Thưởng thức nem vuông phố cổ
Bản thân là một người không hề mặn mà với các món “nem công chả phượng” nhưng sau một lời “dụ dỗ” rằng: “Nem quán này đỉnh nhất khu phố cổ, không ăn thử thì phí hoài” nên cuối cùng tôi đã tới đây khám phá
Chúng tôi tìm đến con phố Đào Duy Từ vào một buổi trưa cuối tuần. Mới đặt chân đến đầu phố, tôi dã dễ dàng phát hiện ra ngay quán “ Nem vuông phố cổ”. Không phải vì nhà hàng bắt mắt hay biển bảng gì hoành tráng, mà trái lại, chỉ bởi vì nó là quán vỉa hè tuềnh toàng, rổ nem rồi bếp rán nem, rau, bún, bát đĩa… cứ lồ lộ ra ngoài mặt đường, đó là chưa kể tới dãy khách ngồi nhấp nhô khá đông xếp dài ngay phía đối diện cũng khiến bất kì ai phải chú ý.
Dù chưa cần thưởng thức nhưng tôi đã kịp nhìn ra sự khác biệt của món nem quán này. Đúng như cái tên, những chiếc nem mang hình thù độc đáo hơn, không phải loại nem dài dài có thân tròn mà cái nào cái nấy được gói gém vuông vắn tựa những chiếc bánh chưng “mini”, cũng có dây lạt buộc quanh mình. Nhưng không chỉ đặc biệt về ngoại hình, chất lượng bên trong mới là thứ khiến món nem vuông này trở nên tiếng tăm.
Cũng là một con “ma ăn uống” chuyên lê la khu phố cổ, đã từng có dịp nếm qua nhiều hàng bún nem có tiếng quanh đây, điển hình như nem cua bể phố Hàng Đồng, song hầu hết chẳng hề để lại cho tôi chút ấn tượng nào. Vậy mà đến đây, chỉ với miếng nem “demo” đầu tiên, tôi đã thấy “khoái” ngay. Vỏ nem hơi dày nhưng lúc nào cũng giòn tan dù bạn có để nguội đến mấy. Nhân nem thì đậm đà, thơm bùi vị thịt cua rõ ràng, thưởng thức thấy ra mùi ra vị đàng hoàng chứ không phải kiểu “chạy qua hàng cua” tí ti cua thôi đâu. Nước chấm của quán cũng pha chế khéo léo, nhờ thế càng khiến món nem vuông trở nên “ăn điểm”.
Video đang HOT
Quả thật, cái vị thơm thơm, bùi bùi khiến nem vuông quán này không hề ớn ngấy hay đơn điệu như nhiều nơi khác. Có lẽ nhờ thế mà nó giúp tôi – kẻ vốn chúa ghét các loại “nem công chả phượng” lập kỉ lục: lần đầu tiên trong đời, sau một suất bún nem, tôi đã không ngần ngại gọi thêm một vài chiếc nem nữa để thưởng thức cho no nê, đã miệng thì thôi.
Ngoài ra, cái hay khi tới đây ăn bún nem là tôi được nhâm nhi thêm một món ngon “khét tiếng” của khu phố cổ: trà chanh ngòn ngọt, thơm mát của quán trà chanh nổi tiếng trong giới teen. Và đó cũng chính là thói quen của nhiều khách hàng khi đến phố Đào Duy Từ thưởng thức bún nem vuông phố cổ.
Địa chỉ: Nem vuông phố cổ 35 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo Infonet
Khám phá mâm cỗ ba miền ngày tết
Mâm cỗ ngày Tết ở ba miền đều thể hiện sự cân bằng âm dương.
Năm mới gia đình cùng sum họp quanh mâm cỗ tết là một mỹ tục mà dân tộc Việt Nam đã lưu truyền bao đời nay; thể hiện sự thiện lành, tính khoan hoà của dân tộc với nền văn hoá nông nghiệp truyền thống.
Tinh tế cỗ Bắc
Mâm cỗ tết miền Bắc thường có bốn dĩa và bốn bát chính
Mâm cỗ vùng đồng bằng Bắc bộ thường tuân thủ đúng bài bản. Mâm cỗ thường gồm bốn dĩa và bốn bát không kể những dĩa xôi và các bát nước chấm. Bốn dĩa gồm hai dĩa thịt có thể là gà và heo, một dĩa nem thính, một dĩa giò lụa. Có thể thêm một dĩa giò mỡ (giò thủ hoặc thịt đông). Bốn bát gồm bát ninh, bát măng hầm giò heo, bát miến, bát mộc. Đây là những yêu cầu căn bản của mâm cỗ. Tuỳ gia đình có thể thêm những món như nộm, xào, ngày tết còn có món đặc trưng như bánh chưng, dưa hành. Tráng miệng có mứt sen, quất, gừng, chè kho.
Chăm chút cỗ Trung
Chả phụng miền Trung. Làm mâm cỗ miền Trung rất được chăm chút đến nỗi có phần cầu kỳ.
Những món trên mâm cỗ miền Trung thường chú trọng đến sự chăm chút và tính bảo quản do khí hậu khắc nghiệt. Những món nguội như chả phụng, nem, tré. Gỏi có gà bóp rau răm; gỏi trái vả; măng, mít trộn. Món nóng có nem lụi, bò nướng sả ớt. Những món nguội lưu trữ được dài ngày thường được cuốn với bánh tráng, dưa kiệu.
Món chính để ăn với cơm có món quay, rán từ heo, gà. Món nấu có bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim, hon... Và thường không thiếu món canh giò heo hầm, gà tiềm, bánh tét, dưa món. Và nhiều món tráng miệng từ mứt; bánh có bánh tổ, bánh in, bánh thuẩn, bánh bột sắn, bánh ít, bánh đậu xanh sấy, bánh bảy lửa, cốm...
Phong phú cỗ Nam
Mâm cỗ tết miền Nam thường có thịt kho nước dừa và canh khổ qua.
Với món nguội có nem, bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi ngó sen... Riêng gỏi gà luộc xé phay trộn củ hành, kiệu là món thường có trên mâm cỗ. Các món ngâm chua như lỗ tai heo ngâm giấm, tôm khô củ kiệu cũng được ưa chuộng. Món chính để ăn cơm như bò nấu đun, gà rim nước dừa tươi. Đặc biệt, hầu như khắp nơi ở Nam bộ nhà nào cũng có nồi thịt kho nước dừa ăn với dưa giá và canh khổ qua. Hai món này luôn có trong mâm cơm cúng ông bà ngày 30 tết. Theo dân gian thì "khổ qua" là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn. Xét thực tế đây là món ăn mát, giải mỡ, lưu trữ lâu ở thời tiết nóng miền Nam. Và thường phải có món bánh tét nhân mỡ ăn với củ cải ngâm nước mắm.
Tráng miệng có những loại mứt trái cây như mứt dừa, me, mãng cầu, gừng dẻo, củ năn, thèo lèo, kẹo chuối, xôi vị, bánh bò, bánh ít, bánh tét ngọt...
Cân bằng âm dương, thể hiện ngũ hành
Nhìn chung mâm cỗ ngày tết ba miền có những nét riêng thay đổi theo thổ nhưỡng, tập quán. Nhưng riêng bánh chưng, bánh tét thì không có sự khác biệt về nguyên liệu.
Cỗ tết, luôn có thịt mỡ, tinh bột, bánh mứt nhiều nên vị ngọt béo hơn hẳn ngày thường. Đồng thời mùa tết không khí cũng hanh khô. Do đó cách ăn ở ba miền đều thể hiện sự cân bằng âm dương, kèm những món nhiều đạm mỡ là dưa hành, cải chua, củ kiệu, dưa giá... nhằm làm bớt sự ngán ngậy.
Đặc biệt còn có thức ăn uống mang tính tiêu thực tốt như rượu nếp cẩm của miền Bắc, cơm rượu của miền Trung và Nam. Sự phối hợp nguyên liệu nóng và nguyên liệu mát cũng là nghệ thuật cân bằng âm dương trong món ăn ngày tết. Chẳng hạn, cá lóc kho kèm thịt heo (cá nước - âm hơn, heo trên cạn - dương hơn). Thịt, cá (dương hơn) được xào với rau củ (âm hơn).
Nhìn mâm cỗ tết Việt, màu sắc hài hoà. Rau quả xanh tươi của hành mộc thể hiện sự tươi mới mùa Xuân. Màu đỏ - hành hoả, màu của thịt thà, nem chả mang đầy năng lượng cho cuộc sống. Màu vàng - hành thổ từ sắc vàng như bánh mứt thể hiện sự an lành. Màu trắng - hành kim của các món bún, cơm, xôi, bánh tráng tượng cho sự vững chắc, bền bỉ. Và màu nâu sẫm, màu đen - hành thuỷ của các loại nấm, tóc tiên... tượng trưng cho sự may mắn, hanh thông. Màu sắc ngũ hành có đủ trong mâm cỗ tết thể hiện sự ước mong điều tốt lành trong năm mới.
Theo Quang Tâm (Sài Gòn tiếp thị)
Cuốn - Làm mới món cũ Ngày Tết, mỗi gia đình thường chuẩn bị vài thiên bánh tráng, tôm khô, củ kiệu, dưa hành cùng nồi thịt kho tàu, chút rau sống, nước chấm chua ngọt để có một bữa ăn cuốn cách điệu với nguồn thực phẩm đặc trưng ngày Tết. Đầu bếp Phạm Tuấn Anh (khoa bếp Á - Trường Du lịch khách sạn TP.HCM) chia sẻ:...