Thủy sản đảo chiều
Thủy sản đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi doanh nghiệp phục hồi trở lại sau thời gian dài bị hoãn, hủy hợp đồng.
Xuất khẩu thủy sản sang EU. Ảnh: Thiên Ân
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết tính đến tháng 8, Công ty đã xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm qua EU với trị giá khoảng 31 triệu USD, tăng lần lượt 8% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tín hiệu tốt
Nhiều doanh nghiệp cũng có tình hình lạc quan như Thuận Phước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), số lượng đơn hàng sang thị trường EU từ đầu tháng 8 đến nay tăng khoảng 10% so với tháng 7. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh khiến ngành thủy sản lao đao trong quý I.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,62 tỉ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Kết thúc quý này, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đều có kết quả kinh doanh khá thất vọng, trong đó có những cái tên quen thuộc như Vĩnh Hoàn ( VHC), Thủy sản Cửu long An Giang (ACL), Sao Mai (ASM), Nam Việt (ANV), Thủy sản Minh Phú ( MPC)…
Tuy nhiên, với đà tăng liên tiếp vài tháng gần đây, các chuyên gia bắt đầu tin vào xu hướng bật tăng trở lại trong quý III và quý IV của ngành thủy sản, với những “nhịp sóng đảo chiều” so với quý I.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 7 đạt 796,3 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu đáng mừng khi xuất khẩu thủy sản tiếp tục phục hồi trong tháng 7 sau khi tăng 0,3% hồi tháng 6. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4,4 tỉ USD, giảm 6% so với cùng kỳ.
Mỹ tiếp tục là thị trường tiềm năng khi xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 7 tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 184,35 triệu USD. Đồng thời, trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 838,44 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU có dấu hiệu cải thiện, chỉ giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi các tháng trước đó, con số giảm đều ở mức trên 18%. Về cá tra, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này từ Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu khá tích cực, với nhu cầu tăng mạnh từ tháng 3 đến nay. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5.2020 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 45.500 tấn, trị giá 125,1 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với tháng 4.2020.
Video đang HOT
Tiến vào chu kỳ bền vững hơn
“Ngành thủy sản sẽ dần hồi phục vào quý III và quý IV, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,26-8,3 tỉ USD”, đại diện VASEP đưa ra dự báo. Cũng theo đánh giá của VASEP, do tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và các nước vẫn diễn biến phức tạp nên thị trường sẽ chưa thể ổn định, đặc biệt là ASEAN hay Nhật… Dự kiến xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ bảo quản như cá ngừ đóng hộp, đóng túi sẽ tiếp tục tăng.
Theo nhiều chuyên gia, những nguyên nhân chính khiến triển vọng ngành thủy sản ngày càng tích cực có thể tính đến các yếu tố như (1) Việt Nam khống chế khá thành công tình hình dịch bệnh COVID-19, qua đó tạo độ sớm nhất định với việc củng cố sản xuất và mở cửa thị trường so với các đối thủ truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador…; (2) hàng loạt hiệp định như CPTPP và EVFTA sẽ giúp các sản phẩm như cá tra và tôm cạnh tranh tốt hơn ở châu Âu và Mỹ; (3) sự phục hồi của các thị trường bạn hàng lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Lý giải về nguyên nhân ngành thủy sản sẽ vươn xa hơn, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, phân tích: “Hiện nay, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã gia tăng đáng kể. Nhất là khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách chống dịch quyết liệt, quyết tâm, kịp thời ngăn chặn COVID-19 lây lan”.
Theo KB Securities, xuất khẩu cá tra sẽ bật tăng trở lại trong quý IV, với tác động tích cực từ thị trường Trung Quốc và Mỹ. “Sản lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng trưởng dương trong quý II khi thị trường mở cửa trở lại. Tại thị trường Mỹ, sản lượng xuất khẩu phục hồi khi thị trường mở cửa lại và tăng nhập tồn kho, các đơn hàng bị hoãn trong quý II sẽ tăng mạnh sản lượng xuất khẩu trong quý III và có thể tiếp tục sang kỳ lễ hội trong quý IV”, báo cáo “Thủy sản Việt Nam: Sự đảo chiều chờ đợi đã lâu” của KB Securities nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng tin rằng chu kỳ sắp tới của ngành thủy sản Việt Nam sẽ bền vững hơn so với chu kỳ trước đây, khi ngành này đang tiệm cận tích cực với hàng loạt chuẩn quốc tế về chăn nuôi, xuất xứ, an toàn thực phẩm… Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển dịch từ cung cấp sản phẩm đông lạnh thô và sơ chế sang sản phẩm chế biến và giá trị gia tăng. Tính đến năm 2019, thủy sản Việt Nam đã đạt hàng loạt chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, BAP, ASC…
Các doanh nghiệp thủy sản niêm yết mà bị ảnh hưởng bởi COVID-19, khiến thị giá cổ phiếu neo ở mức định giá thấp, có thể quyết định đầu tư mua vào hợp lý tại vùng giá thấp và chờ đợi mức tăng trưởng khả quan về giá khi chu kỳ ngành thủy hải sản hoàn toàn hồi phục. Theo đó, các chuyên gia đầu tư đưa ra khuyến nghị khá tích cực với các mã có cốt lõi kinh doanh tốt như VHC, NVC, MPC…
“Có lợi nhất khi xuất khẩu cá tra đảo chiều do chiếm thị phần đáng kể tại Mỹ nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội và không chịu thuế chống bán phá giá”, KB Securities đưa ra nhận xét về VHC. Mức giá mục tiêu phù hợp mà các công ty chứng khoán đưa ra là 47.100 đồng/cổ phiếu, kèm khuyến nghị cho rằng đây là lựa chọn hàng đầu. Với các mã chứng khoán khác, KB Securities đưa ra mức giá mục tiêu 21.700 đồng/cổ phiếu đối với mã ANV và 31.700 đồng/ cổ phiếu đối với mã MPC.
Chọn cổ phiếu đón đầu xu hướng phục hồi của ngành thủy sản
KBSV kỳ vọng nhiều yếu tố tích cực đối với ngành thủy sản có khả năng xảy ra trong quý IV/2020, qua đó hỗ trợ giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cá tra và tôm.
Chọn cổ phiếu đón đầu xu hướng phục hồi của ngành thủy sản
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đi ngang trong tháng 6 và rất có thể sẽ tăng trưởng dương trong những tháng tiếp theo nhờ các thị trường xuất khẩu khôi phục về mức trước dịch, qua đó kết thúc chuỗi ngày ảm đạm.
Nhận định này được Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nêu ra trong báo cáo ngành thủy sản công bố mới đây.
Trong báo cáo, công ty chứng khoán này bày tỏ kỳ vọng rằng nhiều yếu tố tích cực đối với ngành thủy sản có khả năng xảy ra trong quý IV/2020, qua đó hỗ trợ giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cá tra và tôm.
Các yếu tố này bao gồm: xuất khẩu cá tra đảo chiều tăng trưởng dương; xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng khi nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu hồi phục và các đối thủ cạnh tranh tiếp tục gặp khó khăn do đại dịch. Ngoài ra, các khoản đầu tư nâng cấp vùng nuôi hiện tại không chỉ cho phép các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe hơn về quy tắc xuất xứ, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường mà còn tăng khả năng cạnh tranh và cải thiện tính chu kỳ của xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn sắp tới.
Giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang có xu hướng tăng dần qua các tháng
KBSV cho rằng những chuyển biến tích cực cuối năm 2020 sẽ còn tiếp tục trong năm 2021 ở tất cả các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Chẳng hạn, tại Trung Quốc, tiêu thụ cá tra sẽ quay lại xu hướng tăng trưởng tốt như lúc trước đại dịch khi nhu cầu từ nhà hàng phục hồi, trong khi tiêu thụ tôm sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 khi các đối thủ cạnh tranh vẫn còn bị gián đoạn nguồn cung. Hoặc tại Mỹ, nhu cầu cá tra phục hồi khi dịch vụ ăn uống mở cửa lại và các nhà bán sỉ quay lại tăng tích trữ hàng tồn kho, còn tôm Việt Nam sẽ tiếp tục giành thị phần từ Trung Quốc nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Trong khi đó, tại thị trường EU, cá tra và tôm Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh về giá nhờ được miễn giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8. Ngoài ra, xuất khẩu tôm cũng sẽ được hưởng lợi tại thị trường Nhật Bản khi Olympic Tokyo được tổ chức vào giữa năm 2021, dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ tôm.
Theo đánh giá của KBSV, khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu trong trung và dài hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng (do dân số thế giới tăng) cũng như thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng khi yêu cầu ngày càng cao hơn về an toàn thực phẩm và bền vững môi trường.
Công ty chứng khoán này tin rằng hoạt động nuôi trồng thủy sản sẽ đóng vai trò cốt lõi để giải quyết những thách thức trên (hoạt động đánh bắt thủy sản khó làm được), dựa vào khả năng tăng nhanh sản lượng nhờ cải thiện năng suất nuôi tôm và mở rộng diện tích nuôi cá tra, cũng như khả năng kiểm soát tốt toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo tính bền vững và nguồn gốc thủy sản.
Dự báo của KBSV về giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới năm 2024
Về khuyến nghị cổ phiếu, KBSV đánh giá cao VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt và MPC của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú.
Theo KBSV, VHC là sự lựa chọn hàng đầu của ngành do có lợi nhất khi cá tra đảo chiều vào quý IV, với mức giá mục tiêu là 47.100 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận sơ bộ quý II của VHC đã giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 152 tỷ đồng với doanh thu 1.630 tỷ đồng (giảm 19%) chủ yếu do: xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc giảm do dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng bởi đại dịch; biên lợi nhuận gộp giảm do giá xuất khẩu giảm (giảm toàn ngành từ giữa năm 2019); và không còn khoản lãi từ việc thoái vốn Vạn Đức Tiền Giang năm ngoái (thu nhập giảm 32% YoY nếu loại trừ khoản lãi này).
KBSV kỳ vọng lợi nhuận của VHC sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm (lợi nhuận quý III tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và quý IV tăng 64%) do: Mỹ tăng trữ hàng tồn kho; xuất khẩu sang EU tăng (doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 37% bất chấp đại dịch); giá xuất khẩu cá tra dần phục hồi về mức trước đại dịch; và con số tăng trưởng khi so sánh cùng kỳ sẽ tốt hơn do lợi nhuận nửa cuối năm 2019 khá kém.
Công ty chứng khoán này ước tính tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân của VHC là 8,4%/năm giai đoạn 2021-2025 và kỳ vọng lợi nhuận 2021 sẽ tăng 17% khi các thị trường xuất khẩu phục hồi sau đại dịch.
Trong khi đó, ANV được đánh giá cao nhờ sản lượng tăng hơn gấp đôi để chuẩn bị mở rộng thị trường toàn cầu, với giá mục tiêu 21.700 đồng/cổ phiếu.
Nhìn lại, quý II/2020, lợi nhuận sơ bộ của ANV giảm 79% so với cùng kỳ năm trước xuống 32 tỷ đồng với doanh thu 884 tỷ đồng (giảm 17%) do: doanh thu xuất khẩu giảm mạnh do đại dịch (giảm 52%); chuyển sang thị trường nội địa (tăng 114%) với biên lãi gộp thấp hơn; và biên lợi nhuận gộp giảm mạnh do giá xuất khẩu giảm mạnh toàn ngành trong khi ANV tự chủ nguyên liệu 100% khiến giá thành không thay đổi nhiều.
Trong 6 tháng cuối năm, KBSV kỳ vọng lợi nhuận của ANV sẽ dần phục hồi, theo đó, quý III tăng 99% so với quý II và quý IV tăng 17% so với quý III (nhưng quý III vẫn giảm 58% so cùng kỳ năm trước và quý IV vẫn giảm 62%) do: giảm tỷ trọng doanh thu từ thị trường nội địa; giá xuất khẩu phục hồi về mức trước đại dịch; gia tăng sản lượng từ vùng nuôi Bình Phú; và xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trở lại trong quý IV khi nước này nới lỏng các đợt kiểm tra liên quan đến đại dịch.
Công ty chứng khoán này ước tính ANV sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 13,3%/năm giai đoạn 2021-2025 và kỳ vọng lợi nhuận 2021 sẽ tăng 26% do biên lãi gộp cao hơn nhờ vùng nuôi Bình Phú.
Cổ phiếu MPC của "vua tôm" Minh Phú cũng được khuyến nghị mua vào với giá mục tiêu 31.700 đồng/cổ phiếu, nhờ triển vọng xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021.
Trước đó, trong quý II/2020, lợi nhuận quý II của MPC đã tăng 155% so với cùng kỳ năm trước lên 179 tỷ đồng với doanh thu 2.736 tỷ đồng (giảm 34%) do: biên lợi nhuận gộp tăng do đại dịch khiến giá thu mua tôm đầu vào giảm; chi phí lãi vay giảm 49% sau khi trả bớt nợ vay bằng tiền thu được từ việc bán cổ phần cho Mitsui vào năm ngoái; và chi phí bán hàng giảm 48% do chi phí vận chuyển và lưu kho giảm.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, KBSV kỳ vọng xuất khẩu tôm tăng mạnh từ tháng 7 sẽ đẩy lợi nhuận quý III tăng 57% và quý IV tăng 509% chủ yếu do: con số tăng trưởng tốt hơn khi so sánh cùng kỳ năm trước do xuất khẩu nửa cuối năm 2019 giảm mạnh sau cuộc điều tra chống bán phá giá của Mỹ; hoàn thành bản điều tra ban đầu đối với vụ kiện chống bán phá giá; vàgiao các đơn hàng bị hoãn trong quý I và quý II do đại dịch.
Công ty chứng khoán này ước tính MPC sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 11,2%/năm giai đoạn 2021-2025 và kỳ vọng lợi nhuận 2021 sẽ giảm 8% do năm nay đã tăng mạnh.
Tuy vậy, KBSV cũng lưu ý đến nhiều rủi ro có thể xảy ra đối với ngành thủy sản, có thể kể đến như: làn sóng đại dịch thứ 2 tại các thị trường xuất khẩu có thể trì hoãn sự đảo chiều sang quý I/2021; rủi ro từ đợt thanh tra lần 2 của Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS); rủi ro thuế chống bán phá giá từ Mỹ; rủi ro môi trường do thủy sản rất nhạy cảm với chất lượng nguồn nước và điều kiện môi trường; cuối cùng là rủi ro dịch bệnh.
Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu, lợi nhuận một loạt doanh nghiệp thủy sản lao dốc Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 cũng đã được các doanh nghiệp thủy sản tính đến trong kế hoạch 2020 tuy nhiên kết quả kinh doanh nửa đầu năm đã cho thấy mức độ ảnh hưởng là lớn hơn dự báo. Các doanh nghiệp thủy sản trên sàn hầu hết đã công bố báo cáo tài chinh quý II/2020 với kết...