Thượng úy công an bị bắt oan đòi quyền lợi
Sáng 7.10, Công an thành phố Cần Thơ làm việc với ông Đinh Trung Tấn ở xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng) về vụ bị bắt oan 37 năm trước, khi ông Tấn là thượng úy công an. Hồi đó, bị bắt oan với ông Tấn còn có 2 sĩ quan công an khác
Ông Đinh Trung Tấn nghẹn ngào kể lại đêm bị khai trừ Đảng, bắt tạm giam. Ảnh: Sáu Nghệ
Bắt người không có hành vi phạm tội
Đây là vụ án gây rúng động tỉnh Hậu Giang cũ. Đêm 29.4.1978, thượng úy Công an thành phố Cần Thơ, ông Hai Thông, bị bắn chết khi đang chạy xe máy trên đường. Hồi đó, thành phố Cần Thơ là cấp huyện, tỉnh lỵ của tỉnh Hậu Giang cũ (gồm tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ bây giờ). Mấy ngày sau, đêm 1.5.1978, ông Đinh Trung Tấn, thượng úy công an thành phố Cần Thơ, bị bắt tại nhà, vì tình nghi là chủ mưu vụ ám sát. Người ký lệnh bắt là Trưởng Công an thành phố Nguyễn Tấn Lộc.
Làm việc tại Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an thành phố Cần Thơ sáng 7.10.2015, ông Tấn kể: Ông sinh năm 1939, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 21 tuổi, ở Tiểu đoàn 306, Quân khu 9. Năm 1965, ông chuyển công tác sang ngành an ninh khu Tây Nam Bộ và từ ngày giải phóng, ông về công tác tại Ty Công an tỉnh Hậu Giang cũ. Sau khi bị bắt, một số đồng nghiệp của ông kêu oan giúp ông và Bộ Công an cử cán bộ vào làm việc, thấy oan sai nên yêu cầu thả. Ngày 25.11.1978, ông Tấn được Ty Công an tỉnh Hậu Giang ra quyết định trả tự do vì “không có hành vi phạm tội”. Ông Tấn được thả nhưng mất hết mọi quyền lợi.
Ông Tấn nghẹn ngào, đêm bị bắt oan, ông bị đọc quyết định khai trừ Đảng và khi thả thì “như thả con chó”. Bởi vì, theo ông, ra tù lủi thủi một mình mà không được phục hồi quyền lợi gì cả. Hơn tháng sau, sợ bị trả thù nên ông về quê sống nhờ anh em. Gia đình ông có 5 anh em, trong đó 2 người là liệt sĩ, 3 người là thương binh. Sau này, mẹ của ông được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông được trợ cấp thương binh hạng 4/4. Dăm năm nay, nhờ đồng đội cũ giúp đỡ, ông được hưởng thêm trợ cấp người có công với nước, một tháng 1,5 triệu đồng.
Cán bộ Cơ quan CSĐT Công an thành phố Cần Thơ lục hồ sơ lưu trữ, thấy đơn khiếu nại đòi phục hồi quyền lợi vật chất và tinh thần của ông Tấn, năm 1979. Ông lại nghẹn ngào, gửi đơn khiếu nại nhưng chờ mãi không ai trả lời. Ở quê, ông lấy vợ, sinh 4 người con, làm ăn vất vả. “Nay con cái đã ra riêng, Nhà nước có chủ trương giải quyết oan sai nên tôi khiếu nại đòi quyền lợi”, ông nói.
Oan sai
Ông Nguyễn Văn Nhường, Phó trưởng Công an thành phố Cần Thơ lúc đó, nay nghỉ hưu ở phường Hưng Phú (Cái Răng, Cần Thơ) kể lại chi tiết vụ bắt oan. Ông Nhường nói, sau vụ ám sát, đồng chí Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng Công an thành phố, nắm tin từ đâu không biết, ra lệnh bắt giam 3 người: Tấn, Sơn, Dời. Bộ Công an có cử người xuống Công an Hậu Giang cũ tiến hành thẩm tra xác minh tình tiết thời gian, không gian vụ bắn chết Hai Thông thì Tấn ở đơn vị, không vắng mặt, không có liên quan đến vụ bắn chết. Cho nên, cán bộ của bộ cử xuống cùng tỉnh Hậu Giang cũ kết luận: Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng Công an thành phố ra lệnh bắt oan sai. Nhưng khi anh Tấn được thả ra, đồng chí Nguyễn Tấn Lộc không nhận trở lại đơn vị và không phục hồi quyền lợi chính trị từ đó cho đến nay”.
Video đang HOT
Cán bộ xã Liêu Tú cho biết, 37 năm qua, ông Tấn làm ruộng và nhiều năm là nông dân sản xuất giỏi, được UBND tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ông Tấn có 8 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Liêu Tú.
Theo Sáu Nghệ (Tiền Phong)
Lời đầu thú hoàn hảo trong vụ oan sai ở Sóc Trăng
Cảnh sát mời chị Diễm đi làm rõ cái chết của lái xe ôm nhưng nhà chức trách lại cho là cô gái đầu thú. Sau những lời khai trái sự thật của nghi can, nhiều thanh niên vướng lao lý.
Tại phiên tòa xét xử vụ án Dùng nhục hình và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ở Sóc Trăng vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Hùng Việt, Trưởng phòng 1A (VKSND tỉnh Sóc Trăng) nhiều lần nói đến sự nguy hiểm của những biên bản đầu thú được lập trái quy định trong hồ sơ tố tụng. Đó là việc nghi can bị công an mời đến cơ quan điều tra để làm rõ vụ án nhưng lời khai của họ được chuyển hóa thành nội dung đầu thú, khiến cơ quan công tố "mắc lừa".
Quá tin tưởng vào biên bản đầu thú
Theo hồ sơ vụ án, chị Nguyễn Thị Bé Diễm (29 tuổi, ngụ Hậu Giang) từng có tình cảm với anh Trần Văn Đở. Sau vụ xe ôm Lý Văn Dũng ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) bị sát hại khoảng một tuần, giữa tháng 7.2013, hai người bị công an mời và đưa đến cơ quan điều tra vào ban đêm.
Nguyên đại úy Triệu Tuấn Hưng (giữa) và biên bản ghi lời khai chị Diễm do bị cáo này trực tiếp thẩm vấn. Ảnh: Việt Tường
Thế nhưng, tối 13.7.2013, điều tra viên Lâm Văn Kết lập biên bản về việc người phạm tội ra đầu thú đối với chị Diễm. Buổi làm việc này có mặt ông Nguyễn Minh Toàn (trực ban) và Phan Văn Lắm, Phó phòng PC45 Công an Sóc Trăng.
Theo biên bản đầu thú, khoảng 21h ngày 5.7.2015, chị Diễm đang làm ở quán nhậu Chánh ở thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) thì anh Dũng đến chở ra ngoài. Lái xe ôm đưa cô gái đi được một đoạn thì gặp 3 xe máy khác chở theo nhiều người.
"Tôi thấy vậy nên nhảy xuống xe ông Dũng. Lúc này, Đở tay cầm dao nhào tới đâm ông Dũng, theo hướng đâm vào đầu. Tôi sợ quá nên chạy xuống ruộng, thấy có Phol, Hol, Mươl và những người khác nữa. Sau đó, tôi chạy về nhà trọ ngủ", biên bản đầu thú thể hiện.
Rạng sáng 14.7.2013, chị Diễm có tờ tường trình về việc thấy người tình đâm anh Dũng. Đến 7h cùng ngày, bị cáo Triệu Tuấn Hưng (nguyên điều tra viên PC45 Công an Sóc Trăng) lập biên bản ghi lời khai của nữ tiếp viên này. Trong biên bản, Hưng ghi rõ chức vụ, nơi công tác và hỏi Diễm về tình trạng sức khỏe khi làm việc với anh ta.
Theo biên bản ghi lời khai này thì lái xe ôm Lý Văn Dũng chở một phụ nữ khác, còn Đở thì chở Diễm. Khi hai xe chạy người chiều gặp nhau, "Đở nhảy xuống đạp ngã xe anh Dũng".
"Đở cầm dao đâm vào người anh Dũng, Mươl cũng nhào vô đánh anh Dũng. Lúc này, có 2 xe máy chạy đến, tôi thấy có Hol và Phol cùng 2 thanh niên không biết tên. Khi anh Dũng bỏ chạy thì Đở và nhóm người rượt theo. Sau đó, Đở quay lại chở tôi về", Diễm khai với điều tra viên Triệu Tuấn Hưng.
Như vậy, biên bản tự thú mà điều tra viên Lâm Văn Kết lập và biên bản bị cáo Hưng làm việc với chị Diễm có nhiều chi tiết mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, điểm giống nhau là Đở với những người bạn của anh này có đâm xe ôm Lý Văn Dũng.
Biên bản "đầu thú" của Diễm do điều tra viên Lâm Văn Kết lập. Ảnh: Việt Tường
Sau đó, thêm một biên bản "đầu thú" khác của Thạch Sô Phách về việc cùng nhóm bạn của mình sát hại lái xe ôm. Vì vậy, tại cuộc họp với lãnh đạo và điều tra viên PC45, Trưởng phòng 1A Nguyễn Hùng Việt đưa ra ý kiến: Nếu Đở khai có Mươl đi cùng thì thống nhất khởi tố Mươl. Còn Cua, Hol, Phách, Sóc, Diễm, Đở thì thống nhất khởi tố bị can và tạm giam.
"Có đến 2 người đầu thú thì chúng tôi thấy căn cứ quá vững chắc để khởi tố các bị can. Lúc đó, tôi hoàn toàn tin vào hồ sơ của cơ quan điều tra. Biên bản tự thú quá nguy hiểm", ông Việt nói.
Có chứng cứ ngoại phạm cũng bị bắt
Đêm anh Lý Văn Dũng bị sát hại, anh Khâu Sóc (ngụ xã Viên Bình, huyện Trần Đề) đang ở TP.HCM. Lúc đó, thanh niên này bán trái cây thuê cho một tiểu thương và vừa gặp bạn cùng quê là Thạch Mươl.
Lúc đó, Mươl cũng làm thuê ở TP.HCM. Sau khi rủ Sóc uống nước, anh này chia tay bạn để về Trần Đề thăm nhà trong đêm 5.9.2013 thì rạng sáng hôm sau anh Dũng gặp nạn.
Tại tòa, ông Nguyễn Hùng Việt cho biết, có báo với cán bộ PC45 về chứng cứ ngoại phạm của Sóc. Tuy nhiên, cán bộ điều tra lên Sài Gòn không tìm được tiểu thương là bạn của Sóc nên thanh niên này đã bị bắt oan.
Sau khi 2 thiếu nữ giết anh Dũng đầu thú và 7 người bị bắt oan hơn nửa năm được thả, vợ của Thạch Sô Phách đã bỏ nhà đi lấy chồng khác. Mối tình kéo dài 3 năm của Đở và Diễm ly tan.
Khâu Sóc (phải) có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng nhất nhưng anh cũng bị công an bắt oan. Ảnh: Việt Tường
Theo Đở, anh rất buồn khi biết được Diễm "đầu thú" và khai ra những chi tiết không có thật để đẩy người tình vào lao lý. Có thể, đây là lý do Đở nhất quyết không ra tòa dù cơ quan tố tụng xác định anh là nạn nhân trong vụ án Dùng nhục hình mà cựu thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân và nguyên đại úy Triệu Tuấn Hưng là bị cáo.
Trong lần trò chuyện với phóng viên, Đở cho biết, anh không muốn chạm mặt Diễm bất cứ nơi đâu. Là người có liên quan đến vụ án Dùng nhục hình, Diễm cũng không đến tòa dù được triệu tập hợp lệ. Có lẽ, chị này cũng không muốn gặp lại anh Đở là điều dễ hiểu.
Ngày mai (5.10), phiên tòa xét xử hai cựu cảnh sát Quân, Hưng và nguyên kiểm sát viên Phạm Văn Núi sẽ tiếp tục diễn ra tại Sóc Trăng.
Theo hồ sơ tố tụng vụ oan sai ở Sóc Trăng, quá trình điều tra vụ án Giết người xảy ra tháng 7.2013 tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), Quân và Hưng được cấp trên huy động. Hai người này có hành vi dùng nhục hình đối với anh Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc, mục đích ép buộc họ khai nhận đã giết ông Lý Văn Dũng (chạy xe ôm ở huyện Trần Đề). Cáo trạng của VKSND Tối cao cáo buộc, nguyên thiếu tá Quân và đại úy Hưng dùng nhục hình với Đở, Phách, Sóc tại phòng làm việc của PC45 Công an Sóc Trăng. Họ lấy khóa số 8 treo tay người bị tình nghi vào khung sắt cửa sổ, chỉ để 2 đầu bàn chân chạm sàn nhà. Nguyên đại úy Hưng được cho là dùng tay đánh, thúc đầu gối vào bụng anh Đở để ép người này khai nhận việc giết ông Dũng. Quân cũng treo tay nghi can như đồng nghiệp của mình, rồi đấm đá anh Đở. Cơ quan công tố cho rằng, Hưng không chỉ treo tay anh Phách bằng khóa số 8 mà còn dùng dùi cui cao su đánh mạnh vào chân anh này. Sáng 20.7.2013, nghi can tiếp tục bị Hưng treo hai tay. Nguyên đại úy dùng khăn lau bàn gói cục đá lạnh, đặt vào bộ phận sinh dục của anh Phách. Từ việc ép những thanh niên phải nhận tội, Công an Sóc Trăng đã bắt tạm giam 3 nạn nhân Đở, Phách, Sóc và 4 người bạn của họ là Thạch Mươl, Trần Hol, Trần Cua và Nguyễn Thị Bé Diễm.
*Tiêu đề đã được Dân Việt đặt lại.
Theo Việt Tường (Zing)