Thưởng Tết nơi tiền tỷ, chỗ vài chục nghìn đồng
Vẫn như mọi năm, mức thưởng Tết năm nay có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương, các ngành, các khối lao động sản xuất.
Hàng loạt ngân hàng công bố mức lợi nhuận khủng hứa hẹn mùa thưởng Tết cao hơn rất nhiều so với năm ngoái (Trong ảnh: Một điểm giao dịch của ngân hàng Vietinbank). Ảnh: Tạ Tôn
Tới ngày 29/12, dù Bộ LĐ, TB&XH chưa công bố thống kê tình hình thưởng Tết 2020, song thông tin từ các địa phương trong cả nước cho thấy mức thưởng đều cao hơn so với năm trước.
Khối doanh nghiệp FDI dẫn đầu
TP HCM là địa phương đầu tiên công bố, cũng là địa phương đứng đầu cả nước với thông tin mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất 3,5 tỷ đồng thuộc về một ngân hàng có vốn liên doanh nước ngoài. Số tiền thưởng này vượt xa mức thưởng cao nhất của Tết Dương lịch 2019 (500 triệu đồng/người) và gấp gần 3 lần so với mức thưởng cao nhất của Tết Nguyên đán 2019 (gần 1,2 tỷ đồng/người). Trong khi đó, mức thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cao nhất trên địa bàn TP HCM theo thống kê là 800 triệu đồng. Mức thưởng bình quân khoảng 10 triệu đồng/người, tăng khoảng 1% so với dịp Tết Âm lịch 2019.
Tạm xếp thứ hai đến thời điểm này là Đà Nẵng, với mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là hơn 209 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất gần 930 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp dân doanh.
Bình Dương cũng là điểm sáng trong bức tranh thưởng Tết năm nay với mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất trên địa bàn là hơn 440 triệu đồng/người, thưởng Tết Nguyên đán 2020 cao nhất 350 triệu đồng/người. Đáng chú ý, mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cao nhất đều thuộc một doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, mức thưởng Tết thấp nhất dưới 1 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp trong nước.
Thủ đô Hà Nội cũng công bố mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân tăng gần 5% và mức thưởng cao nhất là 420 triệu đồng/người.
Đáng chú ý, năm nay khối doanh nghiệp FDI dẫn đầu mức thưởng Tết tại nhiều tỉnh thành. Cụ thể, tại Quảng Nam, mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cao nhất đều thuộc về doanh nghiệp FDI với con số lần lượt 80 triệu đồng/người và 500 triệu đồng/người. Tương tự, tại Bắc Ninh, khối FDI cũng chiếm đầu bảng thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán với mức 220 triệu đồng/người và 288 triệu đồng/người. Tại Thừa Thiên – Huế, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là hơn 126 triệu đồng/người cũng thuộc về nhóm doanh nghiệp FDI.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động theo hình thức “động viên là chính” với mức từ 100-200 nghìn đồng. Cá biệt, tại Hải Phòng, mức thưởng Tết thấp nhất thuộc về Công ty TNHH Đông Hải, với con số 30 nghìn đồng. Chưa hết, mới đây, công đoàn của một đơn vị ra thông báo sẽ tặng quà Tết Dương lịch cho các cán bộ, công chức, viên chức mỗi người 3kg thịt lợn sạch và 2 chai nước mắm. Trường hợp các cán bộ, công chức, viên chức đi công tác vắng thì công đoàn đơn vị có trách nhiệm chuyển đến gia đình ngay trong ngày tránh để hỏng thực phẩm.
Ngân hàng “lên hương”, địa ốc đìu hiu
Năm tài chính 2019 sắp khép lại với gam màu sáng đối với ngành ngân hàng, trong đó nhiều ngân hàng công bố vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra. Tại cuộc họp mới đây giữa VietinBank và cổ đông chiến lược MUFG Bank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, kết thúc năm tài chính 2019, VietinBank nhiều khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt hồi đầu năm là 9.500 tỷ đồng trước thuế.
Với BIDV, một lãnh đạo ngân hàng này thông tin, ước tính cả năm nay, tổng vốn huy động của Ngân hàng đạt 1,135 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế cả năm sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là 10.300 tỷ đồng hoặc có thể vượt chỉ tiêu.
Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2019 ở mức 1.220 tỷ đồng trước thuế, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, Ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch kinh doanh Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) giao, với mức tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2018.
Lãnh đạo VIB cũng công bố tin vui khi lợi nhuận tăng trưởng gần gấp rưỡi so với năm 2018; Uớc lãi đạt mức kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, các ngân hàng năm nay cũng không ngần ngại hé lộ mức thưởng Tết “ấm” cho nhân viên. Mới đây một ngân hàng đến từ Malaysia có trụ sở tại TP HCM cho biết thưởng Tết Dương lịch cao nhất tới 4 tháng lương và sẽ chi trả trong ngày 3/1. Ngoài ra nhân viên ngân hàng này còn được thưởng tháng lương thứ 13 và nhận trong ngày 25/12 vừa qua. Riêng lương tháng 1/2020 sẽ được ngân hàng tiếp tục chi trả vào ngày 17/1 (23 tháng Chạp). Với cách thức chi trả trên, nhân viên được nhận nhiều nhất là 7 tháng lương, ít nhất là 4,5 tháng. Trong khi đó, thu nhập trung bình của nhân viên ngân hàng này không dưới 20 triệu đồng/người/tháng.
Trước đó, cũng tại TP HCM, lãnh đạo một ngân hàng cho hay, bên cạnh lương tháng 13, nhân viên sẽ được hưởng mức thưởng Tết Nguyên đán từ 1-5 tháng lương.
Nhiều ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch thưởng Tết riêng cho nhân viên khi lợi nhuận ước thu về năm nay ở mức cao, nhưng chưa tiết lộ con số cụ thể.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngành bất động sản năm nay lại khá yên ắng trước thông tin thưởng Tết. Nếu như năm 2018, mức thưởng trung bình của các nhân viên kinh doanh ở các công ty bất động sản thường rơi vào khoảng 20-50 triệu đồng, nhiều tập đoàn lớn còn thưởng ô tô, nhà và những chuyến du lịch nước ngoài xa hoa cả tuần lễ thì năm nay vẫn chưa thấy ông chủ địa ốc nào “hào hứng” tuyên bố thưởng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: “Năm nay, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kém hơn các năm trở lại đây do nguồn hàng ít. Trong khi đó, chi phí đầu vào nhiều thứ tăng như: Chi phí trong ngành xây dựng cũng tăng, vật liệu, vật tư tăng, giá vốn tăng khi ngân hàng đẩy lãi suất lên cao, thậm chí còn siết, hạn chế cho vay. Chính vì thế lợi nhuận nhiều doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng đặt ra, khó có mức thưởng Tết lớn đột biến”.
Tháng lương 13 không phải thưởng Tết
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhiều doanh nghiệp đang có sự nhập nhèm trong chuyện thưởng Tết Nguyên đán khiến người lao động bị “đánh lừa” cảm xúc khi nghĩ rằng tháng lương thứ 13 đồng thời cũng là khoản thưởng Tết và công ty dành cho nhân viên của mình.
“Trong quy định hiện nay thì không bắt buộc doanh nghiệp nào cũng phải có khoản thưởng Tết Nguyên đán cho nhân viên. Còn trong Luật Lao động thì với nhân viên ký hợp đồng chính thức phải có tháng lương thứ 13. Do đó, tháng lương 13 không có nghĩa là tiền thưởng, mà chính là tiền công lao động được giữ lại, doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả đủ”, ông Huân nói.
Hoàng Ngân
Theo Baogiaothong.vn
Đảm bảo ATM không hết tiền dịp Tết
NHNN vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức thanh toán thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động thanh toán, rút tiền mặt của người dân diễn ra thông suốt.
Trong văn bản mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, sở giao dịch... thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian quyết toán năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020.
Theo đó, các ngân hàng phải có kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời, phải giám sát hoạt động của hệ thống ATM, đảm bảo mạng lưới diễn ra an toàn và thông suốt.
Với các địa bàn thường xuyên xảy ra hiện tượng ATM quá tải như các khu công nghiệp, chế xuất, ngân hàng phải có biện pháp phù hợp để giảm tải. Chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương, xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng Tết bằng tiền mặt.
Ngoài ra, các ngân hàng và tổ chức thanh toán cũng cần khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giảm phụ thuộc vào việc rút tiền mặt tại các điểm ATM.
Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng mạnh. Ảnh minh họa: T.L.
Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng, tổ chức nói trên tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bất hợp pháp liên quan tới các giao dịch thanh toán trong dịp cuối năm. Trong đó, kiểm soát chặt các giao dịch thanh toán, ngăn chặn và xử lý giao dịch gian lận, giả mạo, trái pháp luật...
Các ngân hàng cũng được yêu cầu phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để xử lý các khiếu nại, khiếu kiện của người dân trong dịp này. Phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính để hạn chế các sự cố kỹ thuật, đường truyền, đảm bảo các giao dịch liên ngân hàng ổn định.
Mặt khác, ngân hàng phải theo dõi phản ánh những vấn đề phát sinh về hoạt động thanh toán, giao dịch ATM liên quan đến đơn vị mình để có biện pháp xử lý hoặc phản hồi thỏa đáng, kịp thời cho người dân.
Với các ví điện tử, NHNN yêu cầu phối hợp với các ngân hàng thương mại thực hiện theo dõi, đối chiếu hàng ngày. Trong đó, phải đảm bảo số dư trên tài khoản thanh toán được duy trì không thấp hơn tổng số dư của tất cả các ví điện tử tại cùng thời điểm.
Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm tra, bảo trì hệ thống, hạ tầng kỹ thuật và theo dõi đảm bảo hoạt động chuyển mạch tài chính an toàn, thông suốt và ổn định.
Đặc biệt, các ngân hàng, tổ chức này phải quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm chế độ trực vận hành hệ thống kỹ thuật, phối hợp với các đơn vị thành viên theo dõi, phát hiện, xử lý các sai sót, sự cố phát sinh và cung cấp thông tin cho NHNN.
Theo Zing.vn
Thưởng tết đậm, nhân viên ngân hàng '1 mùa ấm no' Năm 2019, lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh. Kết quả kinh doanh khả quan là tín hiệu vui báo hiệu một mùa thưởng Tết ấm no cho "dân ngân hàng". Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố lợi nhuận kinh doanh trong năm 2019. Tình hình chung cho thấy lợi nhuận các ngân hàng đều tăng trưởng mạnh....