Thương lái ráo riết lùng mua vảy cá ở miền Tây để làm gì?
Đó là câu hỏi của nhiều người dân ở miền Tây, đặc biệt là ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp khi thời gian gần đây thương lái lùng mua rất nhiều loại vảy cá với số lượng không giới hạn. Việc thu mua này qua rất nhiều trung gian và không ai biết mua để làm gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, khu vực chế biến khô (khoảng 30 cơ sở) ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang rộ lên việc bán vảy cá lóc, cá sặc cho thương lái.
Số vảy cá được cho vào từng túi nylon.
Anh Nguyễn Thành Thức (28 tuổi) – một trong những chủ cơ sở ở xã Phú Thọ cho biết, trước đây, vảy cá này được người dân bỏ đi, ảnh hưởng đến môi trường. Từ đầu năm 2019, bỗng nhiên có người đến đặt vấn đề hỏi mua.
“Vảy cá lóc, cá sặc này trước đây là phế phẩm bỏ đi, nay tự nhiên có người mua nên tôi bán với giá 4.000 đồng/kg, mỗi ngày thu tiền vảy cá cũng có khoảng vài trăm ngàn đồng” – anh Thức nói.
Video đang HOT
Thay vì bỏ đi, các cơ sở chế biến khô ở Đồng Tháp bán vảy cá lấy tiền trả lượng cho nhân công
Anh Thức nói thêm: “Tôi từng hỏi mua vảy cá để làm gì nhưng họ chỉ nói mua về cất trong kho. Sau đó, sẽ có người từ TP.HCM xuống thu mua. Việc thu mua này qua rất nhiều trung gian và cũng không biết rõ ai là người mua cuối cùng”.
Nhân công tách vảy cá cho các chủ cơ sở chế biến khô
Một người phụ nữ chuyên đi thu gom vảy cá nơi đây tiết lộ: “Tôi ở địa phương này, trước đây, có người đến gặp và đặt mua vảy cá nên tôi quyết định đi mua đem về kho bảo quản, cứ 1 – 2 ngày là có xe tải đến lấy hàng. Tôi cũng không rõ họ mua để vận chuyển đi đâu”.
Nhiều chủ cơ sở chế biến khô nơi đây cho biết, ngoài vảy cá lóc, cá sặc, các loại vảy cá khác đều được thương lái thu mua hết với số lượng không hạn chế. Trung bình 1 tấn cá nguyên liệu sẽ cho ra trên 100kg vảy cá. Nhiều cơ sở dùng số tiền bán vảy cá để trả lương cho nhân công làm khô.
Một người phụ nữ đến thu gom vảy cá để bán lại cho thương lái.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Hồng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Nông cho biết, mặc dù đã đi tìm hiểu nhưng địa phương vẫn không biết thương lái thu mua vảy cá để làm gì.
“Đa số người đi thu mua vảy cá là dân địa phương còn thương lái đến mua gom thì không rõ từ nơi nào. Việc mua bán này cũng đã diễn ra khá lâu. Vảy cá được mua với nhiều mức giá khác nhau tuỳ vào từng thời điểm” – ông Hồng nói.
Theo Danviet
Chuyện lạ có thật: Thương lái tranh mua vảy cá miền Tây với giá cao
Thời gian gần đây, người dân ở làng khô Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thấy bất thường khi có nhiều thương lái tranh nhau mua vảy cá lóc, cá sặc rằn. Đáng nói, thứ bỏ đi này ban đầu chỉ 500 đồng/kg nhưng nay tăng lên 10.000đồng/kg.
Từ thông tin phản ánh của người dân, PV tìm đến làng khô Phú Thọ tìm hiểu sự việc thì đúng như người dân phản ánh. Tại đây, theo người dân cho biết, việc thương lái thu mua vảy cá đã xuất hiện từ năm 2017, tuy nhiên thời điểm này giá chỉ có 500 đồng/kg còn hiện tại là 5.000 đồng/kg, thậm chí tăng lên 10.000 đồng/kg.
Một người dân chuyên thu mua cá lóc rồi làm khô bán cho biết, ban đầu những người thu mua vảy cá chỉ có 500 đồng/kg, sau đó tăng dần lên 2.000 đồng/kg. Thời gian gần đây có thêm nhiều thương lái khác đến tranh mua, giá từ 10.000 -12.000 đồng/kg.
Nhiều người dân ở làng khô Phú Thọ không hiểu các thương lái thu mua vảy cá để làm gì, tuy nhiên với họ bán được thứ bỏ đi này có thêm chút thu nhập
Còn theo ông Đỗ Công Bình - giám đốc Công ty CP khô Tứ Quý (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua có nhiều thương lái đến gặp ông bàn chuyện thu gom vảy cá từ những hộ làm khô. Vảy cá họ thu mùa chủ yếu là cá lóc, cá sặc rằn.
Tuy nhiên ông Bình từ chối hợp tác, vì ông thấy giá thu mua không ổn định, hơn nữa tạm trữ loại này trong nhà dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh ruồi, ảnh hưởng đến chất lượng khô của công ty ông.
Cũng theo ông Bình, nhiều lần hỏi thăm những người thu mua vảy cá để nhằm mục đích gì, tuy nhiên các thương lái không cho biết. Ông Bình nói: "Vảy cá lóc, cá sặc rằn lượng collagen rất ít, nếu họ mua về chỉ có thể xay ra làm thức ăn cho cá".
Còn bà Võ Thị Lệ Hoa thu gom vảy cá cho một thương lái ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) gần 1 năm nay. Tuy nhiên, bà cũng cảnh giác với cách mua bán lạ đời này bằng cách yêu cầu thương lái đặt cọc 20 triệu đồng, bà mới đồng ý thu gom vảy cá.
Bà Hoa còn cho biết thêm, thời gian gần đây có thêm nhiều thương lái đến thu mua vảy cá. Họ đưa ra giá cao nhưng bà không bán vì đã nhận lời cung cấp hàng cho một thương lái ở TP Cao Lãnh.
Trước đây vảy cá chỉ bỏ đi, phần đầu, xương cá người dân bán cho những hộ nuôi cá trong vùng. Nhưng hiện nay có thương lái thu mua vảy cá nên giúp cho người dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên nhiều người dân đặt câu hỏi, chẳng biết các thương lái mua vảy cá để làm gì?
Liên quan chuyện thương lái thu mua vảy cá, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tam Nông vẫn chưa nắm thông tin. Sau khi báo chí phản ánh, đơn vị này cho biết sẽ tìm hiểu vụ việc.
Theo Nguyễn Hành (Dân Trí)
Anh Hai Lúa miền Tây là tỷ phú vì có cánh đồng trù phú 30ha Cần cù lao động, biết tiết kiệm vốn liếng, luôn tìm tòi, học hỏi, đam mê sáng tạo và áp dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng là bí quyết thành công của anh Đặng Minh Vương (SN 1974) ở ấp Gò Cát, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Thu cả tỷ đồng nhờ cây...