Thương vong tăng nhanh tại Ukraine
Ước tính gần 80 người đã thiệt mạng kể từ khi chính quyền lâm thời Ukraine phát động chiến dịch “chống khủng bố” ở miền đông.
Một chốt kiểm soát của quân đội Ukraine gần Slavyansk – Ảnh: AFP
AFP dẫn thông báo ngày 6.5 của Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine Arsen Avakov trên mạng xã hội cho biết: “Theo ước tính của chúng tôi, khoảng 30 tên khủng bố đã bị bắn chết và hàng chục tên khác bị thương trong vụ đụng độ ở ngoại vi thành phố Slavyansk ngày 5.5. Trong số này có nhiều người đến từ Crimea, Nga và Chechnya. Về phía lực lượng an ninh và quân sự Ukraine có 4 người thiệt mạng và 20 người bị thương”.
“Khủng bố” là từ mà Kiev dùng để chỉ những tay súng thân Nga hoạt động tại miền đông và nam Ukraine. Bạo động đã bùng phát tại nước này sau khi chính phủ lâm thời quyết định đẩy mạnh chiến dịch chống khủng bố tại 2 thành phố miền đông là Slavyansk và Kramatorsk từ ngày 2.5. Nếu tính luôn vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở thành phố miền nam Odessa làm 43 người thân Nga chết cháy, chỉ trong vòng 3 ngày qua, các vụ đụng độ giữa người phản đối chính phủ với cảnh sát, quân đội và người ủng hộ chính phủ đã làm gần 80 người thiệt mạng.
Quân đội Ukraine tiếp tục áp sát Slavyansk và Kramatorsk nhưng vấp phải sự chống cự quyết liệt của những người biểu tình và các tay súng thân Nga. AFP dẫn thông cáo ngày 6.5 của Bộ Quốc phòng nước này cho biết một trực thăng quân sự
Video đang HOT
Mi-24 của quân đội vừa bị các tay súng ly khai bắn hạ gần Slavyansk. Máy bay rơi xuống sông nhưng các phi công đã được một đơn vị đặc nhiệm cứu sống. Hồi cuối tuần trước, 3 chiếc Mi-24 khác của Ukraine cũng bị bắn rơi tại Slavyansk, làm 2 binh sĩ thiệt mạng.
Hôm qua, theo AFP, lần đầu tiên nhiều loạt súng liên thanh đã vang lên ở sát trung tâm thành phố này, nhiều khả năng là do quân đội Ukraine bắt đầu siết chặt vòng vây. Trong khi đó, chỉ huy các tay súng ly khai Vadim Orel khẳng định quân đội Ukraine đã dùng trực thăng và súng cối tấn công một khu vực cách Slavyansk 5 km về phía nam. Do bất ổn tăng cao, hôm qua, hàng loạt chuyến bay đã bị hoãn tại sân bay Donetsk.
Giới quan sát lo ngại nước cờ “chống khủng bố” rất cứng rắn của Kiev sẽ đào sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ nước này. Trong những ngày sắp tới, nhiều khả năng khủng hoảng sẽ còn diễn biến khó lường với 2 sự kiện quan trọng: ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít (9.5) và ngày dự kiến tổ chức trưng cầu dân ý về liên bang hóa Ukraine tại Donetsk (11.5).
Trong bối cảnh hiện nay, việc Kiev dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 25.5 cũng sẽ rất phức tạp. Hôm qua, Nga chính thức đệ đơn đề nghị LHQ và Hội đồng châu Âu tác động để dời ngày bầu cử tổng thống Ukraine. Theo Moscow, cần phải chờ tình hình ổn định vì không thể tổ chức bầu cử ở “một đất nước đang bị giằng xé bởi những vụ đụng độ đẫm máu ở miền đông và nam”. Đáp lại, quyền Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Evgeny Perebiynis tuyên bố cuộc bầu cử vẫn sẽ diễn ra như dự kiến.
Trước tình hình căng thẳng của Ukraine, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm qua cho biết sẵn sàng làm trung gian hòa giải để giúp các bên đạt được giải pháp chính trị. Còn Tư lệnh NATO Philip Breedlove mới đây nhận định Nga sẽ không đưa quân vào Ukraine vì Tổng thống Vladimir Putin “có nhiều cách khác để đạt được mục đích của mình” như ủng hộ phe ly khai và làm giảm uy tín của Kiev.
Theo TNO
Nghi vấn tấn công bằng khí độc ở Ukraine
Khủng hoảng tại Ukraine đang ngày càng khó lường sau khi xuất hiện nghi vấn chất độc hóa học được dùng trong vụ cháy tại thành phố Odessa ngày 2.5.
Người biểu tình bao vây trụ sở cảnh sát Odessa ngày 4.5 - Ảnh: Reuters
RIA-Novosti ngày 4.5 dẫn lời Phó thủ tướng lâm thời Ukraine Vitali Iarema cho biết nhiều nạn nhân trong vụ cháy tòa nhà Nghiệp đoàn ở Odessa đã tử vong vì hít phải khí độc của "một chất chưa xác định". Kiev đã cử các chuyên gia đến hiện trường để điều tra về chất độc nói trên. Tính đến hôm qua, vụ cháy ở Odessa đã làm ít nhất 42 người thiệt mạng và 215 người bị thương. Tòa nhà Nghiệp đoàn bốc cháy khi phe ủng hộ và chống Kiev đụng độ nhau và một số kẻ đã ném bom xăng vào tòa nhà. Theo Reuters, tình hình vẫn chưa dịu khi hàng trăm người xông vào trụ sở cảnh sát Odessa để giải thoát khoảng 30 người bị bắt sau vụ đụng độ. Diễn biến tại Odessa là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng đã lan đến tây nam Ukraine. Thành phố cảng này có vị trí chiến lược quan trọng khi được xem là cửa ngõ ra biển Đen và nối Ukraine với vùng ly khai thân Nga Transnistria ở Moldova.
Trong khi đó, chính phủ lâm thời Ukraine tuyên bố sẽ mở rộng hành động "chống khủng bố" ở miền đông dù chiến dịch này cho đến nay tỏ ra không thể giúp ổn định tình hình ở khu vực trên.
Theo hãng tin Itar-Tass, hôm qua bạo động lại bùng phát giữa các phần tử đảng cực hữu Khu vực cánh hữu (RS) với những người biểu tình đòi liên bang hóa nước này ở thành phố Slavyansk làm ít nhất 15 người thiệt mạng. Cùng ngày, tại làng Andreyevka, ngoại vi Slavyansk, một số phần tử của RS đã nổ súng làm chết 10 dân làng và 40 người bị thương khi những người này cố ngăn cản họ tiến vào nội ô.
Cuối tuần qua, đụng độ dữ dội cũng nổ ra ở nhiều thành phố miền đông và đông nam Ukraine. AFP dẫn nguồn tin từ lực lượng an ninh địa phương cho biết các tay súng thân Nga đã tấn công doanh trại quân đội N3035 và một điểm tuyển mộ tân binh ở thành phố Lugansk làm 2 binh sĩ bị thương. Khoảng 2.000 người trang bị gậy gộc thì chiếm giữ trụ sở của Cơ quan An ninh Ukraine thành phố Donetsk và khẳng định sẽ "trả thù" về vụ việc tại Odessa. Tại thành phố Kostiantynivka, lực lượng chống Kiev đụng độ với cảnh sát gần tháp truyền hình địa phương còn ở Mariupol, những người biểu tình phong tỏa đoạn đường trước tòa thị chính và đốt cháy nhiều lốp xe.
Trong cuộc họp báo tại Kiev ngày 4.5, lãnh đạo lực lượng chống khủng bố Ukraine Vassil Krutov tuyên bố những gì đang diễn ra ở miền đông Ukraine là "một cuộc chiến" còn Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích "chiến dịch trừng phạt" của chính phủ lâm thời Ukraine đẩy nước này vào cuộc xung đột "huynh đệ tương tàn". Trong khi đó, EU kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân vụ cháy ở Odessa. Cho đến nay, Nga và Ukraine vẫn đổ lỗi qua lại về vụ việc này.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Bild dẫn nguồn tin tình báo Đức cho biết hàng chục nhân viên của CIA và FBI đang hỗ trợ Kiev thiết lập một hệ thống an ninh hiệu quả hơn và điều tra về tài sản của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.
Cộng đồng người Việt vẫn an toàn Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 4.5, bà Nguyễn Phương Thảo, Phó ban Thường trực công tác cộng đồng, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, cho biết: "Trước tình hình phức tạp tại Ukraine, đại sứ quán đã chỉ đạo cộng đồng người Việt giữ vững tính trung lập, không tụ tập, không tham gia bất kỳ lực lượng nào, hạn chế đi lại, đặc biệt là các khu vực xảy ra xung đột, tăng cường cảnh giác, bảo vệ tài sản. Đến nay vẫn chưa có báo cáo về tổn thất gì ở cộng đồng người Việt. Tại Kramatorsk, có 4 gia đình với 13 người Việt sống gần khu vực sân bay có xảy ra đụng độ gần đây thì mọi người đã chủ động di dời từ trước đó. Đại sứ quán vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và ngay trong ngày 5.5 sẽ cử một nhóm công tác đến Odessa". Theo bà Phương Thảo, cộng đồng người Việt Nam sống và làm việc đã lâu năm ở Ukraine nên hầu hết đều không vì khủng hoảng mà đề nghị về nước nhưng với những ai có nhu cầu, đại sứ quán sẽ tạo mọi điều kiện.
Theo TNO
LHQ họp khẩn cấp, Mỹ đề nghị Nga rút quân khỏi Ukraine Mỹ kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine trong khi Kiev kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) có những hành động kịp thời nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, theo AFP. Binh sĩ vũ trang trong quân phục không phù hiệu ngồi trong một xe quân sự mang biển số Nga tại thị trấn Balaclava của Crimea...