng là băn khoăn của Viện trưởng Y học biển Việt Nam Nguyễn Trường Sơn. Ông cho rằng nguyên nhân nước biển bị ô nhiễm do hoạt động của nhà máy, khu công nghiệp... cần được chú ý nghiên cứu càng sớm càng tốt.
Một mảnh tảo hiếm hoi trên bờ biển Hà Tĩnh những ngày qua. Ảnh: Đức Hùng.
Chia sẻ kinh nghiệm khi gặp thủy triều đỏ, một chuyên gia thuỷ sản cho hay người nuôi thường dìm lồng bè sâu xuống đáy hoặc di chuyển đến nơi khác để tránh lớp nước mặt. Nếu là do tảo thì người dân sẽ phát hiện nó dạt vào bờ hoặc có mùi khó chịu.
Thủy triều đỏ là tên gọi chung cho những đợt tảo biển sinh sôi nảy nở mạnh, tích tụ ở cửa sông, biển khiến mặt nước đục hoặc chuyển màu khác nhau tùy loại tảo như tím, hồng, xanh hoặc đỏ.
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài cá sống ở tầng đáy.
Cá chết lan rộng ở miền Trung như thế nào.
Ngày 25/4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu bị loại trừ. Các mũi điều tra khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên, tuy nhiên, độc tố đó là gì thì chưa được xác định.
Phạm Hương
Theo VNE
Vụ cá chết: Hơn 20 ngày không có đoàn khách du lịch đến Quảng Bình Hơn 35% khách du lịch đặt tour đến Quảng Bình trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 đã hủy tour và con số này ngày càng tăng. Chiều 27.4, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp khẩn với hàng trăm chủ nhà hàng, khách sạn, giám đốc các công ty du lịch trên địa bàn để bàn giải pháp tháo gỡ tình...