“Thủy quái” sông Gâm đẻ nhân tạo thành công, nông dân có cơ đổi đời
Với mục đích bảo tồn và cung cấp cá chiên giống cho các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã nghiên cứu và sản xuất thành công loài cá chiên quý hiếm trong điều kiện nhân tạo…
Việc sản xuất thành công cá chiên không chỉ giúp bảo tồn 1 trong 5 loài cá quý hiếm của tỉnh Tuyên Quang (ngũ quý xứ Tuyên, ngũ quý hà thủy) mà còn góp phần giải quyết những khó khăn về con giống cho nhiều hộ nuôi cá. Ông Nguyễn Quang Nghĩa, Trưởng phòng Kỹ thuật – Kinh doanh, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2015, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang bắt tay nghiên cứu và cho cá chiên sinh sản nhân tạo nhưng do thiếu kinh nghiệm nên lượng cá sản xuất ra không được như mong muốn…
Hai ảnh trên Cán bộ trung tâm đang kiểm tra cá chiên bố, mẹ trước khi cho sinh sản nhân tạo tại Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang
Sau nhiều lần thất bại, cuối năm 2015, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang lần đầu tiên nhân giống thành công 240 cá thể cá chiên. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang đã cho cá chiên sinh sản 3 đợt, dự kiến trong năm 2018 Trung tâm sẽ sản xuất được 15.000 con cá chiên giống.
Chăm sóc cá chiên giống sau khi ấp nở thành công
Video đang HOT
Hiện Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang Tuyên Quang đang tiếp tục tiến hành ương nuôi để hoàn thiện quy trình sản xuất cá chiên bằng phương pháp nhân tạo. Bằng phương pháp sinh sản nhân tạo, cá chiên giống có khả năng phát triển nhanh. Sau 3-4 tháng, cá đạt chiều dài từ 6-7 cm, so với trong tự nhiên phải mất 8 đến 10 tháng.
Cá chiên giống được sinh sản bằng phương pháp nhân tạo
Cá chiên là loài cá da trơn sinh sống chủ yếu trong môi trường tự nhiên trên sông Lô, sông Gâm được mệnh danh là “quý ngư, thủy quái” có giá trị kinh tế cao và đang có nguy cơ cạn kiệt do bị đánh bắt bằng những ngư cụ mang tính hủy diệt như kích điện, lưới mắt nhỏ…Thành công trong việc sản xuất cá chiên giống bằng phương pháp nhân tạo sẽ mở ra một triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh Tuyên Quang. Người chăn nuôi có thể chủ động về con giống để phát triển nuôi thương phẩm trên diện rộng.
Theo Quang Cường (Vanhien)
Nuôi nhốt "thủy quái" vào lồng trên sông Lô, cả làng kiếm bộn tiền
Cá chiên-1 trong 5 loài cá quý hiếm (ngũ quý xứ Tuyên) trên hệ thống sông Lô, sông Gâm đang được nhiều nông dân tỉnh Tuyên Quang đưa vào nuôi nhốt trong lồng. Cũng nhờ nuôi loài "thủy quái" này mà nhiều hộ dân xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa khấm khá hẳn lên.
Những năm gần đây, người dân xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa đã thực hiện có hiệu quả việc nuôi cá chiên lồng tại thôn Hợp Long 2 mang lại giá trị kinh tế cao. Trước kia, trên dòng sông Lô, việc bắt được những con cá chiên khổng lồ thân hình mốc thếch nặng vài chục kg vẫn thường có. Nhưng hiện nay, do khai thác quá mức và sự thay đổi của môi trường, những "quái ngư"-cá chiên nặng hàng chục kg gần như rất hiếm, trong khi đó thị trường luôn ở mức cao. Đó là lý do khiến nhiều nông dân xã Yên Nguyên làm lồng đưa loài "thủy quái" này vào nuôi nhốt.
Ông Phạm Văn Nghĩa (bên phải), thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá chiên lồng.
Năm 2014, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Nguyên xây dựng " Dự án nuôi cá chiên lồng trên sông Lô theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, tại thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên", quy mô 47 lồng với 26 hộ tham gia. Tham gia Dự án, các hộ nuôi cá Chiên được Nhà nước hỗ trợ giống, tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi cá chiên thương phẩm trong lồng, góp phần tăng nhanh giá trị thu nhập cho người dân.
Ông Phạm Văn Nghĩa-1 hộ tham gia dự án cho biết, khi tham gia dự án, nuôi cá chiên theo mô hình tập trung, ông thấy cá lớn nhanh, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều hộ gia đình trong thôn đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ nuôi cá chiên và vươn lên làm giàu nhờ nguồn lợi thủy sản này.
Mô hình nuôi cá chiên trên sông Lô của người dân thôn Hợp Long 2. Ảnh: Đào Thanh (KTGĐ).
Ông Đinh Văn Lan cũng là người tham gia nuôi cá chiên đặc sản ở cùng thôn cho biết, trong thôn những hộ có điều kiện thì làm lồng bằng khung sắt, lưới và phao nhựa để nuôi nhốt cá chiên. Hộ ít vốn thì tận dụng những cây tre, cây luồng trên rừng để làm lồng. Tùy theo kích cỡ lồng mà thả cá phù hợp, tránh thả quá dày. Đặc biệt, nuôi cá chiên ở sông Lô quanh năm nước chảy nên ít xảy ra dịch bệnh.
Đến nay gia đình ông Lan có 4 lồng nuôi các loại cá đặc sản như chiên, lăng... Nguồn thức ăn chính cho 4 lồng cá của gia đình ông chủ yếu là các loài cá tạp, được các thương lái thu mua ở trên hồ thủy điện Tuyên Quang về bán cho các hộ nuôi cá lồng ở nơi đây.
Ông Trần Văn Thân, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc cá lồng đặc sản. Ảnh: TQĐT.
Ông Triệu Văn Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Nguyên cho biết, là xã có địa bàn rộng, trên 90% lao động nông nghiệp, có tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản lớn với diện tích mặt nước ao, hồ trên 15ha; hơn 3km sông, suối chảy qua địa bàn xã có thể tận dụng nuôi trồng thuỷ sản.
Quý I năm 2017, Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa phối Hợp với xã Yên Nguyên đã khảo sát, lựa chọn thôn Hợp Long 2 thực hiện mô hình điểm tổ hội nghề nghiệp với mong muốn tập hợp, gắn bó hội viên nông dân có chung lợi ích và trách nhiệm trong chăn nuôi cá chiên lồng. Tổ hội được hình thành trên cơ sở Tổ chăn nuôi cá chiên lồng được thành lập từ dự án nuôi cá chiên lồng năm 2014 và cũng là Tổ hội nghề nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện.
Các hộ nuôi cá chiên "thủy quái" trên dòng sông Lô thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên đang trao đổi kinh nghiệm nuôi cá chiên.
Tham gia Tổ hội nghề nghiệp, các hộ nông dân được trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, về thị trường giá cả, phương tiện sản xuất, kỹ thuật nuôi cá chiên, phòng trừ dịch bệnh cho cá chiên...Đến đầu năm 2018, tổ đã kết nạp thêm 4 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 29 với 58 lồng cá. Số cá đang nuôi bình quân mỗi lồng trên 80 con cá chiên. Tổng số cá chiên đang nuôi trên 4.700 con. Sau 2 năm chăn nuôi các hộ tiến hành xuất bán bình quân mỗi con cá chiên đạt từ 4 đến 5 kg, với giá bán 500.000đ/kg trở lên như hiện nay, mỗi lồng thu bình quân từ 60 đến 70 triệu đồng.
Với việc phát triển nuôi cá chiên lồng dựa vào điều kiện lợi thế của địa phương, nhất là việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá chiên lồng thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên đang tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, góp phần để Yên Nguyên tiếp tục duy trì và phát triển các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới./.
Theo Tài Tùng-Huy Dương (CTTĐT Chiêm Hóa)
Nhân giống thành công loài "cá tiến vua, sống chậm", thọ tới 50 năm Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng anh Trần Thanh Hải, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Mê (Hà Giang) cũng nhân giống nhân tạo thành công loài cá Bỗng. Đây là 1 trong những loài cá quý hiếm ở miền núi phía Bắc và được mệnh danh là "cá vua" có thể thọ trên 50 năm.....