“Thủy quái” nặng hơn 1 tạ từ Biển Hồ về Hà Nội
Một nhà hàng ở Hà Nội vừa “săn” được con cá lăng “khủng”, nặng 102kg, dài 2,2 m, đánh bắt từ Biển Hồ (Campuchia).
Cá lăng nặng 102kg đưa về Hà Nội
Sáng 12/7, một chủ nhà hàng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, nhà hàng vừa đưa về Hà Nội một con cá lăng trắng “khủng” đánh bắt từ Biển Hồ (Campuchia).
“Chúng tôi vận chuyển con cá lăng bằng đường hàng không về Hà Nội. Con cá lăng nặng 102kg, dài 2,2m. Riêng râu của cá lăng dài 80cm”, chủ nhà hàng ở quận Cầu Giấy nói.
Chủ nhà hàng từ chối tiết lộ thông tin về giá mua con cá lăng “khủng”. “Trong sáng nay chúng tôi thịt con cá lăng phục vụ thực khách. Giá bán cá lăng khoảng gần 1 triệu đồng/kg cá tươi”, vị chủ nhà hàng ở quận Cầu Giấy thông tin thêm.
Tiến sĩ Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) cho hay, cá lăng thường sống ở vùng nước ngọt tại các sông lớn như sông Mê Kông, với các loại cá lăng hoa, lăng đen và lăng đỏ. Loài cá này ăn các động vật ở dưới nước như tôm, cua, cá nhỏ.
Cá lăng có chiều dài 2,2.
Tại Việt Nam, người dân ở khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai thường nuôi cá lăng, nhưng con lớn chỉ đạt trọng lượng từ 10-15kg. Loại cá lăng vài chục kg rất ít. Thỉnh thoảng ngư dân mới bắt được một con cá lăng nặng từ 30-50kg trên sông Sêrêpốk (Đăk Lăk); sông Tiền (An Giang).
Ông Tề cho biết thêm, tại khu vực Biển Hồ (Campuchia) ngư dân ít đánh bắt, thêm nữa lại là hồ nước ngọt sâu rộng nên có nhiều loại cá lăng lớn. Tuy nhiên theo ông Tề, loại cá lăng nặng hơn 1 tạ ở Biển Hồ còn lại rất ít và thuộc loại “khủng”.
Video đang HOT
Đầu cá lăng khá lớn
Râu của cá lăng có chiều dài 80cm
Phần bụng của cá lăng có màu trắng
Vây của cá lăng
Theo Danviet
3 loài cá được mệnh danh thủy quái miền Tây
Cá hô, vồ cờ, tra dầu sống ở sông Mekong nặng đến 300 kg, dài 3 m và đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Do có kích thước khổng lồ, khi xuất hiện gây sóng lớn, quẫy đạp một vùng... nên chúng được mệnh danh "thủy quái" ở miền Tây.
Chúng từng sống nhiều trên dòng Cửu Long nửa thế kỷ trước, song hiện đều nằm trong Sách đỏ vì nguy cơ tuyệt chủng. Sự quý hiếm của chúng khiến nhiều nhà khoa học ở miền Tây vào cuộc nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo để duy trì giống.
Cá vồ cờ tại Thái Lan. Ảnh: Wikipedia
Cá vồ cờ
Có tên khoa học Pangaius sannitwongsei, cá vồ cờ là loài nước ngọt da trơn khổng lồ có thể dài tới 3 m, nặng 300 kg và rất hung hãn. Tên của nó xuất phát từ chiếc vây trên lưng luôn vươn cao như ngọn cờ, lúc bơi rẽ sóng như cá mập.
Vồ cờ được đánh giá là loài cá nước ngọt khỏe nhất thế giới. Do tình trạng đánh bắt ngày càng cao của người dân, lượng cá vồ cờ ngày càng khan hiếm. Ở Việt Nam nó được Sách đỏ xếp vào danh sách 100 loài động vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nhất thế giới.
Hiện, Việt Nam chỉ ghi nhận còn 5 cá thể vồ cờ đang nuôi tại Trung tâm giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (Tiền Giang) với trọng lượng khoảng 20 kg. Đơn vị đang nỗ lực bảo tồn loài cá quý hiếm này bằng cách nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo. Các cán bộ trung tâm từng lặn lội qua Lào và Campuchia nghiên cứu tìm loài cá vồ cờ nhưng không thành công.
Cá tra dầu
Phân bố chủ yếu ở hạ lưu sông Mekong, cá tra dầu có tên khoa học là Pangasianodon gigas và cũng có kích thước, trọng lượng tương đương loài vồ cờ.
Cá tra dầu nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, được xếp hạng cực kỳ nguy cấp (nguy cơ tiệt chủng trong tự nhiên rất cao). Loài này có đầu to, dẹp, miệng rộng với 2 râu dài ở hàm trên. Lưng cá màu nâu thẫm, vây nhạt hơn. Chúng tuy lớn nhưng chỉ ăn thực vật thủy sinh.
Cá tra dầu bắt tại Campuchia được lai dắt về Việt Nam bán cho nhà hàng. Ảnh: Cửu Long.
Thời gian gần đây việc phát hiện cá tra dầu ở Việt Nam rất hiếm, các nhà hàng ở TP HCM, miền Tây chủ yếu mua lại từ Campuchia. Còn tại Lào đã có lệnh cấm săn bắt loài cá này.
Hồi cuối năm 2015, ngư dân tỉnh An Giang bắt được cá tra dầu nặng 100 kg ở sông Mekong, đoạn giáp Campuchia. Nó được chủ nhà hàng ở Cần Thơ mua với giá 40 triệu đồng.
Năm ngoái, con cá tra dầu dài 2 m, nặng 230 kg được ngư dân Campuchia bắt được, sau đó bán cho nhà hàng tại An Giang giá 1,2 triệu một kg.
Cá hô
Có tên khoa học là Catlocarpio siamensis, cá hô là loài lớn nhất trong họ Chép, đầu khá to so với thân, thường sống ở các sông Mae Klong, Mekong và Chao Phraya ở Đông Nam Á. Từng có con nặng gần 600 kg, dài hơn 3 m được phát hiện.
Ở Campuchia, cá hô được phong làm cá quốc gia. Tại miền Tây, những con cá hô nặng 130 kg được ngư dân bắt trên dòng Cửu Long, thường vào khoảng tháng 10. Chúng được thương lái mua với giá hàng trăm triệu đồng, mang về Cần Thơ, An Giang, Sài Gòn... phục vụ thực khách.
Đặc biệt, năm 2015, ngư dân ở TP HCM bắt được cá hô nặng 128 kg tại nhánh sông Đồng Nai, bán được gần 200 triệu đồng. Việc bắt được cá hô là rất hiếm bởi ngoài tự nhiên chúng đang dần tuyệt chủng.
Cá hô 128 kg bán gần 200 triệu được bắt ở quận 9, TP HCM. Ảnh: An Nhơn
Cá hô sống tại những hố lớn cạnh bờ sông, chúng cũng có thể bơi vào những kênh, rạch... để kiếm thức ăn. Đây là một loài cá di cư, chúng di chuyển không nhanh, thường ăn rong, hoa quả.
Hiện ở Việt Nam có 2 trung tâm nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo thành công cá hô để nuôi thương phẩm đạt 7-10 kg có thể xuất bán.
Duy Trần
Theo VNE
Người dân bắt được cá lăng hơn 20 kg ở Điện Biên Cá lăng đuôi đỏ nặng 22kg, dài 1,1 mét dính bẫy người dân trên sông Mã. 17h ngày 11/7, một người dân tại chợ Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) mua được con cá lăng khủng trọng lượng 22kg. "Con cá được gia đình người dân tộc Cống, xã Pa Thơm bắt được trên sông Mã khoảng 12h trưa...