Thưởng Tết nước mắm, mỳ chính, thầy cô vùng cao bán lá dong lo Tết
“Tết đến có năm thì được cho ít hạt hướng dương, năm là dầu ăn, nước mắm, nhà trường thương giáo viên lắm thì cũng cố cho được 100.000 đồng là nhiều”.
Tết dương lịch 2020 đang cận kề và gần 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán Mậu Tý. Thời điểm này, nhiều trường học đã và đang công bố kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán cho giáo viên. Những ngày gần đây, một số trường tại TP HCM thông báo rằng dự kiến sẽ thưởng Tết cho giáo viên lên đến vài chục triệu đồng. Thế nhưng cũng có không ít giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, các trường công lập nhận mức thưởng Tết chỉ vài trăm nghìn đồng. Thậm chí ở một số vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên được thưởng Tết bằng những vật phẩm như nước mắm, dầu ăn, hay gói hạt hướng dương.
Nhiều giáo viên vùng cao chưa từng biết đến thưởng Tết. (ảnh minh họa, nguồn: VTC News)
Thưởng Tết trăm nghìn, giáo viên bán lá dong, buôn gà lấy tiền tiêu Tết
Có hơn 13 năm công tác tại trường Dân tộc Bán trú THCS Ngọk Tem, xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum – một trong những điểm trường đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum, thưởng Tết của thầy Hoàng Văn Hoàn cũng như nhiều giáo viên khác tại đây chủ yếu là những món quà tinh thần, những buổi sinh hoạt tập thể, văn nghệ, ngồi quây quần bên đĩa bánh kẹo, liên hoan đón xuân.
Thầy Hoàn bộc bạch, do điều kiện địa phương đặc biệt khó khăn, nên những giáo viên ở đây cũng chưa từng mong ngóng vào chuyện thưởng Tết: “Thực tế việc dạy và học đã rất thiếu thốn, chúng tôi cũng không trông chờ gì có thưởng Tết. Dịp Tết, quà Tết chủ yếu mang giá trị tinh thần là chính, năm là chai dầu ăn, năm là gói mì chính, chai nước mắm hay có năm được gói hạt hướng dương về ăn Tết. Trường thương giáo viên lắm, nhưng kinh tế không có, nên có năm thì thưởng thêm được 100.000 đồng, có năm thì được 200.000 đồng”.
Thầy Hoàn tâm sự, trong cái khó, ló cái khôn, mỗi dịp giáp Tết, vợ chồng thầy Hoàn vẫn thường xuyên dậy sớm từ 3, 4h sáng, vào các chợ đêm trong bản, mua lá dong rừng, cau để mang về thị trấn bán. “Chủ yếu lấy công làm lãi, bán ít lá dong cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng có vài đồng ra đồng vào thêm thắt cũng đỡ hơn”.
Cô Ninh Thị Tình, giáo viên trường Tiểu học Yên Sơn 2, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ có gần 10 năm công tác tại huyện miền núi nghèo cũng chưa từng biết đến thưởng Tết.
Video đang HOT
Cô Tình chia sẻ, giáo viên không có thưởng Tết: “Chuyện thưởng Tết vài triệu hay vài chục triệu xưa nay chỉ nghe thấy trên báo đài, TV, chứ chúng tôi chưa bao giờ được nhận tiền thưởng Tết lên đến 1 triệu đồng. Là huyện còn nhiều khó khăn, hàng năm huyện đều cho giáo viên 400.000 đồng tiền ăn Tết, về trường may ra được thêm 100.000-200.000 nữa tùy theo tình hình từng năm”.
Sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình, cô Tình đi dạy xa quê đã gần 10 năm, rồi lại bén duyên với thầy giáo ở bản, hai vợ chồng cô Tình cứ thế động viên nhau bám trụ cùng xây dựng mái ấm nhỏ.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, như bao phụ nữ lấy chồng xa quê khác, cô Tình đều ao ước được về nhà mẹ đẻ thăm gia đình, ăn Tết, nhưng với đồng lương ít ỏi, cô Tình vẫn thường phải giấu nỗi nhớ, vài năm mới về quê một lần.
“Tiền lương, thưởng Tết dùng để trang trải cho gia đình đã khó khăn, nên nhiều khi nhớ nhà lắm cũng không về được. Tết đến vật giá leo thang, cái gì cũng đắt đỏ. Cứ đến tháng Tết lại phải ngồi tính toán chi tiết những khoản cần tiêu để cân đối”, cô Tình nói.
Không chỉ ở vùng cao, ngay tại Hà Nội, khi nhiều trường có mức thưởng Tết tiền triệu, thì những giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức cũng chỉ được nhận tiền lương và thưởng Tết vỏn vẹn 1,7 triệu đồng, bao gồm 1,2 triệu đồng tiền lương tháng và thêm 500.000 đồng tiền thưởng Tết.
Hơn 10 năm công tác trong ngành giáo dục tại huyện Mỹ Đức, đến nay cô Phương Anh vẫn chỉ được ký hợp đồng 3 tháng, ngoài mức lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng, cô cùng nhiều đồng nghiệp không được hưởng thêm bất cứ khoản trợ cấp nào khác, không được tham gia BHXH, thậm chí BHYT cũng phải tự mua.
Tết đến, cả thưởng Tết và tiền lương chỉ vỏn vẹn hơn một triệu đồng, cuộc sống của các cô giáo tại Thủ đô không kém phần chật vật.
“Thịt lợn tăng giá hơn 100.000/kg, cầm hơn 1 triệu đồng trong tay, Tết cũng không biết tiêu thế nào cho vừa. Trường cách nhà hơn 10km, tiền xăng đi lại cũng đã hết quá nửa số tiền lương, bao năm qua chúng tôi cũng không biết làm sao để sống được. Đến gần Tết, các cô trong trường lại rục rịch rủ nhau làm thêm, buôn bán kiếm thu nhập. Người thì bán hoa quả, người đi buôn thêm gà…, nhiều người đi gia sư”.
Tiết kiệm chi mới có thưởng
Thầy Nguyễn Hoài Giang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Sơn 2 xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ chia sẻ, ngành giáo dục vốn không có quy định về thưởng Tết, mà chỉ có tiền thưởng cho các giáo viên đạt thành tích, danh hiệu. Đặc biệt là một trường vùng cao như Yên Sơn còn nhiều khó khăn, năm hết Tết đến muốn có tiền thưởng Tết cho giáo viên cũng “lực bất tòng tâm”.
“Ngày Tết nhưng kinh tế không có, nên cũng đành chịu. Hầu hết các điểm trường ở xã đều có chung điều kiện khó khăn giống nhau, cơ sở vật chất trường lớp còn hạn chế, học sinh còn thiếu thốn, nên nhiều năm nay mức tiền thưởng Tết của trường cho các thầy cô cũng chỉ 100.000-200.000 đồng/người”.
Thầy Giang tâm sự, để có quà Tết cho giáo viên, các trường đều phải chi tiêu cực kỳ tiết kiệm, tằn tiện từng đồng với có được. Các ngày lễ, để động viên tinh thần giáo viên, trường cũng chỉ mua bánh kẹo ăn cho vui, liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn.
GS Phạm Tất Dong cho rằng, làm sao để có thưởng Tết cho giáo viên là bài toán khó với nhiều trường, đặc biệt là những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa: “Ai cũng muốn có thưởng Tết, nhưng nhiều trường ở các tỉnh miền núi giáo viên còn phải đến tận nhà, thậm chí bỏ tiền túi ra cho thêm học sinh để khuyến khích các em đến trường. Do đó để có tiền thưởng cho giáo viên là điều không dễ. Nhà nước cần có sự hỗ trợ đặc biệt cho những giáo viên ở vùng khó khăn, vì nếu để cho nhà trường hay ngành giáo dục tự quyết thì cũng đành chịu. Nếu không có sự động viên kịp thời, phù hợp sẽ rất khó để thu hút giáo viên lên cắm bản.”./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
Bạn đọc viết: Chuyện thưởng Tết của nhà giáo
Những ngày này, chủ đề mà giáo viên (GV) chúng tôi quan tâm nhất có lẽ là chuyện thưởng Tết. Ai cũng thấp thỏm, hồi hộp hỏi thăm nhau xem năm nay trường mình có được thưởng Tết không và thưởng được bao nhiêu.
Ảnh minh họa
Thực ra, đặc thù của nghề giáo là không làm ra sản phẩm nên không có chuyện thưởng Tết. Thế nhưng những năm gần đây, các trường học thực hiện theo Nghị định 43 của Chính phủ. Sau khi cân đối thu, chi (nếu còn) thì Hiệu trưởng sẽ trích lập quỹ thu nhập tăng thêm cho GV. Số tiền này chúng tôi thường gọi vui là "thưởng Tết" của GV.
Thực ra, số tiền mà GV chúng tôi được nhận chẳng nhiều nhặn gì. Có năm chỉ vài trăm ngàn, một triệu và nhiều nhất là vài triệu đồng. Thế nhưng nó là niềm vui lớn cho các GV chúng tôi khi Tết đến, xuân về.
Nhà giáo vốn dĩ lương bổng không nhiều. Cuộc sống của GV đa số còn rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ai cũng mong ngóng mình có tiền thưởng để đón một cái Tết được trọn vẹn, đủ đầy.
Năm nay, vật giá các mặt hàng đều đồng loạt tăng giá. Trong khi đó, ngày Tết trăm thứ phải chi tiêu. Từ tiền biếu hai bên nội ngoại đến sắm sanh vài bộ quần áo mới cho con. Chưa kể, thực phẩm ăn uống ba ngày Tết... Nhiều thầy cô tỏ ra lo lắng thấy rõ khi Tết đang cận kề.
Cô bạn gái của tôi quê mãi tận ngoài Bắc xa xôi. Bạn xa gia đình đã hơn hai mươi năm rồi. Năm nay, cả nhà bạn về quê ăn Tết nhân dịp mừng thượng thọ mẹ ruột tròn 80 tuổi. Suốt mấy ngày nay, bạn cứ ngóng trông xem năm nay trường mình có thưởng Tết không? Bạn chỉ muốn làm sao để có tiền mà mua thêm chút quà bánh về cho các cháu.
Bản thân tôi cũng thế, gần Tết thường đau đáu những nỗi lo trong lòng. Làm sao để có một cái Tết đủ đầy, hạnh phúc. Gần Tết, bao giờ tôi cũng phải thắt chặt chi tiêu lại. Chỉ mong sao dư ra ít tiền mà biếu bố mẹ hai bên. Nếu được thưởng Tết, tôi sẽ bớt đi được rất nhiều nỗi lo. Đây cũng là ước mơ chính đáng của tất cả các thầy cô. Ai đi làm cả năm mà lại không mong được thưởng Tết. Ai mà chẳng mong muốn có một cái Tết thật đủ đầy.
Ước mơ là vậy nhưng chúng tôi cũng chẳng buồn nếu trường mình không có thưởng Tết. Chúng tôi vẫn rất vui khi đón mùa xuân về. Có thể nói, niềm vui và hạnh phúc của nghề giáo thì khó nghề nào mà có được. Ngày Tết, các em học sinh nô nức kéo đến nhà chúc Tết thầy cô. Chỉ cần nhìn các em chăm ngoan và trưởng thành là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi. Niềm vui của nghề giáo vốn luôn giản dị như vậy đó.
Một mùa xuân nữa sắp về rồi. Chúc tất cả quý thầy cô cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và an yên đón mùa xuân mới.
Loát Trần
( Tây Ninh)
Theo Dân trí
Cuộc sống của người nghèo Trung Quốc trên những chuyến tàu hạng ba Tàu cao tốc là biểu tượng cho sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng ở một thế giới khác, người nghèo Trung Quốc phải đi những chuyến tàu hạng ba tồi tàn, rẻ mạt. Nằm bên hồ Tai và kênh đào Đại Vận Hà, Vô Tích là khu vực buôn bán tấp nập truyền thống của Trung Quốc. Hiện nay,...