Thủy điện trên sông Hồng: Nguy hại, không nên đặt ra
Theo GS.TS Hồng, không nên đặt vấn đề xây dựng thủy điện trên sông Hồng bởi nó ảnh hưởng đến hạ lưu, độ dốc dòng chảy và độ dốc đáy sông.
UBND tỉnh Lào Cai đã văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý bổ sung Dự án Thủy điện Thái Niên (60 MW) và Dự án Thủy điện Bảo Hà (40 MW) trên sông Hồng vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ.
Trước đó, từ tháng 11/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã đồng ý chủ trương Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa (đường An Lạc, phường Bắc Cường, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án thủy điện nêu trên.
Nhiều ý kiến lo ngại việc đề xuất bổ sung 2 dự án thủy điện có tổng công suất chỉ 100MW trên sẽ có nhiều tác động tiêu cực. Về đề xuất này của UBND tỉnh Lào Cai, chuyên gia thủy lợi – GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) cũng thẳng thắn cho rằng, không nên đặt ra ý tưởng làm thủy điện trên sông Hồng chứ không phải đặt ra rồi nghiên cứu, vì nghiên cứu vô cùng tốn kém.
Lý giải cho quan điểm của mình, vị chuyên gia cho biết, sông Hồng rất nhiều phù sa, nếu làm thủy điện thì xử lý nền rất khó. Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ ngăn dòng chảy làm cho vùng hạ du thiếu nước.
“Từ xưa đến nay, người ta chỉ làm thủy điện trên sông Đà là chính, sông Lô ít làm, còn trên sông Hồng thì không ai đề nghị.
Một công trình thủy điện nhỏ được xây dựng tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Năng lượng Việt Nam
Với những thủy điện nhỏ như hai dự án Lào Cai đề cập chắc chắn không phải chặn dòng sông, làm hồ chứa như thủy điện Hòa Bình hay thủy điện Sơn La mà là thủy điện lấy trực tiếp dòng chảy của sông (thủy điện bóng đèn), kiểu như dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện mà Tập đoàn Xuân Thành từng đề xuất.
Tuy nhiên, như khi đề xuất dự án giao thông thủy xuyên Á được đưa ra, rất nhiều ý kiến đã phản đối vì đã làm thủy điện tức là chặn dòng chảy lại, nâng nó lên một vài mét. Điều này không an toàn vì về mùa lũ, lũ sông Hồng rất lớn, các thủy điện đó không làm được. Còn nếu chỉ làm mùa cạn cũng không được vì mùa cạn dưới hạ du cần nước, chặn nước lại để làm thủy điện thì dòng chảy cho hạ lưu không còn.
Video đang HOT
Đặc biệt, sông Hồng là nguồn nước để nuôi Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH), gồm cả Hà Nội, do đó không được ngăn chặn gì. Từng có ý kiến xây đập dâng nước thấp vài mét đưa vào trong cống Xuân Quan ở Bắc Hưng Hải nhưng dư luận không đồng tình vì dòng chảy sông Hồng không còn bao nhiêu nước nữa, giờ làm công trình thủy điện sẽ gây bức xúc cho người dân ở hạ lưu”, GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) nhấn mạnh, việc làm thủy điện trên sông Hồng của Lào Cai mới chỉ là gợi ý, còn từ xưa đến nay, các bộ chưa bao giờ quyết một dự án thủy điện nào trên sông Hồng. Ngay trong quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thực hiện và ông được tham gia với tư cách chuyên gia cũng không có ý định làm thủy điện trên sông Hồng.
“100MW là quá nhỏ, nhưng nguy hiểm là nó làm mất nguồn nước, phù sa của các tỉnh ĐBSH.
Tôi đi thực tế ở Thái Bình, vựa lúa của ĐBSH nhưng giờ đang rất khổ sở vì thiếu nước và phù sa. Đi qua nhiều huyện ở Thái Bình tôi thấy có màu vàng, màu của phèn, phèn ấy làm cho chua đất, cây cối vàng hết. Hỏi ra mới biết những năm gần đây tỉnh rất thiếu phù sa. Nếu bây giờ lại làm thêm thủy điện trên Lào Cai, chặn mất nước, phù sa của Thái Bình, Nam Định… thì không thể chấp nhận được”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh.
Từ đây, ông lưu ý Lào Cai, sông Hồng là của tất cả các tỉnh ĐBSH, muốn làm bất cứ dự án nào ảnh hưởng đến dòng sông thì phải được sự thống nhất của người dân. Lào Cai muốn làm thủy điện thì trước tiên phải hỏi ý kiến Thái Bình, Nam Định… xem người dân các tỉnh đó có đồng ý hay không.
“Có thể tỉnh đề xuất vì muốn có thêm kinh phí cho địa phương, bản thân nhà đầu tư ngoài khai thác thủy điện để bán điện còn có thể khai thác cát, khoáng sản sông Hồng. Dư luận có thể đặt câu hỏi về việc có hay không nhóm lợi ích ở trong việc này nhưng dù mới là ý tưởng thì nó cũng rất nguy hiểm cho hạ lưu bởi nó làm mất phù sa, mất nguồn nước, ảnh hưởng đến nguồn sống của người dân vùng hạ lưu.
Lào Cai là một tỉnh miền núi, nếu thiếu kinh phí cho địa phương có thể phát triển lâm nghiệp, du lịch, nông nghiệp… Bản thân Lào Cai cũng đã dày đặc các thủy điện nhỏ, không nên đụng đến dòng sông Hồng nữa.
Trung Quốc đầu tư nhiều công trình thủy điện ở thượng nguồn làm cho nhiều tỉnh Việt Nam nhiều khi không có nước. Nếu giờ Lào Cai làm thủy điện trên sông Hồng, liệu khi đấu tranh với Trung Quốc, chúng ta có đủ lý lẽ để nói lý với họ?”, vị chuyên gia nói.
GS.TS Vũ Trọng Hồng nhắc lại một câu chuyện cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Theo đó, khi các chuyên gia Liên Xô làm thủy điện Hòa Bình, họ đã tiến hành khảo sát xem nếu làm công trình ấy thì có làm thay đổi độ dốc của dòng chảy, độ dốc của đáy sông Hồng không.
Việc khảo sát được tiến hành rất kỹ lưỡng bởi nguồn nước của sông Đà rất lớn. Các chuyên gia phải điều tra, khảo sát ra tận biển, thấy độ dốc của sông Hồng là không thay đổi và khi ấy thủy điện Hòa Bình mới được xây dựng.
Theo Baohatinh
Lào Cai xin xây 2 dự án thủy điện trên sông Hồng: Lo ngại dòng sông bị "băm nát"
"Không nên xây dựng vì nhiều lý do, sông suối đang bị chặn ngang chặn dọc bây giờ lại bị chia cắt tiếp, dòng chảy, hạ nguồn, phù sa.. bị tác động mạnh lắm chứ không ít", PGS.TS Đào Trọng Tứ nhận định.
Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý bổ sung Dự án Thủy điện Thái Niên (60 MW) và Dự án Thủy điện Bảo Hà (40 MW) trên sông Hồng vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai.
Cụ thể, từ tháng 11/2018, UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa (địa chỉ số nhà 011, đường An Lạc, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, Lào Cai) được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án thủy điện nêu trên vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai. Dự kiến, ngày 15/4/2019, Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa và đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành công tác lập hồ sơ, báo cáo bổ sung 2 dự án thủy điện vào Quy hoạch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc đề xuất bổ sung 2 dự án thủy điện có tổng công suất chỉ 100MW trên sẽ có nhiều tác động tiêu cực. Có thể nói, thời gian qua các thủy điện đua nhau mọc lên đã "băm nát" dòng sông, làm thay đổi dòng chảy và tác động lớn đến đời sống người dân phía dưới hạ du. Cùng với đó, những năm qua đã xảy ra hàng loạt vụ thủy điện xả nước khiến nhiều người chết và mất tích, thiệt hại lớn về tài sản của người dân.
Những năm qua, nhiều vụ việc vụ thủy điện xả nước khiến nhiều người chết và mất tích, thiệt hại lớn tài sản của người dân. Trong ảnh là cảnh hoang tàn phía hạ du sau khi một thủy điện xả lũ tại Nghệ An (Ảnh: H.P)
Liên quan đến việc đề xuất, bổ sung 2 dự án thủy điện trên của tỉnh Lào Cai, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Tư vấn Bền vững Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (CEWAREC) chia sẻ với PV Reatimes: "Không nên xây dựng vì có nhiều lý do, sông suối đang bị chặn ngang chặn dọc bây giờ lại bị chia cắt tiếp, dòng chảy, hạ nguồn, phù sa,... bị tác động mạnh lắm chứ không ít".
Được biết, sông Hồng có ba nhánh lớn là Nhánh sông Đà - Nhánh sông Hồng - Nhánh sông Lô. Nhánh sông Đà đã khai thác triệt để từ Hòa Bình ngược lên Sơn La, Lai Châu rất nhiều thủy điện lớn nhỏ. Việc xây thủy điện trên sông Hồng, cách đây 3-4 năm, Công ty Xuân Thành đề nghị xây 6 thủy điện bậc thang Tiến sĩ Đào Trọng Tứ đã từng nói tuyệt đối không xây thủy điện trên sông Hồng. Bởi vì, nhánh sông Hồng là nhánh giữa, dòng chính của sông Hồng vì địa mạo, địa chất không phù hợp xây thủy điện. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật có thể xây được hết nhưng tác động môi trường rất lớn.
Bày tỏ nhiều ý kiến quan ngại về việc xây dựng 2 nhà máy thủy điện trên với báo chí, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết: "Sông Hồng 60% ở Việt Nam còn lại Trung Quốc, Lào. Bên Trung Quốc phát triển rất nhiều thủy điện tác động đến nước ta. Chúng tôi nghiên cứu rất nhiều về sông Hồng với tình trạng hiện nay không nên xây nhà máy thủy điện nào sông Hồng".
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, việc Lào Cai đề xuất xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện trên để có thêm 100MW là không hợp lý, phá hoại thiên nhiên môi trường, sông suối bị "chặn ngang, chặn dọc" sẽ phá nát dòng sông, ảnh hưởng hạ du. "Vấn đề xây dựng thủy điện nên tránh ra đi, bây giờ sông suối xây dựng quá nhiều, những vị trí tiềm năng thủy điện lớn xây hết rồi. Năm 2013, Quốc hội cũng đã cho dừng lại một loạt dự án thủy điện", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, không nên xây dựng 2 nhà máy thủy điện vì nhiều lý do, sông suối đang bị chặn ngang chặn dọc bây giờ lại bị chia cắt tiếp, dòng chảy, hạ nguồn, phù sa.. bị tác động mạnh lắm chứ không ít. (Ảnh minh họa)
PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hàng nghìn con sông lớn nhỏ được thiên nhiên ban tặng. Gắn liền với sông ngòi là nguồn tài nguyên vô giá: nước và nguồn thủy sinh, ngoài việc cung cấp cho hoạt động sinh kế của cư dân còn là phương tiện giao thông thủy quan trọng. Cùng với sự gia tăng kinh tế và dân số, nhiều nguồn tài nguyên của đất nước bị khai thác quá mức, trong đó có tài nguyên nước.
Việc phát triển thủy điện dày đặc, chặn dòng chảy của hầu hết các dòng sông, mặc dù đem lại nguồn điện lớn cho phát triển kinh tế nhưng sự phát triển quá ồ ạt đã để lại những hậu quả lớn đối với đối với thiên nhiên và con người. Sự biến đổi dòng chảy tự nhiên, gia tăng nguy cơ lũ vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa kiệt do vận hành không tuân thủ các quy trình của các nhà máy thủy điện đã xảy ra và gây bức xúc cho xã hội. Các sông oằn mình gánh quá nhiều thủy điện làm cho làm cho môi trường các lưu vực sông biến dạng.
"Việc xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện để bổ sung chỉ 100MW là không hợp lý. Tổng lượng điện Việt Nam hiện nay 45.000MW thì 100MW đóng góp bao nhiêu. Tự nhiên phá tan dòng sông chỉ vì 100MW điện là rất vô lý. Chẳng qua xây thủy điện để có thêm nguồn kinh phí địa phương", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.
Ngoài ra, PGS.TS Đào Trọng Tứ cũng bày tỏ sự lo ngại khi xây thủy điện, ngoài việc khai thác điện bán thì trong quá trình xây hồ chứa nước doanh nghiệp sẽ nạo vét khai thác khoáng sản, khai thác cát.
Trước đó, liên quan đến đề xuất của xây dựng "siêu dự án" đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, ông Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam từng nhận định rằng, việc xây dựng 6 đập thủy điện trên sông Hồng chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều tác động khác nhau, không chỉ gây mất cân bằng nguồn nước mà còn liên quan đến tình trạng xói lở ven bờ, thay đổi và suy kiệt nguồn nước ngầm, hệ sinh thái ven sông ...
"Về mặt hiệu quả kinh tế dự án tôi không đánh giá sâu, nhưng về mặt môi trường thì dự án này chắc chắn sẽ tác động ghê gớm chứ không nhỏ", ông Kinh nhắc lại.
Theo BĐSVN
Đò, phà ngang sông "nhếch nhác" đến bao giờ? Dù ở nhiều nơi, vận tải thủy ngang sông mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, doanh nghiệp nhưng chất lượng dịch vụ vận tải thấp, lạc hậu. Ô tô trên phà tại bến đò Tân Châu cao vượt tầm nhìn người lái phà Mô hình vận tải thủy ngang sông sẽ khó sự thay đổi tích cực, an toàn hơn nếu...