Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 18)
Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử ‘Thủy hải chiến Việt Nam’ của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
VII.THUYỀN ĐÁNH CÁ HẢI CHIẾN VỚI TÀU CHIẾN MỸ
1.Trưa một ngày tháng 3 năm 1966, đất trời đã sang mùa ấm áp. Nắng xuân rải chan hòa trong như pha lê xuống biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Gió nhẹ thổi mơn man. Sóng hiền hòa lăn tăn rì rầm ca hát điệu ca muôn thuở của gió và sóng. Bầu trời trong xanh. Vài đám mây trắng mong manh trên không trung nhấp nhô trôi đi theo gió và biến thanh muôn hình thù kỳ quái lang thang. Xa xa, những cánh buồm màu nâu, màu trắng vật vờ theo con sóng như những con bướm tung bay tận phía chân trời. Những con hải âu màu trắng nhỏ nhoi bơi dập dềnh theo sóng. Có những đàn chao cánh trên không trung viết nên bài ca của tự do bất tận. Trên những bãi cát kéo dài quanh co ven biển từng rừng phi lao xanh đen vi vu theo gió. Dưới rặng phi lao là làng vạn chài xã Quảng Tường, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Dưới những mái nhà gianh, vách đất là những gia đình ngư dân lam lũ quanh năm, gian khổ bám biển mưu sinh từ đời này qua đời khác.
Biển Sầm Sơn- Thanh Hóa
Dưới một mái nhà gianh có diện tích khá rộng đang diễn ra cuộc họp của dân quân du kích xã Quảng Tường. Khoảng 20 người mang những cánh áo nâu bạc phếch trên những thân hình thanh niên và trung niên với nước da nâu sạm rám nắng nhưng tràn trề sức sống, khỏe mạnh.
Giữa gian nhà đất đặt một chiếc bàn dài. Trên bàn có một bộ ấm chén, một ấm tích nước chè xanh đặt trong một cái giỏ nan màu nâu xám có nắp đậy bọc vải để giữ độ nóng cho nước. Đứng cạnh bàn hướng xuống các chiến sĩ du kích là một người khoảng 45 tuổi, khuôn mặt vuông vức nâu nâu, khỏe mạnh. Người đó nói giọng xứ Thanh dõng dạc:
-Xin tự giới thiệu, tôi là Trịnh Tố Phan, tỉnh đội trưởng tỉnh đội Thanh Hóa. Về dự cuộc họp còn có đống chí Vũ Văn Kính, Trưởng ty công an Thanh Hóa. Trịnh Tố Phan trỏ vào một người trạc 50 tuổi, vâm váp khỏe mạnh ngồi bên cạnh ông. Đó là đồng chí Vũ Văn Kính. Vũ Văn Kính đứng dậy chào mọi người và ngồi xuống. Trịnh Tố Phan nói tiếp:
-Như các đồng chí đã biết, từ đầu năm 1965 đến nay, Mỹ đã đưa nhiều tàu chiến lớn ra miền Bắc, từng tốp có ba chiếc đi theo hình chữ V càn quét bắt bớ ngư dân, xâm phạm chủ quyền lãnh hải của ta, đe dọa công việc mưu sinh trên biển của ngư dân. Tàu Mỹ đã hoạt động ngay trên vùng biển Thanh Hóa, cách bờ biển Sầm Sơn khoảng 3-4 km và gây ra nhiều tội ác với ngư dân..
Đồng chi Trịnh Tố Phan ngừng lại nâng cốc uống một ngụm nước chè xanh rồi nói tiếp:
-Hôm nay thực hiện chỉ thị của Bộ chỉ huy Quân khu IV, Tỉnh đội Thanh Hóa sẽ thành lập “Đội du kích cảm tử” để chiến đấu chống tàu địch, trừng trị tội ác của chúng, bảo vệ ngư trường và ngư dân. Đội cảm tử này sẵn sàng hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí nào tham gia đội cảm tử xin ghi tên vào danh sách.
Sau lời phát biểu của đồng chí Trịnh Tố Phan, tất cả trai tráng trong đội du kích dự họp đều lên bàn ghi tên vào đội cảm tử. Sau khi thống nhất với chính quyền xã Quảng Tường, 20 người được công bố lọt vào danh sách, trong đó 6 đồng chí xung phong đánh tàu địch trận đầu tiên. Đó là các đồng chí:
-Nguyễn Viết Xướng-tổ trưởng.
Video đang HOT
-Nguyễn Hữu Thẳng-tổ phó.
- Lê Nhữ Vối.
-Lê Văn Rạn.
-Nguyễn Hữu Nụ.
-Nguyễn Đình Chấn..
Đội cảm tử đã chuẩn bị một thuyền giả thuyền đánh cá trọng tải 1,5 tấn. Khoảng 3 tấn lưới vứt bừa bộn trên boong thuyền. Dưới 3 tấn lưới dấu 3 khẩu súng, 3 quả bộc phá tự chế, mỗi quả nặng 3 kg, 3 quả thủ pháo, mỗi quả nặng 1 kg. Còn trang bị thêm 6 khúc luồng dài làm phao bơi đề phòng khi rơi xuống biển.
2. chiều ngày 9-4-1966, chiếc thuyền đánh cá chở 6 con người quả cảm ra khơi. Chiều trên biển, nước triều đang lên bát ngát, nắng nhạt nhòa, biển xanh vỗ muôn nghìn ngấn bạc lung linh. Hòn Nẹ, Hòn Mê xa mờ sương khói. Khi thuyền đã ra xa vài hải lý thì hoàng hôn buông xuống và bóng tối xuống nhanh khi mặt trời biến mất phía trời tây, để lại bóng đêm bao la trùm mặt biển.
Nửa đêm khi 6 chiến sĩ người đang chèo thuyền, người kéo lưới thì từ phía nam xuất hiện những bóng đen của tàu Mỹ với ánh đèn pha quét sáng chói trên nước và rẽ sóng hung hãn tiến lại thuyền của đội cảm tử. Sóng xô mạnh làm con thuyền gỗ đánh cá nghiêng ngửa dù tàu địch còn xa. Tổ trưởng Nguyễn Viết Xướng ra lệnh:
-Các đồng chí Vối, Thẳng, Nụ đem súng lặn xuống nước, núp dưới đuôi thuyền hướng họng súng lên boong tàu địch chờ lệnh. Các đồng chí Rạn, Chấn chuẩn bị sẵn sàng bộc phá, thủ pháo. Hiệu lệnh tấn công là khi tôi nói: “Xin các ông, chúng tôi là dân đánh cá”. Khi đó các đồng chí phải đồng loạt tấn công.
Chuẩn bị vừa xong thì tàu Mỹ đã xô lại gần tàu đánh cá. Chúng ập sát mạn tàu vào mạn thuyền phát loa bằng tiếng Việt:
-Yêu cầu ngư dân Việt cộng ngừng đánh cá và đầu hàng, nếu chống cự sẽ bị bắn tan xác! Alô !A lô!..
Khi tàu Mỹ to lớn áp sát mạn tàu cảm tử thì trên boong tàu xuất hiện hơn 30 lính Mỹ và ngụy dàn hàng ngang tay lăm lăm súng chĩa xuống thuyền sẵn sàng nhả đạn. Đèn pha tàu và đèn pin quét xuống thuyền loang loáng xé rách màn đêm. Tổ trưởng Nguyễn Viết Xướng nói:
-Chúng tôi đầu hàng nhưng các ông cho xin sợi dây thừng để cột thuyền chúng tôi vào tàu.
Trên tàu quẳng xuống một sợi dây thừng to bằng ngón chân cái, một đầu dây đã cột vào cọc phích của tàu, đầu dây thả xuống đã được buộc vào thuyền cho tàu chiến Mỹ dắt đi, chịu sự bắt sống. Động tác cột thuyền vào tàu làm cho địch yên tâm và chủ quan, chùng sự cảnh giác xuống. Khi đó, tổ trưởng Nguyễn Viết Xướng đọc lệnh chiến đấu như đã qui ước :
-Xin các ông, chúng tôi là dân đánh cá.
Tổ trưởng Xướng vừa dứt lời ba họng súng dưới đuôi thuyền đồng loạt nổ. Đạn sáng loáng những tia lửa quét lên mặt boong. Hàng loạt tên lính trên tàu trúng đạn rơi xuống biển. Trên thuyền ba người còn lại nhất loạt ném thủ pháo, bộc phá lên tàu Mỹ. Sau những tiếng nổ khủng khiếp, những ánh sáng lửa xé màn đêm, tàu Mỹ bốc cháy như một ngọn núi lửa giữa biển khơi, khói lửa bốc cao trong đêm mù mịt. Con tàu chìm dần xuống nước. Xác lính và trang thiết bị con tàu bị phá hủy bay lên không trung rồi rơi rào rào xuống nước.
Con thuyền cảm tử không chìm theo vì trước đó Tổ trưởng Nguyễn Viết Xướng đã cắt đứt dây buộc vào tàu. Chiếc tàu Mỹ còn lại xả súng xuống con thuyền cảm tử như mưa. Tiếng nổ rầm rầm đinh tai nhức óc. Tổ trưởng Nguyễn Viết Xướng ra lệnh bỏ thuyền nhảy xuống biển. 6 người ôm 6 ống luồng làm phao bơi nhào xuống nước trong mưa đạn xối xả. 6 chiến sĩ cảm tử lặn xuống tránh đạn và bơi về phía đất liền. Gần sáng khi đã cạn kiệt sức lực thì gặp thuyền của ta ra cứu. Người trên thuyền ôm 6 chiến sĩ vui mừng như muốn nhảy múa. Khi đó chiến sĩ Nguyễn Đình Chấn mới biết mình bị thương vào đầu gối bên trái.
Ngày nay, một mảnh ván của con thuyền cảm tử dài 2 m vẫn còn được lưu giữ ở Bảo tàng Thanh Hóa. Sau trận hải chiến không cân sức, thuyền cảm tử vỡ và mảnh ván này đã trôi dạt về bờ biển xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương. Mảnh ván thuyền như là bằng chứng của chiến tích phi thường: Thuyền gỗ đánh cá của ngư dân đã hải chiến và đánh chìm một tàu tối tân hiện đại của hải quân Hoa Kỳ.
(Còn nữa)
Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 16)
Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử 'Thủy hải chiến Việt Nam' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
Kỳ 16
V. ĐỐT TÀU PHÁP TRÊN SÔNG NHẬT TẢO
Đó là tháng 6 năm 1861. Đất phương Nam không có mùa đông, chỉ có hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa, mùa nào thì nắng cũng rực rỡ nhưng mùa khô thì chói chang hơn. Nắng rải chan hòa trên vùng đất Định Tường, một tỉnh miền Đông trong lục tỉnh miền Gia Định thời Tự Đức. Những đồng lúa mênh mông bát ngát thẳng cánh cò bay, những miệt vườn ấp thôn màu cây xanh trùm kín không gian rộng lớn. Trời xanh cao vòi vọi. Những làn mây trắng bay nhởn nhơ trên trời biến đổi thành những hình thù kỳ quái.
Tượng đài Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang. Nguồn: Internet.
Trời đất phương Nam tưởng như thanh bình nhưng thực ra lòng dân đang sôi sục bởi họa xâm lăng của giặc Pháp đối với quê hương xứ sở. Hiểm họa đang biến thành hiện thực. Một năm trước đây khi đánh chiếm Đà Nẵng thất bại, vào ngày 10-2-1859 chúng tấn công Vũng Tàu. Từ Vũng Tàu liên quân Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm Cần Giờ, Nhà Bè, 17 tháng 2 năm đó, Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Thành Gia định thất thủ. Tổng Đốc Võ Duy Ninh và án sát Lê Từ tự sát. Ngày 23 -2-1861, 4.000 quân Pháp với 50 chiến thuyền do Đô đốc Sacne chỉ huy tấn công Đại Đồn, sau hai ngày chiến đấu, Đại Đồn thất thủ. Ngày 28-4-1861 quân Pháp chiếm tỉnh Định Tường, ngày 23-6 Pháp đánh chiếm Gò Công thuộc tỉnh này. Tàu chiến của Pháp chạy tung hoành trên các kinh rạch, nã đại bác vào các ấp ven bờ, gây chết chóc đau thương cho dân lành, hỗ trợ cho bộ binh Pháp chiếm thành, chiếm đất. Sau khi chiếm được Gò Công, chúng cho chiến hạm Hi Vọng (Esperance) đến đậu trên dòng Nhật Tảo, dòng sông chảy qua địa phận Định Tường và gặp nhau với sông Vàm Cỏ Đông trước khi xuôi ra biển.
Khói lửa chiến tranh lan tràn khắp ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên bị uy hiếp. Có tình cảnh chiến bại như vậy vì Triều đình nhà Nguyễn đứng đầu là vua Tự Đức không cho quân đội và nhân dân kháng chiến chống ngoại xâm, chỉ một mực muốn hòa hoãn nhân nhượng để thương lượng với quân xâm lược, mơ hồ về chính trị, không lưu ý và không biết được dã tâm kiên quyết xâm lược Việt Nam của kẻ thù.
Bấy giờ là tháng 6, dòng sông Nhật Tảo nước trong xanh, tàu Hi Vọng (Esperace) của Pháp như một con quái vật đậu giữa dòng sông. Thân tàu bằng gỗ, nửa thân tàu chìm dưới nước, nửa nổi lên màu xám, mũi và đít tàu bịt đồng ngạo mạn nhô lên màu nâu bóng. Chiến hạm được trang bị nhiều vũ khí hiện đại nhất của Phương Tây thời đó mà nổi bật là hai khẩu đại bác ở boong mũi và boong sau tàu, nòng hướng lên bờ sẵn sàng nhả đạn. Chỉ huy tàu là Parfait, một trung úy hải quân còn trẻ. Trên tàu khoảng 42 lính Pháp và một vài lính đánh thuê Philippin.
Tàu Erperace đã lọt vào kế hoạch cần phải tiêu diệt của Nguyễn Trung Trực, một thủ lĩnh nổi tiếng của nghĩa quân đang khởi nghĩa chống Pháp ở Gò Công. Trưa ngày 10-12-1861 như những buổi trưa bình thường khác, viên sĩ quan trực của chiến hạm Erperace cảm thấy một không khí thanh bình và dễ chịu, dòng sông Nhật Tảo êm đềm trong xanh, sóng nước vỗ nhẹ vào mạn tàu kêu lóc bóc. Tàu khẽ chao nhẹ như chiếc võng đung đưa. Nắng chiếu xuống dòng sông tạo nên muôn ánh bạc. Gió lùa trên sông mơn man mát rợi. Trên bờ gần sông và xa xa ấp thôn miền Đông Nam Bộ xanh thẳm mênh mông dưới bầu trời đầy nắng gió.
Bỗng nhiên viên sĩ quan trực nhìn thấy 5 chiếc thuyền lớn chở đầy thóc, mỗi thuyền có 6 mái chèo do 6 người điều khiển trôi lại gần và sau đó tiến sát vào mạn phải của chiến hạm. Viên sĩ quan trực không hề nghi ngờ, y cho rằng đoàn thuyền buôn chở thóc muốn đến xin phép lưu thông. Từ trong buồng trực, viên sĩ quan nhô hẳn đầu ra khỏi ô cửa tròn của tàu đã mở kính và hỏi bằng tiếng Việt ngọng ngiụ mà hắn học được:
-Các anh cần gì?
Vừa dứt câu, viên sĩ quan đã bị người cầm chèo nhanh như chớp rút một thanh gươm từ bao tải ra đâm vào họng chết ngay. Rồi nghĩa quân được phủ đầy thóc núp dưới khoang thuyền đồng loạt vung gươm im lặng nhảy lên tàu. 42 tên lính đang ăn trưa, đã say mềm bởi rượu, chưa kịp định thần đã bị đầu rơi máu chảy, một số hoảng loạn nhảy xuống sông, một số tên có súng ở gần cầm lên dùng lê đánh giáp lá cà nhưng vẫn bị nghĩa quân giết chết. Nghĩa quân dùng đuốc ném vào khắp tàu, ném vào khoang máy, buồng hàng hải. Khoang chứa dầu, vũ khí của chiến hạm bén lửa. Tàu Erperace bốc cháy ngùn ngụt. Nghĩa quân rút lên thuyền chạy ra xa khoảng 10m thì chiến hạm Pháp đã thành một bó đuốc khồng lồ trên sông Nhật Tảo, lửa khỏi kín đặc cả một đoạn sông, những tiếng nổ vang dội càng làm lửa bùng lên dữ dội. Tàu Erperace dần dần chìm xuống dòng sông, mang theo xác 42 lính thủy Pháp và 20 lính Philippin. Dòng nước hiền hòa trong xanh nổi sóng chôn vùi xác những tên xâm lược đã gây nhiều tội ác với những dòng sông và với những con người ở xứ sở anh dũng và đau thương này.
Chiến công của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã làm nức lòng nhân dân nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Quân Pháp vô cùng hoảng sợ. Thanh tra Pháp tại Nam Kỳ Paulin Vilal viết: Đây là một sự kiện đau đớn làm người An Nam phấn chấn và gây xúc động đau lòng người Pháp. Một người Pháp khác là Alfred Schreiner gọi sự kiện Nhật Tảo là khúc nhạc mở đầu cho một cuộc tổng công kích của quân dân miền Nam vào hầu hết toàn bộ đồn lũy của người Pháp. Esperance bị đốt cháy là một biến cố bi thảm đã gây nên một nỗi xúc động sâu sắc ở người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người An Nam.
Danh sĩ đương thời ca ngợi Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ bất hủ:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần.
(Còn nữa)
CVL
Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 15) Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử 'Thủy hải chiến Việt Nam' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành. Kỳ 15. IV. THỦY CHIẾN RẠCH GẦM - XOÀI MUỐT Mãi tới chiều tối một ngày cuối năm năm 1784, thủy binh và bộ binh Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy mới vào đến Mỹ Tho, một vùng...