Thụy Sĩ phản đối một phán quyết của tòa án châu Âu
Ngày 5/6, Thượng viện Thụy Sĩ đã thông qua bản kiến nghị nhằm phản đối phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) liên quan các nỗ lực của chính phủ nước này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trụ sở Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR). Ảnh minh họa: TASS
Thụy Sĩ đã trở thành quốc gia đầu tiên mà ECHR phán quyết rằng không thực hiện các nỗ lực phù hợp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Tháng 4 vừa qua, ECHR tuyên bố Chính phủ Thụy Sĩ đã vi phạm Điều 8 của Công ước châu Âu về nhân quyền,vốn đảm bảo “quyền tôn trọng cuộc sống riêng tư và cuộc sống gia đình”. Phán quyết trên được đưa ra sau khi Hiệp hội Người cao tuổi bảo vệ khí hậu Thụy Sĩ, gồm khoảng 2.500 phụ nữ ở độ tuổi 73, đệ đơn kiện với yêu cầu rằng bảo vệ khí hậu phải được công nhận là quyền của con người. Bên nguyên đơn cáo buộc rằng Chính phủ Thụy Sĩ đã không nỗ lực hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vốn đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống và sức khỏe của họ.
Trong bản kiến nghị được thông qua ngày 5/6, Thượng viện Thụy Sĩ bày tỏ quan ngại về phán quyết của ECHR, cho rằng tòa đã đưa phán quyết không thỏa đáng. Bản kiến nghị cũng nêu rõ trong một cuộc trưng cầu ý dân hồi năm ngoái, các cử tri Thụy Sĩ đã nhất trí thông qua một đạo luật đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, đồng thời khẳng định rằng quốc gia này “cho đến nay vẫn tôn trọng các cam kết khí hậu quốc tế của mình”.
Trong tuần tới, Hạ viện Thụy Sĩ cũng sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu liên quan phán quyết của ECHR. Giới quan sát cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu cũng sẽ tương tự như tại Thượng viện.
Hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu thúc đẩy các ưu tiên phát triển
Ngày 30/5, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2024 đã khai mạc tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ.
Hội nghị do Chính phủ Thụy Sĩ và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đồng tổ chức, phối hợp với 40 cơ quan của LHQ. Sự kiện này nhằm mục đích thúc đẩy AI vì các ưu tiên phát triển toàn cầu như y tế, khí hậu, bình đẳng giới, thịnh vượng toàn diện và cơ sở hạ tầng bền vững.
Phát biểu tại hội nghị qua video, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhận định: "AI đang thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta". Ông nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ này trong việc cải thiện chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu vùng xa, tăng năng suất cây trồng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai.
Trên 2.500 người dự kiến sẽ tham dự hội nghị năm nay, trong đó có các quan chức chính phủ, chuyên gia và nhân vật có ảnh hưởng trong ngành AI.
Tháng 11 năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI lần đầu tiên đã được tổ chức tại Vương quốc Anh. Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố Bletchley" khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm từ các bên có ý định phát triển công nghệ AI trong các kế hoạch, để đánh giá, giám sát và giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra, đồng thời vạch ra chương trình nghị sự gồm hai mũi nhọn tập trung nhận diện các rủi ro chung và củng cố hiểu biết khoa học về những rủi ro này cũng như xây dựng các chính sách xuyên quốc gia để giảm thiểu rủi ro.
Thành công vượt bậc của ChatGPT - chatbot AI của công ty OpenAI (Mỹ) ngay sau khi ra mắt năm 2022 đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI. Các công ty công nghệ trên toàn thế giới đổ hàng tỷ USD để phát triển các mô hình của riêng họ. Mô hình AI tạo sinh có thể tạo văn bản, ảnh, âm thanh và thậm chí cả video từ các yêu cầu đơn giản. Những người ủng hộ cho rằng đây là bước đột phá sẽ cải thiện cuộc sống và hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những người chỉ trích cảnh báo rằng AI có thể bị lạm dụng trong nhiều tình huống khác nhau dẫn đến việc tạo ra những tin tức giả mạo.
Nhiều người kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế để chi phối việc phát triển và sử dụng AI, đồng thời kêu gọi hành động tại các hội nghị thượng đỉnh của thế giới.
Nhóm người cao tuổi Thụy Sĩ thắng kiện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu Ngày 9/4, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) ra phán quyết ủng hộ một nhóm người cao tuổi Thụy Sĩ khởi kiện rằng chính phủ nước này chưa nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khiến họ có nguy cơ tử vong trong các đợt nắng nóng kéo dài. Một nhóm người cao tuổi Thụy Sĩ khởi kiện chính...