Thượng viện Mỹ thông qua dự luật can thiệp thỏa thuận hạt nhân Iran
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép quốc hội nước này rà soát và xem xét mọi thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, đặc biệt trong vấn đề dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, theo Reuters ngày 8.5.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Quốc hội Mỹ rà soát thỏa thuận hạt nhân Iran – Ảnh: Reuters
Với 98 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 7.5 đã thông qua dự luật “Rà soát thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran”. Dự luật này đã được chuyển tới Hạ viện và sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào tuần tới.
Đây là dự luật cho phép Quốc hội Mỹ có 30 ngày để xem xét thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran sau khi Iran và nhóm P5 1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) có thể đạt được vào hạn chót 30.6 tới. Trong thời gian đó, Tổng thống Barack Obama không được dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ áp đặt đối với Iran.
Ngoài ra, nếu các nghị sĩ không đồng ý thì ông Obama không được quyền dỡ bỏ bất cứ biện pháp trừng phạt nào do Quốc hội Mỹ thông qua nhằm áp đặt lên Iran. Theo đó, tất cả các lệnh trừng phạt này chỉ có thể hoàn toàn dỡ bỏ khi được Quốc hội quyết định, theo AFP.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông John Boehner bày tỏ sự ủng hộ dự luật này. Ông nói: “Tôi mong rằng Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này để chính quyền Tổng thống Obama phải có trách nhiệm. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn một thỏa thuận tồi tệ có thể mở đường cho một nước Iran có vũ trang hạt nhân và tăng nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân ở khu vực”.
Video đang HOT
Mặc dù Nhà Trắng cũng cho biết nếu Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này, Tổng thống Obama sẽ ký thành luật, nhưng đây là một bước đi gây sức ép đối với chính quyền Obama trong vấn đề hạt nhân của Iran. Nếu dự luật được thông qua, Quốc hội Mỹ có thể ủng hộ hoặc phản đối thỏa thuận về vấn đề hạt nhân, và “cuộc chiến phủ quyết” sẽ lại xuất hiện trong bộ máy nhà nước Mỹ.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Đàm phán hạt nhân Iran: Le lói ánh sáng cuối đường hầm
Mỹ vừa đưa ra thêm nhượng bộ lớn cho Iran khi yêu cầu Tehran chỉ phải ngừng chương trình hạt nhân 10 năm, thay vì 20 năm như trước đây. Nhưng liệu đề nghị này có đủ để kéo Iran và phương Tây tiến tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện vào cuối tháng này?
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran
Theo kế hoạch, Iran và nhóm P5 1 (gồm 5 nước thường trực HĐBA LHQ và Đức) chuẩn bị khởi động lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran tại thành phố Montreax (Thụy Sĩ). Đây được xem là cơ hội cuối cùng để các bên tiến tới một thỏa thuận khung vào cuối tháng 3, trước khi ký kết thỏa thuận toàn diện chung cuộc vào cuối tháng 6 nhằm khép lại cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân Iran đã kéo dài 12 năm qua.
Trước khi bước vào cuộc đàm phán mang tính quyết định này, cả Mỹ và Iran - hai nhân vật chính quyết định cuộc chơi - đều đã có những động thái tích cực thể hiện thiện chí.
Cụ thể, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã công khai yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người trước nay vẫn giữ thái độ do dự với phương Tây, ủng hộ các nỗ lực của ông trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nhóm P5 1. Đây là điều trước nay chưa có vị Tổng thống Iran nào làm được. Thậm chí, ông Rouhani còn có kế hoạch tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận hạt nhân cuối cùng nếu được thông qua tại cuộc họp tới đây.
Về phần mình, Tổng thống Obama cũng liên tiếp đưa ra những nhượng bộ hòng đảm bảo cơ hội đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ nới rộng số lượng thanh nhiên liệu hạt nhân tái chế được Iran giữ lại trong nước (từ 4.500 lên 6.500 thanh), mà còn rút ngắn thời gian Iran phải ngừng chương trình hạt nhân (từ 20 năm xuống chỉ còn 10 năm). Ở trong nước, Tổng thống Obama tuyên bố sẵn sàng phủ quyết mọi quyết định của Quốc hội hiện do đảng Cộng hòa chi phối nếu như muốn áp đặt thêm trừng phạt Iran khi các cuộc đàm phán hạt nhân chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, trên thực thế, những trở ngại đối với chương trình hạt nhân Iran không hề nhỏ.
Theo các nguồn tin, từ tháng 11/2014 đến nay, Iran và phương Tây đã đạt được một số bước tiến trong việc tháo gỡ bất đồng xung quanh vấn đề hạt nhân, nhưng "vẫn còn rất xa kết quả chung cuộc". Mâu thuẫn giữa các bên liên quan đến tiến trình dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây và quy mô chương trình hạt nhân của Iran vẫn chưa được thu hẹp.
Hiện tại, Iran muốn phương Tây phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đồng thời với việc nước này chấm dứt chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, một số nước phương Tây lại muốn dỡ bỏ cấm vận theo lộ trình với lý do Tehran đã tiến hành chương trình hạt nhân bí mật trong thời gian quá dài và hiện không ai biết quy mô thực sự của chương trình này đến đâu.
Ngoài ra, Iran và phương Tây cũng chưa thực sự thống nhất được với nhau về cơ chế quản lý đầy đủ đối với chương trình hạt nhân của Tehran. Một số nước phương Tây cho rằng nếu không có được một cơ chế quản lý hiệu quả và toàn diện thì Iran vẫn có thể bí mật chế tạo vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Ngay cả với nhượng bộ mới đây của Tổng thống Obama về việc rút ngắn thời gian ngừng chương trình hạt nhân của Iran từ 20 năm xuống còn10 năm, phía Iran cũng đã bày tỏ sự không đồng thuận. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng đây là yêu sách không thể chấp nhận được, phi lý và mang tính hăm dọa.
Trước những trở lại trên, Tổng thống Obama tỏ ra khá thận trọng về kết quả có thể đạt được trong vòng đàm phán tới. Theo ông, "cơ hội thành công của các vòng đàm phán chưa tới 50%" do những trở lực tiềm ẩn từ Quốc hội Mỹ và việc thu hẹp bất đồng thực sự giữa Iran với 6 cường quốc phương Tây. Đó là chưa kể tới những tác động không nhỏ từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang ở thăm Mỹ để vận động các nghị sĩ Do Thái giàu có và có thể lực trên chính trường tìm mọi cách cản trở thỏa thuận hạt nhân Iran.
Vì vậy, để tăng cơ may thành công cho hồ sơ hạt nhân Iran, nhiều khả năng các bên sẽ phải tạm chấp nhận một thỏa thuận không chính thức để tránh một kết cục đổ bể không mong muốn. Văn kiện này sẽ được giữ bí mật với công chúng để tạo điều kiện tốt nhất cho các bên đi vào đàm phán các chi tiết cần thiết của một thỏa thuận toàn diện cuối cùng sẽ được ký kết vào trước thời hạn chót ngày 30/6 tới.
Giới chuyên gia cho rằng một thất bại, hay một thỏa thuận không đủ mạnh sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn cho toàn khu vực do nhiều nước Hồi giáo dòng Sunni như Arập Xêút, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ đều đã bắn tín hiệu sẽ tham gia chạy đua hạt nhân nếu Iran không chấm dứt tham vọng sản xuất loại vũ khí giết người hàng loạt này. Tại Mỹ, thất bại trên bàn đàm phán hạt nhân cũng sẽ là một "trái đắng" đối với Tổng thống Obama, người đang khao khát dành được một thắng lợi lớn trong chính sách đối ngoại sau gần 2 nhiệm kỳ làm ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng.
Đức Vũ
Theo Dantri
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách 1,1 nghìn tỉ USD Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu ngân sách ngắn hạn 1,1 nghìn tỉ USD để chính phủ tiếp tục hoạt động cho đến tháng 9.2015, ngăn chặn nguy cơ chính phủ Mỹ bị đóng cửa. Tòa nhà Quốc hội Mỹ - Ảnh: Reuters Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu ngân sách ngắn hạn cho năm...