Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn về hưu, điều tử tế còn mãi
Thượng tá Lê Đức Đoàn là đại diện cho hình ảnh người CSND “hiếu với dân” – một phẩm chất mà lâu nay bị mai một trong một bộ phận công quyền.
Cây cầu Chương Dương giờ đã vắng bóng người cảnh sát giao thông già tận tụy Lê Đức Đoàn. Những chuyến xe bình yên vẫn đi về mà thiếu vắng một cử chỉ thân thiện, một nụ cười khiến cho những người lái xe trách nhiệm hơn với tay lái của mình.
Về hưu, một chặng dừng trong quy luật. Nhiều vị “đầy tớ” nghỉ hưu trong quên lãng, nhạt nhoà hệt như quãng đời đương nhiệm. Nhưng với ông, người cảnh sát già, đó là giây phút đáng nhớ bên cây cầu trong dòng người lạ quen xuôi ngược.
Không phải trên diễn đàn Quốc hội với nhiều báo cáo “sách vở” dài dòng của các “dân biểu” mà ngay giữa thực tế đời sống muôn nỗi, người dân đã dành tặng ông biết bao lời chúc tốt đẹp, bởi đơn giản ông là đại diện cho hình ảnh người cảnh sát nhân dân “hiếu với dân” – một phẩm chất mà lâu nay bị bôi xoá trong một bộ phận công quyền.
Hình ảnh quen thuộc của anh CSGT Lê Đức Đoàn (Ảnh: Hoàng Anh/Tri Thức)
Ca trực cuối của người CSGT già: Dân bịn rịn chia tay, nước mắt rơi
Ông “dạy” cho mỗi chúng ta bài học về sự liêm sỉ trong nghề nghiệp, về sự tử tế trong cuộc sống quá nhiều phiền nhiễu này. Câu chuyện bình dị về ông càng khẳng định nguồn sức mạnh cảm xúc xã hội luôn đến từ những điều chân thực. Sự minh bạch trong veo như ánh ngày hiện hữu từng phút từng giây trên cây cầu quen thuộc với những hành xử đầy tính thiện.
Trước đó ở một chiều ngược lại, vụ nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn khai man lý lịch để nhận danh hiệu Anh hùng bị dư luận phán xét như một vệt đen của sự gian trá, thiếu minh bạch.
Những trường hợp liên quan đến chuyện chạy danh hiệu, giả bằng cấp, đạo công trình, sản phẩm, đạo tên tuổi… nhan nhản trong một xã hội thật – giả lập loè “tranh tối tranh sáng”. Một “cơ chế” phân chia danh hiệu theo chức vụ; một “cơ chế” thành tích thì nhận, trách nhiệm thì thoái thác… đang triệt tiêu những mầm tích cực…
Rất gần, đâu đây quanh ta, có nhiều người cả đời cần mẫn làm việc tốt, hy sinh, không toan tính hơn thua. Sự cống hiến của họ làm xúc động bao người. Nhưng họ luôn bị rơi ra khỏi các danh hiệu. Họ không nắm giữ cương vị cao, không nằm trong nhóm quyền lợi nào. Họ từ chối bổng lộc, nhường danh hiệu cho người khác.
Thật bất công vô cùng khi những kẻ “thiếu minh bạch” cứ lần lượt ôm hết danh hiệu này đến danh hiệu khác. Ai sẽ làm cái việc trả lại sự công bằng đó hay chỉ là tầng tầng lớp lớp nhân dân với sự công tâm tuyệt đối vượt thời gian.
Video đang HOT
Nhưng đã đến lúc, công tác thi đua, xét danh hiệu… phải có những thay đổi từ gốc. Kiểu khen thưởng “mặt trận” nặng hình thức “xin-cho” đã tạo nên “cơ chế” để sự gian dối tiếp tục sống ngang nhiên.
Đặc biệt, góp phần huỷ hoại những cá nhân “thân cô thế cô” lặng thầm làm việc và chịu thiệt thòi, là những nhóm lợi ích o bế nhau, tranh giành từ bằng khen, danh hiệu, các suất ưu tiên cho đến những khoản bổng lộc “đi đêm”.
Minh bạch, công khai, dân chủ trong công tác thi đua, trong bộ máy điều hành từ trên xuống dưới sẽ đẩy lùi những bè nhóm gian trá, vun vén lợi ích, dập vùi những cá nhân yếu thế…
Hãy để người dân sáng suốt lựa chọn những người tài năng, đức độ. “Người dân chưa sai bao giờ!”. Chiều dài lịch sử dân tộc đã chứng minh cho chân lý đó./.
Theo VOV Online
Thượng tá Lê Đức Đoàn kể lần 'khắc chế thần chết' đáng nhớ nhất
Người cảnh sát giao thông thủ đô ưu tú kể về kỷ niệm cứu người tự tử trên cầu Chương Dương sau 20 năm công tác.
Nhắc tới Thượng tá Lê Đức Đoàn - cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), mỗi người dân thủ đô luôn nhớ về những điều "đặc biệt" khiến người dân an tâm khi lưu thông qua cầu Chương Dương.
20 năm nở nụ cười trên cầu Chương Dương
Một người CSGT luôn vẫy tay chào, nở nụ cười thân thiện với người đi đường. Và đặc biệt hơn, Thượng tá Đoàn là người đã ngăn hàng chục người có ý định tự tử trên cầu Chương Dương.
Chia sẻ với PV, Thượng tá Đoàn nói: "Ngày làm việc cuối cùng trong lực lượng CSGT Hà Nội, bản thân tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Nuối tiếc cũng có, rồi sẽ phải làm quen với cuộc sống khi không còn công tác trên những con đường của thủ đô nữa".
Thượng tá Đoàn đã có 20 năm gắn bó với chốt giao thông phía Nam cầu Chương Dương. Hình ảnh một CSGT chân chất, luôn nở nụ cười với người tham gia giao thông, luôn tận tình hướng dẫn cho người dân về luật giao thông, về ý thức tham gia giao thông.
Thượng tá Lê Đức Đoàn luôn nở nụ cười thân thiện khi làm nhiệm vụ trên cầu Chương Dương
Với Thượng tá Đoàn, cầu Chương Dương là một địa điểm rất đặc biệt, gắn bó cả quá trình công tác đối với ông.
"Cầu Chương Dương là một chốt giao thông rất nhạy cảm, đồng thời là tuyến cầu huyết mạch nối giữa ngoại thành và nội thành, giữa nội thành với các vùng lân cận của Hà Nội. Không những thế, nơi này còn là chỗ thường xuyên xảy ra các vụ tự tử", thượng tá Đoàn nói.
Niềm vui lớn nhất với Thượng tá Đoàn là sự cởi mở, thân thiện mà những người tham gia giao thông dành cho ông, cùng với đó là sự kính mến, nể phục về hình ảnh một người cảnh sát giao thông ưu tú.
Thượng tá Đoàn chia sẻ, hàng ngày, đều có người dân đi qua cầu, dừng xe lại hỏi thăm hay chúc sức khỏe ông. Đặc biệt, dịp sinh nhật hay ngày thương binh liệt sĩ 27/7, nhiều người dân ghé vào chốt giao thông để thăm hỏi, chúc mừng.
"Điều hạnh phúc và may mắn nhất đối với người cảnh sát giao thông là được người dân tin yêu, tôi còn bất ngờ vì nhiều người biết ngày sinh nhật tôi", Thượng tá Đoàn cười nói.
Hình ảnh người CSGT được rất nhiều người dân yêu quý
Ngày cuối cùng trước khi được nghỉ hưu theo chế độ, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn không ngừng nghỉ. Ông làm việc nhiệt tình, trách nhiệm đến giờ phút cuối cùng.
Khắc tinh "thần chết"
Gần 20 năm làm công tác đảm bảo trật tự trên cầu Chương Dương, Thượng tá Đoàn đã ra tay cứu giúp gần 40 người có ý định tự tử. Hôm nay, khi không còn công tác trên cây cầu Chương Dương nữa, Thượng tá Đoàn vẫn luôn mong muốn sẽ không có ai dại dột tìm đến cây cầu này để quyên sinh nữa.
"Mỗi người dân được tôi cứu trên cầu Chương Dương, tôi đều nhớ rất kĩ về họ. Nhưng ấn tượng nhất thì có lẽ là trường hợp của một cô gái rất trẻ đẹp quê ở Nam Định.
Cô ấy lấy chồng ở Long Biên nhưng sau đó hai vợ chồng mâu thuẫn trong cuộc sống khiến cô gái rơi vào tình trạng bế tắc, muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân", Thượng tá Đoàn nhớ lại.
Thượng tá Đoàn làm nhiệm vụ trong ngày cuối cùng trước khi nghỉ hưu
Theo Thượng tá Đoàn, thời điểm mùa đông năm 2012, ông đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở đầu cầu thì nhận được tin báo của người dân về việc có một cô gái đang có ý định nhảy cầu tự tử.
Đến nơi, Thượng tá Đoàn khuyên can, động viên cô gái đừng làm điều dại dột, nhưng cô gái vẫn một mực muốn tìm đến cái chết.
"Tôi chạy nhanh vào vị trí cô gái đang đứng, đúng lúc cô gái buông tay thì tôi bám chặt và giữ được cô ấy, đưa cô ấy lên cầu an toàn. Biết mình còn sống, cô ấy ôm chặt lấy tôi khóc nức nở", Thượng tá Đoàn kể.
Điều đặc biệt, khi đến khuyên can những người trẻ có ý định tự tử, "người công dân ưu tú của thủ đô" đều xưng hô với họ bằng cái tên thân mật "bố - con". Chính nhờ sự tình cảm, khéo léo và cách xưng hô thân mật ấy mà họ đã từ bỏ ý định dại dột của mình.
Năm 2012, Thượng tá Đoàn được Đảng bộ chính quyền nhân dân thủ đô tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú.
Năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2014, được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công.
Cho đến giờ phút cuối cùng của ngày làm việc khi nghỉ chờ nghỉ hưu theo quy định của ngành, Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân Thủ đô ưu tú vẫn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, hiệu quả với công việc. Nụ cười của người cảnh sát giao thông sẽ còn được người dân nhớ mãi trên cầu Chương Dương.
Theo VTC
Ngày làm việc cuối cùng của người CSGT Công dân Thủ đô ưu tú Cho đến giờ phút cuối cùng của ngày làm việc khi nghỉ chờ hưu theo quy định của Ngành, Thượng tá Lê Đức Đoàn-Công dân Thủ đô ưu tú vẫn tận tâm, tận lực, trách nhiệm, hiệu quả với công việc. Nụ cười anh như tỏa nắng trên cầu Chương Dương, ánh mắt vẫn đau đáu với tình hình giao thông Thủ đô......